Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2013 (Ngày 2, 3, 4)

Thứ bảy - 19/01/2013 18:59

-

-
Nếu chúng ta được mời gọi khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa thì chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng chính chúng ta cũng là một phần của thụ tạo và được hưởng những ân huệ của Thiên Chúa. Ngày nay thế giới ngày càng ý thức được rằng việc hiểu đúng vị trí thực sự của mình trong thụ tạo phải là việc ưu tiên của mỗi người chúng ta.
TÀI LIỆU TUẦN CẦU NGUYỆN
CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VÀ CHO CẢ NĂM 2013
Ngài đòi hỏi chúng con điều gì, lạy Đức Chúa? (x. Mk 6, 6-8)
 
Do Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu
và Ủy ban Đức tin và Hiến pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội
đồng soạn thảo và phát hành
 
***
 
SUY NIỆM KINH THÁNH VÀ LỜI NGUYỆN TRONG TÁM NGÀY
 
Ngày thứ hai
 
Bước đi với thân thể đầy thương tích của Chúa Kitô
 
Lời Chúa
 
Ed 37, 1-14: “Liệu các xương này có hồi sinh được không?”
Tv 22, 1- 8: Bị chế giễu và lăng nhục, Người Tôi Tớ kêu cầu Thiên Chúa.
Dt 13, 12-16: Lời mời gọi “ra khỏi trại” mà đến gặp Đức Giêsu.
Lc 22,14-23: Trước cuộc thương khó, Đức Giêsu bẻ bánh trao ban chính mình.
 
Suy niệm
 
Khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa nghĩa là biết lắng nghe lời mời gọi của Ngài mà bước ra khỏi những tiện nghi cá nhân và đồng hành với những người khác, đặc biệt là những người đau khổ.
 
Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời!”. Chúng ta thấy trên thế giới ngày nay vẫn còn nhiều người đang sống trong tình trạng mà tiên tri Êdêkien đã từng nói đến ở đây. Họ là những “con người mang đầy thương tích” ở cộng đoàn Dalit bên Ấn Độ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những đau khổ xót xa này trong trong cuộc sống của họ, những đau khổ mà Đức Kitô chịu đóng đinh đã thông phần. Cùng với những người mang thương tích ở mọi nơi và mọi thời, Đức Giêsu vẫn hướng về Chúa Cha mà kêu van thống thiết: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài đành bỏ con?”
 
Tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi đi con đường thập giá. Thư gửi tín hữu Do thái không chỉnói đến việc Đức Giêsu chịu đau khổ thay cho những người bị loại bỏ để cứu độ họ mà còn nói đến việc các môn đề cần phải “ra ngoài thành” để gặp Ngài. Khi chúng ta gặp gỡ những người bị loại bỏ, như người Dalit chẳng hạn, và khi chúng ta nhận ra nơi khổ đau của họ có sự hiện diện của Đấng đã chịu đóng đinh, chúng ta sẽ không do dự sống trong Đức Kitô, nghĩa là liên đới với những người bị loại bỏ và những người mà Ngài thông phần đau khổ.
 
Trên thập giá, thân thể Chúa Kitô mang đầy thương tích, Ngài mang “thương tích vì chúng ta”. Cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Kitô đã được báo trước trong bữa Tiệc ly. Và từ khi ấy, chúng ta tưởng niệm biến cố này trong mỗi Thánh lễ như là cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết. Trong cuộc cử hành tưởng niệm này, thân thể đầy thương tích của Chúa Kitô cũng là thân thể vinh quang và phục sinh; thân thể Người trở thành tấm bánh bẻ ra cho chúng ta nhờ đó chúng ta được thông phần và sự sống của Người, và trong Người, chúng ta trở thành một thân thể duy nhất.
 
Thật đáng buồn cho chúng ta, những người Kitô hữu đang bước trên con đường hướng tới hiệp nhất, khi bí tích Thánh Thể lại là nơi người ta thấy rõ những chia rẽ gây gương mù của chúng ta vì như chúng ta biết hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể cùng nhau lãnh nhận bí tích này như bí tích này đòi hỏi. Điều này mời gọi chúng ta phải cố gắng hơn nữa để hiệp thông ngày một chặt chẽ hơn.
 
Các bài đọc hôm nay cũng cho chúng ta một hướng suy tư khác. Bước đi với thân thể đầy thương tích của Chúa Kitô đó cũng là tìm ra cách thức để cùng sống tinh thần hiệp thông mà bí tích Thánh Thể mời gọi: chia sẻ cơm bánh cho người đói, loại bỏ những bức tường nghèo đói và bất công chính là những “hiệp thông Thánh Thể” mà các Kitô hữu được mời gọi chung tay góp sức. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI quan niệm rất rõ về khía cạnh này của bí tích Thánh Thể trong Giáo hội: chúng ta không chỉ là tin hay cử hành nhưng còn phải sống bí tích này (Sacramentum caritatis, 71). Đồng quan điểm về “phụng vụ sau phụng vụ” của Chính Thống Giáo, ngài đã nhìn nhận rằng: “không có gì thực sự nhân loại mà không tìm thấy trong bí tích Thánh Thể khuôn mẫu thích hợp để sống sung mãn” (Sacramentum caritatis, 71).
 
Lời nguyện
 
Lạy Thiên Chúa tình thương, Con Một Chúa đã chịu chết trên cây thập giá để nơi thân thể đầy thương tích của Ngài, những chia rẽ của chúng con được xóa bỏ. Tuy nhiên, chúng con đã và vẫn tiếp tục đóng đinh Con Chúa vào thập giá khi chúng con còn chia rẽ nhau, khi chúng con khởi xướng một hệ thống xã hội gây cản trở cho tình yêu của Chúa và phá bỏ công lý mà Chúa muốn dành cho những người đã bị tước bỏ những ân ban thụ tạo của Ngài. Xin sai Thánh Thần Chúa đến để Người ban cho chúng con thần khí sự sống và chữa lành tất cả những thương tích nơi chúng con, để chúng con có thể cùng nhau làm chứng cho công lý và tình yêu của Chúa Kitô. Xin hãy đồng hành với chúng con cho đến ngày chúng có thể chia sẻ cùng một tấm bánh và uống cùng một chén trong cùng một bàn tiệc Thánh Thể. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
 
Gợi ý suy tư
 
1. Trong viễn tượng của truyền thống ngôn sứ, Thiên Chúa muốn người ta thực thi công lý hơn là cử hành những nghi lễ mà vẫn sống bất công, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta phải cử hành bí tích Thánh Thể, bí tích của Chúa Kitô bị thương tích và sự sống mới, như thế nào trong những nơi mà chúng ta vẫn thường tổ chức?
 
2. Với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta nên cùng nhau làm gì để làm chứng hơn nữa về sự hiệp nhất của chúng ta trong Chúa Kitô tại những nơi có những người đau khổ và bị bỏ rơi sinh sống?
 
Ngày thứ ba
 
Bước đi hướng tới tự do
 
Lời Chúa
 
Xh 1, 15-22: Các bà đỡ có lòng kính sợ Thiên Chúa, nên không làm như vua Ai Cập đã truyền.
Tv 17, 1- 6: Lời cầu nguyện đầy tin tưởng của người hướng lòng lên Chúa.
2 Cr 3, 17-18: Sự tự do đầy vinh quang của những con cái Chúa trong Đức Kitô.
Ga 4, 4-26: Cuộc đối thoại với Đức Kitô đã dẫn người phụ nữ Samari tới một cuộc sống tự do hơn.
 
Suy niệm
 
Khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa có nghĩa là luôn hướng tới sự tự do mà Ngài ban tặng cho tất cả mọi người và đón nhận nó. Chính trong tâm tình này mà chúng ta cử hành nghi thức hôm nay. Chúng ta cử hành mầu nhiệm tranh đấu cho tự do kể cả ở những nơi mà chúng ta gặp thấy con người đang bị đè nặng bởi áp bức, thành kiến và nghèo đói. Sự dứt khoát từ chối những lệnh truyền hay những điều kiện sống phi nhân- như những điều mà Pharaô đã truyền cho các bà đỡ người Do thái đang bị bắt làm nô lệ bên Ai Cập phải làm- có thể được biểu hiện bằng một hành vi rất nhỏ.
 
Thật may, chúng ta vẫn gặp thấy cách thức tranh đấu cho tự do này trong các xã hội của chúng ta. Do vậy chúng ta hãy vui mừng về thiện chí tự do này-như đón nhận mọi người theo phẩm giá của họ và tham gia một cách đúng mực vào tất cả những gì tốt đẹp - mà chúng ta sẽ thấy trong các cộng đoàn Dalit. Sự tìm kiếm một sự sống viên mãn rất quyết liệt này là hồng ân của đức cậy mà Tin Mừng trao ban cho hết mọi người đang bị các thể chế bất công trên khắp thế giới giam hãm.
 
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và thiếu phụ Samari bên bờ giếng giúp chúng ta chuyển dần từ cái nhìn phân biệt bất công và thành kiến đến cái nhìn tự do. Trước hết, người phụ nữ này đặt vấn đề về những thành kiến mà chị phải gánh chịu và chị tìm cách giảm nhẹ những gánh nặng ấy trong cuộc sống của chị. Cuộc trò chuyện giữa chịvới Đức Giêsu xuất phát từ những mối bận tâm này. Đức Giêsu bắt đầu trò chuyện với chị vì Ngài đang cần sự giúp đỡ của chị (Ngài đang khát) nhưng còn vì cả chị và Ngài đều đang đặt vấn đề về các thành kiến xã hội. Do đó, việc Đức Giêsu xin giúp đỡ mới gây ra những thắc mắc. Những lời Đức Giêsu nói càng soi sáng cuộc đời phức tạp của chị thì nó càng mở ra cho chị một con đường hướng tới một cuộc sống tự do hơn. Sau cùng, những lời soi sáng của Đức Giêsu đã giúp cuộc đối thoại vượt qua một điểm gây chia rẽ giữa hai nhóm người này- cầu nguyện ở đâu? “Cầu nguyện trong thần khí và sự thật” đó là điều Chúa đòi hỏi. Như vậy chỉ có chúng ta mới có thể cứu chúng ta khỏi tất cả những gì làm cho chúng ta mất đi cuộc sống hiệp thông và viên mãn.
 
Chúng ta cần phải hiệp thông với nhau sâu xa hơn nữa bởi vì tất cả chúng ta được kêu gọi đến một tự do lớn hơn trong Đức Kitô. Những gì gây cho chúng ta chia rẽ – với tư cách người Kitô hữu khi chúng ta kiếm tìm sự hiệp nhất và với tư cách là con người khi chúng ta bị chia rẽ vì những truyền thống bất công và những bất bình đẳng– nó cũng làm cho chúng ta giam hãm lẫn nhau và không nhận ra nhau. Ngược lại, sự tự do trong Chúa Kitô ban cho chúng sự sống mới trong Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta cùng nhau nhận ra vinh quang Thiên Chúa với “khuôn mặt không che màn”. Trong ánh sáng vinh quang này, chúng ta học biết nhìn nhau trong sự thật và càng ngày càng trở nên giống Đức Kitô hầu cho sự hiệp nhất Kitô giáo đạt tới viên mãn.
 
Lời nguyện
 
Lạy Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng con, chúng con cảm tạ Chúa về những anh chị em,được nuôi dưỡng bởi niềm hy vọng, đã trung kiên và vững vàng tranh đấu cho nhân phẩm và sự sống viên mãn. Chúng con biết Chúa nâng dậy những người gục ngã và Chúa giải thoát những người bị giam cầm. Con Một Chúa là Đức Giêsu vẫn đồng hành với chúng con và chỉ cho chúng con thấy con đường tới tự do đích thực. Xin cho chúng con biết phát huy những gì chúng con đã nhận được và xin tăng cường sức mạnh cho chúng con để chúng con vượt lên tất cả những gì nô lệ hóa chúng con, nơi bản thân chúng con. Xin sai Thánh Thần Chúa đến để chúng con được tự do nhờ chân lý và để chúng con có thể đồng thanh tuyên xưng tình yêu Chúa trong thế giới hôm nay. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
 
Gợi ý suy tư
 
1. Có những thời điểm nào trong các cộng đoàn của chúng ta, thậm chí ngay trong cộng đoàn Kitô hữu mà chúng ta đang sống, bị những thành kiến vàđịnh kiến ngăn cản, làm cho chúng ta, dù mặt không che mạng, mà không thể nhận ra nhau trong ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa?
 
2. Là những người Kitô hữu, đâu là những sáng kiến chúng ta có thể cùng nhau thực hiện hầu thúc đẩy các con cái Chúa trong Giáo hội và rộng lớn hơn trong toàn bộ xã hội, hướng tới tự do (Rm 8,21)?
 
Ngày thứ tư
 
Bước đi như những người con cùng chung sống trong gia đình trái đất
 
Lời Chúa
 
Lv 25, 8-17: Đất đai dành cho công ích chứ không dành lợi ích cá nhân.
Tv 65, 5- 13: Hồng ân của Chúa tuôn đổ dồi dào trên mặt đất.
Rm 8, 18-25: Muôn loài thọ tạo mong chờ được cứu độ.
Ga 9, 1-11: Đức Giêsu dùng bùn đất và nước mà chữa lành người mù.
 
Suy niệm
 
Nếu chúng ta được mời gọi khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa thì chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng chính chúng ta cũng là một phần của thụ tạo và được hưởng những ân huệ của Thiên Chúa. Ngày nay thế giới ngày càng ý thức được rằng việc hiểu đúng vị trí thực sự của mình trong thụ tạo phải là việc ưu tiên của mỗi người chúng ta. Đặc biệt, các Kitô hữu ngày càng quan tâm đến vấn đề sinh thái và đến cách thức tham dự của nó trong chương trình “khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa”, Đấng Tạo Dựng chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có đều do Thiên Chúa thực hiện và ban tặng. Và nếu nó không phải của chúng ta thì chúng ta không thể sử dụng nó theo ý của mình. Vì lý do này mà hằng năm, các Kitô hữu được mời gọi cử hành“Mùa sáng tạo”, diễn ra từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 04 tháng 10 và càng ngày càng có nhiều Giáo hội tham gia cử hành. Năm 1989, Đức Thượng Phụ Dimitrios I đã công bố lấy ngày 01 tháng 9, ngày bắt đầu năm phụng vụ của Giáo hội Chính Thống để tưởng nhớ việc Thiên Chúa tạo dựng, là Ngày thế giới cầu nguyện cho môi trường. Nhiều Giáo hội theo truyền thống Tây phương mừng lễ thánh Phanxicô Assisi, tác giả của “Bài ca tạo vật” vào ngày 04 tháng 10. Như vậy, mối ưu tư bảo vệ thụ tạo trong truyền thống Giáo hội Đông Phương và Tây phương được biểu lộ rất rõ qua hai thời điểm khởi đầu và kết thúc của Mùa tạo dựng này.
 
Lịch sử Kitô giáo là lịch sử cứu độ toàn thể thụ tạo, và cũng chính là lịch sử công trình sáng tạo. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã nhập thể ở một nơi chốn và một thời điểm cụ thể. Đó là một tín điều căn bản liên kết mọi Kitô hữu. Niềm tin chung của chúng ta về nhập thể tự nó đã bao hàm một sự nhận biết sâu xa về tầm quan trọng của thụ tạo - thân xác, lương thực, đất đai, nước uống và tất cả làm cho con người, với tư cách là dân cư của hành tinh này, được sống. Đức Giêsu đã hoàn toàn thuộc về thế giới này. Người ta dường như hơi bị sốc khi thấy Chúa Giêsu nhổ nước bọt xuống đất và trộn với bùn mà chữa bệnh; nhưng việc thế giới thụtạo tham dự vào ý định của Thiên Chúa, ý định dẫn chúng ta tới sự sống mới, là hoàn toàn phù hợp với đức tin của chúng ta.
 
Trên khắp thế giới, thông thường những người nghèo khổ nhất là những người canh tác đất đai nhưng họ lại là những người không được hưởng hoa lợi mà đất đai mang lại. Rất đông những người Dalit ở Ấn Độ phải chịu hoàn cảnh như vậy. Nhưng chính họlại là những người cẩn thận chăm sóc đất đai, sự khôn ngoan của họ được tỏ lộcách cụ thể qua các công việc trồng cấy.
 
Khi chăm sóc đất đai chúng ta có cơ hội suy tư về những vấn đề nền tảng, chẳng hạn vấn đềcon người có thể sống nhân bản hơn đối với các thụ tạo khác như thế nào. Vấn đề việc làm và sở hữu đất đai thường là nguyên nhân gây ra những bất bình đẳng về kinh tế và những điều kiện làm việc bất nhân. Đó cũng là mối lo lắng sâu xa khiến các Kitô hữu phải liên kết với nhau mà hành động. Cựu ước, đặc biệt là các chỉ thị về Năm thánh của sách Lêvi đã cảnh báo những mối nguy hiểm của việc bóc lột đất đai: Chúa ban cho chúng ta đất đai và hoa lợi không phải để chúng ta dùng mà bóc lột những người đồng bào của mình; ngược lại mọi người đều được quyền canh tác đất. Đây không chỉ đơn giản là “ý tưởng tôn giáo”; nhưng ý tưởng này còn phụ thuộc vào hoạt động kinh tế thương mại cụ thể, chính những hoạt động này mới quyết định cách thức quản lý, mua bán đất đai.
 
Lời nguyện
 
Lạy Thiên Chúa sự sống, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con đất đai và những ngườiđã canh tác và làm cho đất đai trổ sinh hoa màu. Xin Thần khí sự sống của Chúa giúp chúng con ý thức rằng ngay chính bản thân chúng con cũng là một thành phần trong các loài thụ tạo. Xin giúp chúng con biết học cách yêu mến đất đai và biết lắng nghe khi đất đai rên xiết. Xin giúp chúng con cùng nhịp bước với Đức Kitô đến khắp nơi để chữa lành những vùng đất bị tàn phá và làm cho tài nguyên màđất đai đem lại được chia sẻ công bằng. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
 
Gợi ý suy tư
 
1. Các bài đọc lời Chúa hôm nay mời gọi các Kitô hữu vững tin liên kết với nhau để cùng nhau hành động vì lợi ích của trái đất. Là người Kitô hữu, chúng ta có thể thực hành tinh thần toàn xá trong những lãnh vực nào của đời sống chúng ta?
 
2. Trong các lãnh vực nào các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta đã đồng lõa với tình trạng khai thác tàn phá đất đai và làm cho sự toàn vẹn của đất đai trở nên nguy hiểm? Trong những trường hợp nào chúng ta có thể liên kết những cố gắng lại với nhau để học hỏi và giáo dục con người biết tôn trọng đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa?

Tác giả: Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu

Nguồn tin: Website HĐGMVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập764
  • Hôm nay162,295
  • Tháng hiện tại1,074,559
  • Tổng lượt truy cập57,176,196
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây