Cử chỉ mang tính thiêng liêng và biểu tượng cao cả này có nguồn gốc nơi các lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, vào năm 1917, và gắn liền mật thiết với lời cầu nguyện của người Công giáo cho hòa bình. Quả thế, chính vào giữa Thế Chiến I, từ ngày 13/5 đến 13/10/1917, mà ba trẻ nhỏ cho biết đã thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, và Đức Mẹ đã giao phó cho chúng “ba bí mật”. Bí mật thứ hai, được tiết lộ vào năm 1942, là một yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ để gìn giữ hòa bình trên thế giới.
Những yêu cầu của Đức Mẹ
“Để ngăn chặn cuộc chiến tranh này, Mẹ sẽ đến yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ và sự hiệp thông đền tạ vào các ngày thứ Bảy đầu tháng”, Sơ Luxia, một trong những thị nhân, đã viết như thế trong cuộc hồi ký vào năm 1941, có mục đích mô tả chi tiết các yêu cầu của Đức Mẹ và được trao cho Đức Giám mục sở tại.
Sơ Luxia nói tiếp trong hồi ký: “Nếu người ta chấp nhận những yêu cầu của Mẹ, thì nước Nga sẽ trở lại và người ta sẽ có hòa bình; nếu không nó sẽ gieo rắc sai lầm của nó trên khắp thế giới, gây ra chiến tranh và những cuộc bách hại chống lại Giáo hội. Những người tốt sẽ chịu tử vì đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải đau khổ nhiều, nhiều quốc gia sẽ bị tàn phá. Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ chiến thắng. Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến nước Nga cho Mẹ, nó sẽ trở lại, và thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình nhất định”.
Lời yêu cầu này, vốn là đối tượng của các cuộc thảo luận gay cấn trong Giáo hội Công giáo, đã thúc đẩy Đức Piô XII, vào ngày 31/10/ 1942, thánh hiến toàn thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Vào ngày 7/7/1952, ngài tiếp tục hành vi thiêng liêng này bằng cách minh nhiên thánh hiến nước Nga cho Mẹ, trong Tông thư “Sacro Vergente Anno”.
Một nghi thức trong Vương cung thánh đường thánh Phêrô
Ngày 21/11/1964, Đức Phaolô VI tiếp tục thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ trước sự hiện diện của các Nghị Phụ của Công đồng Vatican II. Rồi, vào năm 1981 và 1984, chính Đức Gioan-Phaolô II một lần nữa thánh hiến “toàn thế giới” theo yêu cầu được ghi chép lại bởi các thị nhân của Fatima. Vào thời đó, nhiều người thân cận với Đức Gioan-Phaolô II, và cách riêng trong ngoại giao Vatican, đã khuyên ngài không nên thánh hiến nước Nga cách riêng biệt.
Cử chỉ này có lẽ đã được giải thích sai vào thời chiến tranh lạnh, và đã làm phật lòng các nhà lãnh đạo Chính Thống giáo. Một lời phê bình mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn tránh bằng cách cùng một lúc thánh hiến cả hai nước đang giao chiến.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thánh hiến hai nước vào ngày 25/3, ngày Lễ Truyền Tin, trong một nghi thức sám hối, sẽ diễn ra ở Vương cung thánh đường thánh Phêrô.
Tý Linh (theo nhật báo La Croix và Vatican News)
http://xuanbichvietnam.net/trangchu/duc-phanxico-se-thanh-hien-ucraina-va-nga-cho-trai-tim-vo-nhiem-duc-me/