Vicky Ngô tại tòa nhà Quốc hội New Zealand - Ảnh: CTV
Thông tin được lan truyền trên báo chí và mạng xã hội cả trong và ngoài nước về tương lai bất định của "thần đồng" người Việt vì tốt nghiệp đại học ở New Zealand quá sớm.
Sau hơn hai tháng nỗ lực liên hệ, chúng tôi được chấp thuận thực hiện một cuộc phỏng vấn với Vicky Ngô (Ngô Ngọc Châu) cùng người giám hộ của em.
Bạn học lớn tuổi gấp đôi
* Năm 2020, Vicky trở thành sinh viên nhỏ nhất của ĐH Công nghệ Auckland (AUT) khi mới 13 tuổi. Đến nay, tình hình học tập của Vicky thế nào?
- Mình đang học cử nhân song bằng toán ứng dụng và tài chính. Chương trình 3 năm nhưng dự kiến hoàn tất trong 2 năm. Mình cố gắng học nhiều môn hơn, học thêm cả hè, nhưng có thể xoay xở được.
Sinh viên cùng khóa thường học 4 môn/kỳ, mình đang học 6 môn/kỳ dù trong tình hình dịch bệnh. Cũng do COVID-19, nhiều học phần thiếu giảng viên hoặc không đủ lượt đăng ký, nên dự định tốt nghiệp kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11-2021.
* Một cô bé ít tuổi "đương đầu" những học phần dành cho người lớn, có khi nào Vicky thấy quá sức?
- Thật ra, các môn ở ĐH tương đối dễ. Hầu hết mình đều đạt điểm A hoặc A+. Những môn liên quan đến toán là mình tự tin nhất. Toán có tính logic, chỉ cần áp dụng đúng phương pháp là có kết quả.
Ngược lại các môn về xã hội thường có quá nhiều câu trả lời, mình không biết làm sao đưa ra đáp án tốt nhất. Đôi khi cũng có những phần khá khó nhưng đã có các thầy cô, bạn bè hỗ trợ. Như môn kỹ năng thuyết trình mình chỉ được điểm B+ do môn này khó với một đứa trẻ 14 tuổi.
* Tuổi sinh viên là một trong những giai đoạn đẹp nhất của thanh xuân. Những ngày tháng nơi giảng đường của cô bé Vicky có gì thú vị?
- Mình học ĐH năm 13 tuổi. Theo quy định, trẻ dưới 14 tuổi phải có người lớn theo cùng. Mỗi lần đi tới trường, mình đều được các bảo vệ cao lớn dẫn lên phòng học. Trong lớp, hai sinh viên lớn được phân công ngồi bên để trợ giúp khi cần.
Giờ về, bảo vệ trông coi cho tới lúc gia đình đón. Bạn học là các anh chị lớn tuổi nên đôi lúc khó chơi chung vì họ còn đi làm và có những bận tâm riêng. Bạn học lớn nhất cũng gấp đôi tuổi mình. Còn mình, việc học vẫn là chính.
"Như những đứa trẻ khác"
* Truyền thông thường dùng từ "thần đồng" khi mô tả Vicky. Được tán dương như thế, Vicky thấy thế nào?
- Mình thấy bản thân không mấy đặc biệt. Nếu có, chỉ là mình chăm chỉ và siêng năng. Mình cũng như bao đứa trẻ khác, thỉnh thoảng vẫn chơi điện tử lén, quên đánh răng, thích ngủ nướng. Cuộc sống của mình cũng không chỉ có học, mình thích đánh squash, bơi lội, thổi sáo.
Mình tự biết bản thân thế nào nên không kiêu căng. Chỉ có điều, hiện nay nhiều người ủng hộ và hỗ trợ mình, là mẹ, là gia đình, là các thầy, nên phải luôn cố gắng để không làm họ thất vọng.
* Tự đánh giá về bản thân, Vicky cho rằng mình còn thiếu sót những điểm nào?
- Mình hay quên, đôi lúc quên mất chuyện vừa nói. Mình cũng hậu đậu, nhiều khi cầm cái đĩa trong tay mà cũng bể, hay đi siêu thị làm rơi đồ. Khả năng giao tiếp chưa tốt. Mình dạy toán cho em mà giải thích hoài em không hiểu (cười).
* Người ta thường liên tưởng một "thần đồng" sẽ theo đuổi con đường hàn lâm, nghiên cứu, vì sao Vicky lại chọn song ngành toán ứng dụng và tài chính?
- Trong những lần được mẹ nuôi hướng nghiệp, mình nhận ra không thích sau này sẽ trở thành một nhà khoa học suốt ngày trong phòng nghiên cứu.
Có lần nói chuyện với những anh chị ngành toán cơ bản, mình "choáng" về những gì họ theo đuổi, không hiểu làm sao giải được.
Những ngành cơ bản rất khó, luôn đi vào cốt lõi. Trong khi đó, toán ứng dụng và tài chính lại thực tế hơn, mình có thể sử dụng nhiều trong cuộc sống. Chẳng hạn, nhờ những kiến thức ở trường, mình có cơ hội tham gia vào một sàn chứng khoán ở New Zealand.
Vicky Ngô (phải) và em gái Alisa - Ảnh: CTV
Trường hợp "chưa từng có"
* Cơ duyên nào đã đưa Vicky đến với New Zealand?
- Mình đã gặp mẹ nuôi bây giờ trong một lần bà tới Việt Nam làm từ thiện. Khi đó, mình chỉ là cô bé nhỏ nhắn, đen thui. Thành tích học tập không nổi bật.
Ba mẹ ruột là người lao động bình thường ở TP.HCM. Một thời gian thân thiết, mình có đùa rằng muốn cùng mẹ sang New Zealand nhưng bất ngờ được mẹ đồng ý.
* Xa Việt Nam hơn 3 năm, đâu là những hình ảnh của quê hương mà Vicky thường nhớ đến nhất?
- Mình vẫn nhớ khu quận 8 (TP.HCM) khi cả gia đình ở đó, nhớ đoạn từ sông ra trường tiểu học, nhớ con đường Phạm Thế Hiển mỗi lần Giáng sinh là đèn hoa lấp lánh. Thỉnh thoảng, mình cũng được ba cho về quê ở Tiền Giang chơi với các em, tắm sông, đá banh.
Do dịch, mình chưa thể về thăm nhà. Đều đặn vào tháng 7, cha mẹ ruột đều gửi một đôi giày sang New Zealand cho con gái. Từ ngày sang New Zealand, mình vẫn mặc áo ở Việt Nam, đi giày Việt Nam và dùng bút Việt Nam.
* Theo báo chí New Zealand, Vicky có thể bị phải về nước vì "quá giỏi" cũng như chưa có tiền lệ trong các quy định về di trú. Thực hư việc này ra sao?
- Du học sinh nếu có bằng cử nhân sẽ tự động được chuyển từ visa sinh viên sang visa làm việc, thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, ở đây lại quy định các bạn phải trên 18 tuổi, tức không có trường hợp của mình. Nếu muốn ở lại, mình chỉ có cách học cao học nhưng tài chính không cho phép.
Nhiều người nói rằng mình giỏi thì đương nhiên có học bổng. Không phải vậy. Mình đã tìm nhiều học bổng nhưng đều được yêu cầu hoặc đã 18 tuổi, hoặc có bằng cử nhân trước tháng 8-2021. Mình đều không thỏa 2 điều kiện. Hiện tại, gia đình đã có thư gửi đến các cơ quan và cả Văn phòng thủ tướng New Zealand nhờ xem xét.
Ông Bùi Hoàng Phong - hiệu trưởng Trường TH An Phong (quận 8, TP.HCM) - cho biết Ngô Ngọc Châu (Vicky Ngô) từng là học sinh nổi trội của trường (2012-2017).
Nhà trường bắt đầu nhận thấy em có tài từ năm lớp 4. Năm đó, em thắng giải nhì cuộc thi Trạng nguyên toàn tài cấp quốc gia. Một năm sau, em đoạt huy chương đồng toàn quốc trong cuộc thi giải toán qua mạng ViOlympic.
"Con bé ngoan lắm, đặc biệt nhất là có tài tự tìm hiểu, tự học trên mạng. Nhà trường thấy em có năng khiếu nên tổ chức bồi dưỡng nhưng bản thân em đã thể hiện năng khiếu vượt trội. Trong những buổi bồi dưỡng, thầy cô có cho thử sức với những bài toán cấp II, em cũng làm "ngon lành" và rất nhanh" - thầy Phong nhớ lại.
Người Việt nhỏ tuổi nhất học đại học
Ngày 15-7-2020, Tổ chức kỷ lục người Việt toàn cầu (thuộc Liên minh kỷ lục thế giới) đã công nhận sinh viên Ngô Ngọc Châu (Vicky Ngô) là người Việt Nam nhỏ tuổi nhất học đại học khi 13 tuổi 7 tháng.
Hiệu trưởng Sheryll Ofner của Trường Selwyn College trong thư giới thiệu Vicky với AUT có viết: "Vicky tập trung toàn tâm vào các môn học của mình hơn bất cứ điều gì khác. Động lực học tập phi thường này cùng với trí tuệ vượt trội đang giúp em vươn đến những cấp cao hơn độ tuổi của mình".
Đấu tranh để được học vượt cấp
Dù gia đình biết năng lực của Vicky nhưng thời gian đầu các trường chưa tin. Khi Vicky lên lớp 9, không ai nghĩ em có thể học 5 năm cấp III chỉ trong 1 năm.
Thực tế, Vicky hoàn thành chương trình lớp 9 trong học kỳ 1. Ở học kỳ 2, gia đình phải "chiến đấu" để Vicky dự thi kỳ thi "nhảy cóc" lên lớp 11. Đến học kỳ 3, Vicky học nội dung lớp 12 và hoàn tất lớp 13 trong học kỳ 4.
Trong suốt thời gian đó, tôi đã viết trên dưới 200 email để cho em có cơ hội được học vượt, thi tốt nghiệp cấp III và phải mất 2 tháng để xin được thư đặc cách của bộ trưởng Bộ Giáo dục cho trường hợp của Vicky. Trước khi cho phép Vicky thi tốt nghiệp, có giáo viên còn nói nếu Vicky thi trượt thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín trường.
(Người giám hộ của Vicky tại New Zealand)
TRỌNG NHÂN
https://tuoitre.vn/co-gai-viet-14-tuoi-hoc-dai-hoc-song-bang-20210617215029104.htm