Bài thuyết trình của Linh mục MARCO FERNANDO DA SILVA LUÍS, Phó Cáo thỉnh viên, tại buổi Hội thảo về Đức Hồng y PX Nguyễn Văn Thuận nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của ngài, ngày 15/9/2022, với chủ đề: “ĐỨC HY VĂN THUẬN: CUỘC ĐỜI, SỰ THÁNH THIỆN VÀ SỨ VỤ”.
Xin gửi lời chào đến quý vị đang hiện diện ở đây và theo dõi trực tuyến Kỷ niệm 20 năm ngày mất của ĐHY PX Nguyễn Văn Thuận.
Chúng ta suy niệm về cuộc đời và sự thánh thiện của ngài, sứ mạng của ngài, cũng như đang cầu nguyện chiều nay trước Thánh Thể và Mẹ Mân Côi cùng thế giới tại nhà thờ Santa Maria della Scala, nơi chôn cất thi hài của Đức HY đáng kính của chúng ta; cũng như trong thánh lễ cử hành trọng thể được cử hành hàng năm vào ngày giỗ của ngài (16/3/2002).
Thưa các anh chị em thân mến, đã hết lòng vì Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận – cũng như tôi – kể từ 20 năm trước, mặc dù tôi đã cộng tác trong Án phong Chân phước này được 10 năm, và trong 3 năm với tư cách là Phó Cáo Thỉnh viên của Án.
Nói tới đời sống thánh thiện của Đức HY Nguyễn Văn Thuận thì rất dễ, vì cả cuộc đời ngài là sự hiện thực hóa tên ngài trong tiếng Việt: VĂN THUẬN, nghĩa là một lòng kiên định để thi hành thánh ý của Thiên Chúa, để uốn nắn đời mình theo thánh ý Thiên Chúa. Trên thực tế, ngài là một công cụ mềm dẻo, giữa những nghịch cảnh lớn nhất của cuộc đời ngài, để thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Ngài sống các nhân đức Tin, Cậy, Mến ở mức độ cao nhất, như được minh chứng trong các sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nâng ngài lên Bậc Đáng kính vào 4 năm trước. Trong ơn gọi đến chức linh mục của mình, ngay từ lần đầu tiên khi cha Thục ẳm Văn Thuận trong tay, ngài đã nhìn thấy nơi đứa trẻ này là một linh mục tương lai. Cha Thục không tiết lộ ước mơ này cho bà Hiệp, tức là mẹ của Đức HY, nhưng từ khi Văn Thuận bắt đầu tập nói, người chú của cậu đã thì thầm vào tai cậu rằng Chúa đang gọi cậu đến với chức linh mục.
Chính tại Tiểu Chủng viện An Ninh, Nguyễn Văn Thuận đã nhận thức rõ hơn về linh đạo đặc biệt của mình. Ngài bắt đầu biết cầu nguyện từ năm 3 tuổi dưới sự hướng dẫn của mẫu thân. Và khi lên 8 tuổi, ngài đã có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Trinh nữ Maria.
Trong Tiểu Chủng viện, Nguyễn Văn Thuận có may mắn được gặp và sống với những con người thánh thiện, những người mà đức tin và linh đạo đã ủng hộ Thuận rất nhiều trên đường theo Chúa. Văn Thuận đặc biệt dâng mình cho sự bàu cử của 3 vị Thánh mà ngài nhận làm mẫu gương: Thánh Phanxicô Xaviê, thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, và thánh Gioan Maria Vianney. Từ đó ngài đã học cách sống phó mình hoàn toàn vào thánh ý của Thiên Chúa, nhiệt thành vì Danh Chúa, với lòng yêu mến các bí tích và tinh thần truyền giáo.
Đức Mẹ là một tình yêu của ngài từ thuở còn bé, và tiếp tục hiện diện rõ ràng trong suốt cuộc đời của ngài, trong lúc hồi phục lại sức khỏe khi là một linh mục trẻ bị bệnh, trong thời gian học tại Rôma với những chuyến hành hương đến các Đền thờ Lộ Đức và Fatima, trong suốt thời gian bị giam cầm, lúc bị bệnh cho đến cuối đời…
Với lòng tín thác trọn vẹn vào Mẹ, ngài đã kêu cầu Mẹ. Thuận cũng tuyên bố không chút dè dặt: Mẹ của tôi đã thấm nhuần trong trái tim tôi khi còn nhỏ tình yêu dành cho Mẹ Maria. Và ngài rất vui mừng vì những sự kiện chính trong cuộc đời ngài luôn trùng hợp với các ngày lễ chính kính Đức Mẹ. Thuận luôn nhận được sức mạn lớn lao từ tình yêu của mình dành cho Mẹ Maria.
Cuộc sống trong tù của Văn Thuận
Những kẻ bắt ngài cố tìm cách làm cho ngài bị khuất phục, và có vẻ như họ đã gần thành công. Khi đầu óc Đức HY Nguyễn Văn Thuận dường như đang bỡn cợt với ngài vì trí nhớ gần như hoàn hảo của ngài dần dần suy yếu khi ngài cố gắng đọc ngay cả những lời kinh quen thuộc nhất, nhưng không thể nhớ được các lời kinh trong Kinh Cầu nào đó. Ngài trở nên hoảng sợ. Ngài cố gắng đọc Kinh Lạy Cha và Kính Kính mừng nhưng bị sốc khi nhận ra rằng mình không thể làm được điều đó. Sự cô lập của ngài hết sức đặc biệt. Ngài bắt đầu tự hỏi tại sao Chúa lại cho phép ngài lãng phí nhiều thời gian trong tù như vậy. Một ngày nọ khi đang cầu nguyện, ngài than phiền rằng mình không thể phục vụ được giáo dân của mình, thì trong tâm trí ngài chợt nghe những lời sau đây: Một bên là công việc của Chúa, bên khác là chính Thiên Chúa. Đột nhiên ngài nhận ra rằng ngay cả khi ngài không thể làm công việc của Chúa, ngài vẫn có thể tiếp tục yêu mến Chúa. Và yêu mến Chúa thì quan trọng hơn là yêu công việc của Chúa.
Đây là khoảnh khắc mặc khải đầy biến đổi cho Đức HY Nguyễn Văn Thuận. Ngài tưởng tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh, và nhận ra rằng chính vào thời điểm Chúa Giêsu cảm thấy hoàn toàn đơn độc, tay chân bị đóng đinh trên thập giá và mạng sống từ bỏ thân xác, chính là lúc Chúa làm được nhiều hơn cho nhân loại. Trong giây phút yếu đuối nhất, Chúa Giêsu đã cứu chuộc thế gian.
Văn Thuận cuối cùng hiểu ra được sự thật mà Chúa đang bày tỏ cho ngài. Trong những năm làm việc trong vườn nho của Chúa, ngài nghĩ mình đang làm việc cho Chúa, nhưng thực ra chính Chúa mới là người thực hiện những công việc đó và ngài chỉ là công cụ của Chúa mà thôi.
Chúng ta có thể rút ra bao nhiêu bài học thiêng liêng cho cuộc đời mình từ thử thách thiêng liêng này của cuộc đời Đức Giám mục trẻ Nguyễn Văn Thuận.
Điều thứ ba tôi muốn nói về đời sống thiêng liêng của ngài với Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong tù, một số lính gác nhắm mắt làm ngơ cho nên Đức Cha Thuận đã nhờ người gửi rượu để làm thuốc chữa bệnh đau bụng kèm theo vài mẫu bánh mì giấu trong chiếc đèn pin vào trong tù. Bằng cách này ngài đã có thể cử hành Thánh lễ và ban Thánh Thể cho những người công giáo bị giam chung với ngài. Nhưng ngài phải hết sức cẩn trọng lưu ý vì các lính canh luôn để mắt đến ngài. Ngài cũng phải thận trọng với những dự phòng quý giá của mình, một vài giọt rượu trong tay và vài mẩu bánh nhỏ xíu là đủ rồi. Giờ đây với bí tích Thánh Thể hằng ngày, Văn Thuận cảm thấy niềm vui không ngớt.
Tôi có thể khẳng định cách chắc chắn rằng tình yêu của Văn Thuận đối với Chúa Giêsu Thánh Thể là cội nguồn sâu xa nhất làm nên sự thánh thiện của ngài. Đó là điều mà cộng đồng dân Chúa trong cảm thức đức tin nhìn nhận nhiều nhất trong cuộc đời Văn Thuận, và tạ ơn Chúa vì điều này. Trong những thời điểm mà sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu Thánh Thể bị đưa ra chất vấn như ngày nay, và qua đó gây ra những hậu quả nguy hại cho đời sống thiêng liêng và cho Giáo Hội, chứng từ của Đức HY Văn Thuận mời gọi chúng ta sống với lòng biết ơn sâu xa vì món quà của Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể, và qua đó trở nên những người thờ phượng Thánh Thể đích thực.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày kết thúc giai đoạn cấp Giáo phận Án phong Chân phước cho
Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, ngày 06/7/2013. Nguồn ảnh: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Tình yêu của ngài dành cho Đức Mẹ
Đó là tình yêu đầy lòng tín thác dành cho Đức Mẹ mà ngài đã học được từ mẫu thân của mình. Khi còn là một linh mục trẻ, ngài được Đức Mẹ giúp đỡ trong lúc bệnh tật và tránh phải bị phẫu thuật. Tình yêu dành cho Đức Mẹ trong giờ thánh giá vào ngày ngài bị bắt, ngày 15/8/1975, và mỗi ngày cho đến ngày ngài được trả tự do sau 13 năm tù, cũng vào một ngày lễ kính Đức Mẹ. Tình yêu và niềm tín thác vào những gì Mẹ đòi hỏi ở ngài trong việc phục vụ Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Và Đức Mẹ đồng hành với ngài trong cơn hấp hối của ngài với kinh Kính Mừng. Tháng 8/1977, khi ngài đi tàu hỏa đến Lộ Đức, cũng như đã từng xảy ra với ngài trong rừng La Vang, Văn Thuận cảm thấy sự hiện diện thực sự của Đức Trinh nữ Maria khi ngài đến gần Lộ Đức. Ngài cầu nguyện trong hang đá và nghe trong lòng những lời giống như lời Đức Trinh nữ Maria đã nói với thánh Bernadette: Mẹ không hứa ban cho con niềm vui và sự an ủi trên mặt đất này, nhưng là những thử thách và đau khổ. Đột nhiên ngài nhận ra rằng những lời đó cũng dành cho mình. Khi ngài càng cầu nguyện thì càng thấy thông điệp này cách rõ ràng. Không hiểu hết những gì đang nói với mình, Văn Thuận lẩm bẩm: Nhân Danh Con Mẹ và nhân Danh chính Mẹ, lạy Mẹ Maria, con chấp nhận những thử thách và đau khổ. Trong khi ý nghĩ này đã đi sâu vào trái tim ngài, Văn Thuận không cảm thấy một chút cay đắng nào. Ngài biết rằng mình đã nghe rõ ra một lời mời gọi tử đạo và chấp nhận nó, nhưng ngài không hề mảy may biết nó bao gồm những thách thức và đau khổ gì.
Cuộc sống của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận tại Rôma
Được trở lại Thành phố Vĩnh cửu là một phép lạ khác đối với Đức HY Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã gặp Đức Gioan-Phaolô II nhiều lần, và xúc động rơi nước mắt khi Đức Thánh Cha tâm sự với ngài rằng Đức Thánh Cha đã theo sát cuộc tử đạo của ngài như thế nào. Đó là với Đức HY Agostino Casaroli, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, và với Đức HY Angelo Rossi, những người đã đến thăm cha mẹ ngài ở Úc vào năm 1980.
PX Nguyễn Văn Thuận đã tham gia một khóa học Thần học chuyên sâu để cập nhật kiến thức bản thân mình, và ngài có niềm vui được gặp gỡ những bạn bè đến từ khắp châu Âu và ở cùng ngài. Thỉnh thoảng ngài tự hỏi mình: Tại sao tôi lại ở đây, ở Rôma? Tại sao tôi vẫn còn sống? Chúa đã bảo toàn mạng sống của tôi, ngài còn dự trữ những gì cho tôi? Tuy nhiên ngài không còn cảm thấy gấp rút tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này. Tại thời điểm đó, ngài hạnh phúc vì được sống và được nhìn ngắm thế giới tươi đẹp.
Đức HY Nguyễn Văn Thuận sống giản dị như một đứa trẻ ngay cả khi ở Rôma, ngài luôn quan niệm quyền lực là để phục vụ. Ngài chỉ mặc một bộ đồng phục duy nhất, một ngôn ngữ bác ái. Đó chính là phương châm sống của ngài, khi ở trong tù cũng như khi phục vụ ở Vatican.
Bệnh tật
Sau cuộc phẫu thuận mà ngài phải trải qua ở Boston, Đức HY Nguyễn Văn Thuận phải vật lộn với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong hơn 1 năm. Nhưng ngài nhìn về tương lai và không hề sợ hãi hay lo lắng gì cả, bởi vì điều đó không quá quan trọng đối với ngài. Liệu Chúa còn ban cho ngài nhiều năm hay là ít năm để hoàn thành công việc của ngài? Điều quan trọng là đón nhận mọi sự xảy ra với mình như thánh ý Chúa đã dành cho mình. Ngài không hề tỏ ra buồn bã cay cú về bệnh tật, cũng không quy cho bất cứ điều gì về việc mình phải làm là khẩn cấp. Ngài hòa mình vào thánh ý của Thiên Chúa đến nỗi ngài không cảm thấy nhu cầu cần phải hoàn thành một cái gì đó bằng mọi giá hoặc để lại một di sản nào cả. Ngài tiếp tục sống từng ngày một giống hệt như ngài đã từng sống trong 13 năm bị giam cầm.
Ngài đã thăng tiến rất nhiều trên con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa, đến từng bước đã hoàn thành, và cảm tạ Chúa vì món quà tuyệt vời của cuộc sống. Ngài tìm thấy niềm vui trong từng khoảnh khắc trôi qua khi ngài bước tới sự viên mãn của lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu. Ngay trong những tháng cuối đời, ngài vẫn tiếp tục là một người cải cách và linh đạo của ngài tiếp tục mở rộng ra nhiều hướng. Ngài muốn linh đạo chính trị, phần khó hiểu nhất trong tất cả linh đạo của ngài, trở thành trung tâm thông điệp của ngài. Theo ngài, khi Thiên Chúa hiện diện trong các quyết định chính trị và ủng hộ các nỗ lực chính trị của một quốc gia, kết quả sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho quốc gia và cư dân của nó.
Cái chết của ngài
Ngài bị một dạng ung thư hiếm gặp từ tháng 12/2000 đến tháng 9/2002. Ngài qua đời ngày 16/9/2002 lúc 6g chiều tại Casa de Salud thánh Piô X ở Rôma. Ngài không hề tỏ ra đau đớn cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Mặc dù ngài không được uống thuốc giảm đau, nhưng nét mặt ngài vẫn bình thản.
Ngày 20/9/2002, tại Đền Thánh Phêrô, lễ tang được cử hành với Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Đức HY Angelo Sodano, và do Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II chủ tọa. Trong bài giảng từ biệt của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại: Trong những ngày cuối cùng, khi không thể nói được, Đức HY Nguyễn Văn Thuận vẫn chăm chú nhìn vào cây thánh giá trước mặt. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng trong khi hoàn tất hy lễ cuối cùng của mình. Đó như là cao điểm của một sự tồn tại được đánh dấu bằng sự kết hiệp đồng hình đồng dạng cách anh hùng của ngài với Đức Kitô trên thánh giá. Chúa đã thử thách ngài như vàng trong lò luyện kim, và đón nhận ngài như lễ toàn thiêu. Chúng ta thực sự có thể nói rằng niềm hy vọng của ngài tràn đầy sự bất tử; đó có nghĩa rằng tràn đầy Đức Kitô, sự sống và sự phục sinh cho những ai tín thác nơi Người.
Cũng giống như cuộc đời mình, cái chết của Đức HY Văn Thuận trên thực tế là một bằng chứng thực sự của niềm hy vọng. Đức Thánh Cha nói: Cầu cho di sản tinh thần cũng như niềm hy vọng của ngài tràn đầy sự bất tử. Ngài rời bỏ chúng ta nhưng tấm gương của ngài ở lại. Đức tin đảm bảo với chúng ta rằng ngài không chết, ngài chỉ bước vào ngày vĩnh hằng không biết mặt trời lặn.
Theo tôi, khi công nhận sự thánh thiện của Đức HY Nguyễn Văn Thuận, không phải chỉ xảy ra sau khi ngài qua đời, mà ngay trong sự chia sẻ cụ thể và hành trình của ngài với Chúa, bắt đầu từ tác phẩm nổi tiếng thế giới “Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá”, cũng như từ cuốn sách “Chứng Nhân Hy Vọng”, kết quả của cuộc tĩnh tâm mà ngài giảng cho Giáo triều Rôma năm 2000, chúng ta có thể nói rằng ngài đã có sự thánh thiện rồi. Đặc biệt là sau khi viết xong những tác phẩm này, khắp nơi trên thế giới người ta yêu mến một bậc vĩ nhân của Thiên Chúa, một người đã yêu mến Chúa của mình cho đến kết cuộc cuối đời. Tôi thậm chí muốn nói ra tất cả các tác phẩm của Đức HY Nguyễn Văn Thuận mà tôi đã tham gia dịch và xuất bản sang tiếng Bồ Đào Nha, là một biểu hiện của sự trải nghiệm trực tiếp và là một minh chứng sống động thu hút các độc giả, những người sau này trở thành bạn bè hoặc người yêu mến Đức HY Văn Thuận.
Biết rằng nếu không có lòng sùng kính riêng thì không có sự thờ phượng công khai trong Giáo hội, mà giờ đây chúng ta biết rằng chúng ta đang ở gần hơn, chúng ta chỉ còn trông đợi Chúa ban phép lành qua sự cầu bầu của ngài như một dấu chỉ Hội Thánh.
Tôi muốn làm chứng sự thánh thiện trong đời sống của Đức HY Nguyễn Văn Thuận qua nhiều người mà tôi đã gặp, bao gồm những ai đã tiếp xúc với vị thánh nhân này. Tất cả những lời khai đã nhấn mạnh đến nhân đức anh hùng ở mức độ cao nhất của ngài trong kinh nghiệm ngục tù.
Ở Mozambic, ngài là mẫu hình của sự tha thứ cho kẻ thù để lập lại hòa bình sau cuộc chiến tranh ác liệt và dai dẳng, mặc dù chỉ là một nhân vật được hàng nghìn người biết tới như trường hợp của tôi vào đầu năm 2020.
Ở phía Đông Bắc Brazil, vì thừa nhận một cuộc sống khó nghèo và không lệ thuộc vào của cải giống như một lời kêu gọi đón nhận chính nhân đức khó nghèo của Phúc âm, trong những năm tháng thực thi sứ vụ của ngài tại Brazil, mọi người bị cuốn hút bởi tình yêu sâu sắc và sự ngoan ngoãn của ngài đối với Đức Mẹ. Điều đó đã được chứng tỏ qua sự cầu nguyện liên lỉ và sự phó mình của ngài vào Chúa Giêsu qua Đức Mẹ.
Đối với nhiều người bị bách hại ở Iraq, ở Syria cũng như ở Trung quốc. Trong lời cầu nguyện tuyên phong Chân phước cho Đức HY Nguyễn Văn Thuận bằng ngôn ngữ của từng quốc gia này, hình ảnh người bị bách hại rất gần gũi và khiến người ta dễ dàng tiếp cận hình ảnh của Đức HY Nguyễn Văn Thuận.
Con có một quê hương Việt Nam, một đất nước được yêu mến qua nhiều thế kỷ, đó là niềm tự hào của con, niềm vui của con. Hãy yêu mến núi và sông của đất nước con… những lời này của Đức HY Văn Thuận thể hiện tình yêu đầy lòng hy sinh mà ngài đã sống ở đất nước của mình. Tình yêu đối với đất nước của ngài đã được khẳng định cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời cũng như trong giai đoạn lúc ngài sống tại Rôma, và từ Rôma tiếp xúc với nhiều cộng đồng người Việt trên thế giới. Nhưng lòng yêu mến đất nước không chỉ được thiết lập trên tình yêu mà mỗi người chúng ta dành cho đất nước của mình, như tình yêu của Đức HY Nguyễn Văn Thuận dành cho Việt Nam, mà nó còn là lời mời gọi hiệp nhất và tình huynh đệ mà ngài đã đáp trả lại với tư cách là đại sứ của công lý và hòa bình, theo sự ủy thác của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong công việc mục vụ tại Ủy ban Giáo hoàng Công lý và Hòa bình.
Cũng cần nhấn mạnh là những đóng góp của ngài trong bản Tóm tắt Giáo lý và Học thuyết Xã hội Công giáo, một trong những dấu ấn đặc biệt về sự phục vụ của ngài tại Rôma, và từ Rôma đến toàn thể Giáo hội và nền văn minh của chúng ta.
Niềm hy vọng bước vào những ngôi nhà nghèo không có ánh sáng của những người bệnh trên đảo Santiago ở Cape Verde qua đời sống của một Đức HY đơn sơ, bệnh tật, như mẫu gương chịu đau khổ của mỗi người trong họ, trong chuyến công du của ngài với những người trẻ. Những người này cũng truyền bá án phong Chân phước của Đức HY Văn Thuận vì sự giản dị và không lệ thuộc vào vật chất của cải mà ngài đã sống triều hồng y của mình.
Đức HY Nguyễn Văn Thuận là một dấu hiệu tiên tri tuyệt vời, hay chính ngài là tiên tri, của sự cải tổ Giáo triều Rôma mà ngài đã thể hiện bằng đời sống chứng nhân của mình, không cần phải lên tiếng. Ngài chạy một xe máy qua các đường phố của Rôma, sống trong một ngôi nhà đơn sơ, nấu ăn cho bạn bè, lắng nghe với tình người sâu sắc nhất và gần gũi với những người cộng tác với ngài ở Palace San Calisto này. Ngài là một Hoàng tử của Giáo hội, một hồng y và trong trang phục màu sắc của các vị tử đạo. Sau khi đã sống cuộc đời tử đạo của mình, một sự tử đạo thậm chí là về luân lý nữa, vì ngài bị coi là kẻ phản bội đất nước mình. Ngài đã phải khai nhận như vậy, một tội mà ngài không bao giờ phạm để được trả tự do.
Khi được hỏi liệu ngài có cảm thấy hạnh phúc khi được tự do hay không, ngài đã trả lời với một phóng viên: Tôi luôn tự do, tự do sau song sắt.
Tôi đã chứng kiến nhiều phép lạ trong đời sống của nhiều người, một số thậm chí còn được gửi đến quy trình tuyên ngôn về các nhân đức anh hùng của ngài, hoặc đến Án phong Chân phước và những dịp khác… Có một phép lạ: Đức HY Nguyễn Văn Thuận của chúng ta là một chuyên gia – ít nhất tôi cho là như vậy – là sự ổn định của trái tim cho những người mắc bệnh hiễm nghèo vào giai đoạn cuối, như chính ngài đã từng chịu. Những gia đình, những con người, những quốc gia bất đồng biết sống tha thứ cho kẻ thù. Sự tha thứ là điều vĩ đại nhất trong các phép lạ ngay cả khi nó không cần thiết cho quá trình tuyên phong Chân phước. Tha thứ là một phép lạ lớn nhất liên quan đến việc hoán cải tâm hồn và là con đường quý giá để đến thiên đàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc đến Đức HY Nguyễn Văn Thuận, người cùng được phong Hồng y với ngài năm 2001, trong các buổi tiếp kiến, trong các bài viết về sự thánh thiện… Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã từng nói về ngài, được đề cập trong thông điệp Spe Salvi về Niềm Hy vọng. Hàng ngàn, hàng vạn người trên thế giới đã nhìn thấy chính mình trong những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong phiên bế mạc Án phong Chân phước giai đoạn Giáo phận, ngày 06/7/2013. Danh tiếng về sự thánh thiện của ngài lan truyền chính qua lời chứng của nhiều người đã gặp ngài, luôn giữ nụ cười hiền lành, và sự vĩ đại của tâm hồn ngài trong trái tim họ. Nhiều người cũng đã biết đến ngài qua những bài viết giản dị nhưng sâu sắc của ngài, cho thấy tâm hồn linh mục của ngài, sự kết hợp sâu sắc với Đấng đã kêu gọi ngài làm thừa tác viên của lòng thương xót và tình yêu của Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã nói với các hồng y mới được nhậm chức, ngài nhắc đến Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận như một tấm gương mục tử mà Chúa đã gọi để dẫn dắt dân Chúa vào thế kỷ tràn đầy biến động như thế kỷ 20. Đức HY Văn Thuận được nung đúc bởi ngọn lửa tình yêu dành cho Đức Kitô mà ngài chăm sóc, thậm chí cho linh hồn người coi tù trước cửa tù của ngài.
Xin cám ơn tất cả quý vị. Vinh Danh Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse mà Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận đã yêu mến vô cùng.