Huế: Dòng sông và những cây cầu [2]

Thứ hai - 08/08/2011 05:31

-

-
Từ cầu Bến Ngự tiếp tục xuôi theo dòng sông An Cựu một đoạn ngắn sẽ bắt gặp cầu Phủ Cam. Cầu Phủ Cam vừa được xây dựng lại với kinh phí 15 tỷ đồng với quy mô vĩnh cửu, có chiều dài 54,7m, rộng 9m, lề bộ hành mỗi bên 2,25m.
Huế: Dòng sông và những cây cầu [2]
 
Từ cầu Bến Ngự tiếp tục xuôi theo dòng sông An Cựu một đoạn ngắn sẽ bắt gặp cầu Phủ Cam. Cầu Phủ Cam vừa được xây dựng lại với kinh phí 15 tỷ đồng với quy mô vĩnh cửu, có chiều dài 54,7m, rộng 9m, lề bộ hành mỗi bên 2,25m. Địa danh Phủ Cam đã có từ xưa, tuy vậy vẫn có người gọi là Phú Cam.
 
Từ thế kỷ 17 đây là nơi các hoàng tử lập phủ trồng cam, có lẽ vì vậy mà có tên là Phủ Cam. Điều đó không biết đúng sai thế nào nhưng thực tế thì nơi này trước đây vẫn còn có khá nhiều vườn cam còn lại. Năm 1739, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lập phủ chính ở làng Phú Xuân và trên đất làng Dương Xuân lập phủ Dương Xuân và phủ Cam. Về việc này trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quí Đôn từng chép như sau: “Ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam.” Như vậy theo tài liệu này thì địa danh Phủ Cam chính thức được đặt tên vào thời điểm này.
 
 
Con sông Phủ Cam ngày xưa
 
 
Cầu Phủ Cam vừa mới được xây dựng năm 2010
 
 
Ngay chân cầu Phú Cam phía bờ nam sông An cựu theo một đoạn dốc ngắn bạn sẽ đến Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam. Đây là một trong những giáo đường lớn và lâu đời nhất của cố đô, được xây dựng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XVII, sau ba lần bị phá hủy toàn bộ, đến năm 1995 mới cơ bản hoàn thành. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã thiết kế thánh đường theo lối kiến trúc hiện đại vẫn trang trí theo phong cách nghệ thuật cổ điển của phương Tây. Dáng vẻ thanh thoát nhẹ nhàng cùng với vị trí ở trên cao của nhà thờ khiến du khách khi ngắm nhìn từ xa cũng đã cảm thấy lòng thư thái hơn.
 
Bên kia cầu là con đường Nguyễn Trường Tộ với hai hàng cây long não xanh um. Vẫn còn đó ngôi nhà số 11/3, nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng sống. Chính tại nơi đây, người nhạc sĩ tài hoa ấy hàng ngày vẫn nhìn bóng dáng của “một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế. Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường” và ca khúc "Diễm Xưa" đã ra đời tại đây, ghi một dấu mốc cho ca từ đầy chất huyền thoại của Sơn "...Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau".
 
 
Cầu Kho Rèn
 
 
 
Cây cầu tiếp theo sau cầu Phủ Cam là cầu Kho Rèn nối liền đường Lý Thường Kiệt và đường Trần Phú. Cầu dài 77m, rộng 4m, bằng bê tông cốt thép. Ngày xưa cầu này được gọi là cầu sắt Dương Phẩm. Bây giờ đường Lý Thường kiệt đã được mở rộng rãi, khang trang, hệ thống điện đã được ngầm hóa. Thành phố đang xây dựng con đường này trở thành con đường đẹp nhất cố đô. Cầu Kho Rèn cũng đã được xây dựng rộng rãi, đẹp và vĩnh cữu. Không còn là cây cầu cũ kỹ ngày xưa một thời gánh chịu tang thương. Vụ sập cầu Kho Rèn năm 1988 cho đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc lại. Hôm ấy là một buổi chiều mùa đông, mưa bay lất phất. Có một vụ khám nghiệm tử thi ở dưới chân cầu, một số người rãnh rỗi tò mò, các em bé đi học về và nhiều người khác cũng dừng xe chen lấn, xô đẩy nhau ở trên cầu để xem. Lan can cầu cũ kỹ không chịu nổi sức nặng của nhiều người, gãy xuống, kéo theo một mảng nền cầu gãy theo rớt xuống sông cùng với tất cả những người trên đó, người nọ kéo người kia, khoảng chừng ba bốn chục người, cặp sách học trò, áo mưa, nón lá nổi khắp trên mặt sông. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ bởi lẽ chính buổi chiều hôm đó, khi từ trường đại học về nhà tôi đã đi ngang qua đám đông mà không dừng lại cho đến khi về đến cầu Bến Ngự mới được tin cây cầu đã sập. Nếu như lúc đó vì một chút tò mò thì có lẽ ...

Bắt đầu từ cầu Phủ Cam, dòng sông An Cựu trở nên đẹp và thơ mộng hơn với những bờ kè xanh um màu lá. Theo tôi đây là đoạn sông đẹp nhất của dòng sông An Cựu. Mỗi lần qua đây tôi đều nhìn ngắm hoài không biết chán. Cũng bởi lẽ đó mà đoạn sông này có rất nhiều các phủ đệ ven bờ  sông.  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Theo tục lệ nhà Nguyễn, các hoàng tử, công chúa đến tuổi trưởng thành phải rời Tử Cấm Thành ra ngoài lập phủ đệ riêng. “Phủ” là tên gọi tắt của vương phủ, nơi ở của các hoàng tử. “Đệ” chỉ nơi ở của các công chúa. Các phủ đệ nay tập trung hầu hết đều trên đường Phan Đình Phùng quay mặt ra sông An Cựu theo hướng nam. Trên đoạn đường Phan Đình Phùng từ Phủ Cam đến chợ An Cựu chưa đầy 2 km nhưng có đến hàng chục phủ đệ, nhà vườn. Vương phủ có tuổi thọ lâu đời nhất là Phương Thôn Thảo Đường của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, con trai thứ mười của vua Minh Mạng. Sinh thời, ông nổi tiếng với tài văn thơ xuất chúng, vua Tự Đức từng khen ông và người em cùng cha khác mẹ với ông là Tuy Lý Vương Miên Trinh: “Thi đáo Tùng, Tuy bất Thịnh Đường”. Có nghĩa là thơ văn giỏi như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì thơ thời Thịnh Đường không còn nghĩa lý gì cả.
 
 
Phủ Tùng Thiên Vương Miên Thẩm
 
Ở địa chỉ 179 Phan Đình Phùng là vương phủ của Kiên Thái Vương Hồng Cai (1845-1876), con trai thứ 26 của Hoàng Đế Thiệu Trị. Kiên Thái Vương là thân phụ của ba Hoàng Đế Kiến Phúc (1883-1884), Hàm Nghi (1884-1885), và Đồng Khánh (1885-1888). Việc này đã được dân Huế xưa kể bằng câu vè nổi tiếng: “Một nhà sinh đặng ba vua. Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài”. (Vua Đồng Khánh – Kiến Phúc – Hàm Nghi).
 
 
Phủ Kiên Thái Vương
 
Bên cạnh phủ Kiên Thái Vương là cung An Định. Cung được Hoàng Tử Phụng Hóa Bửu Đảo xây làm phủ riêng năm 1902. Năm 1916 Hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi thành Hoàng đế Khải Định thì An Định trở thành cung riêng của Hoàng thái tử Vĩnh Thụy, tức Hoàng đế Bảo Đại sau này. Kế cận cung An Định, ở địa chỉ 181, là ngoại từ để thờ phượng tiên tổ của Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu Tiên Cung (1868-1944). Tiếp sau đấy là phủ của An Hóa Công Bửu Tửng, con trai vua Đồng Khánh, ở địa chỉ 185. Cuối cùng là Nguyễn Đức Đường Môn ở địa chỉ 189, phủ cũ của Bái Ân Công Chúa Nguyễn Phúc Lương Trinh (1830-1891).
 
 
An Định Cung
 
Trừ Cung An Định được Nhà nước đầu tư kinh phí để phục hồi còn lại các phủ đệ khác vẫn đang ngày càng bị hư hỏng dần qua thời gian. Việc bảo tồn và gìn giữ các phủ đệ này cũng là một nét riêng rất Huế, đặc trưng của vùng đất Cố đô.
 
 
và cả đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo
 
Điểm cuối của con đường Phan Đình Phùng cắt ngang Quốc lộ 1A là cầu An Cựu. Cầu An Cựu đầu tiên được cầu được làm bằng gỗ từ đời Gia Long, dài 7 thước. Vào năm 1897, dưới thời vua Thành Thái, cầu được thay bằng sắt. Năm 1990 cầu được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu. Cạnh cầu An Cựu còn có Chợ An Cựu nằm bên bờ Bắc sông An Cựu, nằm ở chỗ tiếp giáp giữa đường Phan Đình Phùng và đường Hùng Vương (QL1A). Trước đây, chợ có tên là chợ Đường Ngang vì nó nằm trên một trong những đường ngang thẳng góc với sông Hương. Vị trí chợ ngày xưa bây giờ là Nhà Văn hóa trung tâm. Sau vì gần đó có trại lính Pháp nên người Pháp bắt chợ phải dời đến địa điểm hiện nay. Cũng vì sự kiện này mà ở Huế có câu ca dao:
 
Kể từ Tây lại, sứ sang
Đò Trường Tiền khác bến, chợ Đường Ngang đổi dời
Ơi em ơi, em ăn ở làm cho có đất có trời
Đừng ham duyên mới phụ lời nước non.
 
 
Cầu An Cựu xưa kia
 
Từ An cựu thẳng về đầm Hà trung, trên con sông này còn thêm 3 cây cầu nữa nhưng nhỏ và không có tên. Và cũng từ đây, con sông bắt đầu đi ra phía ngoại ô thành phố, dòng sông An Cựu đã bị lấn dần, không được quan tâm, chăm chút nên không còn đẹp như những đoạn sông phía trên nữa.
 
Hiện tại Huế đang thực hiện công tác chỉnh trang dòng sông Ngự Hà (trong Kinh thành Huế) với hệ thống bến thuyền, bờ sông phục vụ cho du lịch đường thủy trong kinh thành. Hy vọng một ngày nào đó, dòng sông An cựu cũng sẽ được chỉnh trang đẹp hơn, đầy đủ hơn và du khách có thể du thuyền trên dòng sông An Cựu thăm những địa danh quen thuộc, những phủ đệ xưa ven dòng sông thơ mộng này.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Liêm

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập600
  • Hôm nay71,041
  • Tháng hiện tại891,700
  • Tổng lượt truy cập56,993,337
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây