Mục Vụ Gia Đình Với Những Thách Đố Hiện Nay.

Thứ hai - 26/09/2011 10:13

-

-
Trong những ngày 21, 22, và 23 tháng 9/2011 vừa qua tại TTMV Tổng Giáo Phận TP.HCM đã diễn ra Hội Nghị lần II Ủy Ban Mục Vụ Gia đình thuộc HĐGMVN. Anh Nguyễn Úy, Cựu Chủng Sinh Huế HT67, thành viên UBMV giáo phận Huế tham dự Hội Nghị này và có bài viết chia sẻ.
Mục Vụ Gia Đình Với Những Thách Đố Hiện Nay.
 
Với tâm tình Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa, có Chúa Kitô là trưởng tử giữa đàn em đông đúc, có Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông, mọi gia đình Thiên Chúa đã trở thành dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa tình yêu giữa giòng lịch sử nhân loại, Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình thuộc HĐGMVN lần thứ hai nhóm họp tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Sàigòn, từ ngày 21 - 23.09.2011, dưới sự chủ tọa của ĐGM Giuse Châu Ngọc Tri, chủ tịch UB MVGĐ trực thuộc HĐGMVN. Qua 2 ngày hội nghị, UBMVGĐ đã hướng dẫn dân Chúa với chủ đề: Phác Thảo Định Hướng Cho Mục Vụ Gia Đình tại Việt Nam.
 
 
Tại Huế, linh mục Phaolô Nguyễn Luận (HT67), đặc trách MVGĐ giáo phận cùng với 2 giáo dân, một ở Huế và một ở Quảng Trị, hòa nhịp với 21 giáo phận khác, trên tổng số 26 giáo phận toàn quốc, đã lên đường tham dự lời mời. Có đi là có gặp gỡ, có tâm tình. Nhất là ra đi để đến nơi hò hẹn bình yên, tham gia vào mọi nỗ lực nhận thức để định hướng cho việc mục vụ gia đình, xét như là “trường dạy đầu tiên, nơi đào tạo những thế hệ mới vững mạnh trong đức tin, can đảm sống đạo đức, có trách nhiệm đối với xã hội và Giáo Hội...” Ra đi trong tâm tình như thế, chắc chắn sẽ có nhiều hoa trái đem về.
 

Đại diện UBMV Giáo phận Huế.
 
Cha Tổng Thư Ký UBMVGĐ Nguyễn Anh Tuấn đã giới thiệu các chuyên viên nghiên cứu về gia đình như linh mục Augustino Nguyễn Văn Dụ, chuyên viên về gia đình của HĐGM Ý, linh mục Nguyễn Minh Thiệu, dòng Don Bosco, ông Trần Anh Dũng, ông Uông Đại Bằng và một số nữ tu với những nghiên cứu chuyên môn, thuyết trình các đề tài thời sự về gia đình công giáo hiện nay. Cùng tham dự hội nghị, ban tổ chức mời thêm các hội đoàn tông đồ giáo dân chuyên về gia đình như: CT Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, Gia Đình Cùng Theo Chúa, Gia Đình Khôi Bình, Cộng Đoàn Emmanuel, Gia Đình Chúa...
 
Ý thức được cuộc khủng hoảng gia đình trầm trọng hiện nay, các thuyết trình viên qua gợi ý của BTC, đã quyết liệt đòi hỏi mọi gia đình công giáo VN phải tăng cường canh tân mục vụ gia đình, sống đời sống đức tin linh động, một đời sống công giáo trở nên như Giáo Hội tại gia, cần quan tâm kiến tạo bầu khí hiệp thông, hợp nhất yêu thương, liên đới, chung tay làm việc... Cử tọa im lặng lắng nghe và dần dần khám phá chân tướng một gia đình công giáo đích thực, trong cung cách là “ngôi nhà nhỏ” của Thiên chúa ở trần gian. Mọi người thấy thấm thía khi các diễn giả phác họa bức tranh toàn cảnh của giáo hội: “Mọi công tác mục vụ dân Chúa đều liên kết với gia đình, xuất phát từ gia đình. Nhưng để có kết quả như ý muốn, cần phải có kế hoạch chung và định hướng cụ thể cho công việc lớn lao và cấp bách ấy”.
 
Vấn đề di dân tại các thành phố lớn, được linh mục Nguyễn Minh Thiệu trình bày tại hội nghị, đã và đang là một thách đố lớn lao cho Giáo Hội VN, đặc biệt tại các thành phố lớn. Người di dân vì vấn nạn trốn tránh thiên tai, vì công ăn việc làm, cũng như việc học hành... Họ sống xa quê với ý thức kỷ luật thấp kém, hợp đồng lao động ngắn hạn, đồng lương thấp, việc kỳ thị địa phương...và vì thế, các tệ nạn xã hội bắt đầu từ đây. Vợ chồng thường xuyên sống xa nhau nên đời sống gia đình có nguy cơ đổ vỡ rất cao. Việc sống đạo quá khó khăn cho người di dân vì sống xa nhà thờ cũng như không hòa mình vào các sinh hoạt của cộng đoàn nơi họ đang sinh sống. Mục tiêu vật chất lấn át các giá trị đạo đức và đức tin. Người di dân thường sống đời sống “xa xôi với nơi đi, xa lạ với nơi đến” nên rõ ràng họ sống ngoài lề Giáo Hội. Họ cảm thấy bị bỏ rơi trong hành trình sống đức tin và không được giáo dục đức tin đến nơi đến chốn. Đây là một thực tế, một thách đố và là một khủng hoảng cho mọi gia đình công giáo hiện nay.
 
Hội nghị cũng lắng nghe những chia sẻ tâm tình của linh mục Aug. Nguyễn Văn Dụ, một diễn giả nhiều năm sống tại Châu Âu. Tại đây, trong những năm đầu thế kỷ nầy, người ta đã cố tình chối bỏ hôn nhân, yêu cuồng sống vội, “sống thử” trước hôn nhân. Người ta dễ dàng nhận ra rằng, thế hệ thanh niên tại Châu Âu hiện nay, đã nhất tề đứng lên sống lối sống “hiện sinh” xưa cũ cách đây gần bảy mươi năm. Họ sống tự do, bất chấp mọi truyền thống, phong tục tập quán, các luật lệ nhà đạo, từ cách ăn mặc cho đến đời sống luân lý. Giới trẻ Âu Châu diễn tả tình yêu của họ như là một khuôn mặt, một cử động, một nụ hôn, rồi đột nhiên bùng lên một cảm giác. Những phút chốc đến rồi lại đi, không hòa hợp gắn liền với nhau. Họ “mời” Thiên Chúa đi chơi một nơi khác, để sống một cách tự nhiên, không thắc mắc, không áy náy, không có vấn đề. “Mày đã làm gì với cuộc đời mày? Mày muốn làm gì với nó? Một câu hỏi chỉ có duy nhất câu trả lời: Không làm gì hết!” (Francois Sagan - Un certain sourire).
 
Đứng trước những thách đố có tính quyết liệt như thế, TGP Sài gòn trong tháng 5 vừa qua, cấp bách thực hiện “Hội Nghị Chuyên Đề Gia Đình Vùng Đông Nam Á Lần V” với mục đích mời gọi mọi thành phần dân Chúa cùng “đồng hành với người mới trưởng thành trong đời sống đức tin”. Hội nghị mời ông Uông Đại Bằng, một chuyên viên về mục vụ gia đình của giáo phận Sai gòn, cùng với các chuyên viên gia đình vùng Đông Nam Á, khẩn thiết đưa ra những biện pháp để giúp các bạn trẻ mới qua ngưỡng cửa trưởng thành, biết cách tiếp cận với Chúa Kitô, vì chỉ có Ngài mới chữa lành được vết thương trong tâm hồn họ. Lắng nghe với tấm lòng thành qua những niềm vui hay sầu khổ của họ, như chính Chúa Giêsu đã thực hiện với 2 môn đệ thành Emmaus xưa. Dạy cho họ ý thức về giá trị thân xác và cảm thức về căn tính của mình, chống lại sự cô lập. Cách tìm kiếm người bạn đời đúng nghĩa cũng như bình tĩnh khôn ngoan khi đương đầu với đức khiết tịnh. Làm sao cho giới trẻ ý thức việc đọc lời Chúa trong tâm tình cầu nguyện. Hướng dẫn giới thanh niên chuẩn bị đi vào đời biết cầu nguyện tập trung, là một phương pháp cầu nguyện tạo thành tương quan với Chúa mà cũng là phương thức nuôi dưỡng tương quan ấy. Nó cũng giúp cho con người đào sâu tương quan của mình với Chúa Giêsu đang sống động.
 
Hóa ra, các đôi vợ chồng công giáo phải “tập” tìm kiếm Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Nhất là trong lúc gặp gian nan thử thách, lúc cảm thấy mình yếu đuối nghèo hèn thiếu thốn, lúc bất mãn với chính mình, với gia đình và xã hội, họ cần được hướng dẫn để tiếp cận với Thiên Chúa, Đấng có thể thỏa mãn mọi nguyện ước của họ. Trong xã hội nhiễu nhương hỗn loạn hôm nay, các gia đình trẻ chưa đủ sức để tạo cho mình một sức bật bền vững. Nhân cách của họ, trước khi đạt đến một lối thể hiện phong phú tích cực, họ thường có một số phản ứng đôi khi thô bạo hay bất nhã mà ta hiểu như là một sự thể hiện ích kỷ, vụng về của một cái tôi đang cảm thấy bị đe dọa tước đoạt. trong trường hợp nầy, nam nữ tự nhiên trở thành nguy hiễm cho nhau.
 
Gia đình là đường đi của Hội Thánh, ý tưởng nầy đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tâm tình trong Tông huấn về Gia Đình được ban hành năm 1981, mà đến ngày 22.11.2011, tại Đà Nẳng, Đức Cha chủ tịch cùng với mọi thành phần dân Chúa, long trọng kỷ niệm 30 năm ngày ban hành. Trong hoàn cảnh một xã hội văn minh sản xuất và tiêu thụ, hình ảnh có một gia đình đạo hạnh kính sợ Chúa, có một gia đình theo nghĩa là “một xã hội tình, nghĩa là trong đó, tương quan giữa người với người là tương quan yêu thương, hiến dâng, thông cảm, tha thứ... (Nhận Định 2, Nguyễn Văn Trung)” dần dần biến vào trong...mơ! Người phụ nữ ngày nay vẫn còn đó là một “dụng cụ” để thỏa mãn nam giới. Người đàn ông vẫn còn đó lối bạo hành có từ thời La mã cổ đại. Thế nhưng, Hội Thánh vẫn đi lại trên con đường chông gai gập ghềnh ấy, và không ngừng tìm kiếm những định hướng, với ơn Chúa, chỉ dẫn cho con người biết cách để bổ túc cho nhau, đi đến một thế quân bình. Với những suy tư kiếm tìm không biết mệt mỏi, Hội Thánh hằng ngày mời gọi mọi gia đình công giáo trở lại với lòng tin sống động, lòng tin vào Chúa đang đồng hành với gia đình mình, để cùng nhau thăng tiến hạnh phúc gia đình, để cùng nhau vươn tới lý tưởng: “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”.
 
Tôi thầm cám ơn Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, chủ tịch UB MVGĐ, cám ơn cha Nguyễn Anh Tuấn, tổng thư ký UB, các cha và các tâm hồn thiện chí khắp nơi đã dấn thân phục vụ, ngõ hầu cầu mong cho mọi gia đình công giáo trên đất nước nầy, có cơ may vượt qua mọi thách đố đang làm chao đảo đời sống đức tin của họ. Và tôi tin rằng, với tấm lòng thiện chí đầy yêu thương như thế, cùng với sự can thiệp của lòng Chúa thương xót, họ dần dần bớt dao động, có được đời sống vui mừng và lạc quan. Rồi từ đó Thiên Chúa đến và lấp đầy mọi khổ đau bằng sự hiện diện tích cực của Người, Người sẽ biến đổi mọi tâm hồn trong thánh ân và đem lại một mùa xuân an bình hy vọng cho mọi người.

Nguyễn Úy (HT67, Huế)
 
Xem một số hình ảnh (Nguồn hình ảnh: Văn Chức)



































Tác giả: Nguyễn Úy HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập746
  • Hôm nay160,763
  • Tháng hiện tại1,073,027
  • Tổng lượt truy cập57,174,664
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây