Họ ngậm miệng vì giữ ghế!

Thứ tư - 28/08/2013 00:00

-

-
TS Ngô Thành Can: Vấn đề này tế nhị đây! Tôi mà nói thẳng về vấn đề này sẽ có rất nhiều "quan bác" tự ái. Thực ra, hệ thống như thế nào thì sẽ đẻ ra những sản phẩm như thế. Do đó, để tồn tại được trong hệ thống đó, họ buộc phải thích nghi, "khóa miệng" không dám nói.
Họ ngậm miệng vì giữ ghế!
 
TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính lý giải về việc rất nhiều quan chức khi đương chức thì không dám nói, không đấu tranh chống tiêu cực.
 
 
Con lợn quá béo nên chân không mang nổi thân!
 
Ông có phải người dám nói thẳng, nói thật không?
 
Nếu đó là việc cần phải nói tôi sẽ nói, nhưng phải thận trọng.
 
Theo ông thì vì sao những người đương chức thường "né" việc phát biểu về các vấn đề nóng khi được phỏng vấn hoặc chất vấn?
 
Vấn đề này tế nhị đây! Tôi mà nói thẳng về vấn đề này sẽ có rất nhiều "quan bác" tự ái. Thực ra, hệ thống như thế nào thì sẽ đẻ ra những sản phẩm như thế. Do đó, để tồn tại được trong hệ thống đó, họ buộc phải thích nghi, "khóa miệng" không dám nói. 
 
Nếu coi những người "khóa miệng" là sản phẩm của hệ thống thì rõ ràng đó là sản phẩm không tốt?
 
Đúng là như thế. Nhưng cái gì cũng có tính phù hợp của nó. Việc khi còn đương chức người ta không dám nói, không hẳn là người ta sợ đến mức không dám nói. Nhưng nói không để làm gì thì họ không nói. Thứ nữa, dù là người ở cấp nào chăng nữa thì cũng có cơ quan, gia đình, dòng tộc, họ không muốn hy sinh vì một cái gì đó mà theo họ là chưa cần thiết.
 
Có vẻ phải chua chát mà nhận xét rằng, sức "thuần hoá" của hệ thống ấy đã biến con người thành những cái máy, những con rô bốt biết nghe lời?
 
Nhận xét đó của anh cơ bản đúng. Nhưng khi tham gia vào một bộ máy nào đó thì buộc chúng ta phải thuận theo nó, dù đó là hệ thống thời trung cổ, thời tư bản hay thời cộng sản. Thuận theo nó là bởi tính hợp lý của nó. Nó không hợp lý thì không tồn tại được.
 
Nhưng nếu vì quyền lợi của bản thân mà không dám nói, đặt quyền lợi của đất nước, của nhân dân xuống dưới quyền lợi cá nhân thì rõ ràng cái cơ chế đó đang không tốt, cần phải sửa?
 
Ta phải khẳng định, Nhà nước tồn tại để phục vụ cho dân chúng. Nhưng để phục vụ được dân chúng thì người ta phải bảo vệ quyền lợi của người ta trước khi bảo vệ dân chúng. Đọc tất cả các chính sách sẽ thấy, Bộ Giáo dục khi làm chính sách bao giờ cũng bảo vệ Bộ Giáo dục trước, Bộ Nội vụ bao giờ làm chính sách cũng phải bảo vệ Bộ Nội vụ trước... Thế nên dân chúng mới nói, tại sao anh chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho anh mà không nghĩ đến dân chúng? 
 
Nếu coi đó là lỗi hệ thống, theo ông, những người ở vị trí lãnh đạo cao họ có biết không?
 
Tất nhiên là biết chứ. Nhìn thấy hết, biết hết.
 
Vì sao họ lại không sửa?
 
Vì khó! Cái hệ thống của ta cũng vậy. Cả cái đội ngũ trung gian triển khai các chương trình, nghị quyết quá cồng kềnh và trì trệ. 
 

TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính.
 
Nồi canh nhiều sâu!
 
Thời gian qua có những người dám nói như BS Hoàng Thị Nguyệt ở Bệnh viện Hoài Đức, kỹ sư Lê Văn Tạch, thầy Đỗ Việt Khoa, ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Bá Thanh. Nếu đứng ở góc độ nhân dân thì rõ ràng họ rất hưởng ứng những người dám nói dám làm này. Vậy tại sao những nhân cách đó lại không thể nhân rộng trong xã hội?
 
Nhiều cái thoạt nhìn chúng ta thấy nó rành rành ra nhưng vẫn không làm được. Việc thi tuyển đầu vào của cán bộ công chức, từ xưa đến nay ai chẳng nghĩ nó quan trọng, ai chẳng nghĩ nó phải được thi tuyển một cách công khai, sòng phẳng. Nhưng ta có làm được đâu. Hô thế thôi, nhưng vẫn thế nên không phải cứ làm tốt là nhân ra được! 
 
Ông có ủng hộ việc làm của thầy Khoa, anh Tạch, chị Nguyệt?
 
Tôi ủng hộ. Nhưng nếu tôi là nhà quản lý thì tôi phải xem xét. Tôi nói vậy bởi có những thứ cơ chế khiến người ta bắt buộc phải làm sai. Hội đồng nhân dân TP.HCM họp 2 tháng trước, chị giám đốc Sở Tài chính nói, nhiều khi chính sách không cập nhật, làm cho cán bộ lãnh đạo phải nói dối. 
 
Ví dụ, mua 1 cái ô tô, theo quy định của nhà nước thì không làm được, do đó họ phải làm cách nọ cách kia cho đủ, nghĩa là nói dối. Tổ chức 1 cuộc họp có 30  người phải nói thành 50 người thì mới đủ để chi phí... Chưa kể có những chính sách oái oăm trước đây như muốn mua nhà ở Hà Nội thì phải có hộ khẩu, muốn có hộ khẩu thì phải có nhà...
 
Tôi là người thẳng tính. Tôi đã từng thiệt thòi vì việc thẳng tính của mình nhưng đến giờ tôi vẫn được tin dùng. Nếu mọi người ai cũng đổ lỗi cho cơ chế, cùng không đấu tranh thì sao có thể hy vọng thay đổi?
 
Anh đã minh chứng là anh đúng khi không theo cái chung. Nhưng anh là một người may mắn vì lãnh đạo cơ quan ấy vẫn còn sử dụng anh, họ vẫn nhìn ra năng lực của anh và đề cao năng lực ấy. Còn đa phần những nơi khác người ta sẽ không dùng anh dù anh có đúng và giỏi đến đâu.
 
Như vậy, rõ ràng các vị trí lãnh đạo của ta chưa tạo điều kiện cho cấp dưới dám nói thẳng nói thật, đấu tranh vì lẽ phải?
 
Chính sách nhà nước trong một thời gian dài về tuyển dụng cán bộ không tốt, nên cũng có một bộ phận lọt vào cái đội ngũ ấy. Thế nên có người mới bảo, không phải là "con sâu làm rầu nồi canh nữa" mà "nồi canh nhiều sâu". Hậu quả của việc này sẽ rất lâu dài. 
 
Người hèn nhưng lại leo cao!
 
Nhiều người cho rằng, người không dám nói là người hèn, ông thấy sao?
 
Vấn đề ở chỗ "người hèn" nhưng lại leo cao. Còn những người không hèn, những người tài giỏi, thì anh leo được đến đâu? Mà không lên cao được thì làm sao phục vụ được người dân. Đó cũng là cái phải xem xét.
 
Điều đó theo tôi cũng không thể biện hộ hết cho việc "khóa miệng" không dám nói. Nếu người ta trang bị cho mình đủ kiến thức, học cách ăn nói và tự tin với công việc mình làm thì không có gì là không dám cả?
 
Có câu rằng: "Tôi có thể không thông minh bằng bạn, tôi có thể non hơn bạn, nhưng tôi vẫn là lãnh đạo". Người lãnh đạo chưa chắc đã thông minh hơn mọi người nhưng họ tập hợp được mọi người. Việc tuyển dụng nhân sự của ta có những giai đoạn chúng ta chỉ tập trung vào những người có phẩm chất dẫn dắt thôi, thế đâm ra là cái sự thông minh nó hơi đuối đuối một tí. Mà những người "đuối đuối một tí" thì quyết không bao giờ dùng những người thông minh hơn mình. Thế nên mới có câu: "Khôn người ta ghét, dại người ta khinh, thông minh người ta không dùng". 
 
Chắc hẳn sẽ có người dân nghĩ rằng, việc các quan không dám nói thể hiện sự ngậm miệng giữ ghế!
 
Thì đúng là thế rồi đấy! Đa phần là thế. Chỉ có điều ta nói thế thì nó không hoa mỹ mà thôi. Họ ngậm miệng vì giữ ghế, vì lợi ích nhóm, vì quyền lợi cá nhân. 
 
Theo ông cái "lỗ hổng" của hệ thống này có nên sửa không?
 
Không phải nên hay không mà là phải sửa. Tôi ủng hộ những người dám nói, dám đấu tranh vì sự thật.
 
Tôi hy vọng rằng cái lỗ hổng ấy sẽ sớm được sửa. Chúc ông sức khoẻ và cảm ơn ông đã chia sẻ với độc giả của báo.
 
Nguyên Thủy (Thực hiện)
Nguồn: Theo kienthuc.net.vn

Tác giả: Nguyên Thủy (Thực hiện)

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập634
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm633
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại974,162
  • Tổng lượt truy cập58,260,031
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây