TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO HIỆP NHẤT CÁC KITÔ-HỮU
(Từ 18 đến 25-1-2014)
Hằng năm, các Giáo Hội Kitô tổ chức “Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Các Kitô-Hữu” từ ngày 18 đến 25 tháng 1. Việc cầu nguyện cho hiệp nhất rất cần thiết vì, đã từ lâu, sự chia rẽ tồn tại trong Giáo Hội của Chúa, dù chính Chúa Giêsu đã cầu xin cùng Chúa Cha cho con cái Chúa nên một: “Để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17: 21)
Tuy ở trong tình trạng chia rẽ như thế, nhưng từ mọi phía trong các Giáo Hội Kitô đều hướng đến sự hiệp nhất, nhất là từ năm 1.800. Vào năm 1.908, Paul Watson, một Giáo sĩ Anh Giáo tại Hoa Kỳ, đã đề nghị tổ chức cầu nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo trong 8 ngày, từ 18 đến 25 tháng 1 mỗi năm, để tưởng nhớ đến:
18 tháng 1 là ngày “Tông đồ Phêrô bị bắt, bị khóa vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Và kìa, Thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo: “Đứng dậy mau đi!” Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông. Thiên sứ nói tiếp: “Thắt lưng lại và xỏ dép vào!” Ông làm như vậy.
Thiên sứ lại bảo: “Khoác áo choàng vào và đi theo tôi!”
Phêrô liền theo ra mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật hay không” (Cv 12: 6-11)
25 tháng 1 là “ngày lễ Phaolô, Tông đồ trở lại” theo trích thuật của Sách Công Vụ Tông Đồ về biến cố trên đường đến gần Đa-mát, Sao-lô ngã xuống đất, gặp Đức Giêsu; rồi đến với môn đệ Kha-na-ni-a và ông được sáng mắt, thấy lại được. Lập tức Sao-lô bắt đầu rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường..” (Cv 9: 3-20)
Giáo Hội Công Giáo nhiệt tình hưởng ứng đề nghị của Paul Watson và lập Hội Đồng Giáo Hoàng cổ võ hiệp nhất cùng làm việc với Ủy Hội các Giáo Hội Kitô gồm Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, chú trọng vào việc soạn thảo tài liệu Thánh Kinh dùng cho Tuần Lễ Cầu Nguyện và khuyến khích mọi Kitô-hữu trong các giáo xứ thuộc mọi quốc gia cùng cầu nguyện.
Đặc biệt, năm 2014, Tuần lễ Cầu nguyện thứ 106 (1908-2014), người Công Giáo vừa kết thúc Năm Đức Tin vào ngày 24-11-2013, nhưng vẫn Sống Đức Tin, cùng tuyên xưng theo Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ: “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế nầy”, cũng như Công Đồng Nicene, năm 381, đã xác tín lời giáo hữu đọc vào ngày Chúa Nhật: “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.”
Hơn nữa, Năm Đức Tin kỷ niệm 60 năm khai mở Công Đồng Vaticanô II, vào 1962, lúc đó “người ta bắt đầu nói đến một “Công Đồng Hiệp Nhất” mọi Kitô-hữu vì Chân Phước Giáo hoàng Gioan XXIII đã muốn Công Đồng trở thành một lời mời gọi đến hiệp nhất.”
Cũng ngày 25 tháng giêng năm đó, Chân Phước GH Gioan XXIII bế mạc Tuần lễ hiệp nhất và bốn ngày sau ngài đã tuyên bố về Công Đồng như sau: “Chúng ta hãy hiẽp nhất với nhau và chúng ta hãy chấm dứt mọi bất hòa.”
Tinh thần hiệp nhất trở nên niềm hy vọng và động lực hướng dẫn Công Đồng, cũng như sau nầy là một trong những thành quả hiển nhiên nhất của Công Đồng.” (Thánh Công Đồng, tr. 25)
Đọc lại các Văn Kiện của Công Đồng Va. II. giúp cảm nghiệm phần nào công việc của Chúa Thánh Thần đã làm cho Giáo Hội, hoặc hướng dẫn, soi sáng các vị lãnh đạo Giáo Hội, với hơn 2.900 Nghị Phụ được mời gọi tham dự, và con số các Nghị Phụ có mặt lên rất cao, đến gần cả 2.500 vị. Như thế, quyền giáo huấn và linh đạo của Công Đồng rất bao quát khả dĩ áp dụng cho nhiều nơi và vào nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ trong vấn đề “Hiệp Nhất Các Kitô hữu”, chúng ta có thể dựa vào linh đạo của Cộng Đồng để khai triển thêm cho phù hợp với nhu cầu.
Chủ đề Thánh Kinh cho Tuần Lễ Hiệp Nhất năm 2014
Chủ đề được giao cho Hội Đồng Đại Kết Gia nã đại soạn thảo theo Lời Chúa trong thư Thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Côrintô: “Đức Kitô đã bị chia năm sẻ bảy:rồi sao?” (1Co 1: 13)
Trong quá trình soạn thảo “Chủ Đề” và sưu tầm tài liệu cần thiết, đồng thời trao đổi ý kiến với các nơi, Hội Đồng Đại Kết Gia nã đại đã làm việc rất cẩn thận và kiên trì qua các giai đoạn:
1. 2 năm trước Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất, Ủy Hội Đức Tin và Hiến Chế yêu cầu một nhóm liên tôn trên thế giới đề nghị một đề tài và các tài liệu Thánh Kinh hợp với đề tài.
2. 16 tháng trước: Một Ủy Hội quốc tế nhóm họp, gồm các thành viên được đề xuất bởi Ủy Hội Đức Tin và Hiến Chế, đại diện cho thế giới Âu Châu. Các tài liệu của nhóm địa phương thường có kết quả tốt, nhưng chưa hoàn hảo. Vì thế, các thành viên của Ủy Hội Quốc Tế có nhiệm vụ đề nghị góp ý cho tài liệu mà các phía chấp nhận được. Các thành viên gồm những vị giáo sĩ, nhà văn hóa và chuyên gia thần học khác nhau. Các thành viên của nhóm Liên Tôn mà đã soạn thảo đề tài và các văn bản, cũng có mặt và tham gia công việc đọc lại tài liệu.
3. 1 năm trước Tuần Lễ C.N. cho Hiệp Nhất: Sau khi các văn bản đã được sửa chữa và được chấp thuận của các viên chức trách nhiệm trong Hội Đồng Đức Tin và Hiến Chế và Ủy Hội Các Giáo Hội Kitô, đề tài và các văn bản hoàn chỉnh bởi Ủy Hội Quốc Tế được gởi đến các Trung Tâm Liên Tôn trên khắp thế giới để dịch ra và đáp ứng theo tinh thần của mỗi quốc gia.
4. 6 tháng trước Tuần Lễ Cầu Nguyện: Ủy Hội Các Giáo Hội (TL, AG. CTG) và Hội Đồng Cổ Võ Hiệp Nhất của Công Giáo chuẩn một tầm nhìn để có thể phổ biến Tài Liệu đến các giáo xứ, cộng đồng, cộng đoàn và các nhóm liên tôn địa phương. Mỗi nơi có thể dùng chủ đề Thánh Kinh và thêm bớt gì theo nhu cầu địa phương, miễn là thực hiện đúng mục đích của Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất của các Kitô hữu.
Chủ Đề: Lời Chúa theo Thánh Phaolô, Tông Đồ, gởi tín hữu Corintô:
Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu, và ông Xốt-tê-nê là người anh em của chúng tôi, kính gởi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được gọi là thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, vì ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu. Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện; phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta mặc khải vinh quang của Người. Chính Ngài sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa là Đấng trung thành. Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về ông Phaolô; tôi thuộc về ông Apôlô; tôi thuộc về ông Kêpha; tôi thuộc về Đức Kitô. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi sao? (1Co 1: 13)
Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao? Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì tôi đã không làm phép rửa cho ai, trừ ông Cô-rít-nô và ông Gai-ô. Như thế, không ai nói được rằng anh em đã chịu phép rửa nhân danh tôi.
Vì Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá của Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu.” (1Co 1: 1-17)
Suy Nghĩ về Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất
Khi nói đến Hiệp Nhất các Kitô-hữu, ai ai trong chúng ta cũng cảm thấy hăng say nhiệt tình hướng đến hoạt động ý nghĩa nầy. Nhưng, nhiệt tình không thì chưa đủ mà phải tham gia vào sinh hoạt và đều cần thiết là tiếp nối Năm Đức Tin để nhờ Sống Đức Tin tiến đến hiệp nhất. Trước tiên, hãy tự vấn lương tâm với câu hỏi để xét mình. Ví dụ: Khi nói đến chia rẽ giữa các Kitô-hữu, anh chị em công giáo thường có khuynh hướng đổ lỗi cho các Kitô-hữu của các Giáo Hội Kitô khác.Ví dụ: Thật dễ nói đến thái độ đối với Phép Thánh Thể, cũng như việc mến yêu và tôn vinh Đức Mẹ Maria trong các Giáo Hội Kitô khác, mà lại thiếu tìm hiểu về Giáo Hội Công Giáo. Trong khi, theo Giáo sử Công Giáo, Giáo Hội đã có nhiều khuyết điểm trầm trọng. Cụ thể vào thế kỷ 11, ngay trong hàng ngũ giáo hoàng đã có vị không chu toàn trọng trách “kế vị Thánh Phêrô”, như các Đức GH. Sylvester III (20-1/10-2-1045); Bênêđíctô IX (lần 2, từ 10-4/1-5-1045); Grêgôriô VI (1045-46); Clêmentê II (1046-47); Bênêđíctô IX (lần 3, từ 1047-48); Damasus II (1048) kéo dài cho đến thời Đức GH Lêô IX (1049-54; về sau được phong thánh) mới có những cải cách, giúp tái lập các qui củ trong Giáo Hội Công Giáo tại Vatican.
Hậu quả lớn lao là vì yếu kém và lủng củng trong các giáo hoàng tại Rôma, nên Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople Michael Caerularius không còn nhìn nhận Giám Mục thành Rôma là giáo hoàng, mà chỉ là giám mục “ngang hàng với các giám mục khác” (episcopus inter omnes). Năm 1054, sau nhiều cuộc tiếp xúc, Constantinople không hòa giải được với Rôma, mà lại thêm vạ tuyệt thông của Tòa Thánh Vatican cho Chính Thống Constantinople, nên Công Giáo và Chính Thống Giáo chia ly.
Vào thế kỷ 16, thời Đức GH Lêô X (1513-21), Giáo Hội CG lại suy yếu và cần sửa đổi. Vì thế, sinh ra các thể thức Sửa Sai nghiêm nhặt do Martin Luther (1480-1546) tại Đức và Jean Calvin (1509-64) tại Pháp, dẫn tới Cải Cách Tin Lành (1517-1650) đến ngày nay. Song hành còn có Cải Cách của Zwingli (1484-1531) tại Thụy Sĩ, chối bỏ cả Phép Rửa Tội và Phép Thánh Thể.
Cũng vào thế kỷ 16, vì Đức GH Clêmentê VII (1523-34) không công nhận việc vua Anh Quốc Henry VIII (1509-47) ly dị với Hoàng hậu Catherine xứ Aragon để kết hôn với người đẹp Anne Boleyn, nên năm 1534, vua Henry VIII tự tôn vinh làm lãnh đạo Giáo Hội Anh Quốc hay Anh Giáo và từ đó Anh Giáo ly khai khỏi Công Giáo.
Khi khai mở Công Đồng Vaticanô II (1962), Giáo Hội Công Giáo đã nhận thấy những sai trái đối với các Giáo Hội Kitô khác. Vì thế, từ tháng 1-1964, trên đường tông du viếng thánh địa, Đức GH Phaolô VI đã gặp gỡ thân mật với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Athenagoras I tại Constantinople. Hai bên đã dẹp bỏ sự kiện Dứt Phép Thông Công lẫn nhau. Hai vị lãnh đạo Chính Thống Giáo và Công Giáo lại gặp nhau vào tháng 7-1967 ở Istanbul và tháng 10 cùng năm, Đức Thượng Phụ Constantinople lại đến thăm Đức GH Phaolô VI tại Vatican.
Giữa Giáo Hội Công Giáo và Anh Giáo cũng có nhiều cuộc gặp gỡ thân mật, nhất là dưới thời Đức Chân Phước GH Gioan Phaolô II (1978-2005).
Cùng đồng hành với Hội Thánh, ước mong sao các giáo hữu Công Giáo hãy dựa vào tài liệu Sắc lệnh về Hiệp Nhất – Unitatis Redintegratio của Công Đồng để phát triển thêm các học hỏi và sinh hoạt trong Tuần Lễ Hiệp Nhất, với suy tư “Từ con người có một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã đã làm xuất phát ra từ một gốc duy nhất tất cả dòng dõi loài người” (Cv 16: 27)
Hãy thông cảm, đối thoại và tôn trọng các anh chị em thuộc Giáo Hội Kitô khác, dựa vào Sự Sống Đức Tin như lời Thánh Phaolô Tông đồ: “Tất cả anh em đã được Rửa Tội trong Chúa Kitô (Giáo lý 791); được hiệp nhất trong cùng một Thánh Thần (GL 797; một Đức Tin, và nhờ mầu nhiệm Thánh Thể (GL 1396) chỉ một tấm bánh, tất cả chúng ta nên một thân thể”(1Co 10:16-17)
Trần Văn Trí
------------------------------------
THAM KHẢO: Công Đồng Vaticanô II (1962-65) và Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (1992)