Tình tự quê hương

Thứ tư - 30/03/2016 20:26

-

-
Tôi được lớn lên trong khung cảnh thanh bình của thời chiến tranh, sáng trưa chiều đều nghe tiếng chuông “nhựt một” của nhà thờ vang lên như nhắc nhở mọi con chiên trong giáo xứ đừng quên hướng lòng lên cùng Thiên Chúa...
TÌNH TỰ QUÊ HƯƠNG

 
1. Dư âm ngày xưa.
 
Mỗi người đều có một quê hương, cho dù bây giờ anh ở đâu chăng nữa trên quả đất này, thì nơi anh sinh ra và lớn lên chính là quê hương của anh.
 
Tôi cũng có một quê hương, đó chính là làng Tân Mỹ, trước năm 1975 thì đây một thôn làng văn minh và có văn hóa hơn các thôn làng lân cận, có thể nói là trung tâm của xã Phú Tân. Nói đến văn minh là vì Tân Mỹ được tiếp xúc với đời sống đô thị sớm hơn các thôn làng khác, có nhiều con em lên thành phố học, có nhiều tu sĩ nam nữ được đào tạo trong nếp sống văn minh của thành phố và có đèn điện chiếu sáng trong nhà ngoài ngõ, trong lúc các thôn làng lân cận vẫn còn dùng đèn dầu. Nói đến văn hóa là vì đa số con em trong làng đều lên thành phố học hành, làng mạc toát lên nét văn hóa trong các ngày chúa nhật và đại lễ, cứ đến mỗi ngày Chúa Nhật thì nhà nhà người người đều mặc áo quần đẹp để đi lễ nhà thờ, rồi các cuộc kiệu Đức Mẹ, các buổi sinh hoạt giáo lý và các hội đoàn đã làm cho Tân Mỹ có một sức sống lớn lên bằng sự giáo dục của nhà thờ và trường học...
 
Quê hương Tân Mỹ đất không rộng, phù sa không nhiều nên ruộng lúa không cò bay thẳng cánh, nhưng tình người thì rộng bao la, tình cảm bà con làng xóm đậm đà với tinh thần lá lành đùm lá rách của Phúc Âm...
 
Tôi được lớn lên trong khung cảnh thanh bình của thời chiến tranh, sáng trưa chiều đều nghe tiếng chuông “nhựt một” của nhà thờ vang lên như nhắc nhở mọi con chiên trong giáo xứ đừng quên hướng lòng lên cùng Thiên Chúa; tôi cũng quen với tiếng kẻng báo giờ đến trường và giờ tan học, nhất là những ngày hè nắng nóng được qua sân trường tiểu học Mai Khôi ngồi dưới hiên trường đùa giỡn với bạn bè cùng lớp tiểu học, hoặc chiều chiều kéo nhau ra mảnh ruộng đất nứt nẻ trước nhà để chơi lấy đất chọi nhau, hoặc chơi trốn tìm vào những buổi tối...
 
Quê hương tôi trước mặt (theo hướng của nhà thờ) là biển sau lưng là ruộng, nhưng trong làng không một ai là nghề ngư phủ đánh cá, thậm chí ngay cả bơi lội giỏi cũng chẳng có mấy người, mà biết bơi chăng thì cũng “vùng vẫy” trong cái hồ nước trước nhà thờ mà chúng tôi thời đó cho là lớn nhất, tuy không có ai làm nghề ngư phủ bắt cá ngoài biển, nhưng lại có nhiều người làm nghề “ngư phủ lưới người” cho Chúa, đó là các linh mục và các tu sĩ nam nữ trong làng họ, chính những linh mục và các tu sĩ nam nữ ấy đã trở thành tấm gương sáng cho rất nhiều người dâng mình cho Chúa sau này để đi truyền giáo.
 
Cứ mỗi lần đến lễ Giáng Sinh thì quê hương tôi như bao phủ một bầu khí vui tươi và phấn khởi, nhà nào cũng làm lồng đèn, trang trí máng cỏ, và nhà thờ thì thật là hoành tráng với những ánh đèn màu rất thanh bình và hạnh phúc. Ở trường học chúng tôi được các Sơ tập hát, tập hoạt cảnh và thi đua làm hang đá trong trường theo các lớp học.v.v...thanh bình và hạnh phúc cho quê hương Tân Mỹ...
 
Sau năm 1975 thì Tân Mỹ thanh bình quê tôi không còn như trước nữa, bạn bè nghi kỵ nhau vì sợ hãi, vì chưa một lần tiếp xúc với quân giải phóng nên mọi người sống trong e dè và thấp thỏm lo âu. Lo cái ăn cái mặc, lo cho tương lai của con cái, lo cho đời sống tín ngưỡng bị hạn chế và còn rất nhiều cái lo khác. Tinh thần của mỗi người căng thẳng và như có một ngọn dao đâm vào tim mình bởi vì quê hương Tân Mỹ không còn như trước đây nữa.
 
Người ta bỏ làng mà đi vì kế sinh nhai, bỏ quê hương mà đi vì tương lai cho con cái, bỏ quê hương mà đi vì không tìm được lối thoát ở quê hương mình.
 
2. Quê hương hôm nay.
 
Sau hơn bốn mươi năm –từ năm 1975- nhìn lại, quê hương Tân Mỹ của tôi còn lại những gì và mất những gì?
 
Còn lại một tinh thần bất khuất với đức tin son sắt của tổ tiên để lại, còn lại những con người đau khổ vì miếng cơm manh áo, còn lại truyền thống lá lành đùm lá rách và nhất là được lãnh đạo bởi những cha sở sốt sắng đạo đức, chính các ngài đã trở thành nơi nương dựa tinh thần cho giáo dân.
 
Quê hương tôi còn lại những mảnh đất khô cằn không trồng được lúa, còn lại những vũng ao hồ cá không kịp lớn để cung ứng cho sự nghèo khó của dân làng, còn lại những vết hằn trong tâm hồn.
 
Những lớp người có học đều đã ra đi tìm cuộc sống mới, nên nhân tài của quê hương còn lại đếm được trên đầu ngón tay. Lớp con em kế tiếp (thế hệ thứ nhất) sau 1975 thì thất học và chịu lép vế với các thanh thiếu niên của các thôn làng lân cận, đau khổ nhất là ở đó, sự đói nghèo bám chặt vào lưng của những con người còn lại, không phải vì lười biếng nhưng là vì thời cuộc và sự phân biệt của một số người có quyền hành. Khi con người không được đến trường thì hậu quả thật là khủng khiếp và việc đó đã đúng trên quê hương Tân Mỹ.
 
Như những nấc thang trong một cái thang, lớp trẻ của quê hương tôi đã không có những nấc thang căn bản trong văn hóa, nên nhìn tương lai bằng đôi mắt bi quan, lỗ hổng văn hóa quá lớn cần phải bù đắp ngay khi có thể được. Tạ ơn Chúa, Tân Mỹ quê tôi vẫn còn đó những con người yêu quê hương, sống chết vì quê hương, và quyêt bám mảnh đất quê hương để rồi hôm nay những con người xa quê lại có nơi để nhắc nhở nhớ về. Dù nghèo nhưng tấm lòng yêu quê hương thì không thiếu, dù bị bao vây tứ phía nhưng đức tin của mỗi con người ở quê hương vẫn âm thầm lớn lên mạnh mẽ và vẫn cứ tín thác đường đời cho Chúa quan phòng.
 
“Hãy ca tụng Chúa đi vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Tình thương của Chúa thật vĩ đại, Ngài luôn gìn giữ quê hương Tân Mỹ và những người con ở lại gắn bó, sau những thăng trầm của thời cuộc, quê hương tôi giờ đây có lại sức sống, tìm được bản sắc của mình sau những năm tháng dài đăng đẳng sống trong ưu tư cho tương lai. Quê hương tôi giờ đây có nhiều ơn gọi làm linh mục và tu sĩ, con em được học hành và tương lai có ánh sáng của tin yêu chiếu dọi. Đời sống tâm linh cũng được hướng dẫn bởi cha sở, con cái Chúa trên quê hương Tân Mỹ ngày càng tích cực sống và thực hành Lời Chúa, những nhóm thiện nguyện bác ái được thành lập để chia sẻ và giúp đỡ những người nghèo trong làng họ và cả những người “lương dân” cũng được quan tâm chu đáo...
 
Quê hương Tân Mỹ của tôi đang dần khởi sắc và đang cần những bàn tay của những đúa con xa quê giúp đỡ và khuyến khích, để các thanh niên có một lý tưởng sống và xây dựng quê hương nối tiếp truyền thống tổ tiên.
 
Mỗi người chỉ có một quê hương !

 

Tác giả: Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb (bên trái)

 

Tác giả: Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập607
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại960,477
  • Tổng lượt truy cập57,062,114
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây