Giáo hội công giáo có còn thực sự phổ quát không? Một số nhà quan sát nghi ngờ điều này. Theo ông Lucio Caracciolo, giám đốc tạp chí Ý Limes, một trong những lý do chính dẫn đến những biến đổi đang diễn ra là việc đặt lại vấn đề đặc trưng constantinus của Giáo hội công giáo, cách tiếp cận địa chính trị cơ bản của triều giáo hoàng Phanxicô. “Trong những năm gần đây, đường đi của Giáo hội công giáo la mã dường như ngày càng đi xa tinh thần phổ quát, đã mang dấu ấn trong lý do tồn tại của mình, và liên kết hơn với tình trạng các giáo hội địa phương khác nhau”.
“Liệu Giáo hội Công giáo có tồn tại vào cuối thế kỷ này không?” Ông Lucio Caracciolo đặt câu
hỏi | © Pixabay
Điểm ghi nhận là rõ ràng. Theo ông Lucio Caracciolo, con đường bây giờ đã được vạch ra. Tính phổ quát nội tại của sứ mệnh Giáo hội công giáo đang nhường chỗ cho một xu hướng mới: đó là các Giáo hội công giáo quốc gia hoặc siêu quốc gia, trong lối thực hành và não trạng của họ, họ theo con đường riêng của mình, trong khi vẫn giữ quan hệ thường xuyên với Rôma.
“Thời của Thánh Phêrô đã qua”
Theo ông Caracciolo, giám đốc tạp chí địa chính trị Limes, một xu hướng văn hóa và tâm lý không thể tránh khỏi, đã trải rộng ra trong thế giới công giáo đương đại.
Nhà trí thức Ý ghi nhận: “Ngay cả trong lãnh vực thiêng liêng của mình, Giáo hội vẫn là một chủ thể địa chính trị đế chế, bởi sự ra đời và ơn gọi của Giáo hội. Một chủ thể mà ngày nay rõ ràng đang gặp khủng hoảng”, theo ông, cuộc khủng hoảng như vậy được đo lường và mở rộng ra khỏi “trung tâm quyền lực”, như trường hợp của hầu hết các đế chế, kể cả các đế chế tôn giáo.
“Đối với một số người, đó là quá trình hòa nhập văn hóa; đối với một số khác, đó chỉ đơn thuần ‘nhượng bộ thế giới hiện tại’, một hình thức của dị giáo”.
Thêm nữa, ngày càng đương đầu với những rạn nứt quan trọng trong nội bộ, ngày nay Giáo hội công giáo đứng trước các thách thức chưa từng có. Những thách thức vạch ra địa lý của giáo hội đã bị chia cắt. Theo ông Lucio Caracciolo, tình trạng thiếu quản trị, cũng như các xung động trong việc gắn kết – yếu tố cơ bản của cam kết và sứ mệnh của giáo hoàng – là những dấu hiệu chính của cuộc khủng hoảng về tính phổ quát của công giáo.
Địa chính trị của giáo hoàng
Nhà báo người Ý tập trung phân tích cuộc khủng hoảng này vào ba hiện tượng địa chính trị song song, nhưng liên hệ chặt chẽ với nhau. Ông đã làm, bỏ qua một bên những lời đả kích thần học và những vụ bê bối gần đây mà ông xem là những “hiện tượng bề ngoài và nhất thời, của bất cứ tổ chức nào của con người, dù có được truyền cảm hứng gì đi chăng nữa.”
“Đức Phanxicô đã đặt lại vấn đề đặc tính constantinus của Giáo hội thành nguyên tắc địa chính trị cơ
bản của ngài” | © Keystone
Trước hết ông ghi nhận sự suy yếu rõ rệt của uy quyền giáo hoàng, “vị vua tuyệt đối cuối cùng trong lịch sử phương Tây.”
Ông Lucio Carraciolo nhận thấy xu hướng ngày càng tăng của các hội đồng giám mục tự dựng lên thành Giáo hội quốc gia, nhiều ít tự trị khỏi Rôma. Cuối cùng, ông kéo sự chú ý đến một “khó khăn nào đó trong việc chống lại sự bành trướng của các ‘giáo phái Phúc âm’ cạnh tranh khác nhau” – như Giáo hội công giáo định nghĩa các giáo hội theo cảm hứng tân Ngũ tuần, có nguồn gốc từ Mỹ nhưng hiện nay đã có mặt trên khắp thế giới.
Giã từ đế chế
Đức Phanxicô đã đặt lại vấn đề đặc trưng constantinus của Giáo hội thành nguyên tắc địa chính trị cơ bản của ngài”, ông Lucio Carraciolo giải thích, thuyết constantinus (Đại đế Constantin) hiểu chiều kích thời gian của uy quyền giáo hoàng trong tư cách là người thừa kế các hoàng đế la mã.
Đức Phanxicô đã công khai tách ra các khía cạnh lịch sử-thể chế, để đón nhận cách tiếp cận trọn vẹn Tin Mừng. Nhưng khi “chỉ trích chủ nghĩa constantinus, mà chính trong chủ nghĩa này là ý tưởng của tính phổ quát, chúng ta có nguy cơ bỏ hết mọi sự.”
Trên quan điểm này, ông nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa phổ quát công giáo trùng hợp với việc “loại tiếng Ý” của triều giáo hoàng và Giáo triều la mã.
“Qua lịch sử, văn hóa và truyền thống của mình, các giáo sĩ Ý có ơn gọi phổ quát hơn so với các quốc gia khác. Vì chính nước Ý, không thích nêu rõ lợi ích quốc gia của mình, trên bất cứ lãnh vực nào, kể cả trong Giáo hội la mã. Đức Phaolô VI có lẽ sẽ được nhớ đến như vị giáo hoàng công giáo cuối cùng theo nghĩa từ nguyên của thuật ngữ này”.
Sức nặng của quá khứ
Sự thay đổi trong việc hiểu biết về bản thân, đã xảy ra từ vài thập kỷ nay, đã trải qua giai đoạn gia tốc mạnh mẽ với Đức Phanxicô.
Nhà trí thức người Ý nhắc lại: “Ý thức về sự song song giữa Đế chế la mã và Đế chế giáo hoàng đã được thần học gia Yves Congar nhận rõ.” Ngày 11 tháng 10 năm 1962, ngày khai mạc Công đồng Vatican II, thần học gia Dòng Đa Minh ghi trong nhật ký của mình: ‘Tôi cảm thấy tất cả sức nặng, chưa bao giờ bị tố cáo, thời mà Giáo hội có quan hệ chặt chẽ với chế độ phong kiến, nắm giữ quyền lực trần gian, khi các giáo hoàng và giám mục là chúa tể nắm giữ triều đình, bảo vệ các nghệ sĩ, đòi hỏi vẻ huy hoàng tráng lệ như thời các vua Caesar. Tất cả những điều này Giáo hội Rôma chưa bao giờ bác bỏ.’”
“Ý thức về sự song song giữa Đế chế la mã và Đế chế giáo hoàng đã được thần học gia Yves Congar
nhận rõ.” | NS
Kết thúc một quan niệm về Giáo hội
Một im lặng dứt khoát bị phá vỡ trong triều giáo hoàng Phanxicô. Với danh nghĩa “Giáo hội đi ra ngoài” và Giáo hội truyền giáo, trong những năm gần đây, giáo hoàng Argentina đã muốn cắt đứt quan hệ với quá khứ tưởng như không bao giờ cắt đứt này.
Ông Lucio Caracciolo thận trọng: “Ngoại trừ bây giờ công giáo la mã không biến thành một loại tin lành đặc biệt.”
Một phần giáo sĩ đã liên tục cáo buộc giáo hoàng, theo họ, thái độ và lựa chọn của Đức Phanxicô sẽ làm suy yếu quyền lực, quản trị của ngài và các cơ cấu giáo hội mà chắc chắn là ngài thuộc về.
Vatican di động?
Ông Lucio Caracciolo đặt câu hỏi: “Ngày nay điều gì kết hợp một người công giáo Ba Lan với một người công giáo Nam Mỹ, Phi châu, và một người Ý? Quả thực là rất ít điều. Đến mức phải đặt câu hỏi về tính phổ quát của Giáo hội và tính hợp pháp của trung tâm la mã của nó”.
Đức Phanxicô có một cái nhìn khác, gần như đảo ngược, về thế giới so với các vị tiền nhiệm của ngài. Một cái nhìn mở rộng từ ngoại vi chứ không phải từ trung tâm.
Ông Lucio Caracciolo nhấn mạnh: “Ngài mang dấu ấn sâu sắc về mặt văn hóa và chính trị qua kinh nghiệm của chủ nghĩa peron ở Argentina. Có rất ít dấu vết trong cương vị giám mục giáo phận Rôma. Có vẻ như ngài không thật sự quan tâm đến giáo phận của mình. Yếu tố này đã giúp đẩy nhanh xu hướng của một số giám mục đi theo con đường riêng của họ. Đến mức thậm chí có một số vị còn đưa ra giả thuyết về luận điểm một ‘Vatican di động’, một loại Giáo hội công giáo la mã đa trung tâm”.
Một trung tâm đời sống Giáo hội thay đổi theo hình học bắt nguồn từ cách tiếp cận của Đức Phanxicô. “Khi bạn ‘ngoại vi hóa’ trung tâm, thì trung tâm biến mất. Mỗi ngoại vi trở thành một trung tâm”.
Các thiên hà kitô giáo bành trướng
Cuối cùng, một thách thức lớn thứ ba đối với tính phổ quát của Giáo hội công giáo thể hiện qua “kitô giáo cảm tính” như Tòa thánh thường gọi các hệ phái kitô giáo lệch lạc, đặc biệt nở rộ ở Mỹ Latinh theo kiểu tin lành.
Người công giáo vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số tín hữu kitô trên thế giới | © Bernard Hallet
Ông Lucio Caracciolo ghi nhận: “Cùng với sự xâm nhập của hồi giáo, hình thức tôn giáo công giáo kiểu mới này có xu hướng đánh bại công giáo ngay cả trong các thành trì truyền thống của nó ở miền Nam bán cầu, bao gồm các thành trì ở Châu Mỹ La Tinh, đặc biệt thân thiết với giáo hoàng Bergoglio”, ở đây có hơn nửa tỷ giáo dân, thiên hà của các cộng đồng tân Ngũ Tuần ngày nay, là khối tín hữu kitô lớn thứ nhì sau công giáo, khoảng 1,3 tỷ, trước tín hữu tin lành, 340 triệu, và chính thống giáo, 200 triệu.
Phổ quát, nhưng đến khi nào?
Việc phân tích cuộc khủng hoảng hiện tại khiến ông Lucio Caracciolo đặt ra một câu hỏi tận căn: “Liệu Giáo hội công giáo có tồn tại vào cuối thế kỷ này không? Hay chúng ta sẽ có một số, giống như một loại quần đảo các giáo hội công giáo, thậm chí có thể dẫn đến một loạt các phân chia có khả năng chia rẽ thế giới công giáo không?”
Bởi vì sự chuyển đổi được nêu ra, đi ngược với xu hướng toàn cầu hóa đang chiếm ưu thế của thế kỷ 21, dường như không thể ngừng lại được. Một sự thay đổi cơ bản có nguy cơ dẫn đến chia rẽ: “Nguy cơ này là hiển nhiên, cũng với mức độ tranh cãi có thể được ghi nhận nơi một số nhà lãnh đạo giáo hội”.
Với mối quan tâm, nhà báo cũng tự hỏi những gì sẽ còn lại của gốc rễ phương Tây của Giáo hội công giáo la mã.
“Và cuối cùng, xu hướng tan rã tính phổ quát của Giáo hội công giáo sẽ ảnh hưởng đến thứ trật địa chính trị toàn cầu trong những thập kỷ sắp tới sẽ ở mức độ nào? Đây là những câu hỏi cơ bản chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Đức Phanxicô và các vị kế nhiệm trong một thời gian dài sắp tới. Và lúc này, dường như Đức Phanxicô muốn lẩn tránh.”
Lucio Caracciolo, nhà khoa học chính trị | NS
Ông Lucio Caracciolo, một trong những chuyên gia hàng đầu của Ý về địa chính trị quốc tế. Nhà báo, nhà khoa học chính trị, giáo sư đại học, ông giải mã các sự kiện của lịch sử đương đại từ góc độ liên ngành. Tốt nghiệp triết học tại Đại học La Sapienza , Rôma, ông hiện là tổng biên tập tạp chí địa chính trị Ý Limes do ông thành lập năm 1993, cũng như tạp chí địa chính trị Á-Âu Heartland. Ông là thành viên của ủy ban khoa học của Quỹ Ý-Mỹ và là tác giả của nhiều bài viết về địa chính trị ở Châu Âu, ở Hoa Kỳ.
Davide Pesenti (cath.ch) -Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2021/08/25/tinh-pho-quat-cua-giao-hoi-cong-giao-da-bat-dau-di-xuong/