Suy tư về việc tân phúc âm hóa trong nỗ lực loan báo Tin Mừng

Thứ tư - 10/10/2012 21:24

-

-
Việc phúc âm hóa được thực hiện bao gồm một tiến trình với ba yếu tố: mục đích, nội dung và cách thế. Trong tiến trình này hai yếu tố mục đích và nội dung có thể được hiểu như “bản thể” của sứ vụ loan báo Tin Mừng, yếu tố cách thế có thể ví như là “tùy thể” của sứ vụ.
ĐỨC TIN VÀ VIỆC THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN.
Suy tư về việc tân phúc âm hóa trong nỗ lực loan báo Tin Mừng


 
Ngày bế mạc Đại hội Đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục cho vùng Trung Đông, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quyết định lấy chủ đề: Nova evangelization ad christianam fidem tradendam cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ năm 2012. Chủ đề tân phúc âm hóa đã được Đức Thánh Cha quan tâm cách đặc biệt khi nói đến bổn phận và các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trong thời đại hôm nay.
 
Để có thể hiểu ý nghĩa cụm từ tân phúc âm hóa, chúng ta thử khám phá ý nghĩa đoạn văn của Sắc lệnh Ad gentes, số 36 đã được các nghị phụ Công Đồng  Vatican II trình bày: “tất cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào công việc rao giảng Phúc Âm. Tuy nhiên, mọi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá đức tin là sống sâu xa đời sống Kitô hữu. Vì chính khi nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và bác ái đối với tha nhân, họ mang lại cho toàn thể Giáo Hội một cảm hứng tinh thần mới và làm cho Giáo Hội xuất hiện như là một dấu chỉ nổi lên giữa các dân  là "ánh sáng thế gian" (Mt 5,14) và là "muối đất" (Mt 5,13)” (AG, s. 36).
 
Như thế nào là “sống sâu xa đời sống Kitô hữu” (vitam christianam profunde vivere)? Có thể hiểu đó là cách thế Phúc âm hóa môi trường mình sống, có nghĩa là“đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại… Giáo Hội Phúc Âm hóa, khi chỉ nhờ sức mạnh thần linh của sứ điệp mà Giáo Hội công bố (Rm 1,16), Giáo Hội tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ”[1]. Như vậy, phúc âm hóa là làm cho nhân loại hoán cải nhờ tiếp xúc với Tin Mừng qua các hoạt động truyền giáo của người Kitô hữu ngay chính trong các hoàn cảnh sống của mình.
 
Việc phúc âm hóa được thực hiện bao gồm một tiến trình với ba yếu tố: mục đích, nội dungcách thế. Trong tiến trình này hai yếu tố mục đích và nội dung có thể được hiểu như “bản thể” của sứ vụ loan báo Tin Mừng, yếu tố cách thế có thể ví như là “tùy thể” của sứ vụ. Vì là “bản thể” cho nên mục đích và nội dung sứ vụ mang tính bất di bất dịch, không thay đổi, yếu tố có thể thay đổi  và tốt nhất nên thay đổi  chính là cách thế phúc âm hóa. Sự thay đổi cách thế này được bản lineamenta của Thượng Hội Đồng Giám mục thuờng kỳ lần XIII gọi là Tân Phúc âm hóa. Để hiểu cụm từ này không là chuyện đơn giản, như Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp nhận định: “Đứng trên phương diện suy tư thần học, diễn ngữ “Tân Phúc Âm hóa” (Nouvelle évangélisation, New evangelization hay Nueva evangelización, Nuova Evangelizzazione) khá hàm hồ và có  thể tạo nên ngộ nhận như thể muốn phủ nhận những giá trị của công cuộc Phúc Âm hóa hay truyền giáo cũ. Trên thực tế có người đã vô tình đồng hóa “Tân Phúc Âm hóa” với “Tái Phúc Âm hóa”, và gián tiếp cho rằng việc rao giảng Tin Mừng trước đây có những thiếu sót cơ bản, sai lạc hoặc không còn hiệu năng, cho nên phải “Tái Phúc Âm hóa”, nghĩa là hầu như phải xóa bàn làm lại từ đầu và tất cả”.[2] Hiểu được vấn đề, bản Lineamenta nỗ lực giải nghĩa: Tân Phúc âm hóa “được hiểu như đồng nghĩa với những cố gắng canh tân thiêng liêng về đời sống đức tin trong các Giáo Hội địa phương, bắt đầu bằng một tiến trình phân định những thay đổi trong các khung cảnh văn hoá và xã hội khác nhau và tác động của những thay đổi này đối với đời sống Kitô hữu, đọc lại ký ức đức tin và đảm nhận những trách nhiệm mới cũng như phát sinh những nghị lực mới để rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô một cách hân hoan và thuyết phục”[3]. Nỗ lực đó “cho thấy rằng người Kitô hữu không bao giờ được từ bỏ sự bạo dạn trong việc loan báo Tin Mừng và tìm kiếm mọi phương thức tích cực để mở ra những con đường đối thoại, ở đó chúng ta có thể thảo luận về những mong đợi thâm sâu nhất của con người và lòng khát khao Thiên Chúa của họ”.[4] Vâng, Tân Phúc âm hóa là mạnh dạn kiến tạo một con đường để Tin Mừng có thể đến với nhân loại trong bối cảnh xã hội ngày nay, một xã hội đang đối diện với nhiều biến đổi trong các lãnh vực liên quan đến cuộc sống. Sự biến đổi của xã hội đương nhiên tác động không nhỏ đến đời sống các Kitô hữu, do đó khởi sự công cuộc Tân Phúc âm hóa  trước tiên là canh tân cách tư duy của người Kitô hữu về hồng ân đức tin mình được trao ban, về nhiệm vụ của người kitô hữu trong Giáo Hội, đặc biệt về sứ vụ loan báo Tin Mừng.
 
1.  Hồng ân đức tin
 
Khởi đầu của nghi thức khai tâm dành cho người lớn là cuộc đối đáp: “Anh (chị) xin gì cùng Hội Thánh?” – “Con xin đức tin”. Cuộc đối đáp này là nền tảng cho một  quyết định quan trọng liên quan đến toàn bộ cuộc sống của người Kitô hữu. Trở thành người Kitô hữu “không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay của một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, nó đem sức sống đến cho một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định”[5], kết  quả cuộc gặp gỡ là lời tuyên xưng: “tôi tin”, như là lời đáp trả trước “cảm nghiệm” về tình yêu bao la mà Thiên Chúa ban tặng cho con người nói chung và từng cá nhân nói riêng.
 
Bởi đó, đức tin trước hết là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cách nhưng không cho con người qua Hội Thánh. Quà tặng đó chính là tình yêu, đã được tỏ bày và trao ban qua Người Con duy nhất của Ngài, vâng, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). Vì thế, khi thân thưa “con xin đức tin” là khao khát một cuộc gặp gỡ với con người Giêsu, Lời yêu thương của Thiên Chúa, như Zacheu khi ông tìm cách leo lên cây để xem Chúa (x. Lc 19, 3). Chính sự khao khát này, Zacheu đã thực sự được thỏa lòng mong ước, ông đã gặp được Đức Kitô, và qua đó ông đã được biến đổi hoàn toàn, “Lạy Thầy, đây phân  nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi có chiếm đoạt của ai  cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19, 8). Nói như đức Bênêđictô XVI, khi còn là một giáo sư thần học: “tin là một cuộc gặp gỡ với con người Giêsu, và qua  cuộc gặp gỡ đó mà nhận ra rằng, ý nghĩa của thế giới là một con người, một Ngôi vị sống động”[6]. Cuộc gặp gỡ này được gọi là đức tin vì con người mà chúng ta gặp gỡ đó không đơn thuần là một con người trần thế, nhưng đó là “vị Thiên Chúa làm người”, là Logos: Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa, Logos đó “đã trở nên người phàm” (Ga 1, 14). Đức Giêsu Kitô, người được Đức Trinh Nữ sinh ra là Ngôi Lời Thiên Chúa và đã trở nên đồng bản thể với chúng ta[7]. Hồng ân đức tin chính là qua cuộc gặp gỡ này, chúng ta vừa nhận ra tình yêu “không thể tưởng tượng” mà Thiên Chúa dành để cho con người qua việc nhập thể của Ngôi Lời, biểu tỏ một tình yêu gần gũi thân thương của Cha đối với con; sự tự hiến của Đức Kitô trên Thập Giá thể hiện tột đỉnh một tình yêu dám chết cho người mình yêu: tình yêu phu – phụ; sự Phục sinh vinh hiển, tỏ bày niềm hân hoan của tình yêu vĩnh hằng dành cho con người để từ đây sự chết không còn gây sự chia cắt giữa Thiên Chúa với con người. Từ việc khám phá này chúng ta tự hỏi: tại sao Thiên Chúa lại có thể yêu tôi như thế? Vậy tôi là ai? Giữa tôi với Thiên Chúa có mối tương quan gì? Thắc mắc đó có thể tìm thấy câu trả lời dựa theo tư duy của con người: chúng ta chỉ có thể yêu những gì thuộc về chúng ta, một cách tương tự (analogie), Thiên Chúa yêu chúng ta bởi chúng ta thuộc về Người, có nghĩa là giữa chúng ta với Thiên Chúa có mối tương quan thật đặc biệt, thật thân thuộc, từ loại suy đó chúng ta có thể khẳng định: Thiên Chúa yêu tôi bởi tôi thuộc về Người, chính Người tạo dựng nên tôi, Người là Cha của tôi. Một nhận định như thế sẽ đưa chúng ta đến việc hoán cải, quay trở về với Cha, với tình yêu của Cha. Việc quay trở về này lôi kéo chúng ta ra khỏi lối sống ích kỷ, trái lại giúp chúng ta đạt tới một tình yêu trọn vẹn đúng nghĩa của nó. Điều đó có nghĩa là qua việc gặp gỡ với Đấng là tình yêu, nẩy sinh trong chúng ta một niềm hân hoan khôn tả, nó không bắt nguồn từ cảm xúc tự nhiên chóng qua, nhưng được trào dâng từ việc khám phámối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Việc khám phá này “là con đường đi đến tình yêu và tiếng thưa vâng của ý chí chúng ta đối với ý muốn của Người kết hợp sự hiểu biết, ý chí và cảm xúc trở thành một hành động trọn vẹn của tình yêu. Đây rõ ràng là một tiến tình vẫn luôn chuyển động: tình yêu không bao giờ ‘kết thúc’ và trọn vẹn được; tình yêu chuyển động trong suốt thời gian sống, tăng trưởng  dần và nhờ đó luôn trung thành với chính mình... Lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và con người bao hàm sự kiện: sự hiệp thông ý chí tăng triển trong mối hiệp thông tư tưởng và tình cảm, như thế ý muốn của chúng ta luôn trùng khớp với ý muốn của Thiên Chúa: ý muốn của Thiên Chúa không phải là ý muốn xa lạ đối với tôi mà các giới luật áp đặt lên tôi từ bên ngoài, nhưng là ý muốn của chính tôi xuất phát từ kinh nghiệm cho thấy, trong thực tế, Thiên Chúa hiện diện rất thâm sâu trong tôi hơn là tôi đối với tôi. Từ đó sự phó thác vào Thiên Chúa càng ngày càng lớn lên và Thiên Chúa thực sự trở thành niềm vui cho chúng ta”[8].
 
Có thể nói ngắn gọn, tin chính là gặp gỡ với Đấng yêu thương không thể so sánh với bất cứ một cuộc gặp gỡ nào trong trần thế nầy, một Đấng thật gần gũi với tôi trong cuộc sống, Đấng đó không chỉ chia sẻ cuộc sống này với tôi, nhưng còn mang lại cho tôi một cuộc sống mới mang tính vĩnh hằng, để qua cuộc gặp gỡ này tôi hoán cải và tín thác vào tình yêu của Đấng mà tôi gặp gỡ. Tuyên xưng đức tin là làm chứng cho cuộc gặp gỡ đó. Một cuộc gặp gỡ sống động như đang đụng chạm, đang đối thoại với Đấng đã được Thiên Chúa phái đến để thực hiện ý định cứu chuộc nhân loại, Đấng đó đã bị giao nộp vào tay kẻ dữ và bị đóng đinh trên Thập Giá nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, nhờ đó Người đã chiến thắng sự chết và đau khổ, và đã phục hồi sự sống cho nhân loại (x. Cv 2,22-24), chứ không phải là đọc thuộc lòng những công thức, những giáo huấn cách máy móc, hoặc câu nệ vào những hình thức bên ngoài mang tính phô trương.
 
Tuy nhiên hồng ân đức tin không là một ân huệ chỉ dừng lại ở chiều kích cá nhân, bởi cuộc gặp gỡ với Đấng là tình yêu luôn hướng tới cộng đoàn. Vì Thiên Chúa là một cộng đoàn Ngôi vị: Cha – Con – Thánh Thần, nên khi nhận lãnh được hồng ân đức tin, mỗi người chúng ta đều được mời gọi hoán cải, thanh luyện để trở thành một con người mới, con người không còn sống cho chính mình, mà là cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta (x. Rm 14,7-8). Có nghĩa khi tuyên tín “tôi tin”, người đó được tháp nhập vào cộng đoàn của những người tin, và lúc này không chỉ là “tôi tin” mà còn là “chúng tôi tin” một lời tuyên xưng của Thân mình Chúa Kitô. Cộng đoàn đó, thân mình đó được gọi là Giáo Hội. Chính trong cộng đoàn này, chúng ta sẽ được dẫn tới gặp gỡ với Đức Kitô một cách mật thiết đến nỗi nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Điều đó xảy ra trước tiên ngay chính trong việc cử hành Phụng vụ, bởi “Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ…, nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái của bí tích Thánh Thể. Người hiện diện thiết thực trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, ai được rửa tội thì chính là được Chúa Kitô rửa. Người hiện diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: ‘Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ’ (Mt 18,20). Thực vậy, trong công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa Kitô hằng kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất quý yêu và Giáo Hội kêu cầu Người như Chúa mình và nhờ chính Người phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu.”(SC, s.7).
 
Vì vậy, việc gắn bó với Giáo Hội là điều kiện thiết yếu để cuộc gặp gỡ với Đức Kitô thực sự đạt tới giá trị cứu độ, đó là cùng đích của cuộc gặp gỡ này. Việc gắn bó với Giáo Hội đồng nghĩa với việc dự phần và tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Việc  tham gia đó trước tiên được biểu tỏ qua việc tích cực tham dự cử hành phụng vụ cách ý thức và linh động. “Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, ‘là giòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn” (1 Pr 2,9; x. 2,4-5), (SC, s.14).
 
Với ý thức đó, chúng ta sẽ loại bỏ thái độ tiêu cực đối với các cử hành Phụng vụ. Một tâm trạng chung của người giáo hữu Việt Nam hôm nay là cố gắng chu tất luật buộc liên quan đến việc cử hành Phụng vụ, luật xựng tội một năm ít là một lần vào mùa Phục Sinh, luật đi lễ các ngày Chúa Nhật, luật kết hôn theo nghi thức Kitô giáo..., để cho an lương tâm, và vì vậy, việc cử hành đó mang nặng tính máy móc, hình thức chiếu lệ. Việc tham dự đó chỉ mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa, vì đó chẳng qua là để ru ngủ lương tâm, hay vì một hành vi lợi lộc nào đó cho mình, cho gia đình mình. Việc tham dự phụng vụ như thế không thể có được một cuộc gặp gỡ đích thực với Đức Kitô, cho nên cũng không thể kiến tạo mối tương quan để có thể gặp gỡ người khác, những chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, vì thế, khuôn  mặt của Chúa Kitô chưa có thể được giới thiệu cách đúng nghĩa đến với nhân loại, và cuộc sống vẫn còn đầy dẫy những bất công, những ganh ghét hận thù, vẫn xa lạ với nhau, vẫn bất an trong đời sống gia đình…
 
Để có thể phúc âm hóa môi trường mình sống, nhờ đó người ta nhận ra Tin Mừng chúa Kitô, từng tín hữu được mời gọi canh tân việc tham gia cử hành Phụng vụ, để Phụng Vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, trở thành nguồn mạch “tuôn tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu, đồng thời Thiên Chúa được tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về như là cứu cánh” (SC, s. 10). Việc tham dự vào các cử hành Phụng vụ, nhất là cử hành Thánh Lễ Tạ ơn phải được coi đó là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại, để qua đó con người được dự phần vào công việc của Thiên Chúa, bởi Phụng vụ được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, cho nên “mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (SC, s. 7). Thật đáng tiếc, khi phần đông tín hữu chúng ta thay vì nhận ra việc tham dự các cử hành Phụng vụ là một hồng ân, lại coi đó như là một bổn phận bắt buộc, cho nên chúng ta không thể nào loan báo Tin Mừng sự sống được, không thể nào giới thiệu cho người khác về sức sống của Phụng vụ, và sự cần thiết của việc cử hành Phụng vụ, để rồi người ta coi việc đi lễ của chúng ta cũng giản đơn như việc đi chùa của các phật tử, việc xưng tội của chúng ta như là cách thế để bao che cho những việc làm xấu xa của chúng ta.
 
Cần phải canh tân lối mòn suy nghĩ này, chẳng hạn đối với  hành vi tham dự việc cử hành Thánh Lễ, phải canh tân để làm sao chúng ta ý thức được rằng từ khởi đầu Thánh Lễ cho tới lời kết thúc Thánh Lễ là một tiến trình của đời sống Kitô hữu. Nhập lễ với đoàn rước từ cuối nhà thờ đi lên cung thánh không là hình ảnh của một Giáo Hội lữ hành đang tiến bước về Nhà Cha dưới sự dẫn đầu của Đức Kitô, Đấng đã chịu treo trên Thập Giá và đã Phục sinh đó sao? Vậy thì làm sao chúng ta lại đứng ngoài lề của sự tiến bước này khi chúng ta hiện diện cách thờ ơ, chiếu lệ? Và lời kết thúc Thánh Lễ đó không là một lời sai đi của Chúa dành cho chúng ta sao? “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an” “đó cũng là lời sai chúng ta đi làm những việc thiện ích mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa”[9], bởi nói như thánh nữ Têrêsa thành Avila: “Đức Kitô ngày nay, không có thân xác nào ngoài thân xác của bạn, không có đôi tay nào ngoài đôi tay của bạn, không có đôi chân nào ngoài đôi chân của bạn. Cặp mắt mà qua đó Đức Kitô động lòng trắc ẩn chăm chú nhìn vào thế giới là cặp mắt của bạn. Đôi chân đưa Người đi  đây đó thi thố việc lành là đôi chân của bạn. Đôi tay Người đưa lên chúc phúc cho người ta hôm nay là đôi tay của ban”[10], vậy tại sao chúng ta hối hả ra về khi chưa kịp nhận lãnh “bài sai” để tiếp tục công việc của Đức Kitô? Giữa phần nhập lễ và kết thúc là tiến trình mời chúng ta dự vào bàn tiệc Thánh với Lời Chúa và Thánh Thể, hai nguồn lương thực quan trọng nuôi dưỡng chúng ta trên đường lữ hành về Nhà Cha, nói lên sự quan tâm chăm sóc tràn đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thử hỏi có bao nhiêu người tham dự Thánh Lễ thật lòng chú tâm lắng nghe Lời Chúa và qua đó gặp được Chúa? Việc hiệp thông Thánh Thể có thực sự là nỗi khao khát do lòng mến thúc đẩy để được biến đổi trở nên một với Chúa? Hay tất cả chỉ là một tập quán được lập đi lập lại cách buồn chán?
 
2.  Thông truyền đức tin
 
Ngày 24.12.2009, tại Sở Kiện – Hà Nội, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam long trọng khai mạc Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Đây là cơ hội thuận tiện để Giáo Hội Việt Nam “dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các bậc tiền nhân, đồng thời nỗ lực đào sâu và làm tăng trưởng đức tin cũng như hâm nóng lại nhiệt tình loan báo Tin Mừng”[11]. Đây cũng là dịp để Giáo Hội Việt Nam duyệt xét lại thành quả của sứ vụ loan báo Tin Mừng như thế nào. Nhìn vào con số thống kê: khoảng gần 6 triệu tín hữu[12]/ hơn 80 triệu dân, chiếm khoảng 6-7% dân số, chắc chúng ta không khỏi băn khoăn về công việc truyền giáo của chúng ta! Dĩ nhiên con số không làm nên Giáo Hội, nói như Đức Tổng Giám mục Ghaleb Moussa Addalla Bader, Giám mục Alger: “Giáo hội luôn là Giáo Hội, Giáo Hôi không phụ thuộc vào số tín hữu”.[13] Tuy nhiên con số cũng nói lên hiện trạng của Giáo Hội để nhờ đó chúng ta tìm ra những cách thế để  nuôi dưỡng và củng cố sao cho Giáo Hội luôn là dấu chỉ hy vọng cho thế giới.
 
Đứng trước con số thống kê này, có lẽ ai trong chúng ta cũng tự hỏi: tại sao công việc truyền giáo có vẻ dậm chân tại chỗ? Vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng Hàng Giáo Phẩm Việt Nam không quan tâm? Chắc chắn không phải như vậy, ngay trong Hội Đồng Giám Mục có Ủy ban loan báo Tin Mừng chuyên lo nghiên cứu và tìm ra các phương thế thích hợp để giúp cho công việc truyền giáo. Mỗi Giáo phận cũng có ủy ban truyền giáo để chăm lo công việc truyền giáo. Thế nhưng tại sao Tin Mừng vẫn còn xa lạ với phần đông dân chúng Việt Nam? Phải khiêm tốn công nhận một thực trạng kém vui, đó là phần đông dân ngoại chưa cảm nhận được sự “mới lạ” hay là “lực hấp dẫn” của đạo Công giáo, chưa đọc được niềm hy vọng vào Lời Chúa hứa qua Đức Giêsu Kitô nơi cuộc sống của người Công giáo, để rồi đưa ra một nhận định: “đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành”, và vì thế không có lý do gì để phải tin theo đạo Công giáo .
 
Nhận định sai lầm đó phần nào có sự đóng góp của người tín hữu chúng ta, do chúng ta chưa thực sự sống theo giáo huấn của Lời Chúa, chưa nói cho người khác về con người của Chúa Giêsu, chưa yêu và phục vụ người khác theo cách thế mà Chúa Giêsu đã yêu và đã phục vụ. Bởi đó, tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin kitô giáo là một đòi hỏi cấp bách đối với đời sống tín hữu chúng ta, “vì đối với Giáo Hội, việc trình bày sứ điệp Tin Mừng không phải là một sự đóng góp tùy hứng: Đó chính là bổn phận đòi buộc Giáo Hội, do Chúa Giêsu truyền lại, để nhân loại có thể tin và được cứu thoát. Thực thế, sứ điệp Tin Mừng thật cần thiết, duy nhất mà không gì có thể thay thế được. Sứ điệp Tin Mừng không chấp nhận sự lãnh đạm, sự dung hợp và một thêm bớt nào. Vì chính đây là vấn đề cứu rỗi của con người”[14].
 
Để công việc tân phúc âm hóa đạt tới mục đích của nó, việc phải làm là thay đổi tư duy về truyền giáo vốn in sâu trong tâm trí người tín hữu Việt Nam: truyền giáo là lên đường rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là đến những vùng đất xa xôi hẻo lánh, chưa có bóng dáng của người tín hữu, và vì thế đây là công việc của riêng hàng giáo sĩ và của những cán bộ chuyên trách về truyền giáo. Và muốn truyền giáo thì cần phải qua các khóa huấn luyện, cần phải nắm vững kỹ thuật truyền giáo, mà quên rằng truyền giáo trước tiên chính là thông truyền đức tin mà mình đã được thông ban.
 
Việc thông truyền đức tin khởi sự từ việc “Phúc âm hóa chính mình. Là cộng đoàn những kẻ tin, là cộng đoàn sống và chuyển thông niềm cậy trông, là cộng đoàn tình yêu huynh đệ, Giáo Hội cần phải lắng nghe luôn điều mình phải tin, những lý do để trông cậy, điều răn mới của tình yêu. Là dân Chúa sống giữa thế gian và thường bị các thần tượng cám dỗ, Giáo Hội cần được nghe công bố những kỳ công của Thiên Chúa (x. Cv 2,11), bởi vì chính những kỳ công đó đưa cộng đoàn trở về cùng Chúa. Giáo Hội cần được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ luôn luôn. Tóm lại, Giáo Hội luôn luôn cần được Phúc âm hoá nếu muốn giữ được vẻ tươi mát, sinh khí và sức mạnh để loan báo Tin Mừng… Phải Phúc Âm hóa chính mình bằng sự trở lại và đổi mới liên tục để thế giới dễ chấp nhận Tin Mừng”.[15]
 
Để có thể làm cho đức tin của mình thực sự trở thành sức hấp dẫn, đánh động người khác cần phải bắt tay vào việc canh tân chính đời sống kitô hữu của mình qua chứng tá cuộc sống giữa trần thế. Việc canh tân này là cuộc hoán cải để “tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại sự hăng say thông truyền đức tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu - vốn là điều không thể thiếu - kín múc được sức mạnh và năng lực trong sự khám phá hằng ngày tình yêu của Chúa. Thực vậy, đức tin tăng trưởng khi được sống như một cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh và khi được thông truyền như một kinh nghiệm về ơn thánh và niềm vui. Đức tin phong phú hóa, vì mở rộng con tim trong niềm hy vọng và giúp mang lại một chứng tá có khả năng sinh sản: nó mở rộng tâm trí của những người lắng nghe và đón nhận lời Chúa mời gọi gắn bó với Lời Ngài để trở thành môn đệ của Ngài”[16].

Thật vậy, thông truyền đức tin là động thái muốn xẻ chia niềm hân hoan vì hồng ân đức tin được nhận lãnh, qua hồng ân này người nhận lãnh gặp gỡ được nguồn tình yêu, gặp gỡ được Đức Giêsu Kitô, Lời yêu thương của Thiên Chúa, Đấng mà theo Đức Bênêđictô diễn tả: là một vị Thiên Chúa yêu thương đến nỗi “quay lại chống đối chính mình”[17] để biểu tỏ tình yêu lạ lùng đối với nhân loại, khi Người tự hiến chính mình trên Thập tự, nhằm nâng con người lên, đưa con người ra khỏi vũng lầy tội lỗi và sự chết, trao ban sự sống đời đời cho họ. Được yêu thương như thế phải chăng là do chúng ta xứng đáng. Thưa không, ngàn lần không. Đây là món quà nhưng không Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta, vì vậy truyền giáo khởi sự bằng việc chia xẻ với mọi người niềm vui to lớn mà chúng ta nhận được, như  người phụ nữ trong Phúc Âm Luca, khi tìm thấy đồng bạc bị đánh mất liền “mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm đuợc đồng quan tôi đã đánh mất’” (Lc 15,10).
 
Do đó, truyền giáo không là chinh phục nhưng là lời mời gọi dự phần chung vui vì cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa, đã đến trần gian để cho nhân loại được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).  Nhưng để người được mời hiểu được, cảm nhận được niềm vui đang làm ngây ngất người mời, và mau mắn đáp lại lời mời gọi, đòi hỏi người mời phải thực sự cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa qua cuộc gặp gỡ với Đức Kitô để rồi tiến tới sự hiệp thông với Người. Chính trong sự hiệp thông này đã thắp lên trong chúng ta ngọn lửa yêu mến thúc bách chúng ta (x. 2 Cr 5,14) nói về Chúa Giêsu với sự xác tín rằng: không nhận biết Tin Mừng là một thiếu sót không có chi bù đắp được, vì chỉ có Tin Mừng mới mang lại sự sống đích thật. Nói về Chúa Giêsu không là kể về một nhân vật, một câu chuyện, nhưng là trình bày một khuôn mặt sống động nơi mỗi người kitô hữu, một Đức Kitô luôn quan tâm đến nỗi bất hạnh của người khác về thể xác cũng như tinh thần, một Đức Kitô đầy lòng trắc ẩn, không bao giờ bỏ qua lời van xin chữa lành, một Đức Kitô ngập tràn tình yêu và lòng khoan dung để thứ tha, để bênh đỡ chở che cho những người cô thân cố thế, một Đức Kitô không mệt mỏi trên đường tìm kiếm những con chiên lạc đường chính lộ… Nhờ việc trình bày như thế chúng ta thực sự đang truyền bá đức tin của mình, một đức tin sống động diễn tả một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, qua đó chúng ta tiếp tục “tạo ra ở mọi nơi và mọi thời những điều kiện để có thể có cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô”[18] đối với hết mọi người. Vâng, chúng ta thông truyền đức tin không phải nói về một Đức Giêsu được tường thuật, nhưng về một con người mà chúng ta đã cảm nghiệm qua sự gặp gỡ với Người, như người phụ nữ Samaria đã thông truyền: “Ðến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Ðấng Kitô sao?” (Ga 4,29).
 
Kết
 
Đọc lại những trang sử trong thời bình minh của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta  dám tự hào vì cha ông của chúng ta đưa nhiều người ngoại trở về với đức tin Công Giáo không theo một khoa sư phạm truyền giáo nào ngoài việc hăng say phục vụ người khác theo tinh thần Tin Mừng. Thống kê sau đây là một thí dụ: tại Cochinchina (Đàng Trong) năm 1631 có 5.727 tân tòng, đến năm 1641 con số tân tòng lên tới 108.000[19]; tại Tongking (Đàng Ngoài) năm 1630 có 7.942 tân tòng, đến năm 1646 con số tân tòng lên đến khoảng 200.000[20].  Một điều chắc chắn sự phát triển nầy là nhờ công lao của các nhà Thừa sai, nhưng lịch sử cũng không thể phủ nhận công lao to lớn của người giáo dân cộng tác với các cha Thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng. “Khi nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là với  số ít ỏi nhà Thừa sai, làm sao mà con số trở lại đạo công giáo càng ngày càng đông. Câu trả lời thật rõ ràng: chính nhờ việc cảm nhận được sự cao quí hồng ân đức tin đã lãnh nhận, và lòng ước muốn thông truyền đức tin thúc bách người giáo dân mạnh dạn nói cho dân ngoại về sự sống mà đức tin mang lại”[21]. Nhà Thừa Sai Cardim cũng công nhận: người giáo dân Việt Nam hăng say trong việc giúp đỡ người nghèo và bệnh hoạn. Họ muốn sống theo lời Chúa dạy. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra để xây cất những bệnh xá. Đứng trước tấm lòng bác ái của họ nhiều người ngoại giáo đã xin gia nhập đạo công giáo[22]. Quả thật, “yêu mến Thiên Chúa dẫn đến sự dự phần trong công lý và trong sự quảng đại của Thiên Chúa đối với tha nhân. Yêu mến Thiên Chúa đòi hỏi một tự do nội tại vượt lên trên tất cả những của cải và mọi thứ vật chất: tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ nơi trách nhiệm của ta đối với tha nhân[23]. Truyền giáo là thế đó, là thông truyền cho người khác cảm nghiệm về niềm vui mình đang có nhờ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Việc thực thi đức ái bắt nguồn từ niềm vui gặp gỡ này.
 
Từ cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, đức tin dẫn đưa chúng ta tiến tới sự hiệp thông thâm sâu với Người, và qua đó, chúng ta được dẫn vào lối sống của Người là “sống cho mọi người”. Sự hiệp thông với Đức Kitô luôn thúc đẩy chúng ta sống cho tha nhân[24], hay nói cách khác, đức tin tự bản chất luôn là động lực thúc đẩy chúng ta truyền giáo bao gồm “việc làm chứng và dấn thân công khai. Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng đức tin là một điều riêng tư. Đức tin là quyết định đứng về phía Chúa để sống với Ngài… Chính vì đức tin là một hành vi tự do, nên cũng đòi hỏi một trách nhiệm xã hội về những gì ta tin. Giáo Hội, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đã chứng tỏ rõ ràng chiều kích công khai ấy của việc tin tưởng và loan báo không chút sợ hãi về niềm tin của mình cho mỗi người. Đó là một hồng ân của Chúa Thánh Linh làm cho ta có khả năng thi hành sứ mạng và củng cố việc làm chứng tá của chúng ta, biến chứng tá ấy thành điều thẳng thắn và can đảm”[25].
 
Vì vậy, việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng không phải là ngồi chờ đợi những chỉ dẫn của Ủy Ban Truyền giáo, hay là phó mặc cho hàng giáo sĩ, hoặc cho các cán bộ truyền giáo, nhưng phải là công việc của từng Kitô hữu, và phải được thực thi từng giây phút trong đời sống với khát vọng giới thiệu Tin Mừng đến với mọi người, để họ gặp được Chúa Giêsu, gặp được ơn cứu độ. Vì thế  “các gia đình cần phải trở thành những dấu chỉ đích thực của tình yêu và sự chia sẻ, với khả năng hi vọng vì sự cởi mở của họ đối với cuộc đời”[26]. Người kitô hữu chúng ta cần có trái tim nhạy cảm để phục vụ cho những mảnh đời bất hạnh theo tinh thần của Tin Mừng, đưa ra các sáng kiến cho công bằng xã hội và tình liên đới. Một yếu tố không thể thiếu của việc truyền bá đức tin là “lòng dũng cảm để lên tiếng chống những bất trung và gương xấu nảy sinh trong các cộng đoàn Kitô hữu” và “can đảm nhìn nhận lỗi lầm”[27] .
 
Lm Antôn Hà Văn Minh – Mùa Giáng Sinh 2011

[1] Đức PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 08.12.1975, s. 18.
[2]GM. PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP OP, Chung quanh vấn đề tân phúc âm hóa, Lễ bế mạc Năm thánh 2010 tại Thánh địa La Vang.
Nguồn:http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/PhucAmHoa/03VanDePhucAmHoa.htm
[3]Bản Lineamenta của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường niên lần thứ XIII, s. 5.
[4]Nt.
[5]Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Deus caritas est, 25.12.2005, s. 1.
[6]J. RATZINGER, Einfuehrung in das Christentum  (Đức tin Kitô giáo – Hôm qua và Hôm nay), chuyển Việt ngữ: Lm Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, Tôn Giáo 2009, 79.
[7]X. Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông Huấn Verbum  Domini, 30.09.2010, s. 7.
[8] Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Deus caritas est, 25.12.2005, s.17.
[9] ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ ĐẠI HÔI THÁNH THỂ THẾ GIỚI, “Thánh Thể: Hiệp thông với Đức Kitô và với nhau”, tài liệu suy tư thần học và mục vụ hướng tới Đại hôi Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10-17.6.2012), s. 122.
[10]ỦY BAN GIAO HOANG VỀ ĐẠI HÔI THÁNH THỂ THẾ GIỚI, “Thánh Thể: Hiệp thông với Đức Kitô và với nhau”, tài liệu suy tư thần học và mục vụ hướng tới Đại hôi Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10-17.6.2012), s. 122.
[11] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư Chung 2010, s. 1.
[12]  Nguồn: http://vi.wikipedia.org
[13]Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc,  «Con số tín hữu không làm nên Giáo Hội», s. 1837 – 1838 từ 16.12 – 22.12.2011, 50.
[14]Đức PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 08.12.1975, s. 5.
[15]Nt, s. 15.
[16]Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông sắc Porta Fidei về việc khai mở năm Đức tin, 17.10.2011, s. 7.
[17]Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Deus caritas est, 25.12.2005, s. 12.
[18]Văn phòng Tổng thư ký THĐGM XIII, bảnLineamenta:  Tân Phúc Âm Hóa Để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo, 02.02.2011, s. 11.
[19]F. CARDIM, Relation de la province du Japon, Tournai 1645, 20.
[20]A. BONIFACY, Les débuts du christianisme en Anam, des origines au XVIII Siècle, Hanoi 1930, 37.
[21]Lm ANTÔN HÀ VĂN MINH, Lòng Đạo Đức Bình Dân Trong Đời Sống Người Giáo Dân Việt Nam – Nhìn vào Lịch sử để định hướng cho thời đại hôm nay, trong: Sống đạo theo cung cách Việt Nam, do Ủy Ban Giáo Dân trực thuộc Hội Đồng Giám  Mục Việt Nam phát hành, Tôn Giáo 2004, 81-82.
[22]  X. F. CARDIM, Relation de ce qui s’est passé depuis quelques année à l’an 1644 au Japon, à la Cochinchine, au Malabar … Paris 1645.
[23]Maxime le Confesseur (+ 662), Chapters on charity, Centuria 1, ch. 1: PG 90, 962-966.
[24]X. Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Spe Salvi, 30.11.2007, s. 28.
[25] Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông sắc Porta Fidei về việc khai mở năm Đức tin, 17.10.2011, s. 10.
[26] Văn phòng Tổng thư ký THĐGM XIII, bảnLineamenta:  Tân Phúc Âm Hóa Để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo, 02.02.2011, s. 17.
[27]Nt.
 
Nguồn: giaolyductin.org 27/12/11, 5:56 PM

Tác giả: Lm Antôn Hà Văn Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập76
  • Hôm nay32,606
  • Tháng hiện tại356,472
  • Tổng lượt truy cập67,381,319
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây