Xin đừng vay tiền để nuôi… tham nhũng!

Chủ nhật - 27/10/2013 21:52

-

-
Chuyện tham nhũng ở ta đã trở thành “chuyện thường ngày”, có nói cả tháng, cả năm cũng không hết. Mà toàn những câu “trên cả tuyệt vời”, như “Chống tham nhũng ở ta như đánh trận giả” hay “Người ta “ăn” của dân không từ một cái gì”…
Xin đừng vay tiền để nuôi… tham nhũng!
 

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Chuyện tham nhũng ở ta đã trở thành “chuyện thường ngày”, có nói cả tháng, cả năm cũng không hết. Mà toàn những câu “trên cả tuyệt vời”, như “Chống tham nhũng ở ta như đánh trận giả” hay “Người ta “ăn” của dân không từ một cái gì”…
 
Tham nhũng ở ta có lẽ không ai là không biết, không bàn nên nói về chuyện này nhiều khi nhàm chán.
 
Chán! Rất chán nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên!
 
Ngạc nhiên vì mỗi khi có một vụ tham nhũng bị phát hiện là lại không khỏi giật mình. Giật mình không phải chỉ bởi số tiền khổng lồ hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỉ đồng thất thoát mà là cái cách thất thoát. Tiền nhà nước, tức là tiền của dân do nhà nước quản lý rất dễ lấy.
 
Cứ nghĩ tham nhũng tức là bớt xén, như kiểu đi chợ mua con cá, mớ rau. Đáng lý một ngàn thì bảo ngàn mốt, ngàn hai còn nơm nớp lo bị phát hiện.
 
Cao hơn nữa là ăn một hai chục phần trăm bớt xén, ví như cái công trình đáng 100 triệu thì bớt 10-20 triệu đã là kinh khủng lắm rồi.
 
Thế nhưng té ra không phải chỉ có thế.
 
Ví như cái vụ mua ụ nổi 83M thì không khỏi ngả mũ… kính phục các “vĩ nhân tham nhũng”.
 
Một cục sẳt già nua, hoen gỉ, có tuổi đời 1/2 thế kỉ đáng giá hàng đồng nát. Vậy mà chỉ qua mấy lần “phù phép”, các “vĩ nhân tham nhũng” đã biến nó thành cái ụ vàng có giá lên tới hàng trăm tỉ đồng, gấp cả chục lần cái giá mua và gấp nhiều chục lần cái giá trị thực.
 
Thế mà trót lọt, thế mà không ai phát hiện ra dù qua bao nhiêu cửa với các “quan trấn ải” uy nghiêm có tên là thanh tra, kiểm soát, đăng kiểm…
 
Té ra tiền Nhà nước dễ lấy thật. Dễ hơn ông Quan Công thời Tam Quốc đi qua 5 cửa quan “thò tay vào túi” lấy đầu 6 tướng.
 
Trong khi tiền dân dễ lấy đến kinh ngạc thì trái lại, các “nhà tham nhũng” lại tài ba đến mức… đáng kính phục!
 
Kính phục bởi ví như số tiền tham nhũng, thất thoát khổng lồ hàng chục, hàng trăm tỉ của Vinalines, Vinashin… nếu qui ra tiền mệnh giá 500.000 đồng có khi phải cỡ vài toa tàu hỏa. Thế mà chỉ qua “vài đường cơ bản”, nó biến đi lúc nào không ai biết, chẳng ai hay, không để lại vết tích và nhẹ nhàng như cơn gió thoảng qua…
 
Đang lan man chuyện tham nhũng lại chợt nhớ đến chuyện nợ công.
 
Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận về ngân sách. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho biết một tin rất phải giật mình: “Hiện mỗi người dân gánh 826,4 USD nợ công, nếu năm tới lại tăng bội chi thì gánh nặng nợ nần sẽ tăng thêm”.
 
Thôi chết, theo như ĐB. Nguyệt Hường, nhà mình 4 người, vị chi gánh hơn 3.300 USD, qui đổi ra tiền VND, cỡ 70 triệu.
 
Cha cha! Không biết vay để làm gì mà nhiều thế nhỉ?
 
Con cái học hành thì đóng tiền học phí, xây dựng… Ốm đau thì ngoài đóng tiền bảo hiểm còn gánh đủ khoản thu. Xe cộ thì è cổ ra thuế, phí. Xăng dầu, điện nước thì tăng đến hoa mắt, chóng mặt…

Thế mà giờ lại nợ nần chồng chất thế này thì nguy quá.
 
Chợt băn khoăn không biết cái khoản nợ khổng lồ bị bổ vào đầu kia liệu có phần trăm nào phải gánh cho các Vinalines, Vinashin và nhiều các “vina” khác nữa không nhỉ?
 
Không biết trong cái khoản nợ nhà mình phải gánh chịu kia có bao nhiêu là khoản ông Dương Chí Dũng dùng trả tiền mua nhà cho bồ nhí?
 
Đành rằng mình nghèo, muốn phát triển thì vay là điều tất yếu. Các nước giàu có như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp… hay gần hơn là Sìngapo cũng nợ nần. Nhưng có một điều chắc chắn, họ vay về để làm ăn và không có, hoặc có cũng rất ít thất thoát do tham nhũng.
 
Xin đừng vay tiền để nuôi… tham nhũng!


Nợ công đã lên tới 95% GDP?
 
Tổng nợ công năm 2012 ước tính khoảng 55,4% GDP. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của DNNN và khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác thì nợ công Việt Nam lên tới 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 60% GDP.
 

Đồng hồ nợ công của Việt Nam trên Economist: Mỗi người dân "cõng trên lưng" 817,74 USD nợ công.
 
Tại báo cáo nghiên cứu "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam", Uỷ ban Kinh tế cho biết, tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 54,9% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 30,9% và 24,0% GDP. Các con số tương ứng ước tính cho năm 2012 là 55,4% GDP; 29,6% GDP và 25,8% GDP. 

Tuy nhiên, theo nhận xét của Uỷ ban, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Vấn đề nằm ở những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả - mới là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam. Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư, mà chủ yếu là DNNN, không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP. 

Ngoài ra, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN theo ghi nhận tại đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính (2012) cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP. Nếu tính đến các con số này và cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, Uỷ ban Kinh tế cho biết, nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP! 

Tỷ lệ này rõ ràng đã vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đồng thời, cao hơn nhiều so với tỷ lệ được công bố trên Đồng hồ nợ công thế giới của Economist.



Cấu trúc nợ công của Việt Nam.
 
Hiện nay, theo định nghĩa, tổng nợ công là nợ trong nước và nợ nước ngoài của khu vực công, bao gồm nợ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nhưng không bao gồm nợ của DNNN, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn. Chỉ có nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh mới được tính vào tổng nợ công.

Nợ nước ngoài tính bằng nội tệ tăng với tốc độ chóng mặt

Uỷ ban cũng lưu ý rằng, mặc dù nợ nước ngoài có thể được hưởng lãi suất thấp song lại tiềm ẩn đầy rủi ro về tỉ giá. Sự mất giá của đồng nội tệ sẽ khiến cho gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ tăng lên.

Các chủ nợ lớn của Chính phủ Việt Nam bao gồm Nhật (chiếm 34,3% tổng nợ) và các tổ chức quốc tế như IDA (24,9%) và ADB (15,0%). Mỹ và khối EU chỉ chiếm lần lượt 0,3% và gần 6,9% tổng nợ của Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên nợ theo đồng tiền của các nước/khu vực này lại chiếm tỉ trọng lớn. 

Theo nhận xét của Uỷ ban, các chủ nợ thường có xu hướng sử dụng những đồng tiền mạnh, và việc vay nợ theo các đồng tiền mạnh này khiến nợ nước ngoài chịu rủi ro cao khi chúng có xu hướng lên giá theo thời gian.

Cụ thể, chỉ tính kể từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 6/2011, ba đồng tiền chủ chốt gồm EUR, USD và JPY trong giỏ nợ nước ngoài của Việt Nam đã lên giá lần lượt khoảng 12%, 13% và 26% so với VND. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ đang tăng với tốc độ chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.

Uỷ ban Kinh tế đánh giá, việc tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và cập nhật về nợ công, nợ nước ngoài và nợ của DNNN ở Việt Nam là hết sức khó khăn. Nguồn thông tin chính thống về nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay được cung cấp duy nhất qua Bản tin Nợ nước ngoài phát hành định kỳ 6 tháng/lần của Bộ Tài chính. Dù vậy, bản tin mới nhất cũng chỉ phản ánh sơ sài về thống kê nợ nước ngoài cho tới hết năm 2010.

Các thống kê khác về nợ công trong nước và đặc biệt là nợ của khối DNNN đều không được công bố chi tiết và chính thống. Các số liệu của DNNN được nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Kinh tế thu thập và tính toán đề dựa trên báo cáo của Bộ Tài chính tại các kỳ họp Quốc hội và thống kê dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng của NHNN.

Do vậy, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, thách thức đầu tiên trong việc quản lý nợ công Việt Nam đó là việc xây dựng một hệ thống cung cấp và quản trị thông tin nợ công/nợ nước ngoài một cách minh bạch và nhanh chóng. Điều này cần có sự nhìn nhận đúng đắn của các nhà quản lý và hoạch định chính sách ở Việt Nam về vấn đề quản lý rủi ro nợ công hiện nay.

 
Bích Diệp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/no-cong-da-len-toi-95-gdp-735643.htm

Tác giả: Bùi Hoàng Tám

Nguồn tin: Báo Dân Trí.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập541
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm538
  • Hôm nay75,683
  • Tháng hiện tại880,938
  • Tổng lượt truy cập58,166,807
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây