“Cuộc đời” là chủ đề được giao cho tôi trong cuộc hội thảo này như là một phần của Lễ Kỷ niệm 20 năm ngày mất của ĐHY PX Nguyễn Văn Thuận.
Tôi hơi bối rối trước chủ đề lớn này. Và hơn nữa chủ đề này cũng đã được nghiên cứu nhiều rồi. Đối với tôi thật đẹp và xúc động khi nghe chính ĐHY kể lại cuộc đời của ngài, và cụ thể là những năm tháng ngài bị cầm tù một cách hết sức đơn giản. Những lời khai được viết hoặc được tường thuật của ngài là một kho tàng không thể thay thế được để có thể hiểu thêm về cuộc đời của ngài. Chỉ cần nghe những cuộc phỏng vấn mà ngài đã trả lời cho Vatican News hoặc Vietcatholic News là đủ. Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà trong án phong Chân phước, Cáo thỉnh viên và các cộng sự viên đã đưa vào danh sách 9 trang về cuộc đời và công nghiệp của Đấng Đáng kính.
Vì vậy, sự tường thuật của tôi trong vài phút này sẽ rất hạn chế và mang tính chọn lọc. Tôi chỉ chọn một số sự kiện có vẻ thú vị đối với tôi để tưởng niệm lại trong ngày giỗ này của Đức HY, để sang một bên phần lớn lịch sử gia đình, những năm dài tu học và mục vụ của ngài. Để làm cho bài thuyết trình của tôi đơn sơ, có những khía cạnh này mà tôi muốn nhấn mạnh:
- Tình yêu đối với các đấng sinh thành;
- Tình yêu đối với đất nước;
- Phục vụ Giáo hội với tình yêu đầy lòng khiêm nhượng và phó mình vào Thiên Chúa.
1. Đầu tiên, tôi muốn nói đến tình yêu của ngài đối với phụ mẫu
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ra trong một gia đình có truyền thống công giáo, cội nguồn là các thánh tử đạo. Ngài là con trai thứ hai trong một gia đình đông con, gồm 10 người con: 5 trai và 5 gái. Sau cái chết sớm của người con trai đầu tiên của ông Tađêô Nguyễn Văn Ấm và bà Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp, ĐHY Văn Thuận trở thành con cả trong gia đình.
ĐHY không nói nhiều trước công chúng về các chú, cậu, và các anh chị em của mình, thay vào đó ngài thích kể về cha mẹ đáng kính của mình, những người mà ngài có mối quan hệ thân thiết và vô cùng sâu sắc. Lòng hiếu thảo, yêu mến và vâng lời cha mẹ là một nét cơ bản của văn hóa Việt Nam đã ăn sâu vào nếp sống và giáo dục của Văn Thuận. Ngài luôn thúc giục các em gái cầu nguyện cho cha mẹ và chăm sóc cho các ngài. Lòng hiếu thảo của ngài được bày tỏ trong một số khoảnh khắc rất đẹp và ý nghĩa, đặc biệt là trong những năm cuối đời của ngài.
Nhớ về Bố, ngài kể với các em gái: “Bố chúng ta là một người rất khiêm tốn, ít nói, chăm chỉ làm lụng nuôi cả gia đình. Bố yêu người nghèo và chia cơm sẻ áo với họ. Bố còn cho người tị nạn một mảnh đất của gia đình”.
ĐHY không bao giờ quên những ngày đầu tiên trong đời ơn gọi tận hiến của mình, khi cha ngài đi bộ đồng hành với ngài từ nhà đến sông An Cựu, và sau đó bằng thuyền họ đến chủng viện An Ninh. Ngài nhớ mãi cái ôm trìu mến và những lời của cha ngài trước khi từ giã con mình ở chủng viện: “Con ơi, cầu nguyện, luôn cầu nguyện! Cha mẹ và gia đình sẽ luôn cầu nguyện cho con. Chúa sẽ lo liệu mọi chuyện cho con”.
Ông Ấm mất trước vợ nhiều năm, vào ngày 01/7/1993 tại Úc, đến nay đã được 29 năm.
Đấng Đáng kính có nhiều kỷ niệm hơn về người mẹ của mình. Bà sống đến ngày 27/1/2005, thọ 102 tuổi. Chúng tôi đã nghe nhiều chứng từ cá nhân về mối quan hệ của ngài với mẫu thân. Hơn hết là được thu thập trong cuốn sách về cuộc đời của Đấng Đáng kính do Gia đình Cựu Chủng sinh Huế xuất bản. Đó là những cử chỉ rất đơn giản và cảm động thể hiện tình yêu thương và sự tế nhị của người con trai đối với mẫu thân của mình.
Trong chuyến thăm Úc năm 2000, Đấng Đáng kính về ở với mẹ mình, cầu nguyện với bà, dâng thánh lễ cho bà, đưa bà đi dạo, thường nấu và chuẩn bị bữa trưa cho bà, hoặc giúp bà chuẩn bị món tráng miệng. Ngài biết mẹ mình rất yêu thích thiên nhiên, nên đã chăm chút cho khu vườn của bà, đặc biệt là hai cây cảnh mà bà đã mang về viện dưỡng lão. Thật không may, một trong hai cây cảnh đã chết. Đó là một cây sung nhỏ có hình con rồng, biểu tượng của Việt Nam. Bà gữ cây khô trong phòng. Thấy mẹ quá yêu thích cây cảnh, một hôm vào dịp Tết Nguyên đán Việt Nam, Văn Thuận nhờ một người bạn đi tìm giống hoa mai vàng, đặc biệt có giá cao vào thời điểm năm mới ở Việt Nam. Để làm cho bà vui, ngài đã dành hàng giờ đồng hồ, với những bông hoa nhựa màu vàng và cây khô, để tạo ra một chậu hoa nghệ thuật tương tự cây hoa mai để lấy lòng và an ủi bà. Đây là những cử chỉ rất đơn giản và đầy yêu thương.
(Cha Ambrosiô chiếu một số hình ảnh ĐHY giúp mẹ nấu ăn, đưa mẹ đi dạo, hình ảnh ĐHY tự tay làm cây mai cho mẹ…)
Chúng ta có thể kể ra nhiều tình tiết trong cuộc đời ĐHY Văn Thuận. Chúng tiết lộ cho chúng ta một khía cạnh quan trọng trong cuộc đời của ngài, là cội nguồn văn hóa, tính nhân văn, sự giản dị, sự tế nhị, và tình yêu thương sâu sắc đối với phụ mẫu và đối với mọi người.
2. Tình yêu dành cho quê hương
Điều thứ hai tôi muốn nói là tình yêu dành cho quê hương. Tình yêu dành cho quê hương và Giáo hội là một phần của truyền thống và giáo dục trong gia đình. Trong giờ cầu nguyện mỗi tối, mẹ ngài không bao giờ quên cầu nguyện cho quê hương và Giáo hội. Bà không nuôi hận thù với những người đã làm hại gia đình mình, đặc biệt là đã hại đến anh em trai và các con cái của các ông. Đối với bà cũng như đối với các con trai của bà, cần phải sống hiện tại với niềm vui, sự biết ơn và can đảm nhìn về tương lai. Bà đau khổ trong im lặng, cầu nguyện và tha thứ. Như vậy, chúng ta hiểu được ý nghĩa của bài thơ “Con Có Một Tổ Quốc” do Đấng Đáng kính Nguyễn Văn Thuận viết trong ngục tù:
Tiếng chuông ngân trầm,
Việt Nam nguyện cầu.
Tiếng chuông não nùng,
Việt Nam buồn thảm.
Tiếng chuông vang lừng,
Việt Nam khởi hoàn.
Tiếng chuông thanh thoát,
Việt Nam hy vọng.
Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.
Núi cao, xương chất cao hơn.
Đất tuy hẹp, nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết.
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào,
Buồn nỗi buồn của Dân Tộc.
Một nước Việt Nam,
Một dân tộc Việt Nam,
Một tâm hồn Việt Nam,
Một truyền thống Việt Nam.
Là người Công giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.
Với những ngôn từ sống động, thấm đẫm nước mắt và niềm vui, niềm tin yêu và hy vọng, bài thơ phản ảnh tình yêu sâu sắc của Đấng Đáng kính đối với quê hương đất nước Việt Nam và đồng bào.
3. Phục vụ Giáo hội
Đức HY Văn Thuận vào chủng viện năm 13 tuổi. Kể từ ngày đó, ngài nuôi dưỡng lòng yêu mến và phục vụ Giáo hội mãi mãi.
Đọc lại những lá thư mục tử mà ngài viết trong 8 năm làm giám mục tại Nha Trang là đủ biết Đức HY Đấng Đáng kính yêu mến Giáo hội đến dường nào. Đó là những lá thư hoạch định những công việc cần làm mang tính tổ chức, nhưng hơn hết, là lời mời gọi chân thành gửi đến các tín hữu luôn theo Chúa Giêsu, không bao giờ quên người nghèo, cổ võ công lý và hòa bình trong và ngoài nước, để bản thân được hướng dẫn bằng tinh thần nhiệt thành tông đồ. Với những lời trăn trối của một người cha, ngoài khuyên nhủ các con của mình phải kiên trì và trung thành trên con đường nên thánh, theo bước chân của các nhà truyền giáo và các vị tử đạo.
Trong lá thư nhân kỷ niệm 300 năm ngày Đức Giám mục Lambert de la Motte đến Nha Trang vào ngày 01/9/1671, Đấng Đáng kính viết những dòng xúc động này:
- 300 năm từ ngày Đấng kế vị các Tông đồ đặt chân lên đất miền Nam Việt Nam lần thứ nhất;
- 300 năm Chúa Quan phòng đã khấng chọn một chỗ nghèo khó trong miền Nam: đất Nha Trang, địa phận nhà chúng ta, để đón tiếp Đức Giám mục đầu tiên, nơi một giáo xứ khiêm tốn, thời ấy còn gần biển: đó là giáo xứ Chợ Mới;
- 300 năm lịch sử ta học hỏi để nhớ;
- 300 năm gương anh hùng tử đạo ta phải noi theo.
Trong thời gian dài bị giam cầm, có ít nhất là hai lần Văn Thuận suýt chạm vào cái chết. Trong lần bị cách ly tuyệt đối ở nhà tù Phú Khánh, và lần đau đớn sau ca mổ lần thứ hai tại bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Ở đây tôi chỉ nói về sự kiện ở Phú Khánh.
Phú Khánh là một đồn cảnh sát, cũng là một nhà tù biệt lập khắc nghiệt. Từ nơi quản thúc bắt buộc tại Cây Vông, nơi ngài đã viết 1.001 suy nghĩ nổi tiếng về hy vọng, Văn Thuận được chuyển đến Phú Khánh, Nha Trang. Đó là đêm ngày 19/3/1976. Văn Thuận không biết mình bị đưa đi đâu. Mãi sau đó ngài mới nhận ra rằng ngài đã đến gần Tòa Giám mục, nhờ những tiếng ồn ào chung quanh. Nhớ lại những ngày đau khổ và tuyệt vọng trong nhà tù khắc nghiệt nhất tại Phú Khánh, ngài nói: “Khi tôi ở trong trại giam Phú Khánh, trong phòng giam không có cửa sổ, rất nóng. Tôi ngạt thở. Tôi cảm thấy sự minh mẫn dần mất đi đến độ bất tỉnh. Trong bóng tối tôi nhìn thấy một cái lỗ dưới chân tường, vì vậy tôi nằm trên nền đất một trăm ngày, chúi mũi trước cái lỗ này để thở”. Những lúc chuông phát ra từ thánh đường của ngài và tiếng sóng biển khiến ngài rơi nước mắt và xót xa cho Giáo phận và các giáo dân không có chủ chăn của mình:
“Buổi sáng và buổi tối trong bóng tối của phòng giam, tôi nghe tiếng chuông của nhà thờ nơi tôi đã phuc vụ 8 năm, trái tim tôi tan nát”. Đó là khoảnh khắc bi thảm nhất về thể chất cũng như tinh thần trong cuộc đời của PX Nguyễn Văn Thuận. Đức tin của ngài bị thử thách một cách nghiêm trọng. Khi mọi thứ đối với ngài dường như là một thất bại, Thiên Chúa là đủ cho ngài. Ngoài Thiên Chúa ra ngài không còn gì khác để bám víu vào và không có gì để hy vọng nữa. Sau đó, với ân sủng của Thiên Chúa, ngài nói chúng ta phải hy vọng trên mọi niềm hy vọng. Ngài trả lại quá khứ cho Thiên Chúa, và với chút ý chí nhỏ nhoi còn sót lại của mình, ngài đã quyết định đi theo Chúa Giêsu đến cùng, chỉ chọn Chúa chứ không phải chọn những công việc của Chúa.
Tình yêu đối với Giáo phận và dân tộc của mình, đối với Giáo hội hoàn vũ và Đức Thánh Cha là một phần của viễn cảnh sau đây:
4. Tình yêu khiêm nhường và phó mình trọn vẹn cho Thiên Chúa
Cho đến bây giờ tôi đã trình bày một cách vắn gọn một số tình tiết mà cách nào đó đã tiết lộ đời sống nội tâm của Đấng Đáng kính PX Nguyễn Văn Thuận. Nhiều khía cạnh khác trong đời sống thiêng liêng của ngài đã được nghiên cứu thêm. Chúng giống như những giọt nước trong lành mà Thiên Chúa đã nhỏ xuống cho ngài để giúp ngài sống sót trong chuyến hành hương xuyên sa mạc như chính ngài đã từng tâm sự.
Chắc chắn rằng chúng ta biết mọi thứ đều xoay quanh các nhân đức đối thần. Nhưng trong việc theo Đức Kitô và thực hành các nhân đức, mỗi người trong chúng ta có những biểu hiện cụ thể và cá nhân khác nhau. Hai khía cạnh trong đời sống thiêng liêng của PX Nguyễn Văn Thuận đặc biệt ảnh hưởng đến tôi, và tôi tin rằng cũng ảnh hưởng đến tất cả những ai từng sống hoặc biết đến ngài. Thứ nhất là tình bác ái huynh đệ, và thứ hai là sự phó mình trọn vẹn và hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Một bà giáo dân tên Thanh lợi dụng lòng tốt của người coi tù đã từ Hà nội vào thăm Đấng Đáng kính khi ngài bị tù ở Giang Xá. Bà chứng kiến một cuộc gặp gỡ của Đấng Đáng kính và sau đó đã kể lại cho tôi nghe. Một bà già ốm yếu thuộc giáo xứ Giang Xá đến thăm Đức Giám mục. Bà mang một bát canh nóng với ít lá rau muống của Việt Nam, cái bát dơ bẩn cũng như đôi bàn tay bưng bát. Đấng Đáng kính vui vẻ đón bà cụ. Khi bà đi khuất, bà Thanh hỏi Đấng Đáng kính: Thưa cha, sao cha lại có thể ăn uống như vậy được? Đấng Đáng kính đáp lại: Con gái, hãy xem bà già này nghèo khổ bệnh tật, bà đã mang lại cho cha một món quà, một nghĩa cử cao đẹp, và cha vui lòng nhận nó.
Sinh ra trong một gia đình quyền quý, giàu có, nổi tiếng về công việc, Nguyễn Văn Thuận không màng đến gốc gác gia đình, địa vị xã hội và giáo hội của mình. Ngài sống khiêm nhường và giản dị như một dấu chỉ của sự chia sẻ với người nghèo vì tình yêu của Chúa Giêsu. Với nụ cười và sự tế nhị, ngài luôn niềm nở chào đón những ai gặp ngài.
Cuộc đối thoại hay nhất và cảm động nhất mà chúng ta có thể đọc và nghe là cuộc đối thoại giữa người tù và những người cai ngục của ngài. Chính ĐĐK đã kể lại những kỷ niệm, những năm tháng tù tội của mình. Chỉ có tình thương của Kitô hữu mới có thể thay đổi trái tim, chứ không phải vũ khí, những lời đe dọa hay phương tiện truyền thông. “Những người lính canh của tôi rất khó hiểu làm thế nào chúng tôi có thể tha thứ, yêu thương kẻ thù của mình và hòa giải với họ. Họ hỏi: - Ông có thực sự yêu chúng tôi không? – Có chứ, tôi yêu thương các anh thật lòng. – Ngay cả khi chúng tôi làm tổn thương ông, khi ông phải chịu cảnh tù tội nhiều năm mà không được xét xử? – Hãy nghĩ về những năm tháng chúng ta đã sống cùng nhau, tôi thật sự yêu các anh mà. Họ lại hỏi: - Khi được tự do, ông sẽ không phái người của ông tới làm hại chúng tôi và gia đình chúng tôi chứ? Ngài trả lời: - Không. Tôi sẽ tiếp tục yêu thương các anh, cho dù các anh có muốn giết tôi. – Nhưng tại sao? – Vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương các anh, nên tôi không làm như vậy, nếu không tôi không còn đáng được gọi là một Kitô hữu nữa.
Một bài học đẹp khác trong đời sống nội tâm của ngài, là sự phó mình trọn vẹn và triệt để vào Chúa Giêsu như một điều kiện để đi theo Chúa Giêsu. Vì giới hạn thời gian, tôi chỉ trình bày một số hình ảnh, không giải thích dài dòng.
Văn Thuận thường dùng các ký hiệu, hình ảnh, hình vẽ để nói lên suy nghĩ của mình. Tâm lý người phương Đông, và đặc biệt tâm lý người Việt Nam thích dùng ngôn ngữ thực tế của hình ảnh, biểu tượng, câu chuyện và ngụ ngôn hơn là suy đoán lý thuyết. Trong một cuốn sổ, tôi tìm thấy một trang rất thú vị, tóm tắt hành trình nội tâm qua sa mạc mà Văn Thuận đã nói, và sự hoán chuyển nội tâm từ các công việc của Chúa Giêsu cho chính Chúa Giêsu, từ việc phục vụ các huynh đệ vì Chúa Giêsu. Ngài hoán đổi thành: Sống với Chúa Giêsu vì các huynh đệ. Một sự hoán chuyển nhưng không đứt đoạn giữa hành động và chiêm niệm, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong trang có tựa đề Omnia Mea Tua (Mọi sự của con là của Mẹ) được viết vào ngày 23/5/2001 trong cuốn sổ, có 4 hình vẽ, tất cả đều dưới dạng một cây thánh giá. Hình vẽ đầu tiên với các chữ là O, M, T, là lời giải thích đơn giản về tiêu đề tiếng la-tinh của trang được trích dẫn. Omnia Mea Tua nghĩa là Mọi Sự Của Con Là Của Mẹ.
Hình vẽ thứ hai có 4 chữ cái viết tắt trong tiếng Việt: P, P, P, P, có nghĩa là Phục vụ, Phát triển, Phúc âm, và Phận sự, mà Đấng Đáng kính muốn ám chỉ lòng nhiệt thành tông đồ và chương trình cuộc đời của ngài khi ngài còn làm giám mục tại Nha Trang. Cùng với lời giải thích của hình vẽ, ngài viết thêm: Tất cả những điều này, tôi tiếp tục làm.
Hình vẽ thứ 3 đánh dấu một sự hoán chuyển trong đời sống nội tâm, bao gồm 3 chữ cái ghép trong tiếng Việt: CC, TC, CC, tất cả những gì của con là của Chúa, và tất cả những gì của Chúa là của con, ám chỉ đến đoạn Phúc âm thánh Gioan, chương 17, câu 10: “Tất cả những gì của Con là của Cha, tất cả những gì của Cha là của Con”.
Đấng Đáng kính khẳng định ước muốn theo Chúa đến giây phút cuối cùng, và hiến dâng mạng sống mình như một của lễ cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Tất cả vì tình yêu, trong sự phó mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, kết hiệp với Chúa Giêsu, trở thành phương châm mới của ngài.
Hình vẽ thứ 4 cũng rất thú vị. Nó được viết 4 tháng sau khi ngài được bổ nhiệm Hồng Y, và được thêm vào trang đã được đề cập bên trên. Hình vẽ thứ 4 này bao gồm 3 chữ cái đầu: A, G, E, và được ghi chú bên cạnh: Chiara ngày 17/5/2001, Chúa Giêsu bị bỏ rơi và Bí tích Thánh Thể. Ba chữ cái A, G, E không gì khác hơn là Chúa Giêsu bị bỏ rơi và Bí tích Thánh Thể. Chiara ở đây muốn nói đến Chiara Lubich, người đã truyền cảm hứng cho Đấng Đáng kính trong bài suy gẫm về sự phó mình cho Thiên Chúa. Trên thực tế, trong số rất nhiều cuộc hội thảo về Chúa Giêsu bị bỏ rơi, Chiara nói: Đấng vừa là con người, vừa là Thiên Chúa, trên thập giá, với tất cả quyền năng của tình yêu, đã vượt qua sự thử thách tối cao về cảm giác bị bỏ rơi, và trong tiếng kêu: Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, vì sao Người lại bỏ rơi con!
Chúa Giêsu đã phó mình lại cho Chúa Cha, kết hợp với Thiên Chúa Cha; cảm giác bị ruồng bỏ, thậm chí bị chính Thiên Chúa ruồng bỏ, để phó mình hoàn toàn lại cho Thiên Chúa. PX Nguyễn Văn Thuận đã có kinh nghiệm về sự biến đổi nội tâm này, đặc biệt trong những khoảnh khắc bi thảm nhất của những năm dài trong tù.
Một cuộc đời tràn đầy niềm vui và đau khổ, lo lắng và hy vọng, bất ngờ và khám phá, được chào đón bằng sự đơn sơ cởi mở, trong sự phó mình hoàn toàn vào Thiên Chúa, và được sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại, đổ đầy tình yêu thương vào ngài. Đấng Đáng kính vĩ đại không phải vì những gì ngài đã làm, mà vì chính con người của ngài. Ngài là tấm gương cho tất cả chúng ta trên hành trình đến với Chúa, cùng với anh chị em của mình và tất cả các tạo vật./.
Lê Văn Hùng HT69 ghi lại
-------------------------------------
P/S: Cha Ambrosio Nguyễn Văn Sỹ thuộc dòng Phanxicô. Ngài sinh tại Nha Trang, tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học tại Đại học Giáo Hoàng Antonianum, Tiến sĩ Thần học về Tín điều tại Đại học Giáo Hoàng Gregorianum. Ngài dạy nhiều năm tại khoa Triết học tại trường Antonianum và có thời gian giữ chức Trưởng khoa, và hiện nay ngài giúp mục vụ cho nhà tù của Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Laterano ở Rôma. Ngài còn là cáo thỉnh viên của Án phong các Thánh tử đạo Việt Nam, và thành viên Ủy ban Lịch sử của Án phong Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận.