Những người lữ hành trên đường Hy Vọng. Phần 23: Khôn Ngoan.

Thứ hai - 21/11/2011 02:42

-

-
Con đừng hoài nghi lúc thấy đường hy vọng vắng bóng những người mà thế gian cho là khôn ngoan. Chúa Giêsu đã báo trước: "Lạy Cha, con đội ơn Cha vì Cha đã ẩn dấu những điều này cho những người thông minh, khôn ngoan và Cha đã bày tỏ cho kẻ thấp hèn." Con chỉ cảm tạ Chúa, vì đã ban cho con biết sự khôn ngoan thật.
Những người lữ hành trên đường Hy Vọng.
Phần 23: Khôn Ngoan
 
1. Sự khôn ngoan của Thập giá.
 
* Các nhà bác học, các thiên tài đã đóng góp rất nhiều cho văn minh thế giới. Nhưng họ chỉ có những mảnh vụn chân lý. Một thế giới có trật tự tốt đẹp, cần phải có một sự khôn ngoan siêu việt: Ngôi Lời, "nhờ Người mà muôn vật được tạo thành" (ĐHV 549).
 
* Con tin tưởng và theo gương thánh Phaolô: "Khi đến với anh em, tôi đã không đến với uy thế của ngôn ngữ, hay khoa khôn ngoan để rao giảng chứng chỉ của Thiên Chúa.
 
Quả tôi đã quyết định là giữa anh em tôi không muốn biết gì, ngoài Đức Kitô Giêsu và là Đức Kitô Giêsu bị đóng đinh thập giá." (1Cor. 2:1-2) (ĐHV 554).
 
Thường thường người ta ai cũng cầu xin cùng Chúa cho được ơn khôn ngoan sáng suốt để cư xử với mọi người. Nhiều người khác lại cầu xin cho được những ơn lành phần hồn phần xác; nhưng ít kẻ cầu xin cho được vác Thánh giá Chúa, chịu đau khổ vì Chúa...
 
Thánh nữ Margarita thuật lại rằng: "Một hôm Chúa hiện ra và phán bảo tôi. Hai điều sau đây con muốn chọn điều nào: một là được khỏe mạnh, lòng trí luôn vui hưởng sự ngọt ngào êm ái, được bề trên tín nhiệm, chị em quý mến, người ngoài cảm phục, hai là phải ốm đau bệnh tật, chịu bề trên thử thách, chị em khinh dể, luôn luôn cay đắng tư bề khổ cực.
 
"Nghe vậy tự nhiên lòng tôi xao xuyến âu lo. Tôi sấp mặt xuống đất và than thở cùng Chúa: Lạy Chúa, con chẳng dám chọn điều nào cả, nhưng điều nào đẹp lòng Chúa hơn thì xin Chúa chọn thay cho con.
 
"Chúa lại phán bảo cùng tôi: Ta chọn cho con, con đường Thánh giá, vì chỉ Thánh giá mới làm đẹp lòng Ta hơn cả, và chỉ ai yêu mến Thánh giá mới thực giống Ta hoàn toàn... Cũng chính lúc ấy, Chúa cho tôi xem thấy những sự khốn khó của cả đời tôi. Tôi rùng mình kinh khiếp, âu lo cho số phận mai ngày, không biết đời mình đau khổ sẽ dẫn về đâu. Bấy giờ tôi suy nghĩ: "Yêu ai thì trao tặng phần quý nhất cho người mình yêu. Chúa Giêsu sẽ ban cho những kẻ Ngài yêu, ngoài Nước Thiên Đàng, chẳng còn gì quý hơn cho bằng Thánh giá".
 
Khi Margarita trình bày những lời truyền dạy của Thánh Tâm Chúa cho bà bề trên, bà liền bảo phải viết vào giấy và tường trình cho các Đấng Bản quyền địa phận. Các Đấng xem xong ai cũng lắc đầu, cho Margarita là người nếu không bị quỷ ám thì cũng là kẻ cuồng tín. Nhục nhã hơn nữa, một vị linh mục nọ còn đến làm phép trừ quỉ cho chị.
 
Thế là tiếng đồn chị Margarita bị quỉ ám vang khắp nơi. Đâu đâu người ta cũng khiếp sợ và xa tránh chị như tránh tà ma. Mãi về sau, cha De la Colombière, một linh mục Dòng Tên, bề trên ở tỉnh Parey-le-Mondial mới xác nhận việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là do chính Người truyền dạy. Thế nhưng, một thời gian sau nữa, quyết nghị lại bị một hồng y phi bác, Margarita lại thêm một phen bị mọi người khinh ghét, coi là kẻ đạo đức giả hình, nửa người nửa ngợm, tà ma ám ảnh.
 
Ta hãy nghe lời chị thánh tâm sự: "Bấy giờ mọi người đồng tình làm khổ tôi, bêu xấu tôi, bạc đãi tôi. Nếu không có Chúa nâng đỡ, tôi không sức nào chịu được". Mà đau khổ xỉ nhục đâu phải chỉ xảy ra trong vài ngày. Chị phải chịu đựng như thế trong suốt 20 năm trường. Nhưng nhờ những năm dài này, đầy nước mắt đau thương ấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được phổ biến khắp nơi.
 
Mới đây, vào năm 1974, các Giám mục, Hồng y khắp thế giới đã tề tựu về nước Pháp để tham dự đại hội quốc tế về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, tổ chức ở Parey-le-Mondial là nơi Chúa đã hiện ra cùng Maria Margarita năm 1675. Vì thế kỳ Đại hội này cũng là dịp kỷ niệm 300 năm ngày Chúa tỏ Thánh Tâm Người cho nhân loại.
 
Những đau khổ, khờ dại của chị Margarita ngày xưa tại Dòng Thăm Viếng nay đã biến thành vinh hiển, khôn ngoan trên Nước Thiên đàng. 

2. Thiên Chúa xử đụng kẻ tầm thường.
 
* Ngôi Lời đã nhập thể, và Đức Chúa Cha đã phán: Đây là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta, hãy nghe lời Người." Người là sự sống: con chỉ sống bằng tinh thần của Người. Người là đường: con chỉ theo bước chân Người. Người là Thật, con chỉ tin lời dạy của Người (ĐHV 550).
 
* Muốn được khôn ngoan con hãy tha thiết cầu xin và con phó thác cả cuộc đời con sống tuyệt đối theo ý Chúa. Đến giờ phút cần thiết, dù phải điệu đến trước tòa quan, giờ ấy không phải con nói, nhưng chính Chúa Thánh Thần sẽ nói bởi miệng các con, như "Têphanô đã giảng, đầy lòng tin vào Chúa Thánh Thần" (ĐHV 556).
 
Có ai ngờ cô bé chăn chiên ở Domrémy miền Lorraine nước Pháp lại trở thành vị đại anh hùng dân tộc, đã can đảm đứng lên đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi bờ cõi... Nhưng sự thật là thế!
 
Sau khi đã giải phóng được phần lớn nước Pháp khỏi ách đô hộ của Anh quốc và đưa vua Charles VII về nhà thờ chính toà thành Reims để xức dầu phong vương, Jeanne d'Arc (1412-1431) lại xuất chinh một lần nữa; nhưng rủi thay, phen này cô phải thất trận và sa vào tay quân giặc (1430).
 
Họ lập một toà án để xử Jeanne d'Arc và quyết buộc tội cô là kẻ rối đạo để hòng thiêu sống cô. Họ đặt ra một câu hỏi: Cô có ơn nghĩa cùng Chúa không?
 
Đây là một câu hỏi vô cùng hóc búa. Nếu trả lời "có" thì sẽ buộc tội là rối đạo, vì nào có ai dám cả gan xưng mình là có ơn nghĩa Chúa? Mà nếu trả lời "không" thì cũng sẽ buộc tội rối đạo ngay, vì không có ơn nghĩa cùng Chúa thì ở trong tay ma quỉ chứ còn gì nữa! Jeanne d'Arc cầu nguyện hồi lâu và trả lời bằng câu rất khôn ngoan khiến các quan toà đều kinh ngạc: "Nếu tôi có ơn nghĩa Chúa thì xin Chúa gìn giữ ơn nghĩa đó trong tôi. Nếu tôi chưa có ơn nghĩa Chúa thì xin Chúa ban ơn nghĩa Chúa cho tôi". 

3. Tên điên thành Assisiô.
 
* Người ta khen con hay chê con, con đừng lo sợ vì mất mát hay sung sướng vì tăng thêm điều gì: Chỉ một điều làm con thiệt hại: tội lỗi. Chỉ một điều tăng thêm giá trị: nhân đức. Khen chê đừng lo, cũng như không sợ súng giả, không ham bạc giả (ĐHV 544).
 
* Con đừng hoài nghi lúc thấy đường hy vọng vắng bóng những người mà thế gian cho là khôn ngoan. Chúa Giêsu đã báo trước: "Lạy Cha, con đội ơn Cha vì Cha đã ẩn dấu những điều này cho những người thông minh, khôn ngoan và Cha đã bày tỏ cho kẻ thấp hèn." Con chỉ cảm tạ Chúa, vì đã ban cho con biết sự khôn ngoan thật. (ĐHV 551).
 
* Thế gian sợ sự khôn ngoan ấy, vì Chúa Giêsu gọi là "đường hẹp", vì nó đảo lộn cuộc sống cũ, vì nó khuấy rầy thế gian, vì nó đặt lại nấc thang giá trị, vì thiên hạ cho là "chướng tai". Nhưng những tâm hồn thiện chí khiêm cung, những giới trẻ đầy nhiệt huyết, qua mọi thời đại đã theo sự khôn ngoan ấy đến cùng (ĐHV 552).
 
Phanxicô là con trai của cụ Bênađô, một thương gia tơ lụa nổi tiếng thành Assisiô nước Ý. Sau những tháng ngày làm việc ở trong gia đình, chàng được Chúa soi sáng và cảm nghiệm sâu xa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giàu có trong Phúc Âm: "Anh chỉ còn thiếu một điều thôi. Hãy bán tất cả của cái mà phân phát cho kẻ nghèo và anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Tôi" (Lc 18,22). Chàng cương quyết cùng một số anh em tình nguyện sống nghèo khó theo Phúc Âm và tự gọi tên nhóm là "Anh em hèn mọn". Thân phụ chàng, ông Bênađô, rất đỗi buồn phiền, thuyết phục con hoài mà không sao ngăn cản được. Một hôm, hai cha con đang giằng co vật lộn nhau trên đường thành Assisiô thì Đức Giám mục đi ngang qua; thấy công chuyện lôi thôi, ngài mời cả hai về Toà Giám mục. Trước mặt vị Đại diện Chúa và mọi người hiếu kỳ đang đứng xem đông đảo. Ông Bênađô đã tuyên bố: "Thằng Phanxicô là một cái ô nhục cho giòng họ tôi. Tôi từ nó, không nhận nó làm thừa kế nữa". Đức cha quay sang Phanxicô dịu dàng hỏi: "Con có muốn nói gì không, Phanxicô?" Thưa Đức Cha, không. Rồi... thoắt một cái, chàng cởi bộ đồ áo nhung đang mặc, cuộn tròn lại và đặt dưới chân ông Bênađô, hoàn toàn không trước mặt Chúa và loài người. Chàng nói lớn với mấy tay quyền quý và dân chúng đang đứng xem ở ngoài: "Cho đến bây giờ tôi vẫn gọi ngài là Phêrô Bênađô là cha tôi. Nhưng từ giờ trở đi, tôi chỉ còn một người cha là Thiên Chúa!... Tôi là kẻ điên mới". Đức Giám mục thấy Phanxicô đang trần truồng thì cởi áo khoác ngoài choàng lên người chàng. Từ đó, Phanxicô bắt đầu một đời sống mới: ăn mặc rách rưới rảo quanh các đường phố vừa rung chuông vừa rao giảng Tin Mừng tình thương, đói thì xin ăn, đêm về thì ngủ lang bạt. Ông Bênađô quá sức tức giận và hổ thẹn, bèn sai đầy tớ chực sẵn ở nhà, mỗi lần Phanxicô đi ngang qua thì ra đánh đập, mắng nhiếc, trút cơm thừa canh cặn lên đầu chàng.
 
Chiều hôm ấy, Phanxicô ngang qua trước cửa nhà ông Bênađô, theo sau là một đám người ô-hợp: kẻ thành tâm thiện chí muốn đi theo tu tập lẫn người xỉ nhục, nhiếc mắng, ném trứng thối vào chàng thanh niên điên. Tôi tớ trong nhà vừa thấy bóng Phanxicô liền ùa ra đánh đập, tạt đồ dơ vào mặt Phanxicô và quát:
 
- Mày là đồ khốn nạn, đồ ăn mày! Phanxicô vẫn quỳ thinh lặng cúi đầu. Một tu sĩ đứng bên chàng đáp:
 
- Phanxicô, anh thật có phước, vì ai nghèo khó thì được Nước Trời làm của mình vậy.
 
Tên đầy tớ tiếp tục mắng chửi:
 
- Có nhà cao cửa rộng không ở, lại đi làm kiếp ăn mày! Đúng là thằng điên!
 
Vị tu sĩ nhẹ nhàng rót vào tai Phanxicô:
 
- Anh Phanxicô, anh thật khôn ngoan, vì được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích chi!
 
Tên đầy tớ giận sôi lên, vừa đánh vừa chửi:
 
- Mày là đồ vô phúc! Cha mẹ bà con đã từ mày, vì mày đã bỏ giai cấp quí tộc để đi làm một tên nghèo đói, mạt hạng!
 
Vị tu sĩ vẫn bình thản bảo:
 
- Anh Phanxicô, anh thật khôn ngoan và hạnh phúc, vì Thiên Chúa là Cha của anh. Bạc vàng, danh vọng rồi sẽ tiêu như mây khói. Còn kẻ bỏ mọi sự mà theo Chúa sẽ được Ngài thưởng gấp trăm!
 
... Tuần nào cũng đều xảy ra một vài vụ như trên. Dần dần, các đầy tớ cảm thấy chán chê và thôi không thèm la mắng, đánh đập chàng nữa. Những kẻ đi theo nghe Phanxicô giảng ngày càng đông đảo. Họ hết sức mến yêu cảm phục lòng nhẫn nại khiêm nhu của chàng. Nhìn vào con người chàng, họ hiểu biết sự khôn ngoan đích thực là bỏ hết mọi sự để chỉ gắn bó vào một mình Thiên Chúa.
 
Lúc sắp nhắm mắt lìa cõi trần, các môn đệ nài nỉ xin Phanxicô trăn trối đôi lời. Ngài chỉ lắc đầu: "Các con tôi, các anh em tôi, những gì tôi phải nói với anh em, tôi đã nói tất cả.Giòng máu nào có trong con tim, trong huyết quản, tôi đã trao cho anh em. Giờ đây tôi không còn chữ nghĩa nào để nói. Nếu còn gì phải nói, Thiên Chúa sẽ giữ tôi lại trên trần gian này".
 
- Thế cha không có gì, không có gì hết để nói với chúng con sao? Gilles, một môn đệ của Phanxicô thốt lên.
 
Phanxicô thì thầm: "Khó nghèo, hoà bình, yêu thương. Không có gì khác, các anh em ơi... Khó nghèo, hoà bình, yêu thương". Ngài cố ngồi lên, nhưng sức hơi đã mòn: "Cởi quần áo cho tôi... Đặt tôi nằm trần truồng dưới đất để tôi được sờ vào đất đai và đất đai được chạm vào tôi"
 
Phanxicô lìa trần ngày 4.10.1226, trên môi hát bài thánh thi ca tụng Chúa: "Xin tán tụng Ngài, Chúa con ơi với tất cả tạo vật của Ngài..." 

4. Ai khôn hơn ai?
 
* "Đối với những kẻ hư mất, thì lời rao giảng về Thập Giá là một sự điên rồ; còn với ai được cứu độ, tức là chúng ta, thì lại là quyền năng của Thiên Chúa." (1Cor. 1:18) (ĐHV 543).
 
Thánh Gioan Boscô hết sức yêu thương bọn thanh niên cao bồi du đãng. Ngài nghĩ rằng chúng nó hư hỏng, tâm hồn vẩn đục cũng chỉ vì thiếu tình thương, thiếu giáo dục của gia đình, hoặc vì ảnh hưởng xấu xa của xã hội.  Và cũng vì hăng say phục vụ đám trẻ, nên ngài đã sớm mắc bệnh lao, phải về tĩnh dưỡng ở quê. Khi xong xuôi, ngài thỉnh cầu mẹ già lên giúp đỡ. Trên con đường từ quê lên tỉnh, hai mẹ con nghèo xơ, nghèo xác, không có một hào dính túi, phải đi bộ đến rã cả chân. Tới một công viên, hai mẹ con ngồi nghỉ, thở dốc, dáng vẻ vô cùng mệt nhọc... Một linh mục già đi ngang qua thấy thế dừng lại hỏi thăm. Nghe Gioan kể lại sự tình, thấy khuôn mặt xanh xao, hốc hác, cầm lòng không được cha già liền rút chiếc đồng hồ quả lắc trong túi ra, đặt vào tay Gioan và nói: "Tôi chẳng có gì, sẵn đây có chiếc đồng hồ quả lắc, xin cha bán mà giúp đỡ!" Gioan Boscô rất đổi cảm kích trước cử chỉ thấm tình huynh đệ. Hai mẹ con nhìn nhau: Đây là tất cả vốn liếng cho cái chương trình vĩ đại trong tương lai của hai người.
 
Tin tường ở ơn phù hộ của Đức Bà, cha Gioan lại hăng say tiếp tục công việc: Thuê nhà quy tụ thêm lũ lâu la, ngày chúa nhật đưa chúng đi chơi, lúc thì xin chơi ở sân đá bóng của giáo xứ này, lúc lại còn chơi ở công viên giáo xứ khác, đâu đâu cũng chỉ chơi được vài ba lần rồi thế nào cũng bị đuổi! Ai cũng lắc đầu ngán ngẫm cái bọn nghịch tặc ấy: "Con cái nhà ai mà rách rưới, xơ xác, ồn ào phá phách, không lễ độ một ít nào cả!" Vì thế cha con Gioan Boscô phải luôn luôn dời chỗ... Ngài thường bênh vực bọn quỷ tặc: "Đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi! Nếu chúng được dạy dỗ, yêu thương, tôi tin chắc chúng sẽ trở nên người tốt...”
 
Không những người ngoài bàn tán mà cả anh em linh mục trong giáo phận cũng to nhỏ với nhau:
 
- Gioan quá kiêu căng, nó là thánh thần gì mà dám cải hoá bọn côn đồ đó!
 
- Tôi nghĩ nó không kiêu căng đâu, nhưng có lẽ mát mát hấp hấp làm sao đấy!
 
- Nó say mê công việc quá! Kể ra nó cũng là người đạo đức và dấn thân thực, nhưng biết đâu vì quá hăng say công việc mà thần kinh nó bị căng thẳng!
 
Từ lý thuyết phải đi đến thực hành, họ kết luận: "Phải kiếm cách cho Gioan an dưỡng".
 
Một chiều nọ, hai vị kinh sĩ đi xe đến thăm Gioan, Gioan tiếp đón niềm nở. Trà thuốc xong, hai vị vào đề ngay:
 
- Cha Gioan này, cha làm việc căng thẳng mệt mỏi quá! Mời cha lên xe cùng với anh em chúng tôi đi dạo một vòng cho thoải mái!
 
- Xin cám ơn quí vị kinh sĩ. Hôm nay con bận quá, con xin hẹn dịp sau.
 
- Bận gì mà lắm thế. Đi một vòng cho mát rồi lại về thôi mà!
 
Các ngài năn nỉ hoài, Gioan đành lễ mễ xách mũ theo các ngài ra xe. Gioan mời hai vị đi xe nhà mình. Tới gần cửa xe, hai kinh sĩ mời Gioan vào trước. Gioan mau miệng từ chối: "Không, không, xin mời hai ngài lên trước, con không dám!" Nhường mãi không được, hai kinh sĩ đành bước lên xe. Rầm! Gioan đóng ập cửa lại, quát bảo tài xế: "Cho hai ngài đi mau lên!"
 
Tài xế nghe mật lệnh của cha Gioan Boscô đã cho phóng mạnh xe cho hai vị kinh sĩ đến nhà thương điên thành phố. Ở đây người ta vừa được điện báo, họ bố trí sẵn: cổng mở ra, nhân viên đợi sẵn trong sân. Xe vừa dừng, họ liền áp tới lôi hai ngài vào phòng mạch. Họ ngạc nhiên to nhỏ cùng nhau:
 
- Lẹ thực, theo điện báo với giấy tờ thì chỉ có một ông linh mục điên sắp được đưa tới mà sao bây giờ lại đến hai ông?
 
- Không phải chúng tôi! Ông khác cơ!
 
Hai vị kinh sĩ thi nhau đối chối phân trần. Nhưng họ càng la hét om sòm, thì nhân viên càng tưởng thực.
 
- Ông nào nữa! Đã có lệnh bác sĩ, hễ xe đến là bắt vào phòng ngay. Nếu có vùng vằng hung hăng thì xích tay lại.
 
Giữa lúc ồn ào náo động, thiên hạ xúm nhau xem, thì bác sĩ đi ra. Các nhân viên trình bày: "Theo lệnh thì chỉ có một ông, mà bây giờ xe lại chở đến hai ông. Ông nào cũng không chịu vào phòng còn làm ùm lên. Xin bác sĩ giải quyết". Nhìn ra mặt hai vị kinh sĩ, bác sĩ liền nói: "Ông linh mục điên đâu rồi?"
 
- Thưa bác sĩ, ông ấy ranh quá! Ông bảo chúng tôi lên xe trước rồi đóng ập cửa lại. Thế là xe chạy đến đây. Thật không ai ngờ!
 
- Thôi, các ngài an tâm mà về nghỉ cho khỏe. Chắc ông Gioan đó không điên đâu! Các ngài đã rõ chưa: điên sao mà đa mưu túc trí như thế! Ông Gioan còn minh mẫn hơn các ngài tưởng nhiều!" 

5. Một nhà ngoại giao khéo léo.
 
* Thế giới không chỉ biến đổi nhờ hành động thôi, thế giới biến đổi nhờ tư tưởng, vì tư tưởng chỉ huy hành động (ĐHV 547).
 
* Sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần ban, sẽ soi sáng các dự định của con, sẽ hướng dẫn các chương trình của con, sẽ biến đổi các hành động của con thành giá trị vĩnh cửu, sẽ làm con người con bất tử, trường sinh (ĐHV 553).
 
Theo thông lệ của một số quốc gia Âu Mỹ, vị Sứ thần Toà Thánh đương nhiên là niên trưởng của ngoại giao đoàn. Thông lệ này có nhiều điểm tiện lợi. Vì Toà Thánh không ngã theo phe nào, nên những lúc đọc diễn văn vào các dịp lễ lớn, chẳng bao giờ xảy ra thắc mắc, gây hiềm khích giữa nước này với nước khác. Vì thế, Tướng De Gaulle khi bắt đầu thành lập chính phủ năm 1944, đã yêu cầu Toà Thánh phái Sứ thần sang gấp cho kịp đầu năm Dương lịch. Ông ngại rằng nếu vị Sứ thần Toà Thánh không sang kịp, thì đầu năm ấy, Đại sứ Liên Sô, lúc ấy đang niên trưởng sẽ đọc diễn văn chúc mừng Tổng Thống. Và trong thực tế, Đại sứ Liên Sô đã soạn sẵn một bài diễn văn, vì đã cận ngày rồi mà bóng dáng vị Sứ thần Toà Thánh chẳng thấy đâu cả.
 
Ba ngày trước lễ, Đức Cha Roncalli mới có mặt tại Paris. Trình quốc thư xong, ngài về nhà dọn bài diễn văn. Các đồng nghiệp đến cho ngài hay Đại sứ Liên Sô đã dọn sẵn một bài diễn văn rồi! Thật là khó xử! Làm sao cho khỏi chạm tự ái nhất là giữa Mátcova và Vatican?
 
Đức Cha Roncalli gọi điện thoại xin phép đến thăm Đại sứ Liên Sô. Đại sứ nhận lời và hẹn giờ...
 
Đúng hẹn, Đức Cha Roncalli vào phòng khách toà Đại sứ Liên Sô tại Paris. Sau một lúc chuyện trò thân mật, Đức Cha Roncalli vui vẻ khai đề:
 
- Thưa Đại sứ, theo thông lệ thì ngày mai khi chúc mừng năm mới Tổng Thống nước Pháp, tôi sẽ phải đọc một bài diễn văn; thế mà tôi nghe Đại sứ cũng có dự bị một bài diễn văn rồi, phải không, thưa Đại sứ?
 
- Đúng vậy, sợ ngài đến không kịp, tôi phải soạn sẵn, kẻo nhỡ ra...
 
- Thưa Đại sứ, tôi vừa tới Paris, chân ướt chân ráo, chưa quen người quen việc, mà thủ đô Paris lại là một nơi phức tạp nhất hoàn cầu. Vậy xin Đại sứ cho phép tôi được xem diễn văn của ngài.
 
- Được lắm! Được lắm! Xin ngài đợi tôi một chút, tôi sẽ giao cho ngài đọc.
 
Đại sứ Liên Sô lấy bài diễn văn trao cho Đức Cha Roncalli rồi đăm đăm nhìn phản ứng của ngài trong lúc ngài chăm chú đọc.
 
- Ngài đọc xong rồi à? Ngài thấy thế nào? Xin cho tôi biết cảm tưởng.
 
- Hay lắm, tốt lắm! Và có một điều nữa tôi muốn nói, không biết ngài có cho phép không?
 
- Xin ngài cứ nói, đừng ngại!
 
- Nói lên điều này, tôi thấy rất táo bạo, nhưng với tất cả sự chân thành: nếu không có gì trở ngại, xin ngài cho tôi được mượn bài diễn văn của ngài để đọc vào ngày mai... Tôi khỏi dọn, mà nội dung cũng tốt đẹp đầy đủ cả rồi!
 
- Tôi sẵn lòng và lấy làm vinh dự nữa! Nhưng tôi xin phép được hỏi: Ngài là Sứ thần Toà Thánh mà dám dùng diễn văn của Đại sứ Liên Sô sao? Điều này khiến tôi ngạc nhiên quá!
 
- Được lắm chứ, vì chúng ta đều nói lên những tâm tình tốt đẹp cả. Xin ngài cho tôi được đọc hoàn toàn như văn bản của ngài, chỉ xin thêm một câu vắn tắt thôi.
 
- Câu nào xin ngài cho biết.
 
- Tôi muốn thêm câu: "Xin ơn trên phù hộ Tổng Thống" có được không?
 
- Tôi hoàn toàn nhất trí, vì đó là phần riêng của ngài, ai cũng hiểu vậy cả.
 
Thế là hôm sau, đại diện cho ngoại giao đoàn, Đức Cha Roncalli đã đọc bài diễn văn chúc Tết Tổng Thống De Gaulle. Đọc xong, hết mọi người hoan hô khen ngợi, đến bắt tay mừng ngài thành công. Đức Cha Roncalli mỉm cười và nói: "Đó là công nghiệp của Đại sứ Liên Sô. Tôi mượn bài của ông. Còn phần tôi, tôi chỉ có câu cuối cùng!"
 
Đại sứ Liên Sô rất hân hạnh và từ đó về sau, ông ta rất có thiện cảm với Sứ thần Toà Thánh.
 
Còn Đức Cha Roncalli thì được mọi người khen ngợi là khôn ngoan, tế nhị, khéo léo vô cùng, vì đã có tư tưởng đoàn kết, hoà hợp để xây dựng hoà bình trên toàn thế giới. 

6. Đức Gioan XXIII nói về đơn sơ và khôn ngoan.
 
* Ai "sẽ hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao"? Ai "sẽ đánh tan những người kiêu ngạo trong lòng"? Ai sẽ mang lại trật tự cho bao tư tưởng lộn xộn, lệch lạc? Ai sẽ đem bình an cho người thời đại ta, để vững tâm đi trên đường hy vọng? Chỉ có sự khôn ngoan Thiên Chúa ban qua tay Đức Mẹ, "Tòa đấng khôn ngoan". (ĐHV 545).
 
* "Thế giới nghèo" quằn quại trong đói khát, tủi nhục, trong bao vấn đề xã hội, lúng túng giải quyết không được: khó bó khôn. "Thế giới tư bản" lặn lội trong khoái lạc, tạo thêm nhu cầu, đầu óc chất chứa tư tưởng lộn xộn, tuyên truyền thêm bất an, hoang mang, tự tôn mình làm thầy thiên hạ; ngạo mất khôn (ĐHV 546).
 
* Khi những người thông minh, Khi những nhà bác học, Nghĩ mình biết tất cả, Khám phá được tất cả, Biết quỳ gối nguyện cầu Thiên Chúa, Biết những phát minh của mình chỉ là tia sáng từ trời chiếu soi, lúc ấy họ nhìn vũ trụ với cặp mắt khác, họ thấy mọi sự được tổ chức theo một trật tự, một chương trình hoàn hảo từ đời đời (ĐHV 548).
 
"Đối xử với mọi người, phải tôn trọng họ cách khôn ngoan và đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm. Phải luôn noi gương Chúa Giêsu để ăn ở đơn sơ, hấp dẫn trong mức độ khôn ngoan của người hiền triết, của các thánh. Xin Chúa giúp. Tuy kẻ gian dù không dám khinh nhưng có coi thường sự đơn sơ chất phác thì mặc họ; đừng kể chi nếu họ có đôi cử chỉ hay đôi lời ý nhị để ma lị ta; vì thường gậy ông đập lưng ông, họ phải xấu hổ gánh chịu việc họ làm. Ai "đơn sơ ngay thẳng, kính sợ Chúa" sẽ luôn luôn "xứng đáng hơn mạnh mẽ hơn" với điều kiện là phải khôn ngoan, dè dặt và hoà nhã. Kẻ đơn sơ không sợ tuyên xưng Phúc Âm mọi nơi, mọi lúc, trước mặt mọi người, dù họ là hạng người cho Phúc Âm là hèn yếu, ấu trĩ. Đừng để kẻ khác gạt gẫm làm cho chúng ta đoán xét sai lạc; dù ai có thái độ nào với ta, ta vẫn giữ tâm hồn thư thái bình tĩnh.
 
"Khôn ngoan, tức biệt giữ một phần sự thực khi chưa tiện nói ra, miễn là sự thinh lặng đó không làm nhẹ giá hay gây sự hiểu lầm cho một phần sự thật được tiết lộ. Khôn ngoan là người biết đi đến mục đích mình đã lựa chọn bằng những phương pháp kiến hiệu để quyết định đúng và thi hành đúng. Khôn ngoan là người biết tiên đoán và đo lường mọi khó khăn trở ngại có thể xảy ra, biết chọn con đường vừa phải để không gặp trở ngại khó khăn quá lớn. Khôn ngoan là người khi đã nhắm mục đích tốt đẹp, lớn lao, cao cả, sẽ không lạc hướng, nhưng biết vượt mọi trở ngại để làm cho được việc một cách hoàn hảo. Khôn ngoan là người trong mọi vấn đề biết đâu là cái chính, không lẩn quẫn trong cái phụ: biết dồn hết toàn lực một cách liên tục chặt chẽ để đi cho tới cùng đích một cách tốt đẹp. Khôn ngoan là người khi bắt đầu đã biết dâng và phó thác thành quả cho Chúa; dù có thất bại phần nào, hoặc thất bại hoàn toàn đi nữa, họ vẫn an tâm vì đã làm đúng, và biết quy hướng tất cả theo ý Chúa và cho vinh quang cao cả của Chúa.
 
"Đơn sơ không đối chọi với khôn ngoan hay ngược lại. Đơn sơ đóng vai trò tình yêu, khôn ngoan là tư tưởng. Tình yêu cầu nguyện, tri thức canh phòng. "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện". Cả hai hoà hợp cách hoàn hảo. Tình yêu như chim cu rù rì, tri thức như con rắn không vấp ngã, không va đầu, vì khi bò tới, đầu của rắn cất cao quan sát mọi trở ngại trên đường tiến". 

7. Để được khôn ngoan thật.
 
* Con phải vui tươi luôn. Đường hy vọng không thể chấp nhận lữ hành buồn phiền được, đường hy vọng đem lại vui tươi (ĐHV 535).
 
Đức Ông Albert Battandier có thuật lại một câu chuyện xảy ra trong đời ngài: "Một hôm tôi bị một người bạn vả mặt một cách vô lý. Không đánh trả cũng chẳng hé môi, rồi bất nhác nhớ lại Lời Chúa Giêsu, tôi liền giơ thêm má kia cho ông ấy vả, và ông ta giáng thêm một cái thật mạnh nữa! Lúc đó trên bàn có sẵn con dao. Tôi đứng dậy và phải phấn đấu cầm mình lắm mới khỏi quơ lấy nó để trả thù. Tôi nhắm mắt đi thẳng một mạch ra nhà thờ. Tôi quỳ cầu nguyện và an bình đã trở lại trong tôi. Bây giờ tôi mới thấm thía sự khôn ngoan đích thực của Thập giá".

Tác giả: ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: khôn ngoan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập595
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm590
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại959,548
  • Tổng lượt truy cập57,061,185
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây