Cuộc khủng hoảng mà toàn thể nhân loại đang phải đối diện thực sự là một cơ hội duy nhất để tham gia vào các cuộc đối thoại chân thực, táo bạo, can đảm, giải quyết tận gốc hệ thống lương thực bất công.
Các thiếu nữ Mali vận chuyển nước và thực thẩm (© Yann Arthus Bertrand)
Trong sứ điệp gửi đến ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, nhân Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực diễn ra tại Roma từ ngày 26 đến 28/7, Đức Thánh Cha nói ngài “mơ về một thế giới có nhiều bánh, nước, thuốc và việc làm”, và khẳng định “chính những lợi ích kinh tế, khép kín và quyền lực, đã ngăn cản khả năng phác họa ra một hệ thống lương thực vì công ích, liên đới và cống hiến cho nền văn hóa gặp gỡ”.
Trong sứ điệp, trước hết, Đức Thánh Cha nói đến hiện trạng của thế giới, đặc biệt về lương thực: “Đại dịch cho thấy những hệ thống bất công đang phá hoại sự hiệp nhất như một gia đình nhân loại của chúng ta. Những anh chị em nghèo của chúng ta, và Trái đất, Ngôi nhà chung của chúng ta, đang kêu khóc vì những thiệt hại do chúng ta gây ra, do việc sử dụng và lạm dụng vô trách nhiệm những điều tốt lành mà Chúa đã đặt trong đó, đòi hỏi một sự thay đổi tận gốc”.
Đức Thánh Cha chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng này: “Chúng ta phát triển các công nghệ mới để có thể tăng khả năng sinh hoa trái của hành tinh, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục khai thác thiên nhiên đến mức tận diệt nó. Điều này cho thấy chúng ta không chỉ mở rộng sa mạc bên ngoài mà còn các sa mạc tinh thần bên trong. Chúng ta sản xuất đủ thức ăn cho mọi người, nhưng nhiều người lại không có thức ăn hàng ngày. Đây là một tội vi phạm nhân quyền. Vì vậy, bổn phận của mọi người là phải giải quyết tận gốc bất công này qua các hành động cụ thể và thói quen tốt, cũng như qua các chính sách địa phương và quốc tế”.
Theo Đức Thánh Cha, trong quan điểm này, việc chuyển đổi hệ thống lương thực một cách cẩn thận và đúng đắn đóng một vai trò quan trọng, cần phải được định hướng để chúng có thể tăng khả năng phục hồi, tăng cường kinh tế địa phương. Bởi vì, nếu chúng ta muốn đảm bảo quyền cơ bản đối với mức sống xứng hợp và thực hiện các cam kết của chúng ta để đạt được mục tiêu không còn nạn đói, thì sản xuất lương thực thôi thì chưa đủ. Cần phải có một tâm thức mới và một cách tiếp cận toàn diện mới và thiết kế các hệ thống lương thực bảo vệ Trái đất và đặt nhân phẩm ở trung tâm của cuộc sống con người.
Bên cạnh đó, cần phải khôi phục vị trí trung tâm của khu vực nông thôn, nơi phụ thuộc vào việc đáp ứng nhiều nhu cầu cơ bản của con người. Ngoài ra, còn phải quan tâm đến gia đình, bởi vì gia đình là một thành phần thiết yếu của hệ thống lương thực. Trong gia đình người ta học cách tận hưởng trái đất, không lạm dụng nó và khám phá ra những công cụ tốt nhất để khuyến khích lối sống tôn trọng lợi ích cá nhân và tập thể. Cần phải có các sáng kiến đáp ứng đầy đủ nhu cầu của phụ nữ nông thôn, thúc đẩy việc làm của thanh niên và cải thiện công việc của nông dân ở các vùng nghèo và xa nhất.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng, cuộc khủng hoảng mà toàn thể nhân loại đang phải đối diện thực sự là một cơ hội duy nhất để tham gia vào các cuộc đối thoại chân thực, táo bạo, can đảm, giải quyết tận gốc hệ thống lương thực bất công. Trách nhiệm của cuộc gặp gỡ này là thực hiện giấc mơ về một thế giới, trong đó bánh ăn, nước uống, thuốc và việc làm luôn dồi dào và những người rốt cùng được hưởng.
Về phần Giáo hội, Đức Thánh Cha nói, Toà Thánh sẽ phục vụ mục đích cao cả này, cống hiến những đóng góp, hợp lực và ý chí, hành động và quyết định sáng suốt. Đức Thánh Cha ước mong cuộc gặp gỡ tái tạo hệ thống lương thực này sẽ đưa mọi người đến việc cùng nhau xây dựng một xã hội hoà bình và thịnh vượng, và gieo hạt giống an bình cho phép chúng ta bước đi trong tình huynh đệ đích thực.( CSR_5208_2021)
Ngọc Yến – Vatican News
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-07/dtc-mo-the-gioi-banh-nuoc-viec-lam.html