Mạ và Con.

Thứ ba - 26/07/2011 21:50

-

-
Tôi đọc một mạch bài của Cảnh quên ngừng nghỉ. Đọc xong mới biết hai mắt mình đương đầy những ngấn lệ, vì thấy mẹ của Cảnh sao mà giống mẹ của mình quá! Sau những cảm xúc riêng rẽ tôi cũng ngộ ra rằng mẹ của Cảnh chắc chắn cũng giống như đại đa số các bà mẹ của chúng ta...
Mạ và Con
---------
  
Thân kính quý Anh Em của tôi,
 
Hôm nay Hội Thánh kính lễ hai thánh Ông Bà Ngoại của Chúa Giêsu, ông thánh Gioankim và bà thánh Anna. Đồng thời cũng là ngày lễ của các Ông/Bà. Với sự trùng hợp thích thú, tôi đã đọc được bức điện thư của Đỗ Thắng Cảnh cách đây vài ngày. Cảnh chia sẻ với tôi bài kỷ niệm về mẹ Cảnh mà Cảnh đã viết ngày lễ Mẹ, 9 tháng 5, 2010. Cảnh lại tỏ ý muốn viết bài này để lại cho con cháu sau này được ngưỡng mộ.
 
Tôi đọc một mạch bài của Cảnh quên ngừng nghỉ. Đọc xong mới biết hai mắt mình đương đầy những ngấn lệ, vì thấy mẹ của Cảnh sao mà giống mẹ của mình quá! Sau những cảm xúc riêng rẽ tôi cũng ngộ ra rằng mẹ của Cảnh chắc chắn cũng giống như đại đa số các bà mẹ của chúng ta. Để kính nhớ ngày lễ Ông/Bà của Chúa Cứu Thế, cũng là kỷ niệm ngày Ông/Bà của con cháu chúng ta, tôi đã được sự đồng ý của Đỗ Thắng Cảnh xin chuyển tiếp bài mà Cảnh đặt tựa đề là "Mạ và Con" rất dễ thương sau đây để chúng ta cùng hiệp thông [
Hoàng Xuân Tịnh AN41]:
 
 

Mạ ơi !
 
Hôm nay - ngày Chúa Nhật tuần thứ 2 của tháng 5 - tức ngày 09/5, là ngày của những người Mẹ. Chắc là mọi người đang nghĩ và nhớ về Mẹ của mình. Nỗi nhớ day dứt nhất thường thuộc về những người không còn Mẹ. Khi Mẹ không còn mới thấy quí, mới thấy tiếc nhớ. Khi Mẹ còn hiện hữu bên ta thì mình lại thường . . .lãng quên vì còn phải nhớ nhiều việc quá.
 
Và con cũng rứa, mất Mạ rồi mới thấy nhớ, mới thấy trống trải, mới thấy thương Mạ thật lòng. Con đã đọc nhiều bài viết, đã xem nhiều đoạn phim, mô tả về hình ảnh Người Mẹ dưới nhiều khía cạnh. Riêng con thì hình ảnh Mạ lưu lại sâu đậm nhất là trong thời kỳ gian khó bần hàn.
 
Dấu ấn đầu tiên về Mạ là lúc con mới vài ba tuổi chi đó. Đó là thời điểm Mạ bị mời đi "làm việc" đột ngột sau cái chết của Ba. Con không nhớ phải xa Mạ bao lâu, nhưng vào cái đêm mà Mạ được thông báo trở về, thì rất đông bà con láng giềng đến thăm, người này ẵm con một chút, người kia nựng con một tí, hoặc để con ngồi trên bộ ván dưới ngọn đèn dầu treo, lúc nớ con thấy . . ."thiệt sướng" !!!
 
Đến độ 4-5 tuổi, con nhớ cứ mỗi lần Mạ đi mần đồng (làm ruộng) về và vừa bước chân vào hiên nhà, thì con đã nhào ra bắt Mạ đứng khúm xuống thấp vừa tầm để con kéo . . . 2 bầu vú xuống bú. Con trai út mà lị !!! Con không biết lúc nớ bú có mùi vị chi không, nhưng rõ ràng là con rất thèm thuồng.
 
Vào tuổi 6-7 thì con bắt đầu vào học lớp 6 (bây giờ là Mẫu giáo) tại "nhà lậm" (hình như là tên gọi kho lúa của Giáo xứ). Tuy mới lớp 6 nhưng luôn bắt đầu lóp học bằng 1 bài đọc thuộc lòng tiếng Tây (không biết mặt chữ) như là đọc bài cửu chương. Con còn nhớ đọan đầu: "le sou" đồng xu - "le vin" rượu nho - "le lit" cái giường - "le lait" sữa . . .
 
Cũng vào cái tuổi ni thì Mạ đã bắt đầu tập cho con mần chuyện nhà. Quét nhà thì lia cái chỗi hết tầm tay nhưng phải đè nhẹ đầu chỗi xuống, không được nhích đầu chỗi lên để bụi đất rác rưởi bay bắn tùm lum. Vò gạo: bỏ gạo vào nồi rồi đổ nước ngập mặt gạo, tay trái giữ nồi còn bàn tay phải thì chà gạo xuống đáy và chung quanh nồi, như rứa thì sẽ vừa sạch gạo vừa sạch nồi, thay nước và vò ít nhất 3 lần thì được. Nấu cơm: đổ nước vào nồi lút mặt gạo độ 1 lóng tay (đốt ngón tay) hoặc hơn một ít nếu nấu nhiều gạo, đặt nồi thật đều lên "3 đầu ông táo" để không bị nghiêng ngả, tay trái nắm rơm hay rác dương (lá khô của cây dương liễu) tay phải cầm đũa bếp (thường là 1 thanh tre) đùa rác vào bếp và điều chỉnh cho rác cháy đều. Khi cơm sôi vài hiệp, lấy tay bóp thử nếu thấy hạt gạo đã nở ra hơi mềm, bắt nồi cơm xuống và tẻ bớt nước, nước cơm này bỏ vào tí muối uống rất ngon và "bổ dưỡng" - một số người pha với đường để cho con bú - hoặc để cho heo ăn. Xong đặt nồi lên bếp, xới nồi cơm thật đều, đậy nắp vung lại thật kín, dập tắt lửa ngọn và úm lại tro than. Nếu phải dùng bếp để nấu món ăn khác thì cời than ra bên cạnh lò rồi đặt nồi cơm lên đó để ủ chín.
 
Chợ Ba Cây nằm ngay bên cạnh bến đò - sau này gọi là bến tàu khi bắt đầu có ghe máy - cách nhà khoảng hơn vài cây số. Một tuần vài lần Mạ con mình cùng đi chợ. Khi thì bán mớ khoai, lúc thì bán năm ba trái thơm hoặc vài nãi chuối, số tiền bán được sẽ dùng để mua cá hay mắm muối . . . À - chừ con mới nhớ - răng lúc nớ không có khi mô thấy Mạ mua thịt hết hè !! Chắc là đâu đủ tiền để mua thịt Ma hí? Nhà mình chỉ được ăn thịt  khi có heo hoặc trâu bò . . .chết  vì giá rẽ. Mỗi năm phải đến Tết mới được ăn thịt ngon .
 
Con còn nhớ có lần Mạ sai con mang rỗ khoai đi bán và cho trước 2 đồng để hớt tóc phòng khi không bán được khoai. Đến chợ, thấy còn sớm quá, rứa là con quyết định vào quán hớt tóc bên hông chợ để "làm đẹp" trước, Con cảm thấy hơi xấu hổ nếu mang rổ khoai vào quán, rứa là con bèn giấu rổ khoai vào bụi cây rồi lấy rác lấp lại thật kỹ. Hớt tóc xong và trở lại lấy rổ khoai; ôi thôi!!! một lũ gà khốn nạn vừa trống vừa mái và một bầy gà con cu ru cúc túc chíu cha chíu chít đua nhau mổ mổ chén chén không còn 1 cũ khoai nào nguyên vẹn. Về nhà sợ  Mạ rầy, con cứ thậm thà thậm thọt lấm la lấm lét sau hè, nhưng rồi cũng lấy hết can đảm mang cái rổ trống trơn vào cà lăm cà cặp kể lại sự tình. Mạ đã không rầy con, chỉ nói vài câu nghe đâu như hơi thở xót xa . . ."mình đi bán khoai chớ có ăn cắp ăn trộm chi mà sợ xấu hổ hả con . . ."
 
Mạ ơi, câu nói ni của Mạ đã đi vào đời sống của con. Khi ra khỏi trại cải tạo, có bà chị họ bên vợ, người đã từng rất "thần tượng" con khi thấy con đỗ 2 bằng cử nhân triết và  kinh doanh cùng lúc, khi thấy con đội chiếc nón lá rách lui cui cuốc đất đánh luống trồng rau, thì xúyt xoa thương hại: "Cảnh ơi! sao lại phải làm những việc như thế này hả em" (ý nói là quá tầm thường không sang trọng). Con đã vui vẻ trả lời ngay : "Hì hì . . . Có chi đâu chị ơi! Em có thể làm bất cứ việc gì để kiếm cơm, miễn là không ai có thể chê em là thằng dốt nát hoặc mất nhân cách là được rồi".
 
Mạ hí !! Hình như cái thời gian mà chỉ còn 2 Mạ con mình sống với nhau ở làng quê là quãng đời cơ cực nhất của Mạ. Vào thời kỳ này thì các Anh chị Hòang - Huệ - Lan đều lên Huế học, chị Bạch thì ở bên nhà chồng, chị Lộc (Ngại) thì sau thời gian làm dâu bên nhà chồng thì lại theo chồng bôn ba đời lính. Chỉ còn có 2 Mạ con mà cũng không đủ ăn, thường phải đi muợn lúa để ăn trước thời vụ. Ruộng nhà mình mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa, thời gian còn lại là trồng khoai sắn (cũ mì).
 
Ngoài việc đồng áng như cấy lúa trồng khoai sắn ra, công việc thường ngày của Mạ con mình là xuống đồng quét nhặt lá khoai lang khô hoặc trảy (lặt) lá sắn già, đem về nhà phơi cho thật khô dòn, bỏ vào cối giã tay cho đến khi nát vụn thành cám rồi cho vào bao để dành cho heo ăn.
 
Một việc khác của thời nông nhàn là làm củi để bán. Nguyên liệu làm củi là mấy cây dương liễu được Mạ trồng năm này qua năm khác chen chúc nhiều tầng lớp chung quanh các bờ đập. Cây nào vừa lớn hơn bắp đùi là được hạ ngay xuống để cưa rồi chặt bửa làm củi bán, cây nhỏ hơn thì để dành cho năm sau, và lại tiếp tục trồng cây con xuống. Con thường được phân công ngồi lên thân cây, 2 chân kềm chặt để cây không lúc lắc khi Mạ và ai đó cưa, hiện nay nơi đầu gối con vẫn còn vết thẹo do . . .bị cưa nhầm. Hà hà …
 
Nhà Bà Ngoại có nhiều vườn trồng dương liễu. Ngoại chỉ bán khi nào cây đã trưởng thành to cao đúng mức. Trong thời gian này, thấy Mạ quá  thiếu thốn, Ngoại thường cho Mạ mé nhánh để làm củi bán. Rứa là Mạ cũng như con, cả 2 cùng bận xà lỏon, con thì leo lên cây chặt nhánh, Mạ thì róc lá và cột nhánh lại thành bó để vác về nhà.
 
Con nhớ có lần vào chiều Chúa nhật là thời gian mà con phải cùng các bạn đồng trang lứa sinh hoạt "Nghĩa binh Thánh Thể" và học giáo lý tại nhà Cha xứ, nhưng vì để có củi cho Mạ đi chợ Hà Úc bán vào sáng hôm sau, rứa là con mình thì ở trần vai thì vác cây rựa cùn đi ra nhà Ngoại để chặt nhánh dương và khốn nỗi để đến nhà Ngoại lại phải đi ngang qua Nhà Thờ và nhà Cha xứ. Vừa thấy con bọn bạn liền ào ào hô hóan: "Thưa Cha - thằng Lợi trốn học đi chơi đó tề! Hắn chạy ngoài tê tề !!". Theo lệnh Cha xứ, chúng nó rượt túm con lại, đứa nắm chân kẻ nắm tay, khiêng hổng con lên như khiêng heo mang vào nộp cho Cha xứ. Rứa là được tưởng thưởng ngay mấy cây roi mây đau . . .thúi đít. Con thà chịu tội "trốn đi chơi" để ăn đòn còn hơn là khai đi chặt củi, vì chặt củi ngày Chúa Nhật là phạm tội "kiêng việc xác", tội sẽ nặng hơn.
 
Tuy đời sống Mạ cơ cực như rứa nhưng rất có uy tín trong làng Phường Tây. Các đoàn thể về Bà Mẹ đều do Mạ đảm trách. Trong các buổi cầu nguyện trong Nhà Thờ, Mạ luôn là người xướng kinh và các bài hát. Con nhớ mãi cuối buổi lễ bao giờ cũng hát bài "Đạo Binh Đức Mẹ" và Mạ luôn là người bắt giọng hát khởi đầu: "Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông đẹp như mặt trăng rực rỡ như mặt trời . . .", thì bọn bạn con cũng đồng thời rống thật to trêu ghẹo kêu đúng tên Mạ: "Kìa Bà Hoàng đang tiến lên như . . ."
 
Cứ mỗi lần nghe ai bị bệnh hoạn gì ở đâu Mạ đều đến thăm, gọi là thăm "kẻ liệt", ban ngày bận việc đi không được thì đi ban đêm, bất chấp nhà người bệnh ở Xóm trong hoặc Xóm ngoài, Xóm trên hay Xóm dưới. Có những lần Mạ dắt con đi trong mưa sa gió rét, trời tối căm như mực. Mạ thì bưng tô cháo vừa nấu xong dành cho người bệnh, con thì xách cái đèn dầu chai - tức là lấy cái chai cắt phần cổ eo, đổ dầu lửa vào khỏang 1/4 chai, xong lấy vải làm tim đèn thả vào chai có phần dầu, còn phần ngọn thì móc vào cọng kẽm treo lưng chừng ở giữa chai - đốt lên xách đi trong mưa bão không sợ bị tắt.
 
Khoảng 7-8 tuổi, con đã là "bác sĩ" riêng của Mạ. Cứ mỗi lần Mạ bị cảm cúm nhức đầu sổ mũi hay đau nhức xương chắc chỗ mô, thì Mạ sai con đập vỡ một miếng miểng chai, lựa cái miểng nào bén nhọn nhất, rồi Mạ cứ đưa tay chỉ chỗ mô là con lấy miểng chai . . .rạch ngay chỗ đó rồi nặn mạnh lấy . . . Máu độc ra, lau ướt cả tấm giẻ. Rạch xong rồi thì lấy lá trầu vò nát và xát lên các vết rạch. Rứa là Mạ lành bệnh, ngay hôm sau dậy đi lễ Nhà Thờ rồi đi làm việc bình thường.  Nhờ con làm "bác sĩ" mát tay mà suốt cả thời gian đó không bao giờ Mạ phải vào Trạm xá  y tế.
 
Thú vị nhất là cứ mỗi lần Mạ bệnh là y như rằng con sẽ được ăn thịt gà. Sau khi chích lễ xong, Mạ thường sai con làm gà, chọn gà giò to cỡ bắp tay người lớn, vì gà mái lớn thì để dành đẻ trứng ấp con. Nhổ sạch lông ở cổ gà, lấy cây dao đã mài lại thật bén và cứa vào cổ gà phía bên dưới lỗ tai, huyết gà sẽ phun ra tanh tách vào cái tô hứng bên dưới. Lấy huyết xong thì nồi nước trên bếp cũng vừa sôi tới, nhúng gà thật đều vào nước sôi, nhổ thử lông thấy dễ dàng là được, lấy gà ra bỏ vào rổ, đặt lên bếp nồi cháo với khoảng nửa loon gạo, nhổ sạch lông gà, mổ bụng gà làm sạch bộ dồ lòng gồm mề ruột tim gan phèo phổi, chỉ bỏ đi cái bầu diều nằm phía dưới lớp da ngang cần cổ. Khi gà vừa làm sạch xong thì nồi cháo đã sôi lên ùng ục, đưa tay bóp thử thấy hạt gạo nở mềm thì bỏ gà kèm theo huyết và toàn bộ đồ lòng vào nồi. Chuẩn bị hành ném rau răm nước mắm. Vừa lúc nồi cháo sôi lại vài chặp (khỏang 5 phút), lấy chiếc đũa chọt vào đùi gà mà chiếc đũa xuyên qua được là gà đã chín. Rứa là kết thúc với phần nêm mắm muối hành ngò ném . . . vào nồi cháo, còn rau răm và muối ớt (mần chi có muối tiêu mà ăn) thì để riêng ăn với thịt gà. Ăn xong con gà thì Mạ hết ngay bệnh còn thằng Út Lợi của Mạ thì mặt mày phớn phỡ hẵn ra .
 
Bây chừ - gần 60 năm sau thời gian đó - cứ mỗi lần đi  ngang qua phòng thờ phòng khách để ra khu vực living space mà con thường thư giãn có hòn non bộ với với cá kiểng và cây cảnh, liếc mắt lên bàn thờ con thấy Mạ hình như lúc nào miệng cũng hơi chúm chím nửa như cố trang nghiêm nửa như muốn cười, cứ mỗi lần như rứa là con lại đốt nhang và bụng cũng lầm bầm muốn nói chi đó.
 
Nhìn sợi dây chuyền trên cổ áo Mạ đang mang trong tấm hình thờ hiện nay mà nhớ lại chuyện ngày xưa. Đâu khoảng vào năm 1958 - 1959 chi đó, Mạ đã dắt con đi tàu thủy lên Huế để chụp hình, đi tàu mất cả ngày. Mạ mang sợi dây chuyền đó đến chụp hình tại tiệm ảnh Lưu Luyến gần cuối đường Trần Hưng Đạo xeo xéo chợ Đông Ba mé cầu Gia Hội. Có lẽ sợi dây chuyền khoảng 2 chỉ vàng đó là món trang sức đầu đời của Mạ và tồn tại mãi cho đến nay trên bàn thờ, theo như lời Mạ nói thì do Anh Huệ cho, không biết vào thời điểm này Anh Huệ còn học hay đã ra trường rồi, lấy tiền mô mà mua, thời đó khốn khó biết bao nhiêu mà nói !!
 
Mạ ơi !!
 
Con tôn thờ Mạ không phải với một hình ảnh Người Mẹ cao sang đài các quí tộc. . . nhưng là một người đàn bà nhà quê chơn chất với đời sống cơ cực nhưng luôn luôn rạng rỡ  hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh: hạnh phúc vì vừa đến tuổi 40 đã phải bươn chãi một mình nuôi đàn con nhưng tất cả đã trưởng thành khôn lớn; hạnh phúc vì mỗi sáng mỗi tối đều được đến Nhà Thờ lễ nguyện; hạnh phúc vì hầu như rất nhiều người trong làng xóm đều muốn chọn Mạ làm Mẹ đỡ đầu (lúc Mạ chết có cả trăm người con đỡ đầu mang tang); hạnh phúc vì luôn chia sẻ được với người khốn khó hơn mình; hạnh phúc vì con chưa từng nghe hoặc thấy Mạ (tuy tính tình nóng nảy) để tâm oán giận tức bực ai lâu .. .
 
Mạ ơi - Mạ thật tuyệt vời - Mạ đã rất bản lãnh đứng vững sau khi Ba mất sớm và luôn nuôi dưỡng được lòng nhân hậu trong tận cùng của cuộc sống cơ cực.
 
Còn - còn biết bao nhiêu kỷ niệm tốt đẹp về Mạ - Mạ ơi !!!
 
Đỗ Thắng Cảnh

Tác giả: Đỗ Thắng Cảnh

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: của cảnh

Tổng số điểm của bài viết là: 55 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập488
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm484
  • Hôm nay60,021
  • Tháng hiện tại865,276
  • Tổng lượt truy cập58,151,145
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây