Khoảng cách thế hệ ngày càng xa

Chủ nhật - 05/04/2015 05:00

-

-
“Người lớn càng cố níu kéo quyền lực trong khi người trẻ càng cố vùng vẫy dứt ra. Cho nên cái nắm tay đó không bao giờ chặt cả. Cảm xúc cả hai đều tiêu cực, vì không có đối thoại chia sẻ”
Khoảng cách thế hệ ngày càng xa
 
Giữa phụ huynh với con cái, thầy cô với học sinh ngày càng cách biệt bởi điều kiện sống, lối suy nghĩ, giá trị sống... thay đổi. Cái đáng lo ngại là cả hai phía ít khi chịu khó tìm cách rút ngắn khoảng cách ấy.
 

Cô gái này phản ánh một số mâu thuẫn, khác biệt về quan điểm sống giữa người trẻ
và phụ huynh tại buổi tọa đàm "Mẹ và con gái" diễn ra gần đây
tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
 
Ưu tư của người cha
 
Năm nay đã 60 tuổi nhưng có con mới 10 tuổi, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhìn nhận giữa cha con ông có một khoảng cách rất lớn. Đó là do khác biệt về tuổi tác, tính cách, sự hiểu biết, lối sống, suy nghĩ... Ông day dứt: “Điều tôi cảm thấy khó khăn nhất là khi truyền đạt những điều tốt đẹp, mong muốn hạnh phúc, niềm tin với con. Tôi rất muốn trao cho con những kinh nghiệm, kiến thức mình thu thập được nhưng nó không có khả năng và cũng không có hứng thú lĩnh hội”. Ông và con cũng còn nhiều bất đồng khác. Chẳng hạn đứa con đang học lớp 4 sử dụng máy tính để tính toán, ông Tuấn không chịu. Ông cho rằng như vậy “sẽ tạo cho con thói quen lười suy nghĩ, không tự làm được phép tính do lệ thuộc quá sớm vào máy tính”. Trong khi đó con ông lại nghĩ đây là việc bình thường, chẳng có gì mà ầm ĩ.
 
Những ưu tư của một người hành nghề gia sư như ông Tuấn không chỉ dừng lại ở đó. Ông nhận xét, từ khi có những công nghệ hiện đại như internet, điện thoại di động, iPad..., sự kết nối giữa cha mẹ và con cái trở nên rất lỏng lẻo. Bố đi làm về 7 giờ tối là bật ti vi xem, còn đứa con bên cạnh cũng xem phim hoạt hình, chơi game trên điện thoại di động. Không ai chú ý đến ai.
 
Tâm sự của người con
 
Trong khi đó, ở góc độ đứa con, Nguyễn Thị Thùy Diệu (23 tuổi, quê Lâm Đồng, cựu sinh viên Trường CĐ Bách Việt) thẳng thắn nhìn nhận giữa bạn và cha mẹ bạn đang tồn tại khoảng cách lớn, với nhiều điều khác biệt.
 
Diệu giải thích: “Em không sống gần cha mẹ đã lâu do đi học xa trong khi cha mẹ em suốt ngày lo làm vườn. Cha mẹ tuy có trách nhiệm với em nhưng sự gắn kết yêu thương thì ít. Hơn nữa, gia đình em giáo dục theo kiểu phong kiến, con cái không bao giờ được cãi lời. Em nói ra điều gì, mẹ đều phản đối…”.
 
Theo Diệu, cách giáo dục áp đặt từ trên xuống dưới, người nhỏ tuổi phải nghe mệnh lệnh của người lớn tuổi hơn đã không còn phù hợp. Trong gia đình, ba mẹ đừng buộc con mình phải làm theo những quy tắc cũ. Thay vào đó cần sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Diệu bày tỏ: “Cha mẹ em hay bảo tụi em phải cố gắng học, vì nhà mình nghèo. Thực sự khi nghe nhắc hoài như vậy, tụi em cảm thấy không thoải mái. Em muốn bản thân mình có sự tự giác, tự nhận thức về hoàn cảnh của mình để cố gắng”.
 
Mặc dù từ nhỏ đến lớn sống chung với cha mẹ nhưng Hoàng Nguyên (Q.12, TP.HCM) cũng cảm thấy lạc lõng ngay trong gia đình mình. Nguyên cho biết cha mẹ luôn kiểm soát chặt chẽ thời gian của Nguyên. Đặc biệt, ba Nguyên tuyệt đối không mắc internet với những lý do: “Mày không thể học dốt khi không có mạng”, hoặc “Sau này ra trường đi làm, không ai đuổi mày vì mày không có internet đâu!”... Sau một thời gian dài gò bó và mệt mỏi, Hoàng Nguyên học hành sa sút hẳn. Cô liên tục nói dối ba mẹ tham dự hoạt động trên trường sau giờ học nhưng thực chất là đi chơi, đi quán bar.
 
Không chỉ có Diệu, Nguyên mà nhiều bạn trẻ khác đã đăng tải trên Facebook những tâm tư, bức bối về cuộc sống, thậm chí về người thân nhưng cha mẹ không hề hay biết.
 

Phụ huynh (phải) trong một lớp học đối thoại với người trẻ
do Nhà thiếu nhi TP.HCM tổ chức vào tháng 3.2015 -  Ảnh: Như Lịch
 
Quyền lực người lớn
 
Gần đây, đứa cháu họ của tôi buồn rầu do bị ba ép phải cho xem những tin nhắn riêng tư trên Facebook. Lúc đầu, cậu bé phản ứng: “Sao ba lại xem tin nhắn riêng của con?”. Ba cậu bé đanh giọng: “Vì con là con của ba nên ba có quyền biết tất cả những gì thuộc về con”. Biết là khó thoái thác, cậu bé miễn cưỡng mở hộp thư. Tuy nhiên, từ dạo ấy, cậu bé càng có vẻ xa cách, ít tâm sự với ba mẹ hơn.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từng nhìn nhận: “Giá trị sống hiện nay đã có sự thay đổi. Nhiều bậc cha mẹ luôn cho rằng phải học mới thành tài nhưng có những bạn trẻ không nghĩ như vậy. Tôi nghe những người trẻ bây giờ nói với nhau: Đừng tự hào vì nghèo mà học giỏi. Hãy tự hỏi tại sao giỏi mà vẫn nghèo!”.
 
Đề cập đến quyền lực người thầy và người lớn nói chung, thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng xã hội đang tồn tại xung đột thế hệ rõ rệt. Cô Huyền nhận xét: “Cha mẹ, thầy cô và người lớn thường tự cho mình có quyền nhiều hơn người trẻ. Ở nhà trường, nhiều giáo viên cố tạo ra quyền lực để học trò phải sợ và phục tùng mình. Nhiều thầy cô nắm quyền tối thượng trong lớp, có quyền quyết định các chuẩn mực đạo đức, nguyên tắc ứng xử trong nhà trường, bất chấp điều đó hợp lý hay không. Trong khi đó, người trẻ bây giờ được tiếp thu nhiều cái mới, nên cũng có ý thức rất cao về quyền của mình”.
 
Theo cô Thu Huyền, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột trên, đó là: Giáo viên nhận thức sai về quyền lực của mình, trách nhiệm đối với xã hội và khối lượng công việc quá lớn khiến họ không có điều kiện tìm ra giải pháp khác để giáo dục học trò. Mặt khác, điều này còn do ảnh hưởng văn hóa lâu nay, ở đó mọi người chấp nhận khoảng cách quyền lực rất xa giữa các thứ bậc khác nhau như trong quan hệ thầy - trò, cha mẹ - con cái, sếp - nhân viên…
 
“Người lớn càng cố níu kéo quyền lực trong khi người trẻ càng cố vùng vẫy dứt ra. Cho nên cái nắm tay đó không bao giờ chặt cả. Cảm xúc cả hai đều tiêu cực, vì không có đối thoại chia sẻ”, cô Huyền nói. Vì vậy, theo cô Huyền, thay vì dùng quyền lực, người lớn nên tạo uy tín, sự gương mẫu và cần thay đổi nhận thức của chính bản thân mình trước khi muốn người trẻ thay đổi.
 
Chủ động gỡ bỏ rào cản
 
Nhìn vẻ tươi vui, năng động của Đặng Phước Tâm (sinh viên năm ba Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), không ai nghĩ rằng chàng trai này một thời rất nhút nhát. Tâm nhớ lại: “Trước đây, em xin đi chơi, giao lưu bạn bè, mẹ không cho đi vì sợ em giao du với những người xấu. Từ sự ràng buộc, giữ kỹ của mẹ, từ nhỏ em mắc phải hội chứng sợ đám đông, trong lớp em không dám giơ tay phát biểu”.
 
Ngã rẽ đến với Tâm khi anh chàng tình cờ được một người bạn dẫn đi tham gia một buổi nói chuyện “Đánh thức tiềm năng”. Từ đó, Tâm thay đổi nhận thức bản thân và tập thuyết trình trước đám đông. Khi trở thành sinh viên năm nhất, Tâm đã mạnh dạn viết một bức tâm thư gửi cho mẹ. Trong đó, chàng trai Tâm kể về thời thơ ấu lúc nào cũng quấn quít bên mẹ, nhưng càng lớn càng có khoảng cách, thậm chí một cái ôm cũng không có… “Mẹ em đọc xong thư thì khóc quá trời. Từ đó, mẹ quan tâm đến em hơn”, Tâm bày tỏ.
 
Tâm cho biết hiện nay giữa cha mẹ và Tâm vẫn còn những mâu thuẫn, bất đồng. Chàng trai này lý giải: “Người lớn tuổi hay bảo thủ, muốn an toàn và chỉ nhìn vào những mặt thất bại để ngăn cản. Trong khi đó, tụi em là người trẻ ưa thích khám phá cái mới, muốn mạo hiểm. Do vậy, tùy hoàn cảnh mà em cân nhắc để kết hợp, dung hòa hai yếu tố này. Mặt khác, em chủ động nói chuyện, chứng tỏ sự trưởng thành của bản thân để gầy dựng lòng tin nơi ba mẹ”.
 
Bà Vũ Hoàng Thục, Giám đốc điều hành Công ty Quà của bố, cho hay ngay từ khi con còn nhỏ, bà luôn gọi con là “bạn”. Bà Thục tự tin cho biết: “Nếu chúng ta cho phép con gọi mình là bạn thì các bạn ấy không hề xem thường mà rất tôn trọng mẹ. Bản thân chữ “bạn” giúp cho con của mình thấy có trách nhiệm với bản thân và với mẹ, với gia đình. Bạn ấy có quyền được nói, được quyền bảo vệ cho điều bạn nói và thuyết phục người khác…”. Theo bà Thục, một trong những cách để rút ngắn khoảng cách thế hệ là việc chúng ta cần tôn trọng cảm xúc thật của trẻ và điều chỉnh hành vi. Người lớn cần làm gương chứ đừng chỉ làm mẫu, tức là hãy làm những điều mình dạy bảo cho con.
 
Bà Nguyễn Thị Mai (ở P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM) khẳng định khoảng cách thế hệ là do chính cha mẹ, người lớn tạo nên. Bà Mai chia sẻ kinh nghiệm: “Không phải cứ học cho cao, cho nhiều thì biết cách giải quyết vấn đề. Quan trọng là mình biết cách nhìn nhận, nắm bắt cách sinh hoạt của mỗi thế hệ khác nhau, từ đó có ứng xử phù hợp”.

Tác giả: Như Lịch

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập593
  • Hôm nay70,162
  • Tháng hiện tại890,821
  • Tổng lượt truy cập56,992,458
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây