Thiên Đường Đã Mất. Bài 1: Kỉ niệm Chủng viện

Thứ hai - 09/09/2013 09:55

-

-
Trong hai ngày Đại hội Cựu Chủng sinh hải ngoại 31 tháng 8 và 1 tháng 9, 2013, niềm vui to lớn nhất của tôi là được gặp gỡ lại nhau sau mấy chục năm trời xa cách, đôi ngã chia li nói theo sáo ngữ văn chương, qua bao biến chuyển thời cuộc và phong trần,...
Thiên Đường Đã Mất. Bài 1: Kỉ niệm Chủng viện

 
Trong hai ngày Đại hội Cựu Chủng sinh hải ngoại 31 tháng 8 và 1 tháng 9, 2013, niềm vui to lớn nhất của tôi là được gặp gỡ lại nhau sau mấy chục năm trời xa cách, đôi ngã chia li nói theo sáo ngữ văn chương, qua bao biến chuyển thời cuộc và phong trần, ôm lại trong vòng tay anh em bạn bè cùng lớp, khác lớp, quen biết hoặc không quen biết, nhất là các niên trưởng chân đi không vững mà chỉ muốn chạy cho theo kịp các lớp đàn em, cách riêng lớp trẻ Hoan Thiện 72. Riêng cá nhân tôi, niềm vui còn nhân lên vì gặp lại bạn bè cùng học với nhau các lớp “ngoài đời” như Lê Trung Tha, cùng rủ nhau đi nghễ gái cua gái mà đến hôm nay mới ngã người nhận ra nhau cùng xuất thân từ chủng viện. Niềm vui đó còn cao gấp bội trong tôi vì gặp lại Trần Hào Hoan Thiện 72, người con đỡ đầu đã xa cách mấy chục năm. Ngày tôi đỡ đầu, Hào là em bé ngo ngoe không thể biết ai là bọ đỡ đầu rửa tội. Lớn lên, tôi đi nơi khác nên bọ con chưa một lần gặp nhau. Gặp lại nhau lần này, tôi đã gần đất xa trời, Hào đã trưởng thành có vợ có con khôn lớn. Ngỡ ngàng đến nỗi đứng cách Hào hai mét, tôi vẫn gọi điện thoại để xem ai là Hào và đã đến chưa!
 
Nhân kì đại hội lần thứ 2 này, lớp Phú Xuân 53 của chúng tôi kỉ niệm 60 năm ngày nhập tiểu chủng viện Phú Xuân, Kim Long, Thừa Thiên. Kỉ niệm của những ngày trong chủng viện lại tưng bừng sống lại trong tôi. Ngày nhập trường, Bề trên của chúng tôi là Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền sau trở thành giám mục hiệu tòa ở Sài Gòn, rồi chính thức là Giám mục Đà Lạt. Khi Đức Cha Hiền đi nhận giáo phận, Cha Phaolô Lê Văn Đẩu sau là chánh xứ Phủ Cam thay thế làm bề trên chúng tôi.
 
Lớp 1953 là lớp đầu tiên ở Huế sau khi chủng viện di cư từ An Ninh, Cửa Tùng vào. Các chú mới nhập trường vào lớp Tư năm 1953 lúc đó phần lớn ở lứa tuổi từ mười một mười hai, một số ít mười bốn mười lăm. Đám mười một mười hai chúng tôi “hỉ mũi chưa sạch,” ngơ ngác như các con nai con mới lớn lần đầu tiên xa nai mẹ nai cha tung tăng chạy nhảy trong rừng. Giờ đây, ngày gặp nhau lại, chúng tôi đã là các ông cụ. Người được Chúa chọn làm linh mục như Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng đã thành Tổng Giám mục, như Jerome Nguyễn Ngọc Hàm đã trở thành Đức Ông. Năm người khác được chọn làm linh mục, Chúa cũng đã gọi về.
 
Trong số người không được Chúa chọn, người đã vĩnh viễn ra đi, người còn sống đã thành ông nội ông ngoại cháu chắt đầy nhà. Dù trong dù ngoài nhà Chúa, người nào tóc cũng đã bạc, người nhuộm lại, người nửa bạc nửa đen, thậm chí Đỗ Hữu Đề muốn giữ uy với bà xã nên ngày nào cũng phải uống thuốc mọc tóc, không uống thì thành sư đầu trọc vợ nó cười cho. Điều này Đề không cho tôi biết, tôi chỉ mới biết khi đọc bài Những cái nhất trong đại hội kì 2 mà Nguyễn Cả gửi qua i-meo. Chưa hết, mắt người nào cũng đeo kính ít nữa khi đọc chữ, răng người nào cũng đã lung lay, người nguyên hàm, người nửa hàm răng giả, trừ Đức Ông Hàm vì tên là Hàm nên nguyên hàm còn nguyên.
 
Chủng viện Huế được gọi bằng ba tên khác nhau, An Ninh, Phú Xuân, Hoan Thiện. An Ninh và Phú Xuân là tên vùng đất đặt cơ ngơi của chủng viện, Hoan Thiện là tên thánh Gioan Hoan và Tôma Thiện dùng làm tên riêng vào thời gian chủng viện dời về 11 Đống Đa, Huế nằm sau trường Thiên Hựu. Cơ sở đầu tiên An Ninh đã được thành lập từ thời các cha thừa sai Paris, nằm sát bờ biển Cửa Tùng, nơi có nhà nghỉ mát của Bảo Đại. Cơ ngơi này rộng rãi bao la. Lúc còn nhỏ ở làng An Do Tây, lúc ba tôi chưa xuất chính, có lần tôi được ba tôi chở xe đạp qua thăm cha Hộ. Đó là vào khoảng năm 1945-1946, tôi chừng bốn năm tuổi. Đứng trên lầu nhìn xuống, tôi thấy lô nhô các chú nhỏ mặc áo dài đen quần trắng đang chơi đánh vòng trên sân chơi có nhiều cây cao che bóng mát. Vòng làm bằng tre giống vành nón hoặc vòng hulahoop bây giờ. Các chú tay phải cầm một que tre, tay trái đẩy vòng cho chạy tới, rồi tiếp tục dùng que tre đánh lên vòng cho vòng chạy tiếp. Thôn quê thời đó con trai đánh khăng, đánh đáo, đánh bi, con gái đánh thẻ, nhảy lò cò, chẳng có con trai con gái nào chơi đánh vòng như các chú. Vì thế, tôi đã mê mẫn nhìn trò chơi đánh vòng, về nhà muốn bắt chước cũng không được vì còn nhỏ tuổi quá. Về sau, khi không còn ờ làng quê nữa, lớn thêm một hai tuổi, tôi nhớ lại và bắt đầu chơi trò đánh vòng này, có khi thay vòng tre bằng vỏ bánh xe đạp cũ.
 
Từ 1953 trở về trước, Phú Xuân là Đại chủng viện Huế đào tạo chủng sinh cấp đại học trước khi thành linh mục. Năm 1953, khi tình hình an ninh không còn ổn định, Chủng viện An Ninh di cư vào Phú Xuân, các thầy dời về một phần trường Thiên Hựu cho đến khi trường Thiên Hựu được chuyển thành Tiểu Chủng viện Hoa Thiện. Trái với trường An Ninh ở thôn quê, trường Phú Xuân nằm trên đất Kim Long, Thừa Thiên, ngoại vi thành phố Huế, từ phố theo hướng bắc qua khỏi cầu Bạch Hổ là đến chủng viện, xa hơn nữa là chùa Thiên Mụ và Văn Thánh. Đàng sau chủng viện là làng Kim Long nổi danh với các vườn nhãn chi chít. Vườn nhãn cũng là quê hương của ve sầu, con nào con nấy to như ngón chân cái. Mùa hè, ve là hình cụ tra tấn lũ trẻ chúng tôi. Trời Huế mùa hè nóng như thiêu.
 
Tuổi trẻ càng nóng càng buồn ngủ. Ru chúng tôi ngủ là lũ ve sầu. Loại ve này kêu ầm ĩ, không kêu rinh rích như loại ve chỉ lớn chừng bằng con dế, có nơi gọi là ve kim. Ve sầu kêu cùng kêu, ngưng cùng ngưng. Trong cơn nóng nực, một con xướng lên hích hích là cả lũ hùa theo rang rang. Thế là cả làng Kim Long rộn tiếng ve sầu, nung nóng thêm cái nóng mùa hè xứ Huế. Cố gượng cách mấy, mắt chúng tôi cũng ríu lại, bất kể trong phòng học chung hoặc lớp học riêng, dĩ nhiên chẳng ai ngủ trong nhà ăn hoặc sân chơi! Rồi, như có nhạc trưởng điều khiển, lũ ve đồng loạt im tiếng. Không gian lúc đó im lặng nặng nề đến khó chịu vì thay đổi đột ngột. Rồi đột nhiên, im lặng lại bị phá tan, không khí lại cuống quít nóng nảy vì rộn tiếng ve sầu. Cái nhịp rộn ràng rồi im lặng đó làm chúng tôi như ngất đi trong cái nóng hừng hực của xứ Huế mùa hè. Thế nhưng, với một số người, ve sầu bẫy về rang ăn lại là món đưa cay mà họ nói là “đã lắm”. Tôi lúc đó còn nhỏ chưa biết nhậu, lớn lên biết nhậu thì thấy sợ chẳng dám ăn thử. Dại gì mà ăn ve khi chung quanh còn nem An Cựu, chả An Cựu, bún bò Mụ Rớt, bánh bèo Ngự Bình, cháo lòng Đồng Ý, cà phê Phấn, ngon hơn gấp bội.
 
Tính dần lên hướng bắc, cơ sở liên quan đến đời sống tu trì trước hết là Chủng viện Phú Xuân, rồi tới Nữ Tu Viện Mến Thánh Giá Phú Xuân, Nữ Tu viện Carmêlô (Dòng Kín), cuối cùng là Nữ Tu viện Phaolô. Một lần kiệu Mình Thánh Chúa, tôi giúp Lễ cho cha giáo chủng viện không nhớ là cha nào, có thể là cha Phước, tại nhà nguyện Dòng Kín. Lễ xong, đặt Mình Thánh Chúa trước khi rước kiệu, tôi nhìn quanh thấy bình hương nhưng không có than lửa. Chẳng biết hỏi ai vì các nữ tu đều trùm mặt ngồi cách li trong một phòng có vách đục thủng nhiều lỗ. Các chị nhìn ra thấy chúng tôi nhưng chúng tôi nhìn vào chỉ thấy một đám áo đen lô nhô kín từ đầu xuống. Tôi vòng qua phòng mặc áo, bước ra hành lang hi vọng tìm thấy nhà bếp. Chẳng thấy gì. Tôi sấn tới mấy bước. May quá, một chị từ đâu bên trong bước ra, thấy tôi vội vàng buông mạng che mặt xuống, nhanh đến nỗi tôi chỉ thoáng thấy chị còn trẻ nhưng không biết đẹp xấu thế nào. Chị hỏi, tôi cho biết cần than hồng. Chị cầm bình hương quay đi, dặn tôi chờ trong phòng mặc áo. Hú vía! Kiệu Mình Thánh vòng nhà dòng rồi qua Tu viện Phú Xuân, vòng lên Tu viện Phaolô rồi về lại dòng Kín. Lần này thì đã có chị chờ sẵn với chậu lửa để khỏi chạm mặt tôi!
 
Bên phải chủng viện là nhà Mệ Hiệu, một người đàn ông trung niên hàng chú bác gì đó của vua Bảo Đại. Vì thuộc hoàng tộc vai vế cao hơn vua nên người dân không được phép gọi bằng ông Hiệu mà phải gọi bằng mệ Hiệu.
 
Có người nói gọi như thế để tránh ma quỉ làm hại dòng tộc nhà vua, chắc tại ma quỉ quá ngu không bắt ông Hiệu thuộc giới nam vì đã quen nghe gọi là mệ Hiệu thuộc giới nữ. Tôi cũng thấy lạ khi chỉ nghe một mình ông Hiệu được gọi bằng mệ trong khi còn nhiều vương tôn hoàng tử khác thuộc hoàng tộc tôi biết nhưng chưa nghe ai được gọi bằng mệ, có thể đã được gọi như thế một thời rồi nay bỏ đi. Dẫu vậy, cách gọi đó vẫn tồn tại trong cụm từ các mệ để chỉ chung những người vai vế trong hoàng tộc nhà Nguyễn. Năm Quí Tị 1953, Huế chịu một trận lụt rất lớn vài tháng trước khi chúng tôi nhập trường, nhiều người chết vì không bám víu được nơi cao. Khi chúng tôi vào học, ngấn nước nhiều nơi quanh nhà lên tới gần nóc, và trong nhà nguyện vẫn còn thấy ngấn nước mấp mé nền hai dãy lầu dọc hai bên nhà nguyện. Nghe kể lại, chính hai dãy lầu này đã cứu sống các cha và các thầy ở lại trường trong mùa hè năm đó khi trận lụt xẩy ra. Gia đình Mệ Hiệu đã được người làm trong chủng viện dùng ghe cứu đem về cho ở tạm trên hai dãy lầu đó. Để nhớ ơn, hàng năm đến ngày kỉ niệm thoát chết khỏi trận lụt, mệ cho người đem heo quay xôi chè qua đãi cả chủng viện một bữa ăn huy hoàng no nê. Không biết về sau khi tôi ra khỏi chủng viện, thói quen này còn tiếp tục hoặc đã chấm dứt.
 
Cổng chính chủng viện có một căn nhà nhỏ cho người gác cổng. Một buổi chiều, một người thuộc dân tộc thiểu số đi ngang qua, ghé vào xin cơm ăn trước khi đi bộ về nhà. Không nhớ tại sao tôi có mặt tại đó nên chạy vào xin phép cha Tường dạy Latin (cha Tường Méo, xin cha tha tội cho con!). Được phép cha, tôi xuống bảo nhà bếp cho cơm. Một ông người làm và tôi bê ra một thau cơm lớn, thau bốn người chúng tôi ăn mỗi bữa, và một tô mắm ruốc lớn. Người đàn ông thiểu số xin mấy lá chuối gói ba phần mắm ruốc để đem về cho vợ cho con, rồi ăn hết thau cơm, vét cạn tô mắm ruốc sạch như chùi. Qua khỏi cổng, băng qua một sân hẹp hai bên có hai vườn nhỏ với một số cây ăn trái, trong đó có một cây cóc ở cạnh nhà các cha. Đến nay tôi vẫn chưa biết tên tiếng Pháp của cây cóc là gì, lúc đó chỉ nghe các cha gọi tên là pomme stère hoặc pomme de terre, nhưng chắc không phải pomme de terre vì từ đó có nghĩa là khoai tây, còn pomme stère thì chẳng thấy ghi trong từ điển. Đến mùa, trái xanh nhỏ treo tòn teng rồi lớn dần to chừng trứng gà, khi chín thành màu vàng rồi màu đỏ hoặc ngược lại, tôi không nhớ rõ. Cha bề trên dặn:
 
“Các chú đừng hái trộm, để chín rồi hái cho cả nhà ăn.”
 
Cha dặn thì cha dặn, con hái thì con hái. Rình rình không thấy ai, chú này chú khác bứt một trái, chẳng mấy chốc cây sai trái thành cây ít trái, dĩ nhiên là sau đó nghe “chửi” đã đời. “Chửi” thì chửi, năm sau lặp lại như năm trước.
 
Qua hết sân là ngôi nhà lầu hai tầng, chỗ ở của cha bề trên và các cha giáo. Thời đó chưa có nước máy nên mỗi cha có một chú giúp, hằng ngày bê bình đựng nước lên đổ vào thau để cha rửa mặt, quét tước lau dọn phòng ngủ của cha. Không biết phòng tắm của các cha ở chỗ nào, làm sao có nước tắm, tôi chưa hề phục vụ nên không biết. Ngay góc cầu thang bước lên tầng hai là chuồng một con nhồng. Nhồng ăn ớt, đi ra phân đỏ đầy chuồng, nhưng không thấy hôi. Khi biết nói, con nhồng không biết được ai dạy mà trông thấy người, bất kể cha thầy chú xơ đều chào bằng cách chửi “tổ cha mi.” Về sau, nó không còn ở đó nữa, không biết đã cho người khác hoặc đã thả bay đi. Sau lưng nhà các cha là sân chính, trên đó hàng đêm chúng tôi đi dạo và lần hạt bằng tiếng Latin trước khi vào nhà nguyện đọc kinh tối. Lần hạt xong, vào nhà nguyện đọc kinh tối, kết thúc bằng hát Salve Regina. Tôi thường bắt hát vì là “ca trưởng” tự nguyện, do tôi biết giữ nhịp và xướng âm nhạc Grégorien cũng như nhạc cổ điển. Một đêm, tôi ngủ gà ngủ gật khi đọc kinh tối (xin cha Hàm giải tội cho) đến độ kinh đọc sắp xong mà tôi vẫn không biết. Anh bạn ngồi cạnh thúc cùi chõ đánh thức tôi dậy. Giật mình nhưng biết ngay phải xướng kinh, tôi cất Salve Regina cao đến nỗi chẳng ai có thể hát được, trừ mình tôi vẫn cố hát cho tới, y như anh bạn Hoàng phục kích tôi trong Thánh Lễ sáng thứ bảy 31 tháng 8 vừa qua trong bài Tiếng Nhạc Oai Hùng. Hoàng đã nâng lên một cung thay vì hạ xuống hai cung, thay  vì từ Si bémol trưởng hạ suống Sol trưởng như tôi dặn vì biết đến lúc đó sẽ mệt vì đã hát nhiều bài, Hoàng đã nâng lên Do trưởng làm tôi gần đứt gân cổ! Không biết có phải Hoàng trả thù tôi chuyện cũ hay không, cũng không nhớ lúc tôi bắt hát cao như thế Hoàng đã đến với chúng tôi chưa vì anh từ dòng Thánh Tâm chuyển sang. Cũng trên sân này, tôi đã “phục kích” cha bề trên Hiền nhiều đêm. Nhiều tối trong một tuần, ngài đi dạo với chúng tôi trên sân, trò chuyện, rồi cùng lần hạt với chúng tôi. Điểm khác biệt của ngài với các bề trên khác là ngài rất gần gũi với lớp nhỏ chúng tôi. Biết tính ngài thích trò chuyện, tôi thường “phục kích” ngài bằng cách chỉ tay lên trời xuống đất hỏi một chuyện vớ vẩn gì đó, ví dụ, Cha ơi, ngôi sao kia là sao gì vậy? hoặc Cây kia là cây cỏ gì mà là lạ rứa Cha? Chỉ thế thôi là ngài dẫn chúng tôi đi hết trên trời xuống dưới đất qua biển cả, chuyện này bắt qua chuyện khác. Đúng là ngài trên thông thiên văn, dưới thông địa lí.
 
Bên phải nhà các cha là một dãy hành lang. Đâm ngang vào hành lang đó là một ngôi nhà thông suốt từ đầu này sang đầu kia không chia thành phòng, cửa chính nhìn ra hành lang nhưng không bao giờ mở ra, hai bên có hai cửa hông, các cửa đều có lưới thép mắt cáo tôi không nhớ là toàn cửa hoặc chỉ một phần. Đó là nhà ngủ của lớp tư chúng tôi, mỗi đứa nằm một giường cách nhau chừng một mét như lính nằm trong trại. Lớp chúng tôi chừng sáu chục người vào ngày đầu tiên kể cả anh em ở lại lớp, thuộc lứa tuổi khá chênh lệch nhau, nhỏ nhất là mười một, lớn nhất có thể đến mười lăm mười sáu. Tôi mười hai tuổi. Tính tuổi thì chẳng thấy gì khác biệt nhau, nhưng tính tâm lí và phát triển cơ thể thì khác nhau trời vực. Lũ “nhóc con” như tôi chẳng biết gì là gì. Nhóm khác mười bốn trở lên đã vào tuổi mới lớn, đã hiểu “chuyện đời” chút chút, đã đến giai đoạn “gái thở dài, trai nằm sấp.” Sự khác biệt tâm lí và thể xác đó tưởng không ảnh hưởng gì nhưng thực sự có rất nhiều ảnh hưởng, thường là tai hại. Đám “hiểu chuyện đời” cố tình hoặc vô tình nói ra, hoặc với nhau, hoặc với mọi người, những gì về biến chuyển cơ thể mà tụi nhóc chúng tôi nghĩ đến cũng còn chưa, nói chi bàn thảo. Nghe một lần không sao, nghe đi nghe lại, gần như ngày nào cũng nghe, tai hại sẽ chồng chất. Trẻ con lúc nào cũng tò mò, nghe một rồi muốn nghe thêm nữa nên nhiễm vào trong tâm hồn lúc nào không nhận ra. Chúa Giêsu dạy, Ai làm hư một trong các trẻ em này thì đáng bị cột đá quăng xuống biển, quả thực chẳng sai.

 
 
Từ cửa chính nhìn vào, giường tôi nằm phía bên trái, ngay cửa hông, thuộc nửa phần phòng trong nếu chia “trại” thành hai phần lấy cửa hông làm đường phân chia. Cuối nhà ngủ của chúng tôi, qua một miếng vườn nhỏ bề ngang chừng hai mét, bên kia bờ tường cao quá đầu người là nhà Mệ Hiệu nói trên. Cuối ngôi nhà có một cái tủ cũ kỉ, tôi không dám đụng đến nhưng Hàm, giờ là Đức Ông, đã tò mò tìm thấy trong đó chứa nhiều sách có giá trị của một linh mục giáo phận Huế đang sang Pháp học khoa học, đã khám phá ra cách làm sơn, nhưng không may đã qua đời bên Pháp. Tôi không dám đụng đến tủ đó vì nó nằm chình ình giữa phòng ngủ, sợ bị bắt gặp. Thay vào đó, tôi đã “khám phá” ra một “kho tàng” sách khác. Đối diện với “trại” ngủ chung của lớp Phú Xuân 53 chúng tôi là một nhà ngủ có phòng bỏ trống, đi chừng mươi bước trên hành lang về hướng nhà nguyện là tới. Một trong các phòng ngủ đó được dùng làm phòng cách li khi có người bị bệnh dễ lây lan như bệnh sởi, một phòng về sau làm phòng ngủ cho cha Phượng. Tôi đã ở phòng cách li đó có lẽ đến hơn một tuần vì bệnh sởi không nhớ vào lớp mấy, chỉ một mình tôi, cơm cháo đến bữa có người phụ bếp chủng viện đưa lên. Các bạn cảm thấy được nỗi sợ hãi chừng nào của chú bé mười hai mười ba tuổi nằm trong bóng tối ban đêm giữa ngôi nhà hoang vắng không một bóng người qua lại.
 
Cuối ngôi nhà này gần tường ngăn vườn mệ Hiệu có nhà vệ sinh chung và tắm giặt. Tôi khám phá ra trong ngôi nhà này có một phòng chứa một đàn harmonium cũ rích, xệu xạo, phiếm lạc, bể nát và khập khểnh. Đó là cây đàn tôi tập đánh đầu tiên trong chủng viện, bài học quãng 3 quãng 4 quãng 5 lên xuống và nhiều bài khác cha Triệu đã cho khi tôi xin ngài. Phòng đó cũng chứa vô số sách đặt bừa bãi trên nền nhà, rách nát, chuột gặm, bụi bặm, hôi mốc, tung tóe. Các giờ nghỉ, nhất là giờ chơi bóng chuyền, tôi vào đó tập đàn rồi vùi đầu trong đám sách tìm tòi học hỏi, dĩ nhiên chẳng cha giáo nào cho phép cũng chẳng ai biết tôi đang làm chuyện như thế. Tôi mừng rỡ trước đống sách cũ hỗn độn đó vì biết giá trị lịch sử của chúng. Tôi đậu bằng Tiểu học năm 1951, 1952 xong đệ thất, 1953 xong đệ lục, nghĩa là có chút kiến thức về lịch sử hình thành chữ quốc ngữ trước khi nhập trường.
 
Trong số sách hỗn độn đó, có nhiều cuốn bây giờ muốn cũng không cách nào có, có tiền cũng chẳng ai bán mà mua, ví như cuốn Phép giảng tám ngày của cha Bá đa lộc, các cuốn Tự vị thời chữ quốc ngữ mới được hình thành như Latin-Bồ-Annam hoặc Langsa-Latin-Annam. Cuốn Phép giảng tám ngày cho thấy cách viết ban đầu của chữ quốc ngữ với câu mở đầu Ta càu cũ Đức Chúa Blời, ngày nay viết Ta cầu cùng Đức Chúa Trời. Trong cuốn về bí tích Thanh Tẩy, câu hỏi được dùng để hỏi người muốn được rửa tội, viết như sau, có thể tôi không nhớ chính xác cách viết quốc ngữ thời đó vì đã lâu ngày ngoại trừ từ muấn, Con có muấn bvào blòng Hòa blan cheang? Quốc ngữ ngày nay viết, Con có muốn vào lòng Hòa Lan chăng? Nói là Hòa Lan có lẽ vì các cha thừa sai viết cuốn đó là người Hòa Lan. Vào lòng Hòa Lan là cách nói để chỉ gia nhập vào đạo Công giáo. Toàn câu ý muốn hỏi, con có muốn gia nhập vào đạo Công giáo không? Câu nói cho thấy lúc ban đầu, các thừa sai đã gặp khó khăn như thế nào trong việc diễn tả các ý niệm một cách chính xác. Từ đó suy ra, nếu chỉ lấy các cách diễn tả trong văn chương chữ nghĩa thời xa xưa để diễn dịch thành ý niệm thời bây giờ, chúng ta có thể rất dễ dàng hiểu sai lạc vấn đề. Câu nói vào lòng Hòa Lan rơi vào tay người chẻ sợi tóc làm tư sẽ bị diễn dịch sai lạc thành các cha thừa sai phù phép cho người nhập đạo đi vào trong bụng các cha để các cha dễ dàng sai khiến người nhập đạo, nghĩa là các thừa sai đồng nghĩa với phù thủy, nghĩa là Công giáo là đạo tà ma phù thủy, là tà đạo. Diễn dịch đó đã trở thành một trong các lí do để vua quan đi đến chỗ cấm đạo và bắt đạo.
 
Theo đạo nghĩa của người Việt Nam chúng ta, nhất là thời xưa, con cái phải tuân phục cha mẹ, quân sư phụ. Thế mà, Minh Mạng phạm một lúc hai tội. Đi ngược lại đường lối của Gia Long khi ra lệnh bắt bớ giết chóc người theo đạo Công giáo, tức bắt bớ đệ tử những người như Giám mục Bá-đa-lộc đã góp công giúp Gia Long dựng nên nhà Nguyễn, 
Minh Mạng đã không giữ đạo làm con với Gia Long, tức lỗi đạo phụ tử, đạo cha con. Gia Long là vua của Minh Mạng nên Minh Mạng còn phạm thêm lỗi đạo quân thần, đạo vua tôi. Điều đó rõ ràng khi Tả quân Lê Văn Duyệt chống lại lệnh bắt đạo của Minh MạngMinh Mạng không thể lên án Lê Văn Duyệt khi quân vì Duyệt là công thần lập quốc, góp sức trực tiếp với Gia Long dựng nhà Nguyễn nên được liệt vào hàng khai quốc công thần, hàng quốc phụ, hàng cha chú của Minh Mạng, được miễn lạy khi Minh Mạng lên ngôi. Để trả thù, Minh Mạng phải đợi đến khi Lê Văn Duyệt chết mới gây cớ phá mồ mả, đánh xương cốt. Lí do để Lê Văn Duyệt không tuân lệnh bắt đạo là, làm sao có thể đi ngược lại đường lối của Gia Long bắt bớ đệ tử của những người Công giáo đã giúp dựng nên nhà NguyễnMinh Mạng vốn là người sáng suốt, người của văn chương thi phú, người con biết giữ đạo làm con, ông vua biết chọn dân vi quí làm phương châm cai trị, không thể nào ra lệnh bắt đạo ngược lại với ý của cha ông nếu không vì một lí do mà ông cho là chính đáng hơn, xét theo phong tục tập quán và quan điểm của người thời ông. Quan điểm đó chính là nhận xét cho rằng đạo Công giáo là tà đạo, là bàng môn tà đạo, chứng thực qua câu phù phép bùa chú đưa vào lòng Hòa Lan được ghi thành sách như đã nói trên. Quan niệm Công giáo là tà đạo đã ghi nhiều lần trong lịch sử phán quyết tử hình các Thánh Tử đạo Việt Nam.
 
Về cách dịch các từ ngữ thời đó, đến nay tôi vẫn còn nhớ nhiều từ trong các từ vị, xin trưng làm ví dụ vài từ trích trong từ vị Langsa-Latin-Annam:
 
Evêque = Đức Vít vồ (âm từ episcopus tiếng Latin, giờ là giám mục).
 
Inspiration = Yên sĩ phi lí thuần (phiên âm Hán Việt từ chữ Hán, không dịch mà chỉ phiên âm, giờ là cảm hứng).
 
Chêne = Một thứ cây kia (là cây gì? Giờ là cây sồi).
 
Christ= Khi-li-xi-tô (phiên âm Christo tiếng Latin, giờ là Kitô).
 
Thế nhưng, không biết tại sao, trong lớp Pháp văn do cha Đẩu dạy lúc đó, có người đã dịch bài version tiếng Pháp theo cách dịch như thế, ví dụ dịch câu J’ai vu un chêne thành Tôi đã thấy một thứ cây kia! Anh bạn đó không biết cũng đã chui vào “thư viện của tôi” để đọc mà tôi không biết, hoặc có cuốn từ vị nguyên vẹn nào để đâu đó cho anh bạn tra cứu.
 
Bên trái nhà các cha cũng là một dãy hành lang. Đâm ngang vào hành lang là nhà ăn, phòng học chung, và là nhà ngủ các chú lớn. Nối các nhà này lại với nhau là ngôi nhà chia thành các lớp học, và một phòng dành làm phòng y tế cho dẫu chẳng thấy thuốc men gì ngoại trừ một cái bàn kiêm luôn là giường nằm để được chích thuốc. Một trong các phòng học đó nhiều lần cha bề trên Hiền dùng làm phòng chiếu phim 7 milimét trên màn ảnh nhỏ, hoặc chiếu slides. Phim và slides nói tiếng Pháp hoặc có phụ đề tiếng Pháp. Tôi luôn luôn vinh dự được cha bề trên gọi đọc các hàng chữ phụ đề để cha dịch lại, có lẽ vì tôi đã học tiếng Pháp từ trước ngày nhập trường, và có giọng đọc cha nghe hiểu được, nghĩa là khá “Tây”! Hành lang, phòng học chung, nhà các lớp học và nhà ngủ các chủ lớn vây quanh một sân nhỏ. Cuối nhà ngủ các chú lớn là nhà vệ sinh chung và nơi tắm giặt. Cách nhà vệ sinh qua một khu vườn nhỏ ngang chừng hai mét là bờ tường. Bên kia tường là Nữ Tu viện Phú Xuân. Hai câu chuyện đùa nghịch liên quan đến các chị nữ tu Phú Xuân, một do thầy Lê Hữu Huệ, em Đức Cha Từ, và một người thuộc lớp tôi khi đã lên lớp ba.

Cha bề trên Hiền của chúng tôi ngoài kiến thức rộng ra, còn biết cách chữa trị các bệnh thông thường, vừa theo đông y vừa theo tây y. Chính tôi đã được cha chữa bệnh ho một lần chỉ bằng cách lên nằm trên giường ngài, phanh áo phơi ngực ra để ngài “giác hơi” bằng các ống giác bằng chai ngài đã có sẵn. Vì thế, khi bị bệnh, chúng tôi thường được cha bề trên Hiền cho thuốc uống, hoặc có khi chỉ định thuốc chích, chưa thấy ai phải đi bác sĩ. Cần được chích thuốc, chúng tôi phải nhờ đến các nữ tu Phú Xuân vì chẳng ai trong chúng tôi biết chích. Một lần, một anh bạn bị bệnh cần được chích thuốc. Anh vào trong phòng y tế, đợi các nữ tu qua. Các chị qua, anh bạn tôi nằm lên bàn, vạch mông đợi chích. Chị nữ tu bơm thuốc vào ống chích, đẩy ra một chút để bỏ hết không khí, rồi đưa tay cao sẵn sàng đâm kim xuống mông. Tay đến nửa vời, chị ngưng lại quay mặt đi vì vừa nghe một tiếng “tít” phát ra thì chỗ cần phải giấu giếm che đậy. Đợi một chút, chị lại nâng cao ống chích chực đâm xuống, nhưng rồi lại phải ngưng vì nghe thêm một tiếng “tít” khác. Đến tiếng “tít” thứ ba, chị không còn chịu đựng được nữa, bất mãn bỏ chích đi về dòng. Sau đó, không thấy cha bề trên có phản ứng gì nên tôi nghĩ chị đã trình vì khó nói quá. Nói làm sao không ngượng miệng để diễn tả lại cái “tít” đó?
 
Một lần khác, đánh volley, banh rơi qua tường xuống vườn nữ tu viện. Ai đó trong chúng tôi leo tường qua lượm banh rồi hơ hãi leo về, cười toe toét, nói:
 
“Mấy mụ o thấy tao qua, chạy quá trời.”
 
“Răng rứa?”
 
“Bên kia tường là nhà vệ sinh của mấy mụ. Thấy tao leo tường ló mặt ra, mấy mụ tưởng tao làm gì bậy bạ nên ùa nhau chạy tuốt vào trong nhà.”
 
“Khám phá” ra bên kia tường là nhà vệ sinh các nữ tu, một số trong chúng tôi bày trò trêu các nữ tu. Một tối, trước khi đi ngủ, tôi nghe có nhiều tiếng xì xào của các bạn nằm trong các phòng phía sau gần với nhà vệ sinh nhưng không để ý biết là chuyện gì vì phòng tôi nằm gần cửa trước, hai người chung một phòng. Chừng nửa giờ sau, chưa ai thực sự ngủ say, tôi nghe loạt soạt nên bước ra và thấy nhiều bóng trắng từ đầu đến chân từ trong nhà ngủ len lén theo cửa sau đi ra sân bóng chuyền. Vài phút sau, có tiếng hét bên phía nữ tu viện. Sáng ra, chúng tôi mới biết đêm qua vài bạn trùm ra trải giường trắng toát giả ma nhát các nữ tu khi thấy các chị cầm đèn dầu từ trong nhà bước ra nhà vệ sinh. Chuyện này cũng không thấy phản ứng gì của cha bề trên sau đó, chắc tại các nữ tu cũng “khó nói” nên không trình báo!
 
Đối diện với nhà các cha qua sân chính là nhà nguyện. Bên trên cửa chính ra vào nhà nguyện là gác đàn, bên dưới gác đàn là hai dãy ghế dài cho các chú nhỏ trong đó có tôi, gần bàn thờ hơn là hai dãy ghế dài có bệ quì quay mặt vào nhau cho các chú từ lớp ba trở lên, kể cả tôi khi đã lên lớp. Hàng đêm, cơm tối xong, đi dạo quanh sân hoặc trên hành lang “cho tiêu cơm” rồi xếp hàng lần hạt bằng tiếng Latin khi nghe chuông. Chuông nhà nguyện lúc đó do chú Lê Viết Hoàng (sau làm linh mục, cùng lớp với TGM Thể, cha Chung, cha Công…). Chú đánh chuông rất hay, nhịp phách nào ra nhịp phách đó. Chuông Nhật Một ba tiếng đầu thì keng kengkeng, cuối cùng đến hồi thì ba tiếng liền nhau cách rời ba tiếng sau, kengkengkengkengkengkeng ... không như người khác đánh khi đực khi cái.
 
Tôi có lần mon men đến xin chú Hoàng cho đánh thử. Nắm dây chuông, tôi trì cả thân hình kéo xuống cũng không làm chuông nhúc nhích. Ráng hết sức, cuối cùng tôi cũng kéo chuông kêu, nhưng chẳng cách nào bắt chước được nhịp nhàng như chú. Qua khỏi khu ghế ngồi một khoảng trống hẹp chừng hơn một mét là đến bàn quì rước lễ chạy ngang cung thánh đồng thời cũng là rào chắn khu ghế ngồi với cung thánh. Trên cung thánh, lên mấy bậc cấp là bàn thờ có nhà tạm phía sau. Thời đó, các cha dâng lễ bằng tiếng Latin, mặt quay về nhà tạm, lưng quay về phía giáo dân. Vì chưa có nghi thức đồng tế, các cha phải tự tay dâng lễ từng người một nên hai bên bàn thờ chính có mấy bàn thờ phụ, lâu lâu lại có các cha dâng Lễ cùng lúc. Ngang tầm với gác đàn chạy dọc hai bên nhà nguyện là hai dãy lầu không biết lúc mới xây dựng dùng để làm gì. Tôi có lần tò mò leo lên đó chỉ thấy chứa đựng một ít vật dụng trang trí nhà thờ như các tranh trang trí dài như các bức liễn treo phủ từ đầu xuống chân cột, ngoài ra để trống. Mỗi khi đến dịp lễ lớn, hàng cột trong nhà nguyện được treo các tấm liễn tranh kéo dài từ đầu cột đến gần chân cột. Bức tranh gây ấn tượng nhất cho tôi lúc đó là bức thường treo ở cột thứ hai cánh trái tính từ bàn thờ xuống vẽ hình một con gà mẹ che chở đàn gà con dưới cánh, nói lên hình ảnh Thiên Chúa che chở loài người. Các tranh này do thầy Hiền vẽ. Sau khi chịu chức, cha Hiền về làm phó giáo xứ Gia Hội, rồi bỏ ra thế gian theo tiếng gọi của ái tình.



 
Bên ngoài phòng áo cánh phải của nhà nguyện, có một cây ổi sẻ cao gần chạm mái nhà nguyện chỗ thấp nhất, gốc to chừng bắp vế, ít lá, ít trái, cành nhỏ vươn ra hàng hai ba thước. Ngay trong tuần lễ đầu tiên sau khi nhập trường, một anh bạn lớp chúng tôi đã leo lên chót vót một cành ổi, ngồi trên đó nhún nhẩy rồi đong đưa, nhìn thấy thôi cũng đủ chóng mặt. Thế mà anh bạn tôi đu đưa nhún nhẩy cười thú vị. Tôi bỏ đi vì sợ mà cũng vì không muốn phải trả lời khi có cha nào hoặc bắt gặp hoặc hỏi đến nên không biết bao lâu sau đó anh bạn mới leo xuống. Vài tuần sau đó, anh bạn có lệnh xách gói ra về, hình như là người đầu tiên của lớp chúng tôi ra khỏi chủng viện. Nhiều người trong anh em lớp chúng tôi bị đặt tên riêng, hoặc do cha Phước hoặc do anh em ai đó. Tôi bị gọi là Thuần Mối vì mùa hè trán tôi lổ chỗ như bị mối ăn, Nguyễn Ngọc Hàm (Đức Ông) là Hàm Trâu, Đỗ Hữu Đề là Mệ Đề, Lê Văn Mộ là Lê Văn , Nguyễn Văn Huề (linh mục, đã qua đời) là Huề Bornéo, và nhiều tên khác tôi không nhớ, nhờ Đức Ông Hàm bổ túc cho.
 
Ngày mới nhập trường, chúng tôi là đám “con nít” nên ăn mạnh, bốn đứa “cưa” đứt thau cơm mà bình thường gia đình bảy tám người ăn vẫn đủ, cho dẫu thức ăn chẳng có gì là cao lương mĩ vị. Thịt gần như mỗi năm vài lần. Rau luộc rau sống cũng vậy. Cả hai hiếm hoi theo hai lí do khác nhau. Thịt hiếm vì không tiền mua. Chủng viện lúc đó còn thuộc giáo hội thừa sai nên hưởng “viện trợ” của Vatican và các nước giàu có. Chủng sinh có người đóng góp có người không tùy theo gia cảnh. Các cha nuôi trả cho chủng viện nhiều ít thế nào tôi không biết, chỉ biết các cha hoặc trả toàn phần hoặc trả một phần nếu gia đình đóng góp một phần. Rau sống hoặc luộc hiếm có vì lí do khác đơn giản hơn, vì … mất công cho nhà bếp. Đầu bếp là các nữ tu, hình như thuộc dòng Mến Thánh Giá Phủ Cam không phải dòng Phú Xuân cho dẫu dòng Phú Xuân nằm sát bên cạnh và cùng là Mến Thánh Giá. Các nữ tu được hình như một người đàn ông và một người đàn bà “thế gian” giúp việc. Rửa rau, lặt rau … vì ít người như thế nên gần như là chuyện không kham nỗi. Tôi chưa hề thấy nhà bếp chủng viện rửa rau lặt rau thế nào, nhưng nhà bếp Thủ Đức thì thấy một lần rồi không dám ăn nữa. Rau muống chẳng hạn được cho nguyên bó kể cả dây cột vào một bể nước, chồng chất lên nhau đến tận miệng bể. Sau chừng nửa giờ ngâm trong nước không làm con sâu chết đuối như thế, người ta vớt rau ra và bắt đầu xắt nhỏ, vẫn nằm nguyên trong bó còn buộc chặt, bỏ phần gốc. Dĩ nhiên, sau đó là vào nồi! Hồi ở chủng viện thì khác, bữa cơm nào được ăn rau muống luộc là lũ chúng tôi mừng như bắt được vàng, loáng cái là dĩa rau chỉ còn lại … cái dĩa nhôm nằm trơ trẽn trên mâm, cho dẫu rau luộc chấm nước mắm, chẳng phải nước kho cá ngừ cá nục hoặc nước tôm như thói quen các gia đình Bình Trị Thiên ngày đó.
 
Trường An Ninh ở sát biển nên nguồn thức ăn chính là cá biển, cá ngừcá nục nên nhiều chủng sinh bị dị ứng với thức ăn biển sinh ngứa ngáy, đêm gãi ngày gãi. Trường Phú Xuân trái lại ở ngoại vi thành phố Huế nên nguồn thức ăn chính là cá sông, một loại cá không biết tên, lát cá to cỡ bàn tay, kho nước trong veo, với hành lá và lấm chấm trứng cá nổi lều bều. Lát cá chia bốn, mỗi đứa được chừng hơn ngón tay cái, đĩa xào, và tô canh, vậy thôi nhưng tuổi mới lớn ăn như voi, thau cơm bốn người to tướng ngày nào như ngày nấy không phải chờ đợi lâu để biến vào bụng bốn thằng con nít háu ăn. Tôi không quên được lần Giuse Dương Đức Toại, về sau làm linh mục và giờ đã được Chúa gọi về, bị phạt ăn cơm với muối không nhớ vì lí do gì. Toại ngồi ăn một mình bên chiếc bàn vuông nhỏ dọn trong góc nhà ăn, cạnh cửa ra vào cuối cùng tay phải từ sân trước nhà nguyện đi vào, gần góc vuông đi qua phòng học. Trên bàn một thau cơm và một dĩa muối rang. Toại nói nhỏ với chú giúp bàn xin một ấm nước trà, loại ấm nhôm lớn, và một dĩa ớt bột. Rồi bắt đầu chén tì tì. Các cha và cả nhà cơm xong, chú đọc sách đã thôi đọc, cha bề trên Đẩu nhìn xuống muốn rung chuông đọc kinh cám ơn nhưng chần chừ vì thấy Toại vẫn còn ăn. Lát sau, nhìn xuống, Toại vẫn còn ăn. Nhìn lần nữa, vẫn còn ăn. Cha bề trên rung chuông. Cả nhà, kể cả Toại, đứng dậy đọc kinh cám ơn sau khi ăn cơm rồi ra ngoài. Bên trong, Toại ngồi xuống tiếp tục ăn, không biết đến bao lâu sau vì tôi không chú ý.
 
Tắm giặt với riêng tôi là một vấn đề “lớn”, là một cực hình. Lúc đó, nước phải quay lấy từ giếng lên. Tôi lúc đó ở nhà dùng gàu múc nước từ giếng lên còn chưa biết, nói chi quay gàu bằng tay quay. Chưa có nước máy, gia đình tôi hoặc “mua” nước do người ta gánh đến, hoặc các người giúp việc đi gánh về. Thường thường, tôi ít khi phải tự tay múc nước từ lu vào thau rửa mặt ban sáng vì thức dậy đã có người múc nước vào thau để sẵn trên giá. Giặt quần áo thì thú thực trước ngày vào trường, tôi chưa từng. Đi học xa, quần áo dơ dồn lại mỗi tuần đem về nhà giặt. Vì thế, tắm xong, đồ ướt, tôi biếng nhác không giặt ngay mà ủ lại, khi nhiều quá buộc phải giặt thì đã … bốc mùi mốc, quần trắng nổi chấm đen tấm tấm vì … mốc. Tôi đã đôi lần “tranh đấu” xin các cha cho mướn người giặt đồ, áo quần ai người đó trả tiền lấy, nhưng các cha vẫn không chấp thuận cho mãi đến ba bốn năm về sau. Chúng tôi lúc đó mặc áo dài quốc phục màu đen, quần dài trắng, đầu đội nón “đồn điền” cũng màu trắng. Tôi gọi nón “đồn điền” là vì đám Tây thực dân lập đồn điền cao su ở Việt Nam thường đội như thế, màu kaki, và còn lưu lại thành nón “bộ đội” Việt Nam Cộng sản bây giờ gọi là nón cối, màu cứt ngựa. Nón “đồn điền” của chúng tôi lâu lâu lại phải đánh phấn để giữ màu trắng. Phấn gần với phấn viết bảng nhưng là cục không phải là cây, chà lên nón đã thấm nước ướt hoặc phết lên bằng bàn chải đánh răng, xong phơi khô. Áo dài đen được may bằng hai loại vải, thông thường là loại vải bóng láng, khá hơn là loại vải không bóng, cả hai loại tôi đã quên tên.
 
Trường An Ninh, ở vùng quê, thuộc thời cũ, ăn mặc quần trắng áo dài đen như thế ra ngoài chẳng ai lấy làm ngạc nhiên mà còn được tôn trọng nữa là khác. Thời Phú Xuân, ở ngoại vi thành phố Huế, một trong ba thành phố đầu não của Việt Nam, dân Huế không còn thấy con trai mặc áo dài khăn đóng cũng đã lâu ngày. Vì thế, mỗi lần chúng tôi đi đạo là một lần phiền toái, nhất là khi đi vào các vùng ít người Công giáo như ngược lên vùng Văn Thánh, qua khỏi chùa Thiên Mụ. Thoạt đầu, người ta trố mắt nhìn lũ chúng tôi như lũ người kì lạ từ hành tinh khác xuống (tôi đùa thôi, thời đó người ta chưa nói đến người hành tinh). Sau đó, mỗi khi chúng tôi xuất hiện, họ lớn tiếng bảo nhau, NẤM MỌC, vì cả lũ lố nhố lúc nhúc như nấm mối vừa từ dưới đất trồi lên. Cùng thời gian đó, các chủng sinh dòng Chúa Cứu Thế hoặc ngay cả dòng Thiên An cũng đã ăn mặc sơ mi quần tây khi ra đường và có thể cả trong dòng. Hàm là người duy nhất được phép mặc quần “sọt” vì chân đau thế nào đó. Đồng thời với việc xin mướn người giặt đồ, tôi cũng đã âm thầm “tranh đấu” xin thay đổi đồng phục, thậm chí viết đơn lên trình cha bề trên Đẩu, nhưng vẫn không có kết quả cho đến nhiều năm về sau. Những giọt nước nhỏ đó đã làm tràn cái li của tôi để tôi phải xin ra khỏi chủng viện.
 
Hai ba năm sau khi ra khỏi chủng viện, tôi có về lại trường vào gặp lại Cha Mẫn là cha linh hồn lúc trước. Cha hỏi tôi có ân hận gì không khi xin ra khỏi chúng viện. Tôi thưa ngài không, và xin phép được gặp lại bạn cùng lớp nhưng ngài không nói gì, không nói được cũng chẳng nói không. Năm sau hoặc thế nào đó, tôi đến lại lần khác. Lần này không gặp Cha Mẫn mà gặp Cha Phước. Ngài tiếp đón tôi vui vẻ nhưng cũng không trả lời thuận hoặc không thuận khi tôi xin phép gặp lại anh em cũ. Sau hai lần đó, tôi không quay lại lần nào nữa vì nghĩ có lẽ các cha sợ tôi gây ô nhiễm cho anh em còn lại. Nhiều năm sau đó, hình như lúc tôi đang học đại học, tôi vào trường Hoan Thiện, tức Thiên Hựu cũ, và được cha bề trên Thuận, sau này là giám mục rồi hồng y, và giờ đã lên bậc Tôi tớ Chúa, dẫn tôi đi thăm trường, chỉ cho thấy hệ thống bồn rửa mặt sứ trắng tinh với vòi nước máy khá tân tiến vào thời đó. Ngài còn dẫn tôi thăm phòng ngủ các chủng sinh, đến đâu ân cần giới thiệu đến đó. Tôi không nhớ lí do nào đã đưa tôi đến trường Hoan Thiện, và cũng không nhớ tôi có tự giới thiệu là cựu chủng sinh Huế hay không, nhưng chắc là không.
 
Dẫu thế nào, nói thực lòng tôi, tôi không lúc nào quên nghĩ đến chủng viện, và không bao giờ không tự nhận là cựu chủng sinh, không bao giờ không tự hào là cựu chủng sinh Huế. Chúa có nhiều con đường để gọi tôi đi, gọi chúng ta đi, và tôi, và chúng ta, sẽ làm trọn Thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận trần thế của tôi, của chúng ta. Biết đâu, nếu tôi còn ở lại chủng viện và tiến lên Bàn Thánh, do sự yếu đuối của tôi, tôi đã phạm đến chức thánh Chúa giao phó cho tôi. Xẩy ra như thế còn tệ hại hơn biết bao nhiêu trăm ngàn lần, tôi cho là thế. Dẫu là thế nào, tôi không bao giờ quên được chốn Thiên đường tôi đã mất đi.
 
Tôi xin tạm ngưng ở đây, và hẹn nối tiếp với một bài Thiên Đường Đã Mất khác, không phải nói về Thiên đường trần thế này mà nói về Thiên Đường thực sự, Thiên Cung, gặt hái từ bài giảng của Cha Lợi về linh đạo của Đức Hồng y Phanxicô Xavie Thuận
.

Tác giả: Trần Hữu Thuần PX53

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập560
  • Hôm nay89,353
  • Tháng hiện tại910,012
  • Tổng lượt truy cập57,011,649
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây