GS Nguyễn Văn Tuấn: Vì sao giới khoa học cho rằng Nga công bố vaccine COVID-19 là 'liều lĩnh'?

Thứ tư - 12/08/2020 09:30
Giới khoa học thế giới và Nga cho rằng quyết định sử dụng vaccine Covid-19 đại trà của Nga là liều lĩnh, nguy hiểm và thiếu trách nhiệm.
GS Nguyễn Văn Tuấn: Vì sao giới khoa học cho rằng Nga công bố vaccine COVID-19 là 'liều lĩnh'?
Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng giới chức y tế Nga vừa phê chuẩn cho dùng đại trà một vaccine do Nga bào chế trong việc phòng chống dịch Covid-19. Nhưng giới khoa học thế giới và Nga cho rằng quyết định trên của Nga là liều lĩnh, nguy hiểm và thiếu trách nhiệm.

Để hiểu tại sao có những phê phán gay gắt của giới khoa học, chúng ta cần tìm hiểu quá trình nghiên cứu và phê chuẩn của một vaccine (hay thuốc điều trị). Có hai bước nghiên cứu chánh: tiền lâm sàng và lâm sàng. Nghiên cứu tiền lâm sàng liên quan đến các dòng tế bào hay vi sinh vật (in vitro) và nghiên cứu trên động vật (in vivo). Nếu kết quả nghiên cứu có triển vọng thì mới tiến tới bước kế tiếp là nghiên cứu lâm sàng, tức nghiên cứu trên người.

Bốn giai đoạn thử nghiệm

Vì nghiên cứu trên người, nên nhà nghiên cứu phải tuân thủ theo các qui định về thử nghiệm và thiết kế nghiên cứu. Các qui định này được các tổ chức khoa học quốc tế như Liên hiệp hội y khoa Âu châu (European Medicines Agency), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Cục Quản lí Thuốc và Thực phẩm Hoa Kì (FDA). Trong thực tế, nghiên cứu lâm sàng phải trải qua 4 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng:

Giai đoạn I: vaccine được tiêm cho một số ít (vài mươi) người khoẻ mạnh. Mục đích của thử nghiệm giai đoạn I là xem xét sự an toàn của vaccine và phản ứng miễn dịch của các đối tượng nghiên cứu. Một mục đích khác là xác định liều lượng, thời lượng của vaccine.

Giai đoạn II: nếu kết quả thử nghiệm giai đoạn I thành công, vaccine sẽ được tiếp tục thử nghiệm trên người, nhưng lần này thì số lượng đối tượng có thể lên đến hàng trăm. Mục đích của thử nghiệm giai đoạn II vẫn là đánh giá hiệu quả và an toàn của vaccine, cùng liều lượng tối ưu của vaccine.

Ngoài ra, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II còn đánh giá các yếu tố có ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch như tuổi, giới tính, sự hiện hữu của kháng thể, và khoảng thời gian giữa 2 liều vaccine. Dữ liệu của giai đoạn II rất quan trọng, vì nó làm tiền đề để tiến tới thử nghiệm giai đoạn III.

Giai đoạn III: đây là giai đoạn thử nghiệm quan trọng nhất, được xem là "tiêu chuẩn vàng" để đánh giá một vaccine. Kết quả nghiên cứu sẽ quyết định vaccine có được phê chuẩn cho sử dụng đại trà hay không.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đòi hỏi phải có vài vạn người tham gia, và tình nguyện viên phải được theo dõi một thời gian, thường hơn 1 năm. Chẳng hạn như thử nghiệm giai đoạn III về vaccine của công ti Moderna (Mĩ) có đến 30,000 tình nguyện viên, và kết quả phải đợi đến tháng 10/2022.
 
-
GS Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ về vaccine COVID-19

Quy trình thử nghiệm vaccine giai đoạn III được thiết kế theo những tiêu chuẩn khoa học cao nhất. Theo quy trình này, đối tượng nghiên cứu sẽ được chia thành 2 nhóm một cách hoàn toàn ngẫu nhiên (dùng máy tính): phân nửa đối tượng nghiên cứu sẽ được tiêm vaccine thật, và phân nửa sẽ được dùng "vaccine giả" (hoặc một vaccine hiện hành). Đối tượng nghiên cứu và nhà nghiên cứu cứu không biết mình được tiêm vaccine thật hay giả.

Các đối tượng nghiên cứu sẽ được theo dõi một thời gian (thường là hơn 1 năm, cũng có thể 5 năm). Trong thời gian đó, nhà nghiên cứu sẽ ghi nhận và so sánh hiệu quả và an toàn của vaccine giữa hai nhóm can thiệp.

Giai đoạn IV: sau khi vaccine đã được phê chuẩn và bán ra thị trường, công ti vẫn phải theo dõi hiệu quả của vaccine để ghi nhận các biến chứng và phản ứng phụ.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đến III đều được công bố trên các tập san y khoa để giới khoa học thế giới có thể thẩm định. Thật ra, theo qui định hiện hành, ngay cả trước khi làm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, nhà nghiên cứu phải "ghi danh" công trình nghiên cứu trên clinicaltrials.gov để thông báo cho giới khoa học toàn cầu biết về chi tiết của công trình nghiên cứu.

Tình hình hiện nay

Hiện nay, có hơn 200 nhóm trên thế giới nghiên cứu tìm vaccine cho việc phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 8/2020 thì chỉ có 8 vaccine"ứng viên "được thử nghiệm lâm sàng trên người.

Tám ứng viên đó bao gồm mRNA-1273 của Moderna (Mĩ), Inovio (Mĩ), ChAdOx1 nCoV-19 của ĐH Oxford (Anh), ĐH Queensland (Úc), Ad5-nCoV của Trung Quốc, và của các tập đoàn Johnson & Johnson, Sanofi, và Pfizer.Cũng phải kể thêm vaccine của Trung Quốc trong nhóm này.

Hiện nay, chỉ có vaccine của Moderna là vào giai đoạn thử nghiệm III, và như đề cập trên, nhóm nghiên cứu sẽ tuyển 30,000 tình nguyện viên. Theo mô tả trong clinicaltrials.gov thì đến cuối tháng 10/2022 mới có kết quả.

Vaccine của Trung Quốc cũng mới được phê duyệt cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên quân nhân. Nhưng họ không công bố thông tin về trình tự và phương pháp như Moderna, nên thông tin về vaccine này còn hạn chế.

Vaccine của ĐH Oxford tuy gây ồn ào trên báo chí, nhưng thật ra chỉ mới ở giai đoạn II. Vaccine của ĐH Queensland (Úc) thì mới ở giai đoạn I vào tháng 7 này, do đó phải chờ có thể hơn 1 năm nữa mới vào giai đoạn III.
 
-
Vacxin COVID-19 ít nhất phải giữa năm 2021 mới có

Vaccine Nga

Đó là vaccine do Viện nghiên cứu dịch tễ học và sinh học Gamaleya nghiên cứu và bào chế. Các dữ liệu nghiên cứu vaccine này chưa được công bố trong bất cứ tập san khoa học nào. Tất cả chúng ta biết là qua báo chí và các chuyên gia trong chuyên ngành.

Theo đó, vaccine này được bào chế dựa trên dòng tế bào họ cấy được vào năm 1973. Dòng tế bào làm cơ sở cho nghiên cứu vaccine của Nga được lấy từ các bào thai bị huỷ, và do đó gây quan ngại ở những nhóm đấu tranh vì quyền con người.

Về thử nghiệm lâm sàng, chúng ta biết rằng vaccine đã được thử nghiệm trên 38 tình nguyện viên. Và, theo mô tả của nhóm nghiên cứu thì đây là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II mà thôi [1]. Theo thông tin trên clinicaltrials.gov, thì nghiên cứu này sẽ hoàn tất vào giữa tháng 8, 2020.

Do đó, khi ông Putin tuyên bố đây là vaccine đầu tiên trên thế giới được phê chuẩn để dùng đại trà thì gây ra nhiều tranh cãi. Một cách công bằng, đó không phải là vaccine đầu tiên trên thế giới, vì trong thực tế có ít nhất 8 vaccine đang được nghiên cứu trong giai đoạn I, II và III.

Hiện nay, vì nghiên cứu chưa xong và kết quả chưa được công bố nên không ai biết hiệu quả và an toàn của vaccine ra sao.

Vaccine của Nga chưa qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III mà ông Putin đã tuyên bố cho sử dụng đại trà là điều làm giới khoa học thế giới rất quan ngại, vì quyết định này đi ngược lại các qui định mà cộng đồng khoa học thế giới tuân thủ. Do đó, không ngạc nhiên khi có chuyên gia nêu vấn đề y đức.

Giáo sư Francois Balloux (University College London) cho rằng quyết định của giới chức y tế Nga là "liều lĩnh và ngớ ngẩn. Triển khai vaccine đại trà mà không qua thử nghiệm nghiêm chỉnh là vi phạm y đức."

Hiệp hội các tổ chức nghiên cứu lâm sàng ở Nga (Association of Clinical Research Organisations) cũng ra tuyên bố cho rằng bước đi của Nga là một vi phạm các nguyên lí cơ bản của nghiên cứu lâm sàng, vi phạm luật pháp Nga, và vi phạm các điều lệ quốc tế liên quan đến nghiên cứu vaccine [3].

Tóm lại, hiện nay có rất nhiều nhóm trên thế giới nghiên cứu sản xuất vaccine phòng chống virus SARS-COV-2. Tuy nhiên, vì an toàn là quan tâm hàng đầu của vaccine, nên các nghiên cứu phải trải qua 4 giai đoạn thử nghiệm trên người, và cần thời gian.

Phải chờ đến năm 2022 (hay sớm nhất là giữa 2021) thì mới có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. Tuyên bố của ông Putin về vaccine do Nga nghiên cứu có thể xem là một tin tích cực (vì có thêm vaccine) nhưng trước khi sử dụng thì độ an toàn và hiệu quả của vaccine cần phải được đánh giá một cách khoa học mà hiện nay chúng ta chưa có.

Tài liệu tham khảo

[1] https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT04436471?term=GAMALEYA+RESEARCH+INSTITUTE&draw=3&rank=11

[2] https://www.nature.com/articles/d41586-020-02386-2

[3] https://www.businessinsider.com.au/russia-says-coronavirus-vaccine-ready-production-september-criticized-rushed-2020-8. Nguyên văn: "An open, prospective, two-stage, non-randomized, first-phase study involving healthy volunteers" (nghiên cứu đoàn hệ, mở, không ngẫu nhiên hoá, và giai đoạn I, bao gồm các tình nguyện viên khoẻ mạnh).

Tác giả: GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc)

 Tags: covid-19, vaccine

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay28,747
  • Tháng hiện tại589,076
  • Tổng lượt truy cập67,613,923
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây