Tuyên ngôn, Sắc chỉ, Thông điệp… Tìm hiểu phẩm trật của các tài liệu do Vatican công bố
Tý Linh
2024-01-09T09:58:01-05:00
2024-01-09T09:58:01-05:00
http://cuucshuehn.net/Tai-lieu/tuyen-ngon-sac-chi-thong-diep-tim-hieu-pham-trat-cua-cac-tai-lieu-do-vatican-cong-bo-13043.html
http://cuucshuehn.net/uploads/news/2024_01/dtc_giaotrieu.jpeg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ ba - 09/01/2024 09:53
Tuyên ngôn, tông thư, tông huấn, tín điều, sắc chỉ, thông điệp… Làm thế nào phân biệt được các văn bản khác nhau do Tòa Thánh công bố? Chúng ta có phải tuân phục chúng không? Đâu là vị trí của chúng trong Giáo hội Công giáo?
Tự sắc, sắc chỉ, tuyên ngôn: những cách gọi này chỉ rõ các phong cách khác nhau của các văn bản giáo hoàng do Tòa thánh ban hành mà không ảnh hưởng đến bất kỳ hình thức phẩm trật nào giữa chúng. Thật vậy, hầu hết thường không phát sinh từ ơn bất khả ngộ của Giáo hoàng, nhưng đến từ huấn quyền đích thực thông thường của ngài. Do đó, chúng liên quan đến giáo huấn hiện hành của Giáo hội, khi Đức Giáo hoàng không tuyên bố chúng từ ngai tòa (ex cathedra), nghĩa là với tư cách mục tử không thể sai lầm của Giáo hội.
Tín điều (Dogme)
Từ tiếng Hy Lạp dogma, nghĩa là “niềm tin”, một tín điều là một chân lý đức tin được chứa đựng trong Mặc khải. Đó là một lời khẳng định long trọng chỉ có thể được ban hành bởi một công đồng hoặc bởi Đức Giáo hoàng, khi ngài sử dụng một cách rõ ràng ơn bất khả ngộ của mình. Trong số các tín điều, có thể kể đến một số tín điều như Thiên Chúa Ba Ngôi, hai bản tính của Chúa Kitô, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa hay sự biến thể…. Mọi người Công giáo đều phải tin theo. Những bất đồng liên quan đến các tín điều là nguồn gốc của những cuộc ly giáo vốn chia rẽ Giáo hội hoàn vũ.
Hiến chế tín lý (Constitution dogmatique)
Hiến chế tín lý là một tài liệu long trọng của Giáo hội: đối tượng của nó liên quan đến các chân lý đức tin. Trên thực tế, đó là bốn hiến chế công đồng được Công đồng Vatican II ban hành. Các hiến chế tín lý đã được biểu quyết và được Đức Giáo hoàng Phaolô VI long trọng ban hành vào năm 1965: Hiến chế về Phụng vụ thánh – Sacrosanctum concilium, Hiến chế tín lý về Giáo hội – Lumen gentium, Hiến chế tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa – Dei Verbum và Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay – Gaudium et Spes. Trong số đó, nổi tiếng nhất vẫn là Hiến chế Dei Verbum. Mọi người Công giáo đều phải tin theo.
Tông hiến (Constitution apostolique)
Tông hiến là một văn bản tương đương với một đạo luật trong lĩnh vực dân sự. Nó xuất phát từ chính Đức Giáo hoàng và quy định pháp lý, theo Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), về “các vấn đề về tín điều, kỷ luật chung hoặc cơ cấu của Giáo hội” và dấn thân ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng vì ngài dấn thân thẩm quyền của mình với nó. Chẳng hạn, chính Tông hiến Munificentissimus Deus đã xác định vào năm 1950 tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, khẳng định rằng Đức Maria đã lên trời với thân xác của Mẹ. Mọi người Công giáo đều phải tin theo.
Sắc lệnh (Décret)
CEF giải thích, các sắc lệnh là “các hành động cai quản của hàng giáo phẩm của Giáo hội có liên quan đến các quy tắc của các công đồng và một số quyết định chính thức của các Đức Giáo hoàng”. Một sắc lệnh không chỉ do Đức Thánh Cha ban hành mà rộng hơn là do giáo triều Rôma phát hành và xây dựng. Một sắc lệnh được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu: giáo luật thực sự nhấn mạnh rằng các sắc lệnh “thực chất là các luật lệ”. Mọi người Công giáo đều phải tin theo.
Sắc chỉ giáo hoàng (Bulle pontificale)
Một Sắc chỉ giáo hoàng là một lá thư long trọng, được niêm phong bằng một con dấu bằng chì hoặc một con dấu bằng sáp: đây chính là điều mang lại tên gọi của nó (từ tiếng Latinh bulla, con dấu). Một Tông hiến có thể được trình bày dưới hình thức một sắc chỉ. Nếu hình thức này là long trọng nhất, thì không phải vì thế mà tài liệu được trao cho một thẩm quyền huấn quyền lớn hơn. Một sắc chỉ có thể đặc biệt thông báo một cuộc bổ nhiệm giám mục, phong thánh hoặc xác định tín lý.
Thông điệp (Encyclique)
Thông điệp là một lá thư long trọng được Đức Thánh Cha gửi đến toàn thể Giáo hội hoặc các giám mục, của một khu vực hoặc thế giới, hay cho những người thiện chí bên ngoài Giáo hội. Nó nêu rõ quan điểm của Giáo hội Công giáo về một chủ đề cụ thể, chẳng hạn như tình bạn (Fratelli tutti), hệ sinh thái (Laudato si’) hay niềm hy vọng (Spe salvi). Nói đúng ra, không phải mọi người Công giáo đều được yêu cầu phải tin theo.
Tông huấn (Exhortation apostolique)
Giống như thông điệp, tông huấn được gửi tới Giáo hội hoàn vũ hoặc tới các giám mục, đồng thời cũng nêu quan điểm chính thức của Tòa thánh về một chủ đề cụ thể. Tuy nhiên, hơn cả một thông điệp, theo CEF, nó trình bày nhiều hơn “những kết luận của Đức Thánh Cha đối với sự suy tư tập thể, giống như suy tư của một Thượng hội đồng Giám mục”. Đây là trường hợp của Amoris Laetitia, vốn “khích lệ” sống “tình yêu trong gia đình”. Nó liên quan đến chức năng mục vụ của Đức Giáo hoàng, chứ không phải đến ơn bất khả ngộ của ngài: nói đúng ra, không phải mọi người Công giáo đều bị buộc phải tin theo.
Tự sắc (Motu proprio)
Theo nghĩa đen là “theo ý kiến riêng của mình”, hành vi lập pháp này tương đương với một sắc lệnh, nghĩa là một quyết định được ban hành bởi thẩm quyền của Đức Giáo hoàng, người hành động theo sáng kiến của chính mình chứ không phải để đáp ứng một lời thỉnh cầu. Ví dụ, tự sắc Traditionis Custodes trình bày quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc sử dụng phụng vụ Rôma. Nó không thuộc ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng.
Tuyên ngôn (Déclaration)
Một tuyên ngôn, Tòa Thánh giải thích trong khuôn khổ công bố Fiducia supplicans, “đưa ra một đóng góp đặc thù và sáng tạo cho ý nghĩa mục vụ [của một hành vi của Giáo hội nhằm] mở rộng và làm phong phú thêm sự hiểu biết cổ điển”. Trên thực tế, đây là một “sự suy tư thần học, dựa trên tầm nhìn mục vụ của Đức Thánh Cha”. Một Tuyên ngôn không có giá trị pháp lý hay tín lý: nó dấn thân Đức Giáo hoàng nhưng không thuộc ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng. Nói đúng ra, không phải mọi người Công giáo đều bị buộc phải tin theo.
Bản Phúc đáp (Responsum)
Bản Phúc đáp không đưa ra bất kỳ đóng góp mới nào: mục đích của nó là nhắc lại giáo lý của Giáo hội. Trái lại, nó mang lại một sự soi sáng của Huấn quyền, nghĩa là nhân danh Giáo hội, để tránh những rắc rối hoặc mâu thuẫn mà một tuyên ngôn có thể mang lại, với mục đích duy trì sự trung thành với truyền thống và sự hiệp nhất của Giáo hội. Nó gắn liền với Huấn quyền nhưng không thuộc ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng.
Tông thư (Lettre apostolique)
CEF giải thích: Một tông thư là một tài liệu long trọng do Vatican ban hành, trong đó Đức Thánh Cha gửi “cho một quan chức của Giáo hội, hoặc cho một nhóm tín hữu”. “Do đó, ngài mong muốn làm cho họ nhận thức được một định hướng hoặc một giáo huấn liên quan đến người nhận này hay người nhận kia. Nó không có tầm mức phổ quát, nhưng nó cũng nhằm mục đích trở thành một bức thư ngỏ.” Các tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô thường mang hình thức một Tự sắc. Chúng không thuộc về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng.
“Thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức”
Tuy nhiên, cho dù một số tài liệu không buộc phải tin và không thuộc về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng, nhưng Công đồng Vatican II, trong Hiến chế tín lý về Giáo hội – Lumen Gentium, đã dạy rằng “thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức này về mặt ý chí cũng như lý trí phải được đặc biệt dành cho huấn quyền đích thực của vị Giám mục Rôma, ngay cả khi ngài không tuyên bố từ thượng toà, ex cathedra; như vậy có nghĩa là ta phải kính cẩn nhìn nhận quyền giáo huấn tối thượng của ngài, chân thành chấp nhận những phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn mà ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua bản chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài nhiều lần lập lại cùng một giáo huấn hay qua cách diễn tả của ngài.” (số 25).
Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng
Nói về ơn bất khả ngộ của Đức Thánh Cha, Hiến chế Lumen Gentium khẳng định: “Vị Giám mục Rôma, Thủ lãnh của Giám mục đoàn, hưởng ơn bất khả ngộ đó do chức vụ của mình khi, với tư cách là chủ chăn và thày dạy tối cao của mọi tín hữu, là người củng cố đức tin anh em mình (x. Lc 22,32), ngài công bố giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết tuyệt đối. Vì lẽ này, thật hợp lý khi nói rằng những xác quyết của ngài là không thể sửa đổi do tự bản chất chứ không phải do sự đồng ý của Giáo hội, vì những điều đó được công bố dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần mà Chúa đã hứa ban cho ngài trong thánh Phêrô, như vậy, không cần ai khác chuẩn nhận và không phải nại tới một phán quyết nào khác. Thật vậy, vị Giám mục Rôma không đưa ra xác quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo thuyết đức tin công giáo với tư cách là thầy dạy tối cao của toàn thể Giáo hội, nơi ngài, đặc sủng bất khả ngộ của chính Giáo hội hiện diện một cách đặc biệt” (số 25).
Còn về “từng Giám mục riêng rẽ không được hưởng đặc ân bất khả ngộ, tuy nhiên, khi các ngài đồng thuận trong một phán quyết phải được tuân giữ cách tuyệt đối, thì dù đang phân tán khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn duy trì sự hiệp thông với nhau và với Đấng kế vị thánh Phêrô trong lúc chính thức dạy dỗ về đức tin và phong hoá, các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo lý của Đức Kitô” (số 25).
Thẩm quyền của Giám mục đoàn luôn trong sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng
Cũng Hiến chế này đã nói về Giám mục đoàn như sau: “Giám mục đoàn hoặc cộng đoàn Giám mục chỉ có quyền bính khi hợp nhất với Giám mục Rôma, Đấng kế vị thánh Phêrô, như là với Thủ lãnh của Giám mục đoàn, trong khi quyền tối thượng của ngài trên tất cả các Chủ chăn và tín hữu vẫn được bảo toàn trọn vẹn. Thật vậy, do chức vụ của mình là đại diện Đức Kitô và là Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội, Giám mục Rôma có thẩm quyền trọn vẹn, tối cao và phổ quát trong Giáo hội và luôn có thể tự do thực thi quyền bính này. Hàng Giám mục, những người kế vị Tông đồ đoàn trong việc huấn giáo và điều hành mục vụ, hơn nữa còn làm cho cộng đoàn Tông đồ ấy được trường tồn, khi hợp nhất với vị Thủ lãnh là Giám mục Rôma, và không bao giờ tách rời khỏi ngài, Giám mục đoàn mới là chủ thể có quyền hành trọn vẹn và tối cao trên Giáo hội phổ quát, nhưng quyền bính này chỉ có thể được thực thi khi có sự ưng thuận của Giám mục Rôma.” (số 22).
Tý Linh (theo Morgane Afif, Aleteia; và Hiến chế Lumen Gentium (bản dịch của Phân khoa thần học, Giáo hoàng học viện thánh Piô X, Đà Lạt)).