Chuyện ăn, chuyện học & chuyện nói

Thứ hai - 19/11/2012 10:50

-

-
Cách ăn của chúng ta, xem ra, lại (thường) không được thanh nhã hay tử tế gì cho lắm: ăn bẩn, ăn vụng, ăn hớt, ăn bớt, ăn xén, ăn chận, ăn lường, ăn quỵt, ăn theo, ăn mảnh, ăn lẻ, ăn gian, ăn tham, ăn không, ăn vạ… Đó là chưa kể đến chuyện ăn mày, ăn xin, ăn nhặt …
Chuyện ăn, chuyện học & chuyện nói
 
Tôi không rành ngoại ngữ nên chỉ đoán non, đoán già rằng nhân loại (chắc) không mấy ai “đam mê” chuyện ăn uống  như là dân Việt: ăn tết, ăn giỗ, ăn khao, ăn cưới, ăn đám, ăn mừng … Ngoài ăn trưa, ăn tối, ăn chiều và (thỉnh thoảng) ăn dặm, ăn chơi,  ăn hàng – như đa phần thiên hạ – người Việt còn ăn chực, ăn ké, ăn quà, hay ăn vặt … suốt ngày.
 
Và cách ăn của chúng ta, xem ra, lại (thường) không được thanh nhã hay tử tế gì cho lắm: ăn bẩn, ăn vụng, ăn hớt, ăn bớt, ăn xén, ăn chận, ăn lường, ăn quỵt, ăn theo, ăn mảnh, ăn lẻ, ăn gian,  ăn tham, ăn không, ăn vạ… Đó là chưa kể đến chuyện ăn mày, ăn xin, ăn nhặt … hoặc ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, và tệ nhất là ăn tiền, ăn hối lộ hay còn gọi một cách bóng bẩy là tham nhũng!
 
Trong giới hạn cho phép của môt bài báo ngắn, câu chuyện hôm nay chỉ xin giới hạn vào hai chuyện (nhỏ) có liên quan đến miếng ăn: ăn học và ăn nói.
 
Vì nạn tham nhũng nên dù sống trong một quốc gia có con số xuất khẩu lúa gạo cao nhất thế giới, nhiều người dân Việt vẫn không đủ cơm ăn – theo như tường trình của báo Dân Trí , đọc được vào hôm 5 tháng 09 vừa qua:
 
“Ở Huổi Chát, ở Mường Tè, ở vùng cao, việc đầu tiên của những cô giáo trước ngày khai trường, không phải là nghĩ ra các khoản thu, nghĩ ra cách thu tiền mà là ‘dân vận’ để cha mẹ học sinh đồng ý đưa con đến trường. Không thể có giáo dục nếu như không có những ngôi trường. Nhưng cũng không thể có những ngôi trường nếu như không có học trò. Chỉ buồn là giáo dục ở vùng cao không thể tách rời chuyện miếng cơm manh áo. Huổi Chát tất nhiên không phải ngoại lệ. ..
 
Miếng cơm manh áo thúc vào sườn họ đau và bức bối đến mức ước mơ đôi khi chỉ là bát cơm có miếng thịt. Và cái chữ, vì thế cũng là thứ gì đó xa xỉ, thậm chí xa lạ. Chúng tôi đi từ Văn Chấn, Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, ngược lên Phong Thổ, Mường Tè, qua 9 điểm bản và nhận ra một điều rằng, ở bất cứ trường học vùng cao nào cái khó nhất của thầy trò nơi đây chính là bữa ăn…”
 
Cái đói, tất nhiên, không chỉ giới hạn ở những vùng thượng du miền Bắc mà hiển hiện khắp mọi nơi. Tại một phiên chợ sớm, họp lúc nửa khuya và tan lúc trời vừa hừng sáng – tại thị trấn A Lưới, Thừa Thiên, Huế – phóng viên  Như Ý và Văn Long đã ghi lại được nhiều hình ảnh mưu sinh (nhọc nhằn) của những bé thơ miền núi:
 
“Em Hồ Thị Nhơn, 5 tuổi (thôn Pơ Nghi 1, xã A Ngo) thức dậy từ 2h đêm với mớ rau má mang đi. Em Hồ Thị Hiền, học sinh THCS Hồng Quảng đang ngồi bên chậu hến. Hồ Thị Hiền tâm sự: ‘Buổi chiều, khi cô giáo cho lớp nghỉ là em lên cái suối xa để mò con hến, rồi chờ đến sáng sớm mai để đem xuống chợ.’ Mỗi lon hến tươi của Hiền có giá 1.000 đồng. Em vẫn đi mò thường xuyên, và sau mỗi buổi chợ em có được 10 đến 15 ngàn để giúp mẹ cải thiện bữa ăn gia đình và mua thêm sách vở.” 
 

Hai cô bé bán rau. Nguồn: thitruongvietnam.com
 
Không cần phải là thầy bói, người ta cũng đoán được rằng trên bàn tay của các em Hồ Thị Nhơn và Hồ Thị Hiền không có đường học vấn; hoặc, lỡ có, chắc cũng ngắn thôi. Không đứa bé nào có thể tiếp tục thức dậy lúc hai giờ sáng để em hến đem rau ra chợ bán, xong vội vã đến trường, rồi tan trường lại lật đật đi hái rau mò hến …. cho buổi chợ hôm sau mãi mãi.

Đời sống có những nhu cầu ưu tiên sắp sẵn: ăn – học. Cơm chưa có đủ ăn, áo chưa có đủ mặc. Nói chi đến chuyện học hành làm chi cho nó thêm phiền.
 
Miếng ăn ở miền xuôi, về cơ bản, coi như tạm ổn. Chuyện ăn/học không còn là một vấn nạn lớn cho phần đông dân chúng. Tuy nhiên, người dân lại phải đôi diện với một vấn nạn khác: ăn/nói.
 
Sếp ăn dữ quá…Một chuyến đi Hồng Kông về được là bao. Sếp xuống gặp thuyền trưởng nói thẳng: Chuyến này lo cho hai trăm triệu nhé… Hai trăm trịệu chứ ba ba trăm triệu cũng phải nôn ra. Thế là anh em lại phải đóng góp. Đây chỉ là khoản đóng góp đột xuất thôi. Các chuyến khác thấp hơn nhưng vẫn phải bảo đảm chỉ tiêu…những buổi họp cán bộ chủ chốt, đến hội nghị công nhân viên chức, sếp lên nói chuyện. Sếp toàn nói về những điều to lớn hệ trọng, về toàn tâm toàn ý xây dựng xí nghiệp, xây dựng chủ nghĩa xã hội, về năng động sáng tạo, và chống lãng phí tham ô, về vấn đề phát huy tinh thần làm chủ, đấu tranh xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nói mà không hề ngượng nghịu, không hề vấp váp.
 
- Giá các ông ấy cứ ăn nhưng đừng giảng đạo đức cho mình thì dễ chịu hơn.
 
- Cái tài của các sếp chính là ở chỗ ấy. Có thế mới làm sếp được…” 
 
Bùi Ngọc Tấn. Biển Và Chim Bói Cá. Hội Nhà Văn. Hà Nội: 2008, t. 197.

Tác giả: Bùi Ngọc Tấn

Nguồn tin: www.gocnhinalan.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập337
  • Hôm nay101,328
  • Tháng hiện tại1,280,840
  • Tổng lượt truy cập58,566,709
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây