Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô-Hữu: Năm Đức Tin, hiệp nhất Kitô hữu trên nền tảng Đức Tin

Thứ hai - 14/01/2013 08:35

-

-
Cao điểm Phụng Vụ Tháng 1 là Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất Các Kitô-Hữu, từ 18 đến 25-1-2013. Nghi thức cầu nguyện nầy được các Giáo Hội Kitô – Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, đồng thuận cùng nhau tổ chức.
NĂM ĐỨC TIN:
HIỆP NHẤT KITÔ-HỮU TRÊN NỀN TẢNG ĐỨC TIN


 
Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô-Hữu
 
Cao điểm Phụng Vụ Tháng 1 là Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất Các Kitô-Hữu, từ 18 đến 25-1-2013. Nghi thức cầu nguyện nầy được các Giáo Hội Kitô – Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, đồng thuận cùng nhau tổ chức. Trong lịch sử của Giáo Hội đã có nhiều xích mích chia rẽ đáng tiếc giữa các Kitô-hữu, nặng nề nhất là thế kỷ 11, năm 1054, giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo; rồi thế kỷ 17 giữa Anh Giáo và Công Giáo. Dù vậy, trong các Giáo Hội, luôn luôn có tinh thần hướng về hiệp nhất từ mọi phía, nhất là từ năm 1800. Đến năm 1908, Paul Wattson, Giáo sĩ Anh Giáo tại Hoa Kỳ, đề nghị cầu nguyện cho Hiệp Nhất trong 8 ngày:
 
Ở Bắc Bán Cầu, từ 18 đến 25-1, với ngày 18-1 là ngày nhớ đến sự kiện “Tông đồ Phêrô bị bắt, bị khóa vào hai cái xiềng và có lính canh giữ nghiêm nhặt. Thế mà thiên sứ đánh thức: Đứng dậy mau đi. Xiềng xích liển tuột khỏi tay ông” (Cv 12: 6-11); và 25-1 là “Lễ Phaolô Tông đồ trở lại”.
 
Ở Nam Bán Cầu, tháng 1, vào Mùa Hè, là thời kỳ nghỉ hè, nên phải chọn một thời điểm khác, như từ Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (50 ngày sau Lễ Phục Sinh), năm nay 19-5-2013.
 
Đề nghị nầy được Giáo Hội Công Giáo nhiệt tình hưởng ứng. Sau đó, những qui định chung của các Giáo Hội về tổ chức Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô-hữu, như chủ đề và tài liệu được soạn bởi Ùy Ban hỗn hợp Quốc tế gồm Hội Đồng Đại Kết Các Giáo Hội (Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống) và Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô-hữu của Tòa Thánh Vatican. Các Hội Đồng cấp quốc gia, địa phương, đưa tài liệu áp dụng vào nghi thức cầu nguyện. Đặc biệt, mỗi năm việc cầu nguyện được giao cho một Giáo Hội có trách nhiệm chọn chủ đề và diễn giải áp dụng vào việc cầu nguyện làm sao cho phù hợp với tinh thần hiệp nhất.
 
Cụ thể 2013, Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất thứ 105 (1908-2013) được giao cho Giáo Hội tại Ấn Độ với Ủy Ban Đại Kết gồm Các Phong Trào Sinh Viên Kitô-giáo (PTSVKG) hợp tác với Liên Hội Đại Học Công Giáo và Hội Đồng các Giáo Hội tại Ấn Độ. Các PTSVKG nhận thấy tình trạng tại Ấn, trong xã hội, chính trị, tôn giáo, có giai cấp “hạ dân” hay Dalits là lớp dân thấp nhất trong xã hội, được đánh giá là “yếu kém nhất, bị khai thác về kinh tế và phục vụ nô dịch văn hóa, mà có đến 80 phần trăm người Kitô-hữu Ấn lại thuộc thành phần Dalits, tương tự dân Do-Thái thời còn làm nô lệ tại Ai cập, được các tiên tri như Mica (thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên) động lòng thương xót. Do đó, PTSV Kitô-Giáo đã lấy một trích đoạn trong Sách Tiên tri Mi-ca (Mi 6: 6-8) làm Bài Đọc Thánh Kinh hầu suy gẫm thêm về Lời Chúa.
 
Chủ Đề: “Thiên Chúa đòi hỏi gì nơi chúng ta?”
 
Bài Đọc: “Tôi phải lấy gì mà ra nghênh đón Ya-vê, mà phục lạy Thiên Chúa ở chốn cao xanh? Phải chăng tôi sẽ ra nghênh đón Người với lễ thượng hiến, với bê chẵn năm? Phải chăng Ya-vê sẽ chiếu nhận ngàn ngàn cừu đực, với vạn vạn thác dầu? Phải chăng tôi phải dâng con đầu lòng vì tội của tôi, hoa quả lòng dạ tôi vì lỗi đời tôi? Người sẽ mặc khải cho ngươi, hỡi người, cái gì là thiện, và Ya-vê đòi ngươi điều gì? Không gì khác là thi hành công lý, yêu chuộng nhân nghĩa và túc kính đi với Thiên Chúa ngươi thờ.” (Mi 6: 6-8)
 
(Lời rao giảng của Tiên tri Mi-ca gồm có 7 Chương nói về:
 
1. Hạch tội Israel
2.Sự tham lam của hạng người thế tục
3. Hạch tội kẻ áp bức nhân dân
4. Những lời hứa cho Sion
5. Về Bê-lem Êphrata
6. Hạch tôi Israel lần nữa 
7. Một xã hội đảo điên, với Hy Vọng và thời thái lai hứa cho Sion.)
 
Lời Chúa trong Sách Tiên tri Mi-ca có chủ ý nêu lên sự khác biệt giữa đòi hỏi của những kẻ có quyền thế, kể cả các tư tế, và đòi hỏi cùa Ya-vê, Thiên Chúa: Người thế tục nói đến “lễ thượng hiến với bê chẵn năm, với ngàn ngàn dê đực, vạn vạn thác dầu; phải dâng con đầu lòng và hoa quả lòng dạ tôi vì tội lỗi đời tôi.” Trong khi Ya-vê Thiên Chúa chỉ “đòi hỏỉ điều thiện, thi hành công lý, yêu chuộng nhân nghĩa và túc kính đi với Thiên Chúa ngươi thờ.”
 
Ủy Ban Đại Kết cũng ghi lại ý chỉ cầu nguyện và quyết tâm tiêu biểu mỗi ngày trong 8 ngày, như:
 
Ngày thứ nhất: Các Kitô-hữu cùng chung một Đức Tin, hãy tiến bước trong đối thoại và trao đổi để vượt qua các trở ngại chia ly vì những bất đồng theo tính xác thịt loài người.
 
Ngày thứ hai: Gắn bó trong Đức Tin vào Thiên Chúa và mầu nhiệm Thánh Thể, xin hãy tiến bước với thân xác đầy thương tích của Đức Giêsu Kitô chịu khổ hình, chịu đóng đinh, để đồng hành với những ai bị bầm dập giữa cõi trần. Trong cùng một Bí tích Rửa Tội, xin hãy hiệp nhất nên một như các cành nho trên thân nho: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thấy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái” Ga 15: 5)
 
Ngày thứ ba: Điều căn bản của hiệp nhất là chuyên cần nghe Lời Chúa vì dù thuộc Giáo Hội nào các tông đồ (Giám mục, Linh mục) đều rao giảng Lời từ Chúa Cha ban ra, như trích thuật của Th. Gioan: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian, con đã cho họ biết danh Cha. Cha đã ban họ cho con vì họ đã tuân giữ lời Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con” (Ga 17: 6-8)
 
Ngày thứ tư: Cùng vững tin vào Đức Kitô, các Kitô-hữu hiệp nhất tiến bước đến tự do. Hãy cùng đồng hành và gắn bó với những ai bị áp bức để cùng tiến lên. Hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân Đức Tin đã ban cho chúng ta hầu sống xứng đáng không bị gọi là “những kẻ kém đức tin” (Mt 6: 30).
 
Ngày thứ năm: Các Kitô-hữu hiệp nhất trong Đức Tin hãy cùng tiến bước như bạn hữu của Chúa Giêsu. Người là tình yêu nhắc bảo chúng ta hãy thương yêu nhau như Chúa thương yêu chúng ta.
 
Ngày thứ sáu: Hãy cầu nguyện cho các Kitô-hữu hiệp nhất trong cùng một Đức Tin, vượt mọi hàng rào ngăn trở như lời Th. Phaolô, Tông đồ: “Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn tin tưởng đến gần Thiên Chúa. Xin cho anh em, nhờ lòng tin được Đức Kitô ngự trong tâm hồn. Như vậy anh em được đầy tràn sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3:12,17, 19)
 
Ngày thứ bảy: Các Kitô-hữu hãy tiến bước trong tình đoàn kết tin cậy và có lòng khiêm nhượng với Thiên Chúa. Hãy đoàn kết với mọi người thiện tâm đấu tranh cho công lý và hòa bình.
 
Ngày thứ tám: Các Kitô-hữu hãy tiến bước cầu nguyện và mừng lễ như dấu chỉ hy vọng vào Thiên Chúa và công lý của Người. Hãy vững tin rằng nếu đẹp lòng Chúa thì mọi sự sẽ đến. Sự hiệp nhất Kitô-hữu được thể hiện khi Thiên Chúa muốn và ban mọi phuơng cách đạt đến kết quả.
 
Đôi Điều Gợi Ý: Khi trình bày về Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô-hữu, chúng tôi thành tâm ước mong Quý Niên Trưởng và Quý Anh Em Cựu Chủng Sinh Huế hãy tha thiết cầu nguyện cho hồng ân hiệp nhất sớm thể hiện, hầu con cái Chúa trở về cùng một Chúa.
 
Đặc biệt Năm Đức Tin kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vaticanô II (1962-2012), xin hãy dùng Văn Kiện của Công Đồng Vaticanô II là Sắc Lệnh về Hiệp Nhất - Unitatis Redintegratio (21-11-1964) để làm tài liệu học tập về Hiệp Nhất các Kitô-hữu theo đúng ý chỉ của Hội Thánh.
 
Năm Đức Tin (2012-2013) cũng kỷ niệm 20 năm (1992-2013) ban hành Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo là Kho Ký Thác Đức Tin – Fidei Depositum. Xin hãy đào sâu Giáo Lý, lấy Đức Tin làm nền tảng hiệp nhất: Từ con người có chung một nguồn gốc vì Thiên Chúa “đã làm xuất phát ra từ một gốc duy nhất tất cả dòng dõi loài người” (Cv, 17: 26), như lời Thánh Phaolô, Tông đồ, “Tất cả anh em đã được rửa tội trong Chúa Kitô” (GL 791); “được hiệp nhất trong cùng một Thánh Thần” (GL, 747) và “nhờ Mầu Nhiệm Thánh Thể (GL, 1396), chỉ có một tấm bánh, tất cả chúng ta làm nên một thân thể, vì tất cả chúng ta chia sẻ tấm bánh độc nhất nầy” (1Cr, 10: 16-17)
 
Trong Năm Đức Tin, xin hãy nhớ lời mời gọi của Đức GH. Bênêđíctô XVI:
 
“Hỡi các giáo hữu của các giáo xứ, hỡi các cộng đồng tu viện, dòng tu, các hội đoàn, các phong trào trong Giáo Hội, hãy cầu nguyện luôn và cách riêng là khi chầu Thánh Thể long trọng, hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất toàn vẹn của các Kitô-hữu là con cùng một Chúa, đền thờ cùng một Thánh Thần, được hồng ân cùng một Phép Rửa và một Đức Tin.”
 
Tham Khảo: Textes pour la Semaine de Prières pour l’Unité des Chrétiens” (Vatican 2013)
 
Trần Văn Trí (Tháng 1-2013)

Tác giả: Trần Văn Trí AN43

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập576
  • Hôm nay88,806
  • Tháng hiện tại909,465
  • Tổng lượt truy cập57,011,102
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây