Bên tôi có con đường.

Thứ năm - 29/09/2011 20:46

-

-
“Bên tôi có con đường”. Người bạn đời tôi chính là con đường đi của tôi, không thể nào nói khác được! Và cũng chính tôi, sau bao năm tháng chung đường, đã nỡ tâm cày xới phá nát con đường, mà đúng ra, tôi phải có bổn phận đêm ngày hàn gắn, sửa chữa, trùng tu, tái thiết… (Nguyễn Úy HT67)
BÊN TÔI CÓ CON ĐƯỜNG
 
Vào tháng 6 năm 2004, vợ chồng tôi được cha Bề Trên Giuse Lê Viết Phục và cha P. Nguyễn Luận mời tham dự khóa học 269 Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình. Tôi có chút băn khoăn vì chương trình kéo dài đến 3 ngày, và bị choáng ngợp trước chương trình do Ban Tổ Chức gởi về. Tôi im lặng suy nghĩ.
 
Rồi tôi cũng quyết định, tò mò lên đường thử xem. Chương trình Thăng Tiến HNGĐ được chúng tôi hiểu như là ý nghĩa của cuộc trở về, sau bao năm tháng sống chung với nhau, mà đôi khi, lại ly biệt nhau ngay chính trong tổ ấm mình.
 
Ngày đầu tiên, cha sáng lập Chu Quang Minh đã hớp hồn vợ chồng tôi. Có thể ngài là một nhà hùng biện giàu kinh nghiệm, hay là một lãnh đạo tầm cỡ có tài năng điều khiển người khác. Nhưng tôi còn thấy tấm lòng khiêm cung và ước mơ được phục vụ những gia đình bất hạnh, với nhiều nỗi nhức nhối xót xa trong đời sống hôn nhân. Tất cả đã làm bùng cháy lên ngọn lửa yêu thương dâng hiến trong tâm hồn cha sáng lập chương trình. Tôi bỗng dưng nhìn thấy ngài như là “người nghệ sĩ của Thiên Chúa!”. Sau khi tiếp xúc đầy trí tuệ với Đấng Tối Cao, người nghệ sĩ dùng thần khí no đầy ơn Chúa mà làm cho “cả trời đất nỗi lên muôn điệu nhạc. Rất trong vọng, rất thơm tho, man mác”. Với đôi bàn tay của người nghệ sĩ thời danh, cha Minh đã nắn nót tô vẽ lại hình hài của mỗi con người trong đời sống vợ chồng, cho giống lại hình ảnh Thiên Chúa, mà vì nhiều lý do khác nhau, họ đã làm nhòa đi nét đẹp thánh thiêng đó. Cha nhìn thẳng vào nội tâm của các cặp vợ chồng đang đứng trước mình, để biến những tâm hồn chai đá khô khan kia, trở thành vườn hoa xuân rực rỡ muôn màu. Ngài kéo con người trở về nhận diện nhau, dũng khí nói lên lời xin lỗi nhau, chín chắn sống đời sống chân thật. Cha sáng lập còn khai thác tối đa tiềm năng ẩn sâu vào bên trong của mỗi tâm hồn, để làm cho chúng đơm hoa kết trái, triển khai theo chiều hướng hợp với ý nguyện của Đấng Toàn Năng.
 
Hóa ra lâu nay, tôi đã sử dụng một kiểu cai quản “gia trưởng” để lèo lái gia đình mình, mà tôi luôn cho mình có lý! Vì vậy, tôi bị choáng ngợp và bị hớp hồn là đúng, khi cha Chu Quang Minh giúp chúng tôi “trở về”, về với nhau để thực sự nhận ra nhau rồi yêu thương nhau, hiến dâng và tha thứ cảm thông cho nhau. Gia đình là một xã hội tình, nên tình yêu đôi lứa phải là tình yêu dựa trên sự kết hợp. Kết hợp trên phương diện sinh lý cũng như trong địa hạt tâm linh. Sự kết hợp nào cũng tái diễn lại cuộc hành trình của Chúa Kitô từ cung lòng Chúa Cha để đi vào đời. Cha cũng đã nỗ lực truyền đạt cho con người biết kết hợp những giá trị nhân loại để làm giàu chi chi thể huyền nhiệm Chúa Kitô, và làm giàu cho chính gia đình mình. Và với nỗi ao ước mong chờ, ngài kêu gọi mọi gia đình công giáo, sau khi chan hòa hạnh ngộ với nhau 3 ngày tham dự khóa học, sau khi mở cõi lòng ra để đón nhận ơn Chúa, tất cả cùng nhau hân hoan bước vào “tiệc cưới Cana” hằng ngày trong gia đình mỗi người, ngõ hầu giúp chúng đơm hoa kết trái.
 
Cha sáng lập không ngần ngại đưa chúng tôi, gần 50 cặp vợ chồng tham dự khóa, đón nhận nền hạnh phúc đích thực, như là một cuộc hòa điệu êm ái giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Cuộc đụng độ nảy lửa giữa lòng từ tâm của vị sáng lập và đời sống khô khan nguội lạnh của đa số học viên, đã thực sự làm chúng tôi chao đảo. Ai nấy cảm thấy tràn trào ngọn lửa  mến yêu khi nhìn thấy dáng điệu thiết tha của người điều khiển chương trình. Cuộc đụng độ có tính cách lịch sử, vì lát nữa đây thôi, chính chúng tôi, mỗi người trong đời sống vợ chồng, phải khiêm nhường để “biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi” cho nhau. Có lẽ đây là điều khó thực hiện nhất cho các khóa viên chúng tôi. Tôi phải thành tâm lắng đọng cúi đầu trước Thánh Thể, xin ơn can đảm ôm người vợ mình trong lòng bàn tay chai đá để nói lên lời xin lỗi, và chân thành nhận lỗi rồi cương quyết sửa sai những xúc phạm của mình đối với người bạn đời.
 
Nguồn hạnh phúc của chương trình Thăng Tiến HNGĐ không hệ tại ở cơm gạo áo tiền, nhưng hệ tại ở lòng khiêm nhu, thanh tịnh, trên nỗ lực giải thóat lòng mình khỏi mọi sự ràng buộc của lòng tự ái và tính kiêu căng ích kỷ, để cho đôi vợ chồng trở thành hồn “tông đồ song đôi”. Song hành bên nhau và cùng nhau phấn đấu vượt lên sống kết hiệp với Đấng Tối Cao. Đó là sự an vui đích thực của đời sống gia đình, khi cõi lòng vượt thắng những đam mê bất chính, những toan tính nhỏ nhen. Một đời sống vợ chồng gương mẫu, theo linh đạo của chương trình, phải là một đời sống biết từ bỏ và chiến thắng những gì cản bước con người, thản nhiên trước mọi biến chuyển quay cuồng nhân thế, và khao khát biến gia đình mình có được hạnh phúc, bằng cách tham dự vào đời sống gương mẫu của Thánh Gia Thất. Có biết bao cặp gia đình đau khổ đọa đày chốn tình trường, cũng vì không điều khiển nỗi quả tim bất kham mà thả lỏng đi hoang một cách tiêu cực.
 
Những ngày kế tiếp của khóa học, nhiều học viên đã thổn thức nghẹn ngào và mặc cho giòng nước mắt tuôn rơi. Đây đó có tiếng sụt sùi, tiếng thì thào “ nhận lỗi và xin lỗi”. Hiện diện giữa những tâm hồn đang thống hối, và với Thánh Giá Chúa Giêsu trên tay, vị sáng lập cũng nghẹn ngào với các học viên: “Hãy làm cho Chúa vui! Hãy làm cho Chúa vui!”. Tôi chợt cảm nghiệm một cách xứng đáng: Khi hai người yêu nhau thì sinh ra Chúa Kitô, khi hai người tha thứ cho nhau thì cửa Thiên Đàng rộng mở. Bởi vì có chi làm cho Chúa vui khi có một tâm hồn thống hối ăn năn trở về. Hạnh phúc là khát vọng sâu xa và khẩn thiết nhất của đời người, nhất là trong đời sống lứa đôi. Nam nữ bổ túc cho nhau trong mọi hoàn cảnh sống giữa phận người. Mỗi người chỉ thấy hết cô đơn, thấy được nâng đỡ ủi an , thấy được sung sướng hạnh phúc khi có “người kia”, như là “người bên cạnh, người của mọi ngày”. Chính trong sự hiệp nhất mà họ được triển nở bản lãnh cá nhân và tìm được thế quân bình.
 
“Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn kia bỗng dại khờ”, lời tâm sự của người thi sĩ thật là xác đáng. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, có lẽ nói không ngoa, người ta quan niệm người phụ nữ bằng “cái lưỡi”! Có khi người ta tung hô “nhất vợ nhì trời”, lại có lúc phỉ báng “thập nữ viết vô”. Cha Phêrô Chu Quang Minh rất rạch ròi các quan niệm của người đời, có lẽ nhờ vào khoa tâm lý học mà ngài đã thành công học hành nghiên cứu, để các mảng gia đình cần được “theo dõi bệnh trạng”, mau chóng trở lại thế quân bình. Nhưng theo tôi, chắc chắn nhờ vào những lúc tiếp xúc đầy trí tuệ với Thiên Chúa, ngài đã công bố cho các học viên thông điệp từ lúc khai sinh lập địa mà Giavê Thiên Chúa đã thông ban cho con người, như lời trình thuật của sách sáng thế:
 
“...Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một kẻ giúp đỡ xứng đáng với nó... Con người nói: Xương nầy là xương tôi, thịt nầy là thịt tôi. Người nầy sẽ gọi là đàn bà, vì đã được lấy từ đàn ông. Vì thế, người đàn ông sé bỏ cha mẹ mình để khắng khít với vợ, và cả hai sẽ thành một thân thể duy nhất...”
 
Hóa ra, hầu như gần suốt cuộc đời với một nghiên cứu đồ sộ sách vở, cha Chu Quang Minh chỉ có một niềm mơ ước: Người chồng sau khi bỏ cha mẹ mình, xin mãi mãi khắng khít với người bạn đời yêu quý của mình, để cả hai trở thành một thân thể duy nhất. Chỉ chừng đó lời nguyện xin mà ngài đã băng rừng đạp núi, từ Hoa Kỳ sang Châu Âu, ngược về Châu Phi và thẳng tiến đến Chấu Á để công bố thông điệp của ngài.
 
Như vậy, những giọt nước mắt đã đổ ra trong khóa học giữa vợ chồng hôm nay, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Những câu nhận lỗi và xin lỗi thoát ra từ môi miệng mỗi người là những tâm tình đáng yêu với Thiên Chúa. Không phải họ nói với nhau, nhưng là đang trò chuyện với Chúa. Họ đã làm cho Chúa vui vì họ đang làm cho người bạn đời vui. Người thành tâm là người mà Thiên Chúa muốn chuyện trò. Cả hai bây giờ thật sự dấn thân trong mầu nhiệm tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh.
 
Khi tham gia các công việc của Hội Thánh, tức là tôi đã tham gia các sinh hoạt của Chúa Kitô trong đời sống thường ngày. Tôi cần phải cố gắng phấn đấu vượt lên không ngừng, phấn đấu với những cơn cám dỗ chiếm đoạt, hiếu thắng, hung hãn, ngỗ ngáo, dục vọng, ích kỷ...để nhận diện Chúa qua những cố gắng tối đa của mình.
 
Và đến hôm nay, sau 7 năm tiếp cận linh đạo “Thăng tiến hôn nhân gia đình”, tôi càng xác tín một cách mãnh liệt: Bên tôi có con đường”. Người bạn đời tôi chính là con đường đi của tôi, không thể nào nói khác được! Và cũng chính tôi, sau bao năm tháng chung đường, đã nỡ tâm cày xới phá nát con đường, mà đúng ra, tôi phải có bổn phận đêm ngày hàn gắn, sửa chữa, trùng tu, tái thiết “con đường lứa đôi” mà hằng ngày tôi vẫn sáng đi tối về. Tôi thật sự quyết tâm, và tôi chỉ có chừng đó, mọi việc khác xin Chúa lo liệu và giúp đỡ tôi.

Tác giả: Nguyễn Úy HT67, Huế.

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.
 Tags: con đường

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập672
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm671
  • Hôm nay159,834
  • Tháng hiện tại1,457,304
  • Tổng lượt truy cập58,743,173
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây