Thơ Lê Công Đồng. Lời nói đầu.

Thứ ba - 22/02/2011 10:28

Thơ Lê Công Đồng.

Thơ Lê Công Đồng.
Như vậy, đây là lần thứ ba tôi ra mắt bạn đọc. Đây là những bài thơ viết rãi rác trong 30 năm sống trên đất Pháp. Không biết nó thuộc loại nào, nhưng đối với người viết, chỉ là những tạp ghi, những mảnh rời, đôi ba lo toan, một vài kỷ niệm.

Giới thiệu tập thơ Lê Công Đồng

Lời nói trước

“Mùa đông ở Huế, cây cối trơ xương cũng như người”. Lời trên tôi đã viết ra cách đây trên năm mươi năm, thời còn mài đũng quần ở lớp nhì trường Tiểu-học Việt Hương. Cũng nhờ câu viết nầy mà tôi đã trở thành  một thứ “hiện tượng văn học”, ít ra trong giới thân hữu của bà xơ dạy tôi thuở đó. Xơ Dolores, người nữ tu khó tính, nghiêm khắc với học trò, đã được tôi cảm hóa qua một bài luận hai trang tả cảnh thành phố Huế lúc vào đông. Tôi không nhớ hết những gì đã viết trong bài luận văn để tán rộng một cái nhìn rất bi quan về nơi chốn tôi đang ở. Theo thầy tôi, tôi không có tài tả chân, đi vào chi tiết của cảnh vật hoặc của tâm lý con người, nhưng tôi có một cách làm luận đầy thi tính, đọc lên nghe như là thơ, cho dẫu đó là một bài thơ buồn. Tôi không cầu kỳ trong câu nói, ít ra đối với một đứa con nít mới tám tuổi, nhưng tôi luôn để ý đến cách chấm câu, cho lời văn trở thành giòng nhạc, có tiết tấu, có nhịp điệu, khi lên, lúc xuống, có chỗ trúc trắc, có đoạn trơn tru, lúc thì như hơi thở dồn dập, lúc thì ngần ngừ như thở dài (vẫn là ý kiến của xơ Dolores). Tôi ít khi tìm hiểu mình chịu ảnh hưởng của nhà văn nào, nhưng chắc chắn rằng khi viết lên câu văn đầy tính chất trữ tình đó (mùa đông ở Huế, cây cối trơ xương cũng như người) tôi đã ngiến ngấu hết mấy bộ sách của Tự Lực Văn Đoàn mà anh hai tôi đã cẩn thận giấu dưới gặm giường. Tại sao phải giấu khi vào thời ấy, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo là những trụ cột trong làng văn chương tiền chiến? Chẳng qua, đối với cha tôi, một người công giáo chân chính chỉ biết đọc báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và sách hạnh các thánh, chữ nghĩa thông thường của người đời bỗng chốc trở thành một nguy cơ có thể tác hại đến đời sống đức tin và luân lý của đám trẻ.

Trở lại xơ Dolores và bài luận về Huế, ảnh hưởng của mấy câu văn và sự đón nhận nồng nhiệt của người thầy đã đem đến cho tôi những hậu quả không ngờ trong niên học đó.

Trước hết hội đồng học vụ cho tôi nhảy từ lớp nhì lên lớp nhất: một hành động hiếm hoi trong khi việc ở lại lớp (lưu ban trong ngôn ngữ hiện tại) là chuyện xảy ra thường xuyên hơn. Cha mẹ tôi cũng ngạc nhiên không kém nhưng họ cũng muốn tôi thử một chuyến cho biết mùi đời (“mất gì của nhà”, anh tôi tích cực góp ý).

Hậu quả thứ hai là bài luận đã được chép lại, không những để an vị suốt niên học trên tờ bích báo của nhà trường, mà còn được luân lưu trong các trường tiểu học khác thuộc tu hội của thầy tôi.

Vinh quang của bài luận thật ra không đủ để cho tôi một địa vị vững chắc trong lớp học mới. Tháng đầu tiên, tôi dững dạc tuyên bố: “mẹ có biết không, trong lớp có bốn chục mà con đứng thứ bốn mươi” Mẹ tôi cả cười mà tha tội cho thằng con ngông.

Rồi thời gian lặng lẽ trôi… Cho đến một ngày kia. Lớp troisième, trường Providence.

Tôi có một thằng bạn, đi học bằng xe đạp, mỗi ngày qua lại bốn chuyến trước trường Đồng Khánh (“tà áo em phơi bày, ngón tay em dài”, v.v….). Cứ mỗi chiều, trường tôi tan học trước mười phút, đủ để kịp “em tan trường về, anh theo ấy về”. Nhưng đời là một chuỗi bất trắc, bỗng dưng trường ĐK quyết định dời giờ tan học lên mười phút, nên khi chàng trai gò lưng đạp xe qua cổng trường thì chỉ còn biết than thở: “hỡi  ôi, giờ nầy em ở đâu?”. Để thể hiện tình cảnh éo le ngang tráí nầy, thằng bạn tôi tung ra một bài thơ… bằng tiếng Pháp, nhan đề “A propos d’un changement d’horaire” (tạm dịch: về việc thay đổi thời khóa biểu). Nghe có đượm đầy thi tính đó không? Dẫu sao, bài thơ cũng gây một tiếng vang lớn trong …lớp. Nghe nói sau nầy bài thơ được dịch ra tiếng Việt, rồi được chuyền tay trong trường Đồng Khánh. Nhưng ai cũng biết, thi sĩ là một người không được nhân gian thấu hiểu, vì thế ban giám đốc trường ĐK không bao giờ sửa lại cái thời khóa biểu kia cả.

Thế nhưng, sự kiện nầy đã làm thức dậy trong tôi một tình huống mới. Số là, từ ngày chuyển qua chương trình Pháp khi lên trung học, sự nghiệp văn chương của tôi đành phải ngưng lại vì tôi đâu có đủ sức để cùng lúc đương đầu với hai giòng văn học xa cánh nhau như Đông với Tây? Sự kiện nầy trong một khoảnh khắc nhắc tôi nhớ mình là người Việt. Tôi tung ra, vài ngày sau bài thơ tiếng Pháp, một bài thơ tức cảnh bằng tiếng Việt như sau:

Nhổ râu

Một sợi râu
Hai sợi râu
Ba sợi râu

Nhổ râu
Một trò chơi dài lâu
Môn giải trí khi sầu
Trong tỉnh lặng thâm sâu

Nhổ râu
Khi ngồi câu
Hoặc chờ nhau
Tịnh khẩu
Trên bến Vân Lâu

Nhổ râu
(chứ không phải cạo râu)
Một hành động có thể làm
Bất cứ ở đâu

Ai ơi
Khi qua phố nhỏ
Nhớ mua dùm ta
Một cái nhíp
Nhổ râu.

Bài thơ ra đời như một tiếng sấm nổ trên đầu chúng bạn. Tôi trở thành hiện thân của Jacques Prévert, của René Char… Thành thật mà nói, đây chỉ là ý kiến cá nhân của thằng bạn thân tôi. Nhưng tôi có lý do để hãnh diện, vì nó cũng là thi sĩ (tác giả của bài thơ thời khóa biểu như đã nói trên). Bài thơ chuyền đến bàn thứ hai thì bị cụ Nguyễn Thế, giáo sư Việt văn bắt gặp. Cụ liếc rất nhanh (vì bài thơ tương đối ngắn), rồi lững lờ phát biểu: “trường phái con cóc đã phục sinh rồi”. Để tưởng thưởng, cả 4 đứa ngồi cùng bàn được tặng một giờ cấm túc vì “phá rối trị an trong giờ học”. Hỡi ôi, thi sĩ qủa là một người mà nhân gian không bao giờ chịu hiểu!

Như vậy, đây là lần thứ ba tôi ra mắt bạn (bè thân thuộc) đọc (chi cũng đại xá). Đây là những bài thơ viết rãi rác trong 30 năm sống trên đất Pháp. Không biết nó thuộc loại nào, nhưng đối với người viết, chỉ là những tạp ghi, những mảnh rời, đôi ba lo toan, một vài kỷ niệm. Viết như một loại nhật ký, toàn chuyện riêng tây. Không mong muốn gì hơn là gởi đến tất cả một lời chào, để cùng nhau cảm ơn cuộc đời đã thương cho gặp gỡ, yêu thương  gắn bó trên cuộc lữ hành trần thế.

Xin lấy câu thơ của Bùi Giáng để kết thúc :

"Buồn đã nhiều giờ xin vui nhiều nữa
Nhiều không xong thì ít cũng được rồi
".

Lê Công Đồng PX58

Paris, xuân 2009

Tác giả: Lê Công Đồng PX58

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập753
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm750
  • Hôm nay178,206
  • Tháng hiện tại1,090,470
  • Tổng lượt truy cập57,192,107
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây