(Suy niệm Tin mừng Mát-thêu (Mt 10, 37-42) trích đọc vào Chúa nhật 13 thường niên năm A)
Người đời cho rằng ai khéo “giữ mạng sống mình” thì sẽ được an ninh trường thọ; còn ai “liều mất mạng sống mình” thì sẽ phải hư vong. Thế mà Chúa Giê-su nói ngược lại: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”
Tại sao Chúa dạy như thế?
Qua những lời trên đây, Chúa Giê-su đề cập đến hai lối sống: Một là sống vì mình, hai là sống vì Chúa.
1. Sống vì mình
Hậu quả của lối sống vì mình là hư vong, là mất mát… như lời Chúa nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất.”
Cuộc đời của hai nhân vật sau đây giúp ta hiểu rõ giáo huấn này của Chúa Giê-su hơn.
- Nhân vật thứ nhất
Chúa Giê-su nói: "Một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Bấy giờ, ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Rồi Chúa Giê-su kết luận: “ Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó" (Lc 12, 16-21).
Như thế, kẻ nào sống vì mình, chỉ biết chăm lo cho mạng sống mình ở đời này mà không biết thu tích cho đời sau, thì đó là người dại dột, vì rốt cuộc sẽ mất hết, chẳng còn gì. Đúng như lời Chúa nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất.”
- Nhân vật thứ hai
Chúa Giê-su tiếp: "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no (nhưng chẳng ai cho). Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và rồi phải chịu cực hình trong âm phủ.”
Từ chốn đau thương khốn khổ này, người giàu khẩn thiết van xin tổ phụ Áp-ra-ham sai La-da-rô bố thí cho ông ta chỉ một giọt nước thôi… mà cũng không thể được.
Qua nhân vật này, Chúa Giê-su một lần nữa cho ta biết : Nếu chỉ biết sống vì mình, cứ chăm lo “giữ lấy mạng sống mình” mà không biết chia sẻ cho người túng thiếu, thì không những sẽ đánh mất tất cả những gì mình có, mà còn phải chịu đọa đày trong hỏa ngục mai sau (Lc 16, 19-26).
Như vậy, dù “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì?” (Lc 9,25).
2. Sống vì Chúa
Thành quả của việc sống vì Chúa là đạt tới hạnh phúc vĩnh viễn đời sau như lời Chúa nói: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”
Nếu những anh thuyền chài trên biển hồ Ga-li-lê cách đây 2.000 năm không đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su và dấn bước theo Ngài, liều mất mạng sống vì Ngài, thì họ chỉ là những con người vô danh tiểu tốt, chẳng làm nên danh phận gì, chẳng được ai biết đến… Tuy nhiên, vì họ đã dấn thân theo Chúa Giê-su, sẵn sàng sống chết vì Ngài nên đã lập nên kỳ công vĩ đại và được muôn người kính mến.
Ngoài ra, rất nhiều thanh niên nam nữ thiện chí khác trên khắp thế giới từ xưa tới nay như Phan-xi-cô Xa-vi-e, Phan-xi-cô Át-xi-di, mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta… đã sẵn sàng “liều mất mạng sống” vì Chúa Giê-su nên các ngài được tôn vinh mãi đến muôn đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Hôm nay, Chúa đưa ra cho chúng con hai chọn lựa, một là sống vì mình, tức là sống ích kỷ, hưởng thụ, chỉ biết lo cho bản thân mình mà không quan tâm phục vụ người khác để rồi phải hư mất đời đời; hai là sống vì Chúa, tức là sống quảng đại, sẵn sàng cống hiến thời giờ, công sức, khả năng… của mình nhằm phục vụ người khác để rồi được sống đời đời trên thiên quốc… Đây là một chọn lựa khó khăn.
Xin cho chúng con dứt khoát chọn sống vì Chúa, quyết tâm sống quảng đại, hy sinh, phục vụ… không quyến luyến danh vọng, không tiếc nuối của cải đời này, vì “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?”