CN 31 TN A. Giải thích Lời Chúa.

Thứ hai - 24/10/2011 03:37

-

-
Sau khi đã phác họa chân dung của những người Biệt Phái về “lời nói không đi đôi với việc làm” và thói phô trương tự mãn này, Chúa Giê-su nhắc lại cho các môn đệ ba đề tài chính yếu về giáo huấn của Ngài, hoàn toàn đối lập với những thực hành của những người Biệt Phái:...
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN
 
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này đề cập đến những bổn phận và trách nhiệm mà các vị mục tử phải có đối với dân mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ.
 
Ml 1: 14-2: 2, 8-10
 
Ngôn sứ Ma-la-khi, vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, chỉ trích nặng lời những bất trung của các tư tế Giê-ru-sa-lem trong khi thi hành chức vụ của mình.
 
1Tx 2: 7-9, 13
 
Trong thư gởi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô để cho thấy sự tận tâm tận lực và vô vị lợi tuyệt đối của ngài trong việc phục vụ cộng đoàn.
 
Mt 23: 1-12
 
Cuối cùng, Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giê-su lên án “ngôn hành bất nhất” và  thói phô trương tự mãn của những người Biệt Phái.
 
BÀI ĐỌC I (Ml 1: 14-2: 2, 8-10)
 
Ngôn sứ Ma-la-khi cảnh báo nghiêm khắc các tư tế Giê-ru-sa-lem vì họ không chu toàn sứ mạng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ.
 
1. Bối cảnh:
 
Thời kỳ này được định vị vào tiền bán thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, khoảng bốn mươi hay năm mươi năm sau công cuộc tái thiết Đền Thờ. Chúng ta biết rằng Đền Thờ vua Sa-lô-mon xây dựng đã bị quân Ba-by-lon phá hủy thành bình địa vào năm 587 và được tái thiết vào thời hậu lưu đày khoảng năm 521 và 515 trước Công Nguyên. Vào thời kỳ đó, lòng nhiệt thành đối với việc canh tân tôn giáo dâng cao. Tuy nhiên, vài thập niên sau đó, lòng đạo xuống cấp vì nhiều lý do khác nhau, nhất là những dự định cải cách tôn giáo bị chậm trể dẫn đến thái độ thờ ơ và lạm dụng của các tư tế trong việc phụng tự và tâm tình tôn giáo nguội lạnh của các tín hữu.
 
Ngôn sứ Ma-la-khi phản ứng dữ dội. Đây là một trong những nét đặc thù của lịch sử Ít-ra-en, hễ mỗi lần dân Chúa chọn trượt bước vào con đường bất trung, thì liền có một vị ngôn sứ xuất hiện để cảnh báo và đánh động tiếng lương tâm của mỗi người. Ông Ma-la-khi là vị ngôn sứ cuối cùng. Sau ông, tiếng nói ngôn sứ không còn vang lên trong dân Ít-ra-en nữa; sau này sẽ lại xuất hiện, nhưng theo thể loại văn chương khác, văn chương khải huyền.
 
Bản văn đề nghị cho chúng ta hôm nay gồm hai phần: phần thứ nhất, dài hơn, được gởi đến giới tư tế; phần thứ hai được gởi đến các tín hữu, tức giáo dân.
 
2. Ngỏ lời với các tư tế:
 
Đây không là lần đầu tiên một ngôn sứ lên tiếng phê phán nghiêm khắc các tư tế Giê-ru-sa-lem. Các ngôn sứ Mi-kha, Xô-phô-ni-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en cũng đã can đảm lên tiếng như vậy, trong những hoàn cảnh khó khăn hay bi thảm.
 
Ngôn sứ Ma-la-khi có đủ lý do để nghĩ rằng cơn khủng hoảng tôn giáo vào thời đại của ông thì thật nghiêm trọng. Vào thời kỳ này, dân Thiên Chúa đã đánh mất nền độc lập của mình dưới thời thống trị của đế quốc Ba-tư, thời mà dân Chúa đáng ra phải khẳng định hơn bao giờ hết những giá trị của mình, thì họ lại không còn dâng hiến một đời sống phụng tự cũng như một đời sống luân lý tương xứng với niềm tin mà họ công bố.
 
Như truyền thống ngôn sứ, lời ngôn sứ được quy cho chính Thiên Chúa: “Chính Ta là Đức Vua cao cả, - Đức Chúa các đạo binh phán”. Những diễn ngữ này bắt nguồn từ các Thánh Vịnh, như Tv 47: “Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả húy, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu”.
 
“Danh Ta, muôn dân đều kính sợ”. Ông vạch cho thấy phụng tự mà các tư tế Giê-ru-sa-lem thực hành với thái độ thờ ơ lãnh đạm thì thật là tương phản với phụng tự của lương dân, ở đó mọi người đều bày tỏ lòng tôn kính đối với Danh Đức Chúa. Có lẽ, vị ngôn sứ ám chỉ đến việc dân Ba-tư phụng thờ Chúa Tể càn khôn, duy nhất và tinh tuyền mà dân Do thái thường có dịp tiếp xúc. Nhưng chắc chắn vị ngôn sứ cũng nghĩ đến viễn cảnh phụng tự hoàn vũ.
 
3. Ba lời phê phán dành cho các tư tế:
 
Sau đó, vị ngôn sứ đưa ra ba lời chỉ trích được gởi đến các tư tế:
 
1- “Nếu các ngươi không chịu nghe và không chịu để tâm làm vinh hiển danh Ta, Ta sẽ trút lời chức dữ xuống trên các ngươi”. Thật ra, câu này tham chiếu đến những quở trách nặng lời của đoạn văn trước, liên quan đến những vi phạm nghiêm trọng đối với việc thi hành phụng tự trong Đền Thờ, như lễ vật là của ăn cướp, con vật què hay bệnh tật. Vì thế, như luật “ân oán phân minh”, Thiên Chúa sẽ biến đổi những lời chúc phúc của các tư tế cho dân chúng thành những lời chúc dữ! Chức vụ tư tế thay vì chúc phúc thì lại chúc dữ.
 
2- “Các ngươi đã đi trệch đường, và đã làm cho bao người phải vấp ngã vì lời giảng dạy của các ngươi”. Lời chỉ trích thứ hai này nhắm đến sứ vụ giảng dạy của các tư tế. Tư tế là người được Thiên Chúa ủy thác Lời của Ngài và ủy nhiệm Luật của Ngài. Tuy nhiên, giáo huấn của họ thật sự là một sự đồi bại, khiến cho bao người phải vấp ngã.
 
3- “Các ngươi đã tỏ ra thiên vị khi giảng dạy”. Lời chỉ trích thứ ba này gởi đến các tư tế trong việc điều hành công lý. Lời này nhắc lại bản văn Đệ Nhị Luật ở đó Đức Chúa công bố mình là “Thiên Chúa không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ” (Đnl 10: 17). Ở đây, họ bị mua chuộc, hối lộ, vì thế, thiên vị trong việc thi hành Luật.
 
Những lời chỉ trích này rất gần với những lời chỉ trích của Đức Giê-su đối với các kinh sư và nhóm Biệt Phái trong Tin Mừng hôm nay. Đó là lý do tại sao bản văn này được chọn cho bài đọc I.
 
4. Ngỏ lời với các tín hữu:
 
Tiếp đó, vị ngôn sứ ngỏ lời với “dân Thiên Chúa”, cộng đồng tín hữu mà ông là một thành viên. Ông kêu gọi các tín hữu hãy đồng tâm nhất trí với nhau: “Nào tất cả chúng ta chẳng cùng có một người cha hay sao?”. Ông viện dẫn tình phụ tử của Thiên Chúa, Ngài vừa là  Đấng tạo dựng con người, vừa là một vị Chúa đã chọn Ít-ra-en làm con cái của Ngài.
 
Đoạn trích này trình bày một đề tài rất đặc thù, nhưng nó có một âm vang loan báo Tin Mừng.
 
BÀI ĐỌC II (1Tx 2: 7-9, 13)
 
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
 
1. Tận tâm tận lực:
 
Trong đoạn trích thư này, thánh Phao-lô phác họa chân dung của người mục tử bằng những ngôn từ rất gợi hình, thậm chí đầy xúc cảm nữa. Dụng ngữ “chúng tôi” hàm chứa cả thánh nhân lẫn các cộng sự viên của ngài. Trong đoạn văn trước đó, thánh nhân giải thích rằng ngài đã không tìm cách áp đặt uy quyền mà tước vị tông đồ của ngài ban cho ngài trên họ. Ngài sánh ví hành động của ngài với hành động của một người mẹ. Thánh nhân sinh hạ các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thân yêu vào đời sống đức tin. Như mẹ hiền ấp ủ con thơ, ngài không những nuôi dưỡng họ bằng Lời Chúa, nhưng ngài còn muốn dâng hiến cho họ thậm chí cả mạng sống của ngài nữa.
 
Tình mẫu tử này của thánh Phao-lô rất phù hợp với một người ở bên cạnh những người mới chập chững bước vào đời sống Ki-tô hữu; nhưng xa hơn, thánh nhân bổ túc chân dung người mục tử khi gợi lên tình phụ tử của mình: “Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em…” (2: 11-12). Đây là hai khía cạnh không thể thiếu đối với sứ vụ Mục Tử Tân Ước.
 
2. Vô vị lợi tận mức:
 
“Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi ngày đêm, chúng tôi làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào đó trong anh em”. Chúng ta không biết thánh nhân muốn nói đến công việc gì. Khi còn ở Cô-rịn-tô và Ê-phê-xô, thánh Phao-lô đã làm nghề dệt lều trong xưởng của ông bà A-qui-la (Cv 18: 1-3). Có thể thánh nhân cũng đã làm công việc như vậy ở Thê-xa-lô-ni-ca (2Th 3: 8). Xem ra thánh nhân đã làm việc vào ban đêm, còn ban ngày ngài dành cho sứ vụ tông đồ của mình.  Nhưng công việc này đã không đem lại thù lao hậu hỉnh, vì trong khi thi hành sứ vụ của ngài ở Thê-xa-lô-ni-ca, thánh nhân đã chấp nhận sự trợ giúp vật chất của các tín hữu Phi-líp-phê. Đây là trường hợp ngoại lệ, vì thánh nhân chấp nhận sự giúp đỡ chỉ duy từ phía các tín hữu Phi-líp-phê.
 
Cuối cùng, theo hình thức tạ ơn, thánh Phao-lô khen ngợi đức tin của các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca và quyền năng Tin Mừng ở nơi họ, mà họ đã tiếp đón như lời đến từ Thiên Chúa.
 
TIN MỪNG (Mt 23: 1-12)
 
Diễn từ lên án nhóm Biệt Phái, mà hôm nay chúng ta đọc phần đầu, hoàn tất và chấm dứt cuộc tranh luận dài giữa Chúa Giê-su và các đối thủ của Ngài. Cuộc tranh luận này chiếm hầu như trọn các chương 21, 22 và 23 của Tin Mừng Mát-thêu. Chúa Giê-su đã đối đầu liên tục với các thượng tế và các kỳ mục (21: 23; 22: 1-14), với nhóm Biệt Phái và bè Hê-rô-đê (22: 15-22), với bè Xa-đốc (22: 41-46).
 
Tiếp đó, Ngài ngỏ lời với đám đông cũng như với các môn đệ Ngài. Chúa Giê-su không còn phát biểu bằng dụ ngôn nhưng nói rõ ra. Theo thói quen của mình, thánh Mát-thêu tập hợp thành nhóm những lời mà Đức Giê-su công bố vào những dịp khác nhau vào trong cùng một bài diễn từ.
 
Những lời quở trách của Đức Giê-su cốt yếu nhắm đến thái độ của nhóm Biệt Phái chứ không giáo huấn của họ. Vì thế, Ngài liên kết họ với các kinh sư, tức các thầy thông luật. Đa số những thầy thông luật là những người Biệt Phái, họ có ảnh hưởng rất lớn trong các hội đường. Ở Giê-ru-sa-lem, họ chiếm một phần ba các thành viên trong Thượng Hội Đồng.
 
1. Ngôn hành bất nhất:
 
“Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy”. Diễn ngữ “tòa Mô-sê” này chỉ được gặp thấy trong Tin Mừng Mát-thêu, điều này thật có ý nghĩa. Chúa Giê-su đã không đến để hủy bỏ nhưng để kiện toàn Lề Luật. Ngài chấp nhận uy quyền của những người giảng dạy Lề Luật này. Ông Mô-sê bảo lãnh uy thế giảng dạy của họ: “Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”. Đây là một sự tôn kính đối với Lề Luật.
 
“Còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”. Trước tiên, Chúa Giê-su chỉ trích họ là “lời nói không đi đôi với việc làm”. Họ biết Lề Luật, giảng dạy Lề Luật nhưng “nói một đường mà làm một nẽo”. Sau này, trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô cũng sẽ chỉ trích người Do thái như vậy: “Bạn biết dạy người khác, mà lại không dạy chính mình! Bạn giảng: đừng trộm cắp, mà bạn lại trộm cắp! Bạn nói: chớ ngoại tình, mà bạn lại ngoại tình!...Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa!” (Rm 2: 21-23).
 
“Họ bỏ những gánh nặng mà chất trên vai người ta, nhưng chính họ thì không buồn động ngón tay vào”. “Gánh nặng” ở đây có nghĩa sức nặng của những huấn thị được những nhà giải thích Luật khai triển thái quá. Họ đòi buộc những người khác phải tuân giữ, còn họ thì “không buồn động ngón tay vào”. Đó là chủ nghĩa duy luật mà Chúa Giê-su giải thoát khi thu tóm tất cả Lề Luật vào giới luật tình yêu: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi…Vì ách của tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11: 28-30). Sau này, thánh Giáo Phụ Âu-gút-tinh dạy rằng “Hãy yêu đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm”. Quả thật, nếu không có tình yêu, thì luật lệ là sự nô lệ. Chính tình yêu kiện toàn mọi giới luật.
 
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư lạm dụng quyền hành, đồng thời khinh bĩ những kẻ bé mọn, cũng như tất cả những ai không biết Lề Luật. Thánh Gioan nêu lên điều này trong Tin Mừng của mình: “Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Biệt Phái, đã có ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” (Ga 7: 48-49).
 
Phải chăng thái độ này hoàn toàn đối lập với sứ điệp của Đức Giê-su và việc Ngài đề cao những người bé mọn và khiêm hạ?
 
2. Thói phô trương và tự mãn:
 
“Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy”. Bằng một loạt những dẫn chứng, Chúa Giê-su tố cáo thói phô trương tự mãn của những người Biệt Phái, họ làm cốt để khoe danh thơm tiếng tốt của mình. Chúng ta nghĩ đến những lời khuyên mà Ngài dạy cho các môn đệ: “Khi anh em bố thí hay ăn chay, đừng để cho ai biết; hãy rút vào trong phòng mà cầu nguyện”, vân vân.
 
“Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài”. Những hộp kinh là những túi da nhỏ đựng những mảnh giấy da trên đó chép vài câu Lề Luật quan trọng, nhất là câu của sách Đệ Nhị Luật: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Ấy vậy, sách Đệ Nhị Luật còn thêm “anh em phải ghi tạc vào lòng …phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu” (Đnl 6: 5-8). Lối giải thích sát từ này sinh ra những hộp kinh. Còn việc mang những tua áo thật dài phải lên đến tận một huấn lệnh rất xa xưa của sách Dân Số: “Ngươi hãy nói với con cái Ít-ra-en và bào chúng phải làm tua khâu vào tà áo của chúng, qua mọi thế hệ, và cột lên tua áo đó một sợi dây đỏ tía. Vậy các ngươi sẽ mang tua áo, và khi nhìn thấy nó, các ngươi sẽ nhớ đến mọi mệnh lệnh của Đức Chúa mà thi hành” (Ds 15: 37-39). Việc thực hành này rất phổ biến. Một người phụ nữ được chữa lành khi chạm vào tua áo của Chúa Giê-su. Nhưng những người Biệt Phái mang những tua áo thật dài để cho người ta thấy lòng mộ đạo của mình.
 
“Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc”, tức là chỗ danh dự trong bàn tiệc. Trái lại, Chúa Giê-su dạy các môn đệ: “Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên cho’” (Lc 14: 7-11). “Chiếm hàng ghế đầu trong hội đường”. Đây là một ví dụ không kém phần tiêu biểu: những hàng ghế đầu trong hội đường quay lưng vào hòm bia Luật và đối diện với cộng đoàn. Chỗ phô trương quá mức.
 
“Thích được người ta chào hỏi ngoài đường phố”. Chúng ta biết chữ “chào hỏi” có nghĩa như thế nào ở Đông Phương: cúi mình thật sâu, hai tay đặt trên trán hay trên miệng, để bày tỏ lòng cung kính. “Được thiên hạ gọi bằng thầy”. Tước hiệu “thầy” là danh hiệu cao quý được dành cho các bậc tôn sư để tỏ lòng tôn kính như: “tôn sư trọng đạo”.
 
3. Những lời khuyên của Chúa Giê-su cho các môn đệ:
 
Sau khi đã phác họa chân dung của những người Biệt Phái về “lời nói không đi đôi với việc làm” và thói phô trương tự mãn này, Chúa Giê-su nhắc lại cho các môn đệ ba đề tài chính yếu về giáo huấn của Ngài, hoàn toàn đối lập với những thực hành của những người Biệt Phái:
 
- “Tình huynh đệ” đánh dấu cộng đoàn Ki-tô hữu: “Phần anh em, thì đừng có bắt ai gọi mình bằng thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau”.
 
- “Tình phụ tử” của Thiên Chúa, đề tài cơ bản tại thánh Mát-thêu: “Anh em đừng gọi ai dưới đất này bằng cha, vì anh em chỉ có một Cha trên trời”.
 
- “Đức khiêm hạ”: “Anh em cũng đừng bắt ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô”.
 
Phẩm chất cao cả của người môn đệ Chúa Ki-tô thật sự là “phục vụ người khác”. Vào buổi chiều Tiệc Ly, Đức Giê-su sẽ nói với họ: “Giữa người ngồi ăn với người phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22: 27). Và hễ có dịp, Chúa Giê-su lập lại giáo huấn này cho họ như quy luật sống: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14: 11; 18: 14). 

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập582
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm581
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại973,989
  • Tổng lượt truy cập58,259,858
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây