Vợ tôi vẫn hay nói vậy: Ngoài kia đủ mệt rồi, sao về nhà chúng ta vẫn gây mệt mỏi cho nhau?
Nhà. Chúng ta ai cũng nói: Là nơi bão dừng chân ngoài cánh cửa. Nhưng bao nhiêu người vẫn mang bão về nhà? Hầu hết mọi đứa trẻ đều mong mẹ về nhưng sao mẹ về luôn đi cùng lời quát tháo “Nhà cửa sao để bừa bộn thế kia? Sao còn ngồi đấy mà không dọn dẹp đi?”. Bao nhiêu người cha mang bão về từ những bất bình của họ ngoài kia? Bị sếp mắng không bật lại được nên trút vào vợ, vào con? Giờ tan tầm của đô thị chục triệu dân lúc nào cũng đỏ quạch nên mặt mũi ai lúc về đến nhà cũng đỏ quạch theo.
Người nhà. Chúng ta đều hiểu nghĩa của người nhà không phải là người sống cùng trong một ngôi nhà. Nhưng chúng ta lại cư xử với nhau đúng kiểu người dưng sống chung một nhà. Là người dưng thì mới chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình mà không thèm để tâm đến cảm xúc người bên cạnh chứ, đúng không? Chỉ thấy cái mệt của mình là to mà chẳng thấy cái mệt của người, coi cái mệt của người bé mọn. Lũ trẻ đi học cũng áp lực lắm chứ! Chẳng phải chỉ áp lực học hành đâu, còn là áp lực giữa bạn bè với nhau. Ừ thì trẻ con mà, nên áp lực cỏn con ư? Chồng coi nhẹ áp lực của vợ vì chỉ thấy mình quan trọng hơn vợ. Vợ vì những áp lực của bản thân mà xả vào chồng con vì người thân thì phải chịu, thế thôi!
Ngoài kia đủ mệt rồi! Cho nhau một chốn ngủ ngon được không? Cho nhau 3 chữ “Về-Nhà-Thôi!” được hân hoan lại. Cho những đứa trẻ mong ngóng mẹ về để được ùa chạy vào lòng mẹ mà thấy mình là đứa trẻ hạnh phúc nhất. Cho những người vợ trở về nhà là được làm vợ hạnh phúc, làm mẹ hạnh phúc. Cho những người chồng trở về nhà là được trở về chính mình, chẳng phải gồng lên làm đàn ông đầu đội trời, chân đạp đất. Đầu có thể gối vào chân vợ- chân có thể gác lên đùi vợ. Mà bật cười khi bị vợ mắng “chồng đoảng nhất nhà”, mà “tranh thủ làm tí chút” với nhau như hồi đương yêu…
Ngoài kia đủ mệt rồi, về nhà xin hãy mệt vì cười, mệt vì yêu, mệt vì trái tim lúc nào cũng rộn rã với những điều nhỏ bé mà kỳ diệu chúng ta dành tặng nhau đi, được không?
(Sưu tầm)