Cặp vợ chồng đông con nhất Việt Nam.

Chủ nhật - 23/10/2011 00:24

-

-
Cụ ông Phan Văn Tiễng, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa, Châu Thành A (Hậu Giang) có đến 22 người con, trai gái có đủ. Dù cao niên nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, tráng kiện, vẫn lội đồng đi làm ruộng, nhảy xuống sông tắm như người trung niên.
Cặp vợ chồng đông con nhất Việt Nam
 
Cụ ông Phan Văn Tiễng, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa, Châu Thành A (Hậu Giang) có đến 22 người con, trai gái có đủ. Cụ luôn tự hào cụ là người đông con nhất tỉnh Cần Thơ (cũ).
 
Nhiều người nghe thế, nhắc khéo cụ nào đâu phải đông con nhất tỉnh mà phải đông con nhất nước và thậm chí đạt kỷ lục Việt Nam. Đó là chuyện cũ đã qua, như lời cụ tâm sự: “Đừng có ham sinh nhiều sẽ nuôi không nổi. Đó là chưa kể còn vi phạm pháp luật, giờ mỗi nhà chỉ được sinh hai thôi chứ?”
 
Sợ sổ hộ khẩu thiếu chỗ để ghi tên con
 
Cụ ông Văn Tiễng năm nay đã bước sang tuổi 81. Dù cao niên nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, tráng kiện, vẫn lội đồng đi làm ruộng, nhảy xuống sông tắm như người trung niên. Người già răng yếu, lung lay, ăn đồ cứng đã ê ẩm răng, còn cụ Tiễng vẫn cầm mía cắn nhai rau ráu, cầm trái bắp nấu nhai rôm rốp.
 
Trí nhớ cụ Tiễng khá tốt, cụ nhớ rõ tên từng người con và tuổi của chúng. Rằng thằng lớn là Văn Cang bây giờ được 58 tuổi, thằng út là Nết Em được 29 tuổi. Con ông ai cũng lập gia đình và hầu hết sống bằng nghề nông, làm vườn ở tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Riêng cháu chắt đông quá cụ Tiễng không tài nào nhớ hết nổi tên từng đứa.
 
Cụ Tiễng kể tới ngày Tết, ngày giỗ, cái nhà của ông dù khá to nhưng con cháu, chắt gần cả trăm tụ về không đủ chỗ chứa phải trải chiếu dưới nền gạch nằm. Lúc đó tiếng trẻ la hét, tiếng người lớn trò chuyện rôm rả như hội chợ. Hàng xóm ai cũng trêu “Hôm nay nhà cụ tổ chức họp dân à!”.
 
Cụ kể: “Nuôi tụi nó lớn là tao lo cưới vợ hay gả chồng. Xong vài bữa cho ra riêng liền để nhường chỗ nằm cho mấy đứa sau. Chứ nếu không, làm hộ khẩu thì lớp con dâu, con rể cả đống làm sao đủ chỗ ghi trong sổ hộ khẩu đây. Rồi thêm mấy đứa nhỏ ra đời nữa sổ hộ khẩu nào mà chứa cho hết tên tuổi tụi nó hả bây? Giờ tao ở với vợ chồng thằng út, nó có hai thằng con trai”.
 
Cụ Tiễng nói có nhiều con cũng phiền phức lắm, nhiều người sợ gia đình cụ vì cho rằng đụng vào ông đó cả bầy con cháu, ai đánh cho lại con cháu ổng. Nghe những chuyện như vậy cụ cười hiền từ, nào có bao giờ cụ đâu ỷ đông người lấn lướt người khác đâu. Có nhiều người nhất quyết cho là chuyện cụ có nhiều con chỉ là nói xạo thôi, cụ đi léng phéng bên ngoài với nhiều bà có con rồi gộp chung lại chứ gì. Cũng có người tin cụ nhiều con nhưng quả quyết răng cụ uống thuốc bí truyền của dòng tộc nên sinh con đàn cháu đống.
 

Vợ chồng cụ Tiễng được xếp vào hàng gia đình đông con nhất Việt Nam.
 
Có người còn nài nỉ xin cụ cho loại thuốc bí truyền để về quê phổ biến cho hàng xóm hiếm muộn. Có rất nhiều cặp vợ chồng cưới hỏi đã lâu không con cái hay tin tìm đến cụ chào hỏi, xin vuốt tay cụ lấy hên. Ai tới cụ điều tiếp đón vui vẻ nhưng hỏi chuyện bí truyền cụ cười: “Bây hỏi kỳ quá, tao nhà quê, mấy khi lên thành thị mà biết thuốc bí truyền, tăng cường sinh lực là gì. Chắc tại tao và lũ con có duyên từ kiếp trước”.
 
Còn các vợ chồng hiếm muộn nài nỉ cách nào có được con cụ cười đôn hậu: “Cứ yêu nhau thật lòng đi, ăn đời ở kiếp, đừng lo nghĩ nhiều là có con à”. Nhưng người ta không tin nên quay sang hỏi nhỏ cụ dùng thần dược hay rượu tăng cường sinh lực loại gì mà hiệu quả quá. Nghe thế cụ ngơ ngác hỏi lại: “Ủa, mấy cái đó là giống gì, mắc tiền không bây”.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì từ ngày đứa con đầu lòng vắn số, 3 tháng tuổi chưa ghi trong sổ hộ khẩu đã qua đời vợ chồng cụ Tiễng đau buồn chăm sóc bầy con sau rất kỹ. 21 đứa sau lớn lên khỏe mạnh. Nhưng vài chục năm sau cụ Tiễng lại gánh thêm chuyện buồn, đứa con thứ mười sáu tên Mười Sáu vừa bước vào tuổi 30 tuổi bị phát bệnh, anh chị em tiếp tiền lo chạy chữa nhưng bác sĩ lắc đầu bảo bệnh anh Mười Sáu là bệnh ung thư máu vô phương cứu chữa. Vài tháng sau anh qua đời.
 
“Bây giờ sinh như vậy thì đói”
 
Hàng xóm cụ Tiễng quả quyết mấy chục năm trước ấp này có vận động đi đá banh thì chỉ riêng nhà cụ Tiễng đã đủ để thành lập đội bóng bởi cụ có tới 13 người con trai. Nội chuyện đám cưới không thì hàng xóm cũng hay than phiền: “Ngày mai đi đám cưới con ông Bảy Tiễng nữa”. Nhà có niềm vui nhưng hiếm khi nào gia đình ông Bảy được chung bức hình trọn vẹn, vì đông quá thợ thầy chẳng gom hết được. Chụp hình thấy người này lại chẳng thấy người kia nên cụ nhất quyết không cho chụp hình gia đình đoàn tụ. Cụ nói con người ta quý ở tấm lòng, hình chụp rồi cũng hoen ố, phai mờ, chỉ có tình yêu thương là vĩnh cửu.
 
Cụ Tiễng nói rằng trong 12 con giáp thì con nào cụ cũng có dư. Cụ kể: “Mấy cha thầy bói lúc đó hù tao, mấy ổng nói ông phải kiêng sinh đi, nhà có con nhiều mà toàn rơi vào tuổi tứ hành xung là gia đạo bất hòa, làm ăn hổng lên. Tao nghe cũng ngại quá, con cháu xung khắc, không thương yêu nhau làm sao yên lòng. Nhưng rồi nghĩ lại, trời cho thì hưởng chứ biết làm sao. Giờ ngẫm lại thấy mấy chả nói dóc quá chừng, con tao 21 đứa dù tuổi xung khắc nhưng có đứa nào ghét bỏ nhau đâu, giúp nhau còn không hết nữa kìa”.
 
Cụ lại kể, vì con cụ nhiều nên hàng xóm than phiền: “Cha nội xì tốp sinh con cho tụi này nhờ, chứ xứ này tên con tụi tôi giống tên con ông hết trơn đó nghe”. Nghe vậy cụ lật đật bàn với vợ đặt tên cho không trùng với hàng xóm, để tiện lợi và dễ nhớ tên con ông đặt xen kẽ tên con trai bằng các con số theo thứ tự.
 
Tôi hỏi cụ bây giờ ai nuôi vài đứa con cũng oải, còn cụ hồi đó nuôi bầy con nheo nhóc có cực không, cụ nói: “Cực lắm! Ra riêng tao có được 10 công đất nên phải tính chi li chi xài sao cho bầy con đừng đói mà sinh bệnh tật. Gặt lúa xong tao đi làm các nghề nhà nông khác còn bà đi làm thêm các nghề đỗ bánh, nấu sữa đậu xanh. Còn bầy con thì đứa nào lớn là phải theo làm phụ, đứa nào vừa sức công việc thì làm cái đó. Cũng may những năm đó cá tôm đầy sông rạch, câu hay chài một hồi là đầy thùng. Còn gạo thóc thì trồng gạo lúa mùa, một năm mới gặt nên không bị thất mùa hay bị sâu rầy phá như bây giờ. Chứ nếu bây giờ sinh đông thì có nước đói”.
 
Cụ cũng biết phụ nữ sinh nhiều sẽ mất sức, huống chi vợ cụ phải lo đồng áng phụ chồng nên càng chóng già và mau mất sức. Mà ngặt nỗi ngày xưa đâu có cách kế hoạch hóa gia đình như bây giờ nên đêm vợ chồng bên nhau thủ thỉ bà lại dính bầu. Vợ cụ Tiễng tên Lương Thị Hai, mất đã lâu do bệnh tai biến, cụ thọ 68 tuổi.
 
Đông con vui cửa vui nhà nhưng lúc nghĩ lại bầy con toàn nhà nông cụ lại thấy buồn về thân phận. Cụ tâm sự, bầy con lớn lên phải đi làm nuôi em nên có đứa vừa học xong lớp 2, lớp 3 phải nghỉ ở nhà giúp cha mẹ, muốn học tiếp tiền sách vở, tiền trường, quần áo ông khó kham nổi. Cứ luẩn quẩn mãi với chuyện mưu sinh nên trong số các con ông, đứa học cao nhất cũng chưa hết lớp 11.
 
Chúng tôi hỏi: “Con ông có nhiều con như ông không?”. Cụ cho biết: “Tao dặn tụi nó hết trơn rồi, tao nói hồi đó đâu có kế hoạch như bây giờ nên mới sinh con đùm đề. Còn bây giờ khác à nghe, lại ngay cái thời gạo châu củi quế, cái gì giá cả cũng mắc mỏ mà giá gạo giá lúa ba trồi bảy sụt. Tụi bây tính sao thì tính chứ đừng có ham sinh nhiều rồi nuôi không nổi. Tụi nhỏ mà bị thất học thì người làm ông như tao lo buồn lắm”.

Tác giả: Theo Nguoiduatin

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập348
  • Hôm nay99,249
  • Tháng hiện tại1,034,289
  • Tổng lượt truy cập58,320,158
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây