Chủ nghĩa giáo quyền
Đức Giám mục Paul-André Durocber, Tổng Giám mục giáo phận Gatineau, Québec,
Canada, cựu Chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada (2013-2015).
Trích sách Từ điển giản yếu của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô, nxb. Cerf
Hàng năm chủ tịch và tổng thư ký Hội đồng Giám mục Canada đi Rôma vài ngày để thăm các thành viên trong giáo triều Rôma và để gặp Đức Giáo hoàng. Một năm nọ, khi tôi còn làm chủ tịch Hội đồng Giám mục, linh mục tổng thư ký của chúng tôi bị đau và chúng tôi cử ông phó thư ký đi thay, ông là một giáo dân. Một vài phút trước buổi tiếp kiến, ban tổ chức cho chúng tôi biết người giáo dân phó thư ký này có thể chào Đức Giáo hoàng và chụp hình với ngài, nhưng không được phép dự buổi hội kiến vì không phải là sứ vụ viên đã chịu chức. Phó chủ tịch hội đồng Giám mục và tôi năn nỉ và giải thích, ông này là phó tổng thư ký từ hai mươi năm nay và ông biết giữ kín các câu chuyện của Tòa Thánh hơn bất kỳ ai khác ở Canada. Ban tổ chức cho chúng tôi biết họ sẽ hỏi ý kiến Đức Giáo hoàng. Chúng tôi vui mừng trong hy vọng được ngài chấp thuận.
Khỉ cả bốn chúng tôi an tọa, Đức Phanxicô nói đại ý như sau: “Ban tổ chức hỏi ý kiến tôi, liệu ông phó tổng thư ký của anh em có được dự buổi hội kiến không. Tôi hỏi: ‘Ông đó có rửa tội chưa? Chắc chắn là ông đó có thể dự với chúng tôi’. Tôi rất vui thấy các anh đã đề cử một giáo dân ở chức vụ trách nhiệm này trong hội đồng giám mục. Nạn giáo quyền là một căn bệnh làm hủy hoại Giáo hội chúng ta”. Sau đó ngài quay qua ông phó tổng thư ký và nói với ông: “Tôi rất vui vì anh là giáo dân”. Nghe như vậy, anh phó tổng thư ký chúng tôi trả lời lại ngay: “Còn con, con rất vui cha là giáo hoàng!” Chúng tôi tất cả đều bật lên cười.
Đối với Đức Phanxicô, vấn đề giáo quyền là trọng tâm của các quan hệ đôi khi rất phức tạp giữa hàng giáo sĩ và giáo dân trong nội tình Giáo hội. Dĩ nhiên Đức Phanxicô không phải là giáo hoàng đầu tiên tấn công tệ nạn này. Từ năm 1946, Đức Piô XII đã lên tiếng trong một bài diễn văn nói với các tân hồng y:
Trong nội bộ Giáo hội, không có yếu tố tích cực và tiêu cực, không có các nhà lãnh đạo và các giáo dân. Tất cả thành viên của Giáo hội được gọi để cùng hợp tác trọn vẹn với nhau trong Chi thể Chúa Kitô. […] Các tín hữu phải luôn ý thức và khẳng định không những họ thuộc về Giáo hội, mà còn là Giáo hội, có nghĩa họ là một cộng đoàn tín hữu ở trần thế dưới quyền uy của giáo hoàng, người đứng đầu cộng đoàn và quyền uy của các giám mục cùng hiệp thông với giáo hoàng. Họ là Giáo hội.
Công đồng Vatican II sẽ thiết lập giáo huấn này trên nền tảng là nhân phẩm chung của tất cả các tín hữu đã được rửa tội và đưa ra các ứng dụng này trong nhiều tài liệu, đặc biệt là trong Hiến chế Tín lý về Hội thánh (Lumen Gentium) và Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (Apostolicam Actuositatem). Đức Gioan-Phaolô II cũng thành lập một thượng hội đồng và ra Tông huấn Kitô hữu Giáo dân (Christifideles Laici) về vấn đề này. Dù vậy, gần 75 năm sau Tông thư Thân thể Mầu nhiệm (Mystici Corporis) của Đức Piô XII, Đức Phanxicô cho rằng các giáo huấn của Giáo hội về sự tham dự trọn vẹn của giáo dân vẫn còn nhiều điều phải thực hiện. Giống như hồng y Marc Ouellet, bộ trưởng Bộ Giám mục đã nói: “Tôi nhớ một câu rất nổi tiếng ‘Bây giờ là giờ của giáo dân’ nhưng hình như đồng hồ chưa ngừng lại ở đây” (thư ngày 19 tháng 3 – 2016).
Kinh nghiệm khi còn làm giám mục ở Buenos Aires đã giúp ngài nhận ra một vài thái độ có hại cho sự triển nở các đặc sủng của tín hữu trong Giáo hội. Vài tháng sau khi được bầu chọn, ngài đã chẩn đoán vấn đề này trong bài diễn văn đọc trước các giám mục trong hàng lãnh đạo của hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh:
Chủ nghĩa giáo quyền […], là một sự đồng lõa tội lỗi: cha xứ giáo quyền hóa và giáo dân xin cha xứ để được giáo quyền hoá, bởi vì như thế sẽ dễ dàng cho họ. Hiện tượng chủ nghĩa giáo quyền giải thích, phần lớn, là do thiếu trưởng thành và thiếu tự do trong tinh thần kitô nơi một phần của thế tục […] [28 tháng 7 – 2013].
Ngài nhấn mạnh, đây không phải chỉ do các thành viên giáo sĩ tạo vấn đề, muốn bám vào quyền lực của họ, nhưng vấn đề cũng do giáo dân không muốn nhận phần trách nhiệm của mình, đó là hoàn toàn dấn thân vào đời sống Giáo hội.
Trên thực tế, cự lại với cám dỗ của chủ nghĩa giáo quyền đòi hỏi nhiều đối với giáo sĩ cũng như giáo dân. Nó đòi hỏi một sự hợp tác đích thực, một chia sẻ quyền lực và các phương pháp mới trong quyền quyết định. Đức Phanxicô đã đưa ra ví dụ cho hướng đi mới này trong bài nói chuyện với các giám mục Châu Mỹ La Tinh:
Đề nghị của các nhóm nghiên cứu Thánh Kinh, của các cộng đoàn giáo sĩ nền tảng và của các hội đồng cố vấn mục vụ trong đường hướng vượt lên chủ nghĩa giáo quyền và mở rộng trách nhiệm ra cho giáo dân.
Theo Đức Phanxicô, không những chủ nghĩa giáo quyền gây trở ngại cho sự tăng trưởng của giáo dân trong Chúa Kitô, mà nó còn làm biến chất chính hàng giáo sĩ, làm xa các phó tế, các linh mục, các giám mục của giáo dân, hệ quả của việc này là thể chế hóa Giáo hội và làm cớ cho nhiều chuyện xấu. Trong bài giảng sáng thứ hai 5 tháng 12 năm 2016 tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Phanxicô đã nhắc lại thái độ đáng tiếc của các thầy cả vào thời Chúa Giêsu. Những người này đã coi thường giáo dân mà họ có trách nhiệm dẫn dắt, “người dân khiêm tốn và nghèo hèn, bị những người nắm giữ luật ruồng bỏ”. Và bây giờ vẫn còn tình trạng này.
Các giáo sĩ cảm thấy mình ở cấp cao, họ xa dân, […] họ không có thì giờ để lắng nghe người đang đau khổ, người nghèo, người bệnh, người bị giam tù: bệnh giáo quyền là một cái gì rất xấu, […] nạn nhân luôn giống nhau: người dân nghèo hèn khiêm tốn luôn chờ trong Chúa.
Một khía cạnh khác của chủ nghĩa giáo quyền làm Đức Phanxicô lo âu: khuynh hướng giao cho giáo dân làm giáo sĩ. Trong bài diễn văn nói với các thành viên của hiệp hội Ý Corallo (mạng lưới truyền thanh, truyền hình), Đức Phanxicô nhắc đến kinh nghiệm ở Buenos Aires:
Ở đất nước tôi, tôi hay nghe như sau: “Cha biết không, con, trong giáo xứ của con, con có một giáo dân rất giỏi: một người có tài tổ chức xuất chúng… Trọng kính cha, vì sao chúng ta không phong họ làm phó tế?” Đó là đề nghị ngay lập tức của linh mục: giáo sĩ hóa họ. […] Và tại sao? Vì phó tế, linh mục thì quan trọng hơn giáo dân hay sao? Không! Sai lầm! Giáo dân thì tốt hơn sao? Họ tiếp tục như vậy và lớn lên như vậy. Bởi vì như thế là tốt cho bản sắc của sự thuộc về trong tinh thần kitô. Theo tôi, chủ nghĩa giáo quyền ngăn chận sự phát triển của giáo dân [22 tháng 3 – 2014].
Ở đây Đức Phanxicô đả kích sự lượng định từng phần về ơn gọi đặc biệt của giáo dân, sự đánh giá thấp sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới. Ngài không chấp nhận một thái độ cho rằng chỉ có chức thánh mới có giá trị và quan trọng. Các giáo dân dấn thân và được trao quyền, đó là chìa khóa của một Giáo hội truyền giáo mở rộng, một Giáo hội thực sự có khả năng loan truyền “Niềm vui Tin Mừng” cho những người biết lắng nghe của thế giới hiện nay.
Điều này giúp chúng ta hiểu các nghi ngờ của ngài về việc phong hồng y, phong phó tế cho phụ nữ. Đối với việc phong nữ hồng y, nhật báo Ý La Stampa trích lời Đức Phanxicô: “Tôi không hiểu ở đâu phát xuất lời nói đùa này. Các phụ nữ trong Giáo hội phải được nâng giá trị, chứ không phải ‘giáo sĩ hóa họ’. Những ai mơ có nữ hồng y thì họ hơi bị bệnh giáo quyền” (15 tháng 12 – 2013). Và trong lần gặp Hiệp hội quốc tế các Bề trên tổng quyền ngày 12 tháng 5 – 2016, dù ngài đã đồng ý thành lập ủy ban nghiên cứu về lịch sử các phụ nữ phó tế trong Giáo hội, nhưng ngài cũng lặp lại lời của mình về nguy cơ giáo sĩ hóa giáo dân, nam giới cũng như nữ giới.
Hiển nhiên điều này cho rằng, vì sao trong quá khứ cho người này và không cho người khác: vì sao sẽ là bình thường nếu phong cho một số người làm phó tế vĩnh viễn nếu đây là ơn gọi của họ, mà phong chức cho một số phụ nữ thì có nghĩa là tự động nhượng bộ cho việc giáo sĩ hóa? Mặt khác, Đức Phanxicô thường nêu lên việc mở ra cho phụ nữ trong việc phân bố các chức quyền trong Giáo hội, không nhất thiết phải cho họ các chức vụ của hàng giáo sĩ. Điều này đến lượt nó lại nêu lên vấn đề các mối dây liên hệ giữa quyền lực của các chức vụ và quyền lực quản trị trong Giáo hội. Nhưng đó là chủ đề của một bài viết hoàn toàn khác.