Cha Tôi 1. Chương 4. Những Trở Ngại

Chủ nhật - 21/12/2014 04:41

-

-
Hình ảnh và những lời nói của Ngài cứ lãng vãng trong trí óc. Bài học yêu thương về cành đào, bài học khó nghèo qua cuộc sống của Ngài, sự liên kết việc học và tinh thần phục vụ, chấp nhận va chạm chống đối để thánh hóa bản thân và canh tân cuộc sống,...
Cha Tôi
Phần 1: Vui Mừng, Gian Truân và Hy Vọng
Chương 4



NHỮNG TRỞ NGẠI
 
Dịp nghỉ Tết năm 1973, tôi có việc gia đình phải lên Đà Lạt nơi có mộ Ông Nội của tôi và một số bà con đang sinh sống tại Trại Hầm. Trên đường trở về lại Đà Nẵng để mừng năm mới, tôi ghé lại thăm Cha Tôi tại Tòa Giám Mục Nha Trang. Đây là là lần đầu tiên tôi đến thăm Ngài kể từ khi Ngài đến nhận Giáo Phận Nha Trang năm 1967. Xe đò từ Đà Lạt đến Nha Trang vào buổi chiều. Tôi phải đi xích-lô từ bến xe Phước Hải về Tòa Giám Mục vì có cành đào cồng kềnh khiến tôi không thể đi xe honda ôm được. Tôi định biếu Ngài cành đào để mừng xuân. Cha Trương Trãi quản lý Tòa Giám Mục tiếp tôi một cách vui vẻ và cho biết Đức Cha đang có mặt ở nhà. Tối nay tôi sẽ được gặp Ngài. Tôi vui mừng thu xếp hành lý vào phòng rồi đi ra ngoài ăn tối một mình. Con đường Duy Tân trước Tòa Giám Mục thật đẹp. Gió biển thật mát và trong lành. Vừa về tại Tòa Giám Mục, Cha Trãi vội vàng chạy đến và hỏi tôi đi đâu, tại sao không ăn tối với Đức Cha. Tôi trả lời cách thành thật:
 
- Thưa cha, con không biết sẽ được ăn ở đây nên ra ngoài ăn phở rồi.
 
- Vậy cũng được. Thầy theo tôi lên gặp Đức Cha. Ngài đang chờ gặp thầy đó.
 
Tôi xin phép Cha Trãi về lại phòng, hí hửng khệ nệ ôm cành đào đi gặp Ngài. Vào phòng khách, tôi sượng sùng không nói nên lời. Trong phòng khách của Ngài đã thấy trưng bày ba cành đào thật lớn và lộng lẫy. Cành đào của tôi nếu để bên cạnh chẳng khác nào “Cô bé lọ lem” đứng bên “Ba nàng công chúa” kiều diễm. Tôi lúng túng, mắc cỡ không biết giấu cành đào đi đâu. Tôi lí nhí chào thăm Ngài. Ngài mở đầu câu chuyện:
 
- Cha nghe nói ngày mai con phải đi về lại Đà Nẵng sớm, nên Cha dành tối hôm nay nói chuyện với con. Chịu không? Ủa, mà sao cứ cầm cành đào đó hoài vậy! muốn cho Cha phải không?
 
Tôi trả lời:
 
- Dạ. Con từ Đà Lạt về định biếu Cha cành đào mừng Tết. Nhưng bây giờ thấy Cha Có nhiều cành đào rồi. Lại lớn và đẹp hơn cành đào của con nhiều. Nên mắc cỡ không giám biếu Cha nữa.
 
Ngài cười cười nhìn tôi và nói:
 
- Để Cha coi (xem) nào. Ừ, cũng được lắm. Chơi đào cũng phải có nghệ thuật. Nhiều người không biết chỉ ham tìm cành thật lớn, nhưng suôn đuột chẳng thấy khí phách gì cả. Còn cành đào của con tuy nhỏ nhưng có cốt cách. Vậy mới quý. Hơn nữa, con cho Cha cành đào với tất cả tấm lòng của con. Điều này lại càng quý hơn… Cha thích lắm. Đưa cành đào cho Cha. Cám ơn con nghe. Tôi mạnh dạn giao cành đào cho Ngài. Vui sướng thấy Ngài đọc được tất cả ý nghĩ và tâm tình của mình.
 
Ngài gọi một nữ tu vào nhận một cành đào “Đẹp ý nghĩa” của tôi và chỉ chỗ để chưng cành đào đó: ngay trước bàn viết của Ngài. Tôi thật cảm động và thấm thía hiểu rõ bài học “Cách cho và của cho”. Tình thương chân thành một khi được gắn liền với “của cho’’ sẽ có một giá trị trổi vượt không gì có thể so sánh được. Ngài hỏi thăm gia đình tôi. Hỏi han việc học hành của tôi ở Đại Chủng Viện rồi khuyến khích tôi cố gắng hơn. Ngài nhắc tôi về mục đích của việc học là để biết, để canh tân, để phục vụ và để yêu mến (ĐHV số 560). Vì thế học và hành không lìa nhau. Và nhờ đó một người càng cố tâm học hỏi, càng đi sát với thực tế hơn. Sẽ thấy nói dễ, làm khó. Sẽ bớt phê bình và thường xuyên kiểm điểm (ĐHV số 567). Tôi nuốt lấy những lời Ngài nhắc bảo. Những lời thật ngắn ngủi nhưng cô đọng, vừa thâm trầm sâu sắc vừa thực tế rõ ràng. Đúng thật! Nếu chỉ học cho mình để thõa mãn tự ái kiến thức của mình, con người sẽ dễ đi đến chỗ kêu căng, tự phụ và phê bình chỉ trích người khác một cách cay chua. Trái lại, nếu biết đem cái học của mình để phục vụ với tấm lòng yêu thương chân thành, con người sẽ nhận ra sự yếu kém của mình để biết khiêm tốn và cố tâm học hỏi thêm. Sự khiêm tốn này được tỏ hiện nơi những nhà khoa học chân chính, mà Pasteur là một thí dụ điển hình. Và nếu điều này đúng trên bình diện nhân bản tự nhiên, cái học để yêu thương, phục vụ càng trở nên thiết yếu đối với những người muốn phục vụ Chúa và Giáo Hội. Chúa Giêsu đã để lại tấm gương phục vụ: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống…” (Mt 20,28). Vì thế, ai chưa học để phục vụ đúng mức, chưa thật sự yêu mến Chúa đủ (ĐHV số 559).
 
Ngài kể cho tôi biết về trào lưu vô thần ở Âu Châu. Có những người không tin Chúa nhưng vẫn ghi danh tham dự các lớp thần học ở các đại học công giáo. Cũng có bằng cử nhân, tiến sĩ thần học. Nhưng những người này chỉ muốn học để thỏa mãn sự tò mò, hay để tìm cách đả phá Giáo Hội. Tệ hại hơn nữa, có những nhà thần học tự phụ cho mình biết tất cả mọi sự và lên mặt lớn tiếng phê phán chỉ trích Giáo Hội sai lầm hoặc lỗi thời. Họ thường lý luận thật tinh vi. Kiểu lý luận của người biệt phái ngày xưa: không chống Đức Giavê nhưng lại giết kẻ Ngài sai đến. Cũng vậy, họ hô hào mình không phản Giáo Hội nhưng lại chống những người đại diện của Giáo Hội, phê phán Giáo Hội cách bất công, thiếu tinh thần xây dựng. Họ quên mất hay cố tình quên yếu tố yêu thương và phục vụ phải gắn liền với kiến thức mà chính Chúa đã ban cho họ. Và Ngài kể cho tôi nghe về những trường hợp dễ đưa người ta đến chỗ chống đối Giáo Hội:
 
1. Khi kẹt vấn đề tiền tài, tình cảm
2. Khi bất mãn vì tham vọng
3. Khi sợ cực, sợ đau khổ, sợ chết” (ĐHV số 262).
 
Ngài lấy gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam để giải thích lòng yêu mến Giáo Hội. Các bậc tiền nhân sẵn sàng chấp nhận đau khổ, và ngay cả cái chết, nên luôn giữ vững được đức tin và lòng trung thành với Giáo Hội. Ngài nói tiếp: “Dĩ nhiên tử đạo là một ơn đặc biệt của Chúa. Không phải bất kì ai cũng có thể được ơn này. Nhưng chỉ những người sống đức tin và yêu mến Giáo Hội thật sự mới hy vọng có được ơn phúc đó. Trong ba trường hợp trên đây, phản bội do “bất mãn vì tham vọng” được xem là nghiêm trọng hơn cả vì chính đương sự chủ động, không phải vì áp lực của những yếu tố bên ngoài. Đây là loại “phản bội tri thức” vì sự phản bội này thường thấy nơi những người trí thức kêu căng. Họ tự cho mình biết tất cả, thông thạo tất cả nên sẵn sàng ra mặt chống đối, phê phán chỉ trích tất cả những người khác, kể cả những người đại diện Giáo Hội. Tham vọng của những người này là muốn tất cả mọi người phải nghe và chấp nhận ý kiến của họ. Vì thế, một khi tham vọng không đạt được như ước muốn, họ đâm ra bất mãn và phản lại Giáo Hội”. Ngài đứng dậy và nói:
 
- Thôi, vào phòng Cha rồi nói chuyện tiếp. Để Cha thay áo quần thường cho thoải mái.
 
Ngài cởi chiếc áo dòng đen đang mặc, kiểu áo dòng cài nút một bên của các linh mục Việt Nam ngày xưa, và choàng áo sơ-mi ngắn tay vào. Tôi nhìn quanh. Căn phòng của Ngài thật đơn sơ. Một cái bàn nhỏ, một tủ gỗ đựng quần áo, một cái giường sắt nhỏ có gắn bốn trụ gỗ ở bốn góc để treo mùng, một cái ghế xếp loại rẻ tiền và một cái tủ lạnh nhỏ. Ngài mở tủ lạnh lấy ra một ly nước dừa cho tôi, rồi lấy một ly khác cho Ngài và ngồi xuống cái ghế xếp độc nhất trong phòng. Tôi đang phân vân không biết mình nên ngồi ở đâu, thì Ngài bảo:
 
- Hiền ngồi trên giường Cha cũng được. Tôi nghĩ bụng: “Còn chỗ nào nữa đâu mà ngồi” và ngại ngùng ngồi lên giường. “A, giường có nệm”. Tôi la lên một cách thích thú. Gia đình tôi chỉ dùng giường gỗ có trải chiếu ở trên, nên lần đầu tiên tôi được ngồi trên giường nệm cũng mang lại cho tôi một cảm giác hay hay. Tôi bắt đầu câu chuyện:
 
- Con tưởng Cha ở Tòa Giám Mục chắc oai phong, sang trọng lắm. Hóa ra cũng bình thường, đơn sơ, chẳng có gì khác biệt cả. Phòng ngủ của Cha lại càng quá sơ sài. Máy lạnh cũng không có. Truyền hình cũng không. Chỉ có cái giường nệm này là khá hơn thời Cha ở Chủng Viện Hoan Thiện thôi. Ngài trả lời nhẹ nhàng:
 
- Cha thấy vậy là quá đầy đủ rồi. Đi tu mình phải biết sống khó nghèo. Đó là điều người ta dễ nhận ra nhất. Họ đâu thấy mình vâng phục. Đâu thấy mình sống trinh khiết. Nhưng thấy ngay mình có sống khó nghèo hay không. Cha Chevrier khuyên những người tu hành phải nghèo trong nơi ở, nghèo trong áo mặc, nghèo trong thức ăn, nghèo trong đồ dùng, nghèo trong việc làm (ĐHV số 408), để làm gương cho giáo dân của mình. Mình giảng dạy sống khó nghèo mà không thật sự sống nghèo khó thì không ai tin mình cả. Cũng như học và thực hành mà Cha mới đề cập đến, giảng dạy và sống cũng phải đi đôi với nhau. Như vậy mới là chứng nhân. Bằng không mình trở thành chứng dối mất. Thật ra, khó nghèo không phải là không có của, nhưng là biết sử dụng của cho đúng. Biết dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng… (ĐHV số 414). Nguyên tắc của Cha là: “Rộng cho người, hẹp cho mình”. Nghĩa là: luôn rộng rãi giúp đỡ người khác, nhưng chính mình phải sống khó nghèo. Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong nhiều lãnh vực khác nữa. Chẳng hạn như khi phải tự kiểm điểm, khi cần phải hy sinh… Mình chịu thiệt thòi hơn, nhưng công việc chung được tốt đẹp. Có nhiều người tự xưng mình sống nghèo nhưng lại không có tinh thần khó nghèo của Phúc Âm. Họ chỉ trích, ghen ghét người giàu, hay uất hận vì người khác không chịu sống nghèo như mình (ĐHV số 417). Lạ thật! Họ cũng giống như những người tự cho mình là khiêm nhường nhất. Đã muốn nhất rồi thì còn khiêm nhường chỗ nào nữa.
 
Tôi ngồi bật lên cười khoái chí làm chiếc giường rung rinh khiến cho ly nước dừa đổ lên nệm. Tôi quên mất mình đang để cái ly nước trên đó.
 
- Chết rồi! Con làm đổ ly nước dừa lên giường của Cha rồi. Tôi vừa nói vừa chụp  ly nước. Nhưng không kịp nữa. Nước dừa làm ướt một khoảng lớn trên tấm nệm trắng tinh.
 
- Không sao. Để Cha kêu người vào thay tấm khăn phủ giường. Đưa cái ly cho Cha. Ngài đến tủ lạnh và lấy một ly khác đưa cho tôi. Ngài nói:
 
- May quá! Còn một ly nữa. Con uống đi. Tôi ân hận đã làm đổ ly nước dừa lên giường của Ngài. Phải chi mình ý tứ hơn một chút. Nhưng qua đó tôi học được bài học yêu thương, bài học xử thế tế nhị. Ngài không trách, không tỏ vẻ khó chịu. Trái lại tìm cách đưa tôi ra khỏi cảnh lúng túng một cách nhẹ nhàng. Thật dễ thương! Ngài đổi đề tài:
 
-  Hơn cả tuần nay Cha bận tiếp khách nên mọi chương trình đều phải ngưng lại. Ngày nào từ sáng đến chiều cũng có người và đoàn thể đến mừng Tết. Các linh mục, dòng tu, đại diện giáo xứ, đại diên các phong trào công giáo tiến hành, ai cũng muốn đến chúc Tết. Cha phải hạn chế thời giờ cho mỗi nhóm đến gặp, nhiều khi gom chung lại với nhau, nên đến hôm nay 28 Tết, tất cả các nhóm chính đều đã đến mừng rồi. Mình mệt hơn một chút. Nhưng tất cả mọi người đều vui. Vậy là được rồi. Tôi hỏi Ngài:
 
- Trong Giáo Phận Nha Trang có nhiều đoàn thể không cha? Ngài trả lời:
 
- Cũng khá nhiều. Ngoài tổ chức Hội Đồng Giáo Xứ, các đoàn thể công giáo tiến hành như Đạo Binh Đức Mẹ, Liên Minh Thánh Tâm, Thiếu Nhi Thánh Thể … còn có Phong Trào Cursillo, Phong Trào Công Lý Hòa Bình, Phong Trào Focolare. Ba phong trào này Cha mới đem vào giáo phận để giúp họ dấn thân hơn vào lãnh vực xã hội. Cha rất mừng vì thấy họ ý thức và hăng say làm việc tông đồ. Cha có thói quen vào những ngày cuối năm, ngồi tính lại “sổ đời” với Chúa. Bây giờ, sau gần 6 năm, Cha nhìn lại và cám ơn Chúa hết sức. Hầu như mọi chương trình, kế hoạch đều thực hiện được. Giáo Phận vẫn phát triển nhịp nhàng về lượng cũng như phẩm. Chúa thương đặc biệt thật đó. Tôi tò mò:
 
- Cha làm “dữ rứa” (nhiều vậy) mà không gặp khó khăn nào cả sao?
 
- Làm “răng” (sao) mà khỏi được. Khó khăn nội bộ và cả khó khăn bên ngoài nữa. Thật ra, giáo phận nào cùng có khó khăn, nhưng Giáo Phận Nha Trang gặp nhiều khó khăn hơn vì có linh mục và giáo dân thuộc nhiều giáo phận gốc khác nhau, rồi linh mục Pháp, dân tộc thiểu số Chàm và người Thượng nữa. Làm sao dung hòa dược những dị biệt để mọi người hợp tác trong công việc chung đã là khó khăn lớn rồi. Một khó khăn khác là thuyết phục những người cộng sự viên của mình đổi mới cách làm việc và lối suy nghĩ đã có từ trước. Ví dụ, trước khi Cha đến Nha Trang, Chủng Viện Sao Biển và Dòng Khiết Tâm Bình Cang có thói quen đến Tòa Giám Mục lãnh tiền chợ hàng tuần để lo mọi chi phí trong nhà. Cha muốn giao cho cơ sở này một số tiền lớn, gồm luôn 3 hoặc 6 tháng tiền chợ, để họ có thể sử dụng sinh lợi thêm như làm nước mắm, nuôi heo gà… thì chẳng ai muốn cả. Họ lấy lý do làm như vậy là không tin vào Chúa Quan Phòng. Lạy Đức Mẹ! Có gì đâu mà tin với không tin vào Chúa Quan Phòng. Ngay chính tiền của Tòa Thánh mà không biết đầu tư sinh lời thì lấy đâu để giúp các xứ truyền giáo trên thế giới năm này qua năm khác được. Mình phải biết xử dụng sự khôn ngoan Chúa ban cho để cải thiện cuộc sống của chính mình và những người thân yêu. Lấy cớ tin vào Chúa quan phòng để ăn không ngồi rồi không phải là thái độ đứng đắn của những người trưởng thành. Cha phải giải thích nhiều lần và sau một thời gian khá lâu họ mới chấp nhận phương pháp làm lợi đó. Bây giờ, họ muốn nhận luôn tiền chợ cả năm để làm ăn thêm. Tạ ơn Chúa! Tôi hỏi Ngài:  

- Vậy là Cha chưa gặp những đụng chạm, phản đối nặng nề sao?
 
- Làm sao mà tránh được. Nhưng đó là dịp để mình kiểm điểm lại chương trình và cách làm việc của mình một cách chân thành, sáng suốt và can đảm dưới ánh sáng đức tin. Có thể mình đi quá mau, đòi hỏi cộng sự viên nhiều quá hay chưa chuẩn bị đủ. Vì thế, đụng chạm với người khác là chuyện thường. Một xã hội không có va chạm chỉ có thể là thiên đàng. Như hòn đá nhờ va chạm mà láng hơn, tròn hơn, sạch hơn, đẹp hơn (ĐHV số 211), con người biết kiểm điểm nhờ đụng chạm sẽ tốt hơn. Chắc con có nghe chuyện một linh mục ở Bình Tuy chống đối Cha một cách công khai ngay cả trên mặt báo chí, chỉ vì Cha khuyên vị linh mục đó trả lại đất đai mà ngài đã tự động chiếm giữ một cách bất công của người khác. Nhiều người biết rõ sự việc, nghĩ rằng chắc Cha phải đau khổ lắm, nên đến an ủi Cha tại sao không lên tiếng. Cha trả lời:
 
1. Nguyên tắc của tôi là “ hành động và thinh lặng”. Không lên tiếng, không dùng quyền vì sẽ làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn và tạo cơ hội cho nhiều người khác lợi dụng.
 
2. Luôn yêu thương và cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình. Tạo điều kiện để đối thoại thông cảm và sẵn sàng tha thứ.
 
3. Chu toàn bổn phận là việc ưu tiên. Đừng vì một khó khăn nào đó mà xao lãng công việc Chúa giao.
 
4. Xem đó là thử thách Chúa gởi đến để thanh luyện mình.
 
Nhờ vậy nên Cha luôn giữ tâm hồn được bình an và tiếp tục công việc hằng ngày của mình một cách bình thường khiến cho những người đến hỏi Cha phải ngạc nhiên vì không thấy Cha lo lắng, hốc hác gì cả. Mình đã tốt, người ta nói mình xấu, mình vẫn tốt. Còn mình nghèo, người ta có khen giàu, mình cũng vẫn nghèo thôi. Vì thế đừng dại chạy theo dư luận để nay lên ký rồi ngày mai lại sụt ký (ĐHV số 794).
 
Tôi thích thú những lời Ngài chia sẻ như những bài học quý giá ít khi được nghe ở các lớp học. Những bài học mà Ngài đã cô đọng bằng cầu nguyện và suy tư qua chính những kinh nghiệm sống. Đúng thật! Dư luận không phải là sự thật. Và rất nhiều khi, người ta thuê kẻ khác viết báo để tâng bốc những tài năng tưởng tượng của mình, để tuyên truyền cho mình những công trạng bịa đặt, hay để chụp mũ đối phương những tội ác dựng đứng (ĐHV số 795). Vậy mà vẫn có rất nhiều người tin rồi suy nghĩ, nói năng như báo chí dư luận. Thật quá đơn sơ và nhẹ dạ… Ngài bảo tôi:
 
-  Cũng khuya rồi, để con về nghỉ. Mai còn phải đi sớm. Đã nhờ ai đưa ra bến xe chưa?
 
- Con có nhờ ông xích-lô đưa con đến đây rồi. Ông sẽ đến đón con lúc 5 giờ sáng.
 
- Tưởng chưa có thì Cha nhờ cha Trãi đưa đi. À có tiền đi xe chưa?
 
Ngài vừa nói vừa đi lại bàn viết của Ngài.
 
- Con mua vé xe ngày hôm qua rồi. Cha khỏi lo.
 
Ngài lấy ra trong hộc bàn một xấp tiền mới tinh đưa cho tôi và nói:
 
- Có vé rồi thì Cha lì xì mừng tuổi con. Đi bằng an. Nhớ cho Cha gởi lời thăm và mừng năm mới ba của con và các em.
 
- Cám ơn Cha. Con mừng tuổi Cha năm mới.
 
Tôi cảm động từ giã Ngài rồi trở về phòng. Cha thật là một người Cha yêu thương. Luôn quan tâm lo lắng cho con cái. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Từ vật chất lẫn tinh thần. Hình ảnh và những lời nói của Ngài cứ lãng vãng trong trí óc. Bài học yêu thương về cành đào, bài học khó nghèo qua cuộc sống của Ngài, sự liên kết việc học và tinh thần phục vụ, chấp nhận va chạm chống đối để thánh hóa bản thân và canh tân cuộc sống, tất cả đều hiện ra chập chờn đưa tôi vào giấc ngủ.

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập578
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại943,734
  • Tổng lượt truy cập57,045,371
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây