Vài kỷ niệm về Tiểu Chủng viện Phú Xuân.

Chủ nhật - 17/04/2011 04:39

TCV Phú Xuân

TCV Phú Xuân
Thời gian gần đây, NT Hoàng Xuân Tịnh AN41 trong bài Xin Cho Tôi Biết gởi anh Lê Thanh Minh PX61 với những lời kêu gọi Anh nghĩ sao? Anh thế nào? Gần ngày Hội Ngộ cứ xôn xao... làm tôi cũng dạo dào tâm hồn ghi vội lại một vài suy nghĩ của tuổi trẻ khi bước chân vào chủng viện.

VÀI KỶ NIỆM VỀ TIỂU CHỦNG VIỆN PHÚ XUÂN

Các bạn CCS TCV Phú Xuân thân mến,

Sau hai ngày Đại Hội tại hải ngoại, khi chú Nguyễn Đăng Trúc PX59 đưa lên diễn đàn chung vô số hình ảnh thân thương của một thời chủng viện, tôi bỗng nhớ đến các chú. Thời gian gần đây, NT Hoàng Xuân Tịnh AN41 trong bài Xin Cho Tôi Biết gởi anh Lê Thanh Minh PX61 với những lời kêu gọi Anh nghĩ sao? Anh thế nào? Gần ngày Hội Ngộ cứ xôn xao... làm tôi cũng dạo dào tâm hồn ghi vội lại một vài suy nghĩ của tuổi trẻ khi bước chân vào chủng viện.

Như tôi đã trình bày trong bài Lớp Phú Xuân 57 rằng chú Mỹ này làm luận văn bị phê bình quá dở. Tuy nhiên nhờ có người khuyến khích nên tôi mạnh dạn kể lại những kỷ niệm có sao nói vậy người ơi. Có gì sai sót, các bạn bỏ qua nhé!

Ngày xưa ấy, TCV Phú Xuân tọa lạc thôn Phú Xuân, còn gọi là làng Phú Xuân hay ấp Phú Xuân thuộc xã Hương Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Có lẽ vậy mà danh xưng gọi là TCV Phú Xuân chăng? Bên cạnh là Dòng Nữ cũng có tên gọi Dòng Phú Xuân, nay là Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, rồi Dòng Kín Camêlô, Viện Dục Anh... nay các cơ sở này thuộc địa bàn Phường Kim Long, thành phố Huế.

TCV PX nằm bên bờ tả ngạn Sông Hương thơ mộng, đi thẳng về hướng tây là Chùa Thiên Mụ hay Linh Mụ, một di tích lịch sử nổi tiếng của cố đô Huế. Thành phố Huế không rộng lắm, nên các chú đến nhập học hay thân nhân viếng thăm TCV PX có thể đi xe đạp hay thậm chí đi bộ từ Phủ Cam, DCCT, Gia Hội, Cồn Hến, Đốc Sơ, Cầu Kho... Chúng ta đã có thể đi xe đò từ Chợ Đông Ba lên Kim Long bằng xe buýt số 8 hay xe Văn Thánh số 10 và còn có xe lam ba bánh nữa.

Ngày đó, phương tiện giao thông trong thành phố gọi là xe đò được đánh số như sau. Số 1 An Cựu. Số 2 Bao Vinh. Số 3 Bến Ngự. Số 4 Chợ Dinh. Số 5 Từ Đàm. Số 6 Cầu Kho. Số 7 Long Thọ. Số 8 Kim Long. Số 9 Thuận An. Số 10 Văn Thánh. Số 11 Giạ Lê. Số 12 An Hòa. Số 13 An Lăng. Số 14 Tây Lộc. Như vậy, bất cứ các bạn thuộc giáo xứ nào đến Chợ Đông Ba, cũng đều có tuyến đường về TCV. Một vài bạn có vali cồng kềnh hay nhiều sách vở đã có thể đi xích lô. Loại xe buýt này đã lỗi thời nên ngày nay không còn nữa.

HAI DÃY NHÀ LẦU

Mọi loại xe đều được dừng lại ngay cổng chủng viện. Nhìn vào, chúng ta thấy ngay ngôi nhà lầu một tầng sơn màu vàng. Bên cạnh có cây hoa leo màu cam trông thật đẹp. Nơi đây vào năm 1957 là phòng ở của các cha giáo, như cha Nguyễn Văn Phước rồi cha Nguyễn Văn Thọ ở phòng bên trái. Chính giữa là phòng khách. Bên phải là phòng ở của cha Đôminicô Trần Văn Phát. Cha già Phát là tác giả cuốn Niên Lịch Phụng Vụ hằng năm của địa phận Huế, các trang cuối cuốn lịch luôn ghi danh sách các linh mục trong địa phận với đầy đủ năm sinh, năm chịu chức và nhiệm sở. Ngài có bộ râu đẹp hơn râu của cha Lê Văn Cầu.

Trên lầu là phòng ở của cha Lê Văn Mẫn, cha Bề Trên Lê Văn Đẩu chính giữa và phòng của cha Nguyễn Văn Tường. Phòng của cha Nguyễn Văn Nghĩa ở góc lầu thông qua lầu chính.

Mọi cơ sở trong chủng viện thời đó rất sơ sài và cũ kỹ. Chỉ có tầng lầu bên phải mới xây. Trên lầu là phòng ngủ của các chú và tầng dưới làm phòng học và một phòng nhỏ dùng làm lớp trả bài. Tôi sẽ  lần lượt ghi lại những gì đã xảy ra trong năm học đầu tiên 1957-1958 của lớp chúng tôi: Từ nhà thờ, nhà học, nhà ăn, nhà chơi, phòng may, nhà bếp...

NHÀ NGUYỆN CHÍNH

Trước hết tôi xin ghi những suy nghĩ và sự việc trong nhà thờ hay là nhà nguyện chính. Hôm nay vẫn còn và Đại chủng viện Xuân Bích đã có ít nhiều thay đổi.

Ngày đó TCV Phú Xuân gồm có 3 lớp. Lớp Nhì như ĐÔ Nguyễn Ngọc Hàm, lớp Ba như cha Lê Công Mỹ và lớp Tư như cha Nguyễn Hữu Giải, Nguyễn Văn Phúc... Tổng cọng trên dưới 100 chú. Lớp Nhì được ngồi trên Cung Thánh ở hai dãy ghế trường kỷ gồm các chú Hồng, Hàm, Hiệp, Huề, Thạnh, Thường, Tuyên, Tôn, Toại, Hoàng... Hai lớp 3 và 4 quỳ ở dưới theo số thứ tự mà chủng viện đặt cho mỗi người. Tôi số 124. Nguyễn văn Phúc 128.

Phân chia công việc phục vụ trong chủng viện cũng ghi theo số thứ tự này. Đặc biệt cứ theo vần ABC mà làm trưởng lớp. Lớp 57 chúng tôi có chú Ấm, An...

Khi Ấm về thì An lên thay thế. Lớp Ba có các chú Bá, Bố, Bình... Không có bầu bán như các lớp thuộc các trường tư thục hay công lập.

Trở lại việc trong nhà thờ, sau khi thức dậy, vệ sinh cá nhân xong là vào nhà thờ đọc kinh sáng. Kế đó cha Bề Trên giảng dạy khoảng 15- 20 phút trước khi dâng thánh lễ. Thánh lễ thường do cha giáo Lê Văn Mẫn làm chủ tế.

Thời đó linh mục chủ tế còn xây lưng cho cộng đoàn. Bàn thờ gồm có 6 cây đèn, mỗi bên 3 cây và chính giữa là Thánh Giá. Chuẩn bị thánh lễ, chú Lê Sĩ Hiền thắp 6 cây đèn sáp đó từ trong ra ngoài. Có lần tôi hỏi chú Hiền là tại sao chú mi không thắp từ bên ngoài vào, liền được trả lời là Ánh sáng của Chúa luôn chiếu tỏa từ Chúa mà ra ngoài cho dân chúng, còn khi tắt thì phải tắt từ bên ngoài vào. Thật là một bài học quý báu cho tôi.

Sau thánh lễ là ít phút thinh lặng cầu nguyện riêng tư của mỗi chú. Có một vài chú luôn đi ra khỏi nhà nguyện trong giờ cầu nguyện thinh lặng này. Đó là các chú trực nhà bàn mà tôi sẽ đề cập đến sau.

Vào mùa hè, ban sáng các cửa sổ rất cao ở bên hướng đông nhà nguyện được đóng lại. Ban chiều là các cửa sổ hướng tây, tùy theo ánh mặt trời. Sau này đến phiên tôi, tôi mới biết là phải đóng các cửa sổ cao đó từ bên ngoài. Thời kỳ này chưa có quạt máy nên nhà nguyện cần phải được giữ độ mát.

Lần đầu tiên có dịp đi ra vườn sau nhà nguyện tôi rất sợ, dù trong tay đang cầm cây sào dài để đóng các cửa sổ. Lý do các cha trong chủng viện qua đời được chôn cất nơi đây, ở một khu vực khá rộng rãi gồm sân bóng đá và nhiều vồng đất trồng chuối, cà, ớt... mà thỉnh thoảng chúng ta thấy trong các bữa ăn.

Nhà nguyện chính hay nhà thờ đều có các tiểu bàn thờ ở hai bên để tôn kính các vị Thánh, đồng thời cũng là nơi để các cha khách hay các cha giáo dâng lễ buổi sáng. Chúng tôi thường thấy cha Nguyễn Văn Thọ dâng lễ nơi đây. Riêng các cha giáo khác đi dâng lễ cho các Dòng tu lân cận. Cha giáo Nguyễn Văn Tường là cha quản lý còn gọi là giữ việc, hằng ngày dâng lễ cho các nữ tu và các người giúp việc trong chủng viện sớm hơn để các vị đó có thì giờ chuẩn bị mọi công việc trong ngày. Lúc nào cha Tường bận việc, các nữ tu và các người giúp việc vào tham dự thánh lễ cùng các chú.

NHÀ ĂN HAY NHÀ BÀN

Sau thánh lễ, các chú ra nhà ăn hay còn gọi là nhà bàn. Nằm bên tay trái của tòa nhà chính, nhà ăn có 3 dãy bàn bằng đá granitô màu nâu. Mỗi bàn gồm 4 chú, mỗi bên 2 chú ngồi đối diện nhau.

Trước giờ ăn khoảng 10 phút, các chú đến phiên trực bàn xuống nhà ăn bưng những chiếc mâm đồng có sẳn thức ăn lên đặt trên mỗi bàn hình chữ nhật. Trên mỗi bàn có sẳn dĩa nhôm, muỗng, nĩa. Buổi sáng có 3 món ăn. Món chính như cá chiên, cá kho, thịt heo. 2 món phụ như một dĩa muối mè, muối sả. Một dĩa xào như bắp cải, dưa nưa. Buổi trưa và tối thì có món canh như canh mít, canh rau, canh cải.

Vài hình ảnh lớp PX59.

Hồi đó, mỗi phiên trực bàn lớp 4 gồm 3 chú, lớp 3 gồm 3 chú. Hai chú lớp 1 và 2 lo bàn ăn của các cha. Các chú lớp Tư như chúng tôi bưng mân đồng từ bếp lên nhà ăn phải rất cẩn thận vì nặng lắm. Nhất là buổi trưa hay tối, vì món canh được đựng trong một cái tô lớn bằng thủy tinh.

Ngoài phiên trực bàn của các chú, có một anh thanh niên giúp việc to cao lo sạch sẽ nhà ăn và sắp xếp dĩa muỗng nĩa trên mỗi bàn. Mặc dù anh Định này không là chủng sinh, nhưng chúng tôi vẫn quen miệng gọi bằng chú. Niên khóa sau, có một chú giúp việc nữa tên là Đợi. Chú Đợi này có vẻ bất bình thường.

Sau khi ngồi vào bàn ăn đầy đủ, Cha Bề Trên làm dấu đọc kinh. Sau đó, nếu ngài bấm chuông, nghĩa là chúng tôi được phép nói chuyện, vừa đủ nghe chứ không to tiếng. Nếu ngài không bấm chuông cho phép nói chuyện là có một chú lên giá đọc sách, đọc sách trong khi các chú im lặng mà dùng bữa.

Tôi cũng được phân chia đọc sách, hồi đó đọc cuốn Việt Nam Giáo Sử của Lm Phan Phát Hườn Dòng Chúa Cứu Thế. Một điểm tôi suy nghĩ mà thầm cảm phục vị linh mục tài ba này là đến năm 1991 khi được định cư ở Hoa Kỳ, ngài vẫn còn giảng Lời Chúa trong Chương trình Ánh Sáng Tin Mừng của các cha DCCT ở Long Beach, California.

Vào năm 1957-58 chúng tôi đã đọc Việt Nam Giáo Sử cuốn 1 của ngài. Sau này ngài còn phát hành cuốn 2 nữa. Tôi còn nhớ một câu trong cuốn 1 nói về cuộc bắt đạo gắt gao của các vị vua triều Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức: “Tôi phải theo Vua. Con phải theo Cha. Các con của Vua Gia Long đã không theo cha...”

Các chú trực bàn và đọc sách ăn cơm sau. Thường là 2 mâm cơm có 8 chú từ lớp 2, 3, 4. Đến niên khóa 1958-1959 trước khi rời nhà ăn, các chú lớp 2 thay phiên nhau đọc một đoạn sách Thánh bằng tiếng Latin. Các cha nghe, có khi ra lệnh ngưng phải sửa lại vì các chú đọc sai câu văn, vì đọc không đúng hoặc không rõ ràng. Các ngài thật tài tình vừa ăn vừa nghe mà vẫn biết chỗ nào sai. Tâm phục khẩu phục, như khi đọc bài phạt với cha Tường mà tôi có dịp nói đến trong bài Lớp Phú Xuân 57.

Mỗi ngày chúng tôi vào nhà ăn 4 lần: sáng, trưa, chiều (bửa lỡ) và tối. Bửa lỡ vào lúc 4:30 giờ chiều trước khi ra sân chơi, thường là chuối, bánh qui, kẹo đậu phụng... Các chú tinh nghịch thường lấy đá chọi, ném lên hai cây cóc để kiếm ít trái ăn, thỉnh thoảng bị các cha bắt gặp. Vậy là khi đến mùa trái sum suê, nhà bếp hái xuống cho các chú dùng bửa lỡ. Thật là tâm lý với các chú nhỏ chúng tôi.

Để chấm dứt chuyện nhà bàn, tôi xin ghi lại các món ăn hằng ngày được thay đổi rất hài hòa, không chán mà còn ngon miệng nữa. Tuổi trẻ ăn nhiều, mà gia vị nêm nấu của các Chị Mến Thánh Giá rất là tuyệt vời như:

-  Cá thu chiên dòn với nước mắm ớt, ít ớt thôi

-  Cá gáy hay còn gọi cá chép cũng chiên dòn với nước mắm

-  Cá thu kho với chút nước, có hành, mỡ... tuyệt cú mèo

-  Cá gáy kho như cá thu

-  Thịt heo kho trứng vịt luộc với nước mắm

-  Các món phụ thường có củ cải kho, nưa, su xào, chuối cắt khúc, cà hấp thêm nước mắm

-  Món canh thì có rau muống, su bắp, bánh canh bột mì, bắp chuối, mít...

Chuối trong vườn chủng viện nhiều lắm. Các chị còn trồng thêm các loại rau để dùng trong các bữa ăn chính. Chuối bà lùn thường có buồng chuối to và dài.

Nhiều khi bữa chính còn có thêm muối sả, muối mè hay phômát vàng mà ở Mỹ gọi là cheese.

Riêng tôi rất khoái khâu muối sả. Nhớ lại biến cố Tết Mậu Thân tôi chạy loạn về TCV Hoan Thiện được cha Trần Văn Hoài cho ăn cơm với muối sả mỗi ngày 3 lần cùng một số chú còn ở lại. Trong thời gian này, bà ngoại của Đức Ông Cao Minh Dung đã qua đời tại Hoan Thiện do lựu đạn nổ. Đây là những kỷ niệm khó quên trong đời sau khi tôi rời TCV Phú Xuân.

Các bạn Phú Xuân 55, 57, 58, 59, 60 và 61 thân mến,

Một vài kỷ niệm về TCV Phú Xuân tôi xin ghi lại trên đây và hy vọng các bạn sẽ bổ túc. Tôi sẽ cố gắng ghi tiếp về những chuyện ở nhà ngủ và nhà học vào kỳ sau, hầu chúng ta ôn lại từng kỷ niệm và suy nghĩ ngây thơ của tuổi trẻ năm xưa còn ham ăn, ham chơi... nhưng nhác học như tôi. Thân chúc các bạn những năm tháng còn lại trong cuộc đời luôn được an bình, hạnh phúc, dồi dào sức khỏe và luôn yêu thương nhau trong tình huynh đệ.

Trần Văn Mỹ PX57
North Carolina 

Tác giả: Trần Văn Mỹ PX57

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập321
  • Hôm nay43,329
  • Tháng hiện tại776,738
  • Tổng lượt truy cập58,062,607
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây