Huế: Dòng sông và những cây cầu [1]

Thứ bảy - 06/08/2011 11:16

-

-
Nói đến những con sông ở Huế, chắc chắn bất kỳ ai cũng sẽ nghĩ đến dòng Hương “dùng dằng không chảy” giữa lòng thành phố, nhưng Huế không chỉ có Hương giang, bên cạnh đó con sông An Cựu “nắng đục mưa trong” cũng làm cho nhiều du khách ngỡ ngàng.
Huế: Dòng Sông Và Những Cây Cầu [1]
 
Huế không chỉ đẹp về những danh lam, thắng cảnh và di tích, Huế còn đẹp bởi những hàng cây xanh, những con sông xanh trong chảy qua thành phố. Nói đến những con sông ở Huế, chắc chắn bất kỳ ai cũng sẽ nghĩ đến dòng Hương “dùng dằng không chảy” giữa lòng thành phố, nhưng Huế không chỉ có Hương giang, bên cạnh đó con sông An Cựu “nắng đục mưa trong” cũng làm cho nhiều du khách ngỡ ngàng.
 
Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn vào đất Thuận hóa, qua mấy lần dời chỗ định đô từ Ái Tử đến Kim Long, cuối cùng nhà Nguyễn đã chọn vùng đất Phú Xuân trên bờ sông Hương làm nơi định đô lâu dài. Nơi đây, có dòng sông Hương chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường, xung quanh lại có các con sông Bạch Yến, sông Gia Hội bao bọc che chở bảo vệ cho Kinh thành. Không những thế, nhà Nguyễn còn khai thông, nạo vét nhiều dòng sông chảy quanh vùng ngoại ô, biến vùng đất này trở thành trung tâm quyền lực chính trị của vương triều mới. An Cựu là một trong những con sông như vậy được đào vào thời vua Gia Long.
 
Lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long bắt đầu cho xây dựng kinh thành và lập ra kế hoạch phát triển vùng phụ cận Huế.Sau khi quan sát địa lý hình thể và thăm dò ý dân nhà vua quyết định cho đào sông An Cựu. Cửa sông An Cựu khơi trên một lòng một con suối cũ, bắt đầu lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy theo hướng bắc nam, bờ phía tây của sông chảy dọc theo dưới chân của gò Dương Xuân, Bến Ngự, Phủ Cam, Kho Rèn… Lúc này dòng sông vẫn còn rất nhỏ, có nhiều nơi rất cạn.
 
 
Đoạn sông đầu tiên, hai bên bờ đang được tiếp tục chỉnh trang
 
Theo truyền thuyết thì dòng sông được khơi dòng đúng vào nơi hang động của một con thuồng luồng khổng lồ nhiều năm ẩn dật dưới lòng sông Hương làm cho hang động của nó bị lộ ra, do vậy mà mỗi khi trời nắng, thời tiết nóng không chịu được nó trở nên dữ tợn, vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước nguồn, sông An Cựu trở nên đục vào những ngày nắng. Còn những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trở nên trong vắt như mặt nước Hương Giang. Chính vì vậy mà dân gian vẫn lưu truyền câu ca “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong”
 
Sông An Cựu tuy là con sông đào, nhưng lại là con sông có đến 30km chiều dài (bằng chiều dài của sông Hương tính từ ngã ba Bãng Lãng nơi hợp nhất của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch cho đến cửa biển). Thời vua Gia Long con sông mang tên An Cựu. Năm Gia Long 13 (1814), sau khi khảo sát tình hình, nhà vua đã cho khơi đào thêm sông An Cựu khơi thông cùng với sông Hương và sông Đại Giang nhập vào phá Hà Trung, góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng Hương Thuỷ, vì vậy đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), sông An Cựu được đổi tên thành sông Lợi Nông. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) khi đúc Cửu Đỉnh, hình ảnh và tên sông đã được khắc vào Chương Đỉnh.
 
Lúc khởi đầu khi đào sông chỉ vì mục đích lợi nông, biến hàng ngàn vạn mẫu đất hoang đầm lầy ngập mặn trở thành đồng ruộng phì nhiêu, nhưng khi kinh tế nông nghiệp phát triển thì kéo theo sự phát triển các cụm dân cư rải rác dọc theo 2 bên bờ sông  như chợ Bến Ngự, chợ An Cựu… thì sông An Cựu trở thành thủy lộ duy nhất và quan trọng số một đi từ kinh thành về phía nam, rồi từ đầm Hà Trung thuyền có thể ra biển đông bằng cửa biển Tư Hiền và có thể theo đường bộ qua Hải Vân Quan.
 
Bây giờ thì dòng sông An Cựu đã trở nên một dòng sông đẹp không kém gì dòng sông Hương, với những đường cong uốn lượn, những hàng chè tàu thẳng tắp hai bên bờ và những hàng kè dọc sông đầy màu xanh tươi mát. Trên con sông này những cây cầu mới, đẹp, đã và đang được dựng lên thay cho những cây cầu cũ kỹ ngày xưa.
 
 
Cầu Ga ngày xưa, bên kia là Ga Huế
 
 
và cây Cầu Ga bây giờ
 
Chỉ cách cửa sông 500m bạn sẽ bắt gặp cầu Ga, cây cầu gần nhất của dòng sông này và cũng là cây cầu đầu tiên bạn sẽ thấy nếu đến Huế bằng xe lửa. Cầu Ga - bởi lẽ đây là câu cầu nối liền thành phố và Ga Huế, ga đường sắt cổ kính được xây dựng từ năm 1909, là một trong những kiến trúc Pháp ít ỏi còn lại trên tuyến đường sắt xuyên Việt ngày nay.
 
Từ đây dòng sông bắt đầu uốn lượn quanh co qua những địa danh quen thuộc hai bên sông: Nam Giao, Bến Ngự, An Cựu, Phủ Cam,… những địa danh mà bất kỳ người nào đã từng đến Huế đều được nghe nói đến.
 
Ga Huế ngày nay
 
Cây cầu tiếp theo trên dòng sông này là cầu Nam Giao trên con đường Điện Biên Phủ. Con đường này chạy thẳng tắp đến tận Đàn Nam Giao. Đường được hình thành vào năm 1898, nguyên trước nền rải bằng đất biên hòa. Lúc đầu đường có tên Nam Giao Tân Lộ (để phân biệt với Nam Giao Cựu lộ là đường Phan Bội Châu hiện nay), người Pháp thì gọi là Đại lộ Nam Giao (Avenue Nam Giao). Năm1977 đường được đặt lại tên mới là đường Điện Biên Phủ, nhưng dân gian vẫn quen gọi là đường Nam Giao. Điều thú vị là con đường này rất thẳng, nếu bạn đứng tại điểm cuối là Đàn Nam Giao nhìn thẳng hướng con đường sẽ nhìn thấy cột  cờ Thành Nội phía bên kia sông Hương.  Xưa kia khi xây dựng Kinh thành Huế, các nhà phong thủy đã bố trí các công trình trên một trục thẳng hướng về phía nam với quan niệm: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Kinh dịch – Thiên tử phải quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ), đó là Đàn Nam Giao – Kỳ Đài – Ngọ Môn – Điện Thái Hòa. Và như vậy có thể nói rằng con đường này như là một trục thẳng hướng từ Đại Nội đến Đàn Nam Giao. Một đồng nghiệp của tôi thuộc dòng dõi hoàng gia ngày xưa đã cho tôi biết thêm rằng thời kỳ ấy người ta đã dùng những ngọn đuốc vào ban đêm để nhắm thành một đường thẳng như vậy. 
 
Cầu Nam Giao vừa mới xây dựng lại
 
 
Nơi dòng sông uốn lượn
 
Từ cầu Nam Giao xuôi theo dòng khoảng vài trăm mét nữa sẽ đến cầu Bến Ngự. Cũng không hiểu sao trên dòng sông này các cây cầu lại san sát nhau đến vậy. Cầu  Bến Ngự nằm trên đường Phan Bội Châu. Con đường này được hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Đàn Nam Giao. Đầu thế kỷ 20 có tên Nam Giao Cựu Lộ, người Pháp gọi là đường Song hành phía Đông (Rue Parallèle Est) (để phân biệt với đường Song hành phía Tây, tức đường Nam Giao Tân Lộ). Bến Ngự là một địa danh hết sức quen thuộc. Bến Ngự, tức là bến sông nơi vua chúa hay đáp thuyền qua lại. Sở dĩ có tên gọi này, vì vào năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho dời dinh từ Bác Vọng về Phú Xuân và cho đắp đàn Nam Giao trên đất ấp Trường An, ở bờ Nam sông An Cựu. Hàng năm đều tế vào tháng trọng xuân. Suốt trong thời gian này, vua chúa và các quan đại thần đều đi thuyền từ sông Hương, vào sông An Cựu rồi neo thuyền ở bờ Nam, theo con đường Nam Giao cựu lộ, tức đường Phan Bội Châu này nay để đến đàn tế Nam Giao vì lúc đó chưa có con đường Nam Giao Tân lộ. Do vậy, nơi này mới có tên là Bến Ngự. Năm 1898, sau khi mở xong đường Nam Giao tân lộ, tức đường Điện Biên Phủ ngày nay, triều đình không dùng đường cũ để đến đàn Nam Giao nữa. Song địa danh Bến Ngự đã đi vào đời sống nhân dân.
 
Cầu Bến Ngự
 
Năm 2008, trong lúc đào móng thi công công trình kè hai bờ sông An Cựu tại khu vực gần cầu Bến Ngự, một số công nhân đã phát hiện ra 2 tảng đá thanh dài 2,4 m, dày 7,4 cm và được trục vớt lên mặt đất; còn một tảng đá xanh khác có trọng lượng lớn đang nằm dưới nước chưa trục vớt được, có thể đây là dấu tích Bến Ngự được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn?
 
Bên cạnh cầu Bến Ngự là chợ Bến Ngự. Chợ được dựng lên vào đầu thế kỷ XX. Theo như trong gia phả của dòng họ tôi ghi lại thì người lập ra chợ Bến Ngự là Cao tổ dòng họ Nguyễn thuộc làng Dương Xuân Hạ nhũ danh là Nguyễn Thị Phú. Cụ là một người phụ nữ mù nhưng lại rất giàu có, người đã đặt nền móng đầu tiên cho nơi buôn bán sầm uất bên dòng sông này. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, mỗi kỳ cúng tế giỗ tổ tại chợ Bến Ngự, các tiểu thương tại chợ Bến Ngự vẫn dành ra một mâm cỗ đưa đến nhà thờ họ chúng tôi để tưởng nhớ người đã khai canh ra ngôi chợ này.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Liêm

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập493
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm489
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại829,851
  • Tổng lượt truy cập58,115,720
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây