Nhất Huế nhì Sịa

Thứ hai - 08/02/2016 21:11

-

-
Sở dĩ có danh từ “Nhứt Huế nhì Sịa”là vì, theo ông Lê Hữu Giãn, dân Sịa thường hay khoe khoang về làng mình nên dân Huế chọc ghẹo là làng Sịa chỉ đứng sau thành phố Huế mà thôi, do đó mới có câu: "Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về".
Nhất Huế nhì Sịa
 
Sở dĩ có danh từ “Nhứt Huế nhì Sịa”là vì, theo ông Lê Hữu Giãn, dân Sịa thường hay khoe khoang về làng mình nên dân Huế chọc ghẹo là làng Sịa chỉ đứng sau thành phố Huế mà thôi, do đó mới có câu: "Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về".
 
 
Dân Sịa, nhất là mấy ông bà già, mà nói tiếng Huế thì chính dân Huế cũng không hiểu! Họ dùng những tiếng rất cổ. Ví dụ "tọt cui" là "đầu gối", việc "bua quơn" là việc công, việc nhà nước...  Ở Huế, hễ chê ai nhà quê thì cứ bảo "Thằng nớ Sịa lắm!".
 
Sịa là tên thị trấn của Quảng Điền (bây giờ gọi là huyện) nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Thị trấn Sịa là nơi tụ họp buôn bán của cư dân Quảng Điền. Chợ Sịa là một cái chợ rất xưa, e cả trăm năm, nhà cửa cũ kỹ. Thời chúa Nguyễn mới vào phương Nam lập quốc, có đặt hành trạm gần đó (Làng Bát Vọng). Trước năm 1975, quận lỵ của Quảng Ðiền là chợ Sịa, còn được gọi là chợ Ngũ Xã.
 
Ngoài thị trấn Sịa,  Quảng Ðiền còn có 7 xã vùng ven sông Bồ gồm Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh. Các xã còn lại là Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng Công, Quảng Phú. Phá Tam Giang chạy dọc phía đông huyện, còn sông Bồ chảy dọc phía nam huyện.
 
Quảng Ðiền có diện tích 1.189 ha với dân số 10.567 người được chia làm 9 thôn trên.
 
Muốn đến Sịa thì từ Huế, lấy quốc lộ 1, ra hướng Bắc, độ mười bảy cây số (cây số 17). qua khỏi cầu An Lỗ, quẹo phải, đi 9 cây số nữa thì đến Sịa.
 
Nếu đi tiếp khoảng một cây số sẽ đến một địa danh là Phá Tam Giang.
 
Sịa, vùng quê văn hoá, trải qua bao thế kỷ, bao thăng trầm của lịch sử kinh thành Huế, ngày nay vẫn chiếm trọn lòng mến yêu của những ai từng một lần đặt chân đến mảnh đất này.
 
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Ðồng Nai cũng từng
 

Cầu An Lỗ (Từ cầu An Lỗ đến cầu Kẽm khoãng 1km là địa phận của làng Phú Lễ).
 
Sịa nổi danh là một vùng quê trù phú, văn vật, với biết bao giá trị văn hóa mà cho đến nay vẫn còn ngời sáng.
 
Sịa, theo sách sử xưa là một cái tên được ghi bằng chữ Nôm. Cái tên nôm na ấy được dân chúng khắp các làng quê, phố phường xứ Huế biết đến từ hàng trăm năm nay. Ðất Sịa, thưở xưa vốn là vùng đất trũng đầy bùn nhão và cỏ dại. Trải qua bao giai đoạn biến cải của nước non, vùng đất hoang sơ ấy nay đã trở thành một vùng quê trù mật có ruộng đồng bát ngát lúa khoai, có phố chợ đông vui, sầm uất. Nhưng, Sịa không phải chỉ có vậy. Sịa còn có một quá trình văn hóa mấy trăm năm. Dọc các đường làng, ngõ xóm là các công trình kiến trúc cổ, qua nắng mưa dãi dầu vẫn vững chãi đứng kế gốc nhãn, gốc đa. Chùa chiền, đình miếu, lăng mộ… ở Sịa thực sự là những công trình văn hoá phản ảnh một thời đại đã tạo dựng nên nó. Ví như đình làng Thủ Lễ, năm gian hai chái được đại trùng tu năm Thành Thái thứ năm (Quý Tỵ, 1893). Ngôi đình lớn này mang đầy đủ kiến trúc đặc trưng của triều Nguyễn, thế kỷ XIX.
 
Người Sịa thường nhắc đến câu tục ngữ sau khi nói về di sản văn hóa truyền thống nổi bật làng quê của mình:
 
Trống An Gia
Thanh La, Thanh Bình
Ðình họ Khuông
Chuông Thủ Lễ
 
Nhiều làng, nhiều gia tộc ở Thủ Lễ, An Gia, Thạch Bình, Khuông Phò hiện nay còn lưu trữ được nhiều di sản viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm quý giá (như các bằng cấp, sắc chiếu, các bảng gia phả, các tập ghi chép của người xưa…).
 
Ngoài ra,  Sịa còn hết sức phong phú về các sinh hoạt văn hoá, tinh thần. : Xuân Thu nhị kỳ, làng nào cũng mở hội : Hội đình, hội chùa, tế cúng núi sông, trời đất, thánh thần và các bậc tiên hiền có công với làng, với nước là dịp để con cháu bày tỏ sự biết ơn với non sông tổ tiên. Tất cả đều thể hiện rõ cách cảm, cách nghĩ, cách sống của cư dân một vùng đất thi thư, trọng đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” và giàu lòng nhân hậu. Rồi nữa, hội kéo co, chơi đu, đua ghe, đặc biệt là hội vật đầu xuân, hấp dẫn đông vui chẳng kém gì hội vật làng Sình, một hội vật được người xứ Huế mến yêu suốt vài ba thế kỷ nay.
 
Các sinh hoạt nhân gian cũng rất được dân chúng hâm mộ : Hát ru em, hò giã gạo, hò mái nhì, mái đẩy, vè, đồng dao…rồi truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện tiếu lâm…, đều có những tác phẩm đặc sắc nói về cảnh vật, phong tục, tập quán, cuộc sống và con người nơi đây:
 
Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi
Có ai về sịa với tôi thì về
Ðất Sịa có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm ăn
 
Làng Thủ Lễ của Sịa có hai đền Văn Thánh và Võ Thánh, đó là một điều mà không phải ở một làng quê nào cũng làm đưọc. Ðất thi thư tạo cho con dân thành đạt trên con đường thi cử và làm quan. Ông Trần Hữu Khác, người làng Thạch Bình, đậu Tiến sĩ năm 27 tuổi (khoa Ðinh Sửu, năm Tự Ðức thứ sáu, tức 1877). Năm Cảnh Thịnh thứ sáu (1797) riêng làng Thủ Lễ đã có đến 54 người được triều Tây Sơn bổ làm việc quan.
 
Đình làng Thủ Lễ là một công trình kiến trúc nhà cổ độc đáo, được công nhận di tích quốc gia. Người ta đã tìm thấy tấm bia bùa ở đình làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế). Ngay trước hiên đình, hiện diện một tấm bia bùa khác lạ so với các loại hình đá bùa hiện hữu tản mát tại các làng xã miền Trung. Bia được dựng ở phía trước cột tả hàng hiên, gian giữa của ngôi đình làng (thuộc xứ Ông Ha). Đây là một tấm bia hình chữ nhật, bằng chất liệu đá gan gà, màu đỏ sẫm. Hai góc trên của bia nhún lại tạo thành hình tam sơn. Bao quanh thân bia là một đường gờ nổi. Trán cũng như đường diềm không có hoa văn trang trí.
 
Tấm bia có kích thước: cao: 73cm (không kể phần đế đã được chôn); rộng: 61cm; lòng bia: 54x43cm.
 
Bia được khắc theo lối viết chữ Hán và những hình vẽ biểu tượng ma thuật khác. Nét khắc sâu, đến nay vẫn còn rõ, một lối viết có nét bút lạ, phức tạp, với những chữ giống như chữ mà lại không hẳn là chữ, có thể là biểu tượng, đồ hình, ký hiệu ...Nhìn một cách tổng thể, từ chữ viết cho đến hoa văn, biểu tượng được bố trí gần như đối xứng qua trục dọc giữa thân bia. Sùng kính, phụng thờ quỷ thần là một hiện tượng phổ biến, lâu đời, gắn liền với đời sống tín ngưỡng phong tục của người Việt, bởi quan niệm, quỷ thần là nguyên nhân của cát hung, hay họa phúc. Trong thế giới siêu nhiên theo quan niệm của người Việt, ngoài những vị phúc thần bảo hộ, ban phúc, được sùng kính, phụng tự, còn có những hung thần, tà thần, quỷ mỵ, tinh tà v.v... cũng được nhiều người “lưu tâm” nhằm tránh những tai họa, nguy cơ có do quỷ thần mang lại. Bùa chú thâm nhập và bám rễ sâu vào mảnh đất màu mỡ dân gian. Mỗi một tấm bùa được các đạo sỹ thể hiện đều nhằm giải quyết một tình huống cụ thể trong một thời gian nhất định. Nhưng ở tấm bia bùa Thủ Lễ, từ việc chọn chất liệu bền vững để thể hiện cho đến vị trí tọa lạc, cho thấy nó có một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng, thể hiện tính đa năng trong giải quyết tình huống. Cụ thể, bia bùa không chỉ là một hình thức trấn trị, nguyện cầu cho các linh hồn siêu thoát mà còn thể hiện khát vọng về một cuộc sống yên bình cho nhiều thế hệ. Việc khám phá, giải mã những bí ẩn của bia bùa Thủ Lễ sẽ giúp chúng ta có thêm một tài liệu xác thực về một khía cạnh tín ngưỡng dân gian vốn phổ biến trong đời sống làng xã miền Trung, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến việc thâm nhập, tác động, ảnh hưởng, chuyển biến... của Đạo giáo (Đạo phù thủy - tên gọi dân gian) ở miền Trung - chưa được nghiên cứu rộng rãi…
 
Trong văn hóa ẩm thực, người dân đã phục hưng và phát triển các làng nghề đặc biệt như: bánh tráng, tôm chua chợ Sịa…
 
“Nhất Huế - nhì Sịa, Huế thì ngay đây rồi, còn Sịa ở mô. Có chi mà nhất?”- Chú em tôi rời Huế đi lập nghiệp cũng đã lâu lâu, nay về thăm bỗng nhiên hỏi tôi câu… cắc cớ. Tôi cười cười: Ừ thì cũng nghe rứa. Người bảo, dân Sịa cũng cốt cách “mệ” nên nói…trạng chút về quê miền chơi. Ý rằng tuy là Sịa nhưng chỉ kém chốn Kinh đô của vua chúa…chút chút thôi. Thế nên mới có câu “Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về”. Nhưng cũng có người trưng sách vở để khẳng định đúng thứ nhì là Sịa thật. Từ là vùng đất trũng, sình lầy, bàn tay con người đã biến nơi đây thành một vùng quê trù mật, có phố, có chợ đông vui, sầm uất với đủ thứ của ngon vật lạ. Kể cả những “sản vật” văn hóa, Huế có, Sịa cũng có: hò mái nhì, mái đẩy, hò giã gạo... Ngay cả hội Vật làng Sình nổi tiếng xứ Kinh kỳ mỗi bận Tết đến, Xuân về, thì Sịa cũng có Vật làng Thủ Lễ đông vui, hấp dẫn và đầy tinh thần thượng võ không kém… Nhưng thôi, giảng giải chi. Mệt. Huế với Sịa không xa. Tôi mời chú em lên xe, đèo về chơi một bữa cho tận mục sở thị.
 
Từ Huế về Sịa có thể chọn nhiều lối. Theo Quốc lộ 1A ra cầu An Lỗ rồi quẹo phải xuôi bờ Bắc sông Bồ mà về. Hoặc vô Thành nội vòng ra lối cửa Hậu phóng một lèo theo đường Nguyễn Chí Thanh. Hoặc nữa, men dòng Gia Hội về Bao Vinh phố Lở theo Tỉnh lộ 4 mà về. Tuy có thể có ngắn, có dài một chút, nhưng đường nào cũng có cái hay, cái thú của nó. Tôi chọn lối về Bao Vinh, cũng là dịp để thăm lại những miền đất tôi đã gắn bó từ những ngày đầu mới tập tễnh bước chân vào làng báo.
 
Chú em tôi có vẻ ngạc nhiên và thích thú khi ngang qua Hương Vinh, bởi chú quanh năm ở chốn đô hội, ít khi được thấy những cái lò gạch thủ công, thấy “công nghệ” xếp, phơi những chồng củi cao ngất ngưỡng, đẹp như những tác phẩm sắp đặt do những người làm gạch thực hiện một cách khéo léo, tài tình. Đến cầu Thanh Hà, cây cầu thoáng, rộng và xây dựng theo tiêu chuẩn vĩnh cửu. Bây giờ, khi đã có một loạt những cây cầu hoành tráng hơn xuất hiện, nó có thể đã trở nên bình thường. Nhưng đó là cây cầu mà một thời nhiều người vẫn hằng mơ ước. Mới đây thôi, những năm đầu thập niên 1990, lần đầu tiên về với Quảng Thành, tôi cùng nhà báo Chiến Hữu (nay là Phó Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế) phụ nhau đẩy chiếc Honda 67 qua cầu. Vừa đẩy vừa run. Mà không run sao được khi gọi là cầu, nhưng dưới chân chỉ là những mảnh ván ngắn củn, hư mục và đu đưa như…răng người già. Vòng về đi ban ngày còn đỡ. Vòng lên trời đã tối, vừa đi vừa dò dẫm, vừa…cầu nguyện mong để khỏi rơi tõm xuống sông. Bây giờ thì chuyện đã như cổ tích.
 
Cầu Thanh Hà bắc qua đoạn cuối của con sông Bồ. Trên dòng sông này, khi công việc đồng áng đã xong xuôi, những ngày đầu Xuân, nghe nói dân Quảng Thành và các xã trong vùng vẫn thường tổ chức hội thi…bắt vịt. Luật lệ đơn giản và phần thưởng cũng dung dị vô cùng: Vịt sống được thả ra sông, thanh niên trai tráng của các làng cứ ra mà bắt. Ai bơi giỏi, bắt giỏi là thắng. Phần thưởng là chính ngay chú “cạp cạp” mà mình bắt được. Vịt là giống bơi rất giỏi, nó đã ra sông, bắt cho được là cả vấn đề. Lại thêm tiếng reo hò cổ vũ ở 2 bên bờ làm vịt ta phát  hoảng, càng bơi nhanh, lẩn tợn. Cho nên, chỉ là bắt vịt nhưng hội thi vô cùng sôi động. Ngoài “tính năng” giải trí, người ta bảo, đây cũng là dịp để kích thích, động viên người dân, nhất là thanh niên trai tráng trong vùng tập luyện bơi lội để ứng phó với lũ lụt mà họ phải đối mặt hàng năm, bởi đây là vùng hết sức thấp trũng, cuối sông, lại cận đầm, cận biển…
 
Bên kia cầu Thanh Hà là đất Quảng Thành. Ngó vậy thôi, nhưng đây là vùng đất ẩn tàng nhiều trầm tích văn hóa. Sau khi 2 châu Ô - Lý về với Đại Việt, vua Trần Anh Tông đã đổi châu Lý thành châu Hóa mà thành Hóa Châu là lỵ sở. Thành Hóa Châu được xây dựng trên vùng đất Quảng Thành ngày nay và suốt cả một thời gian dài, từ đầu thế kỷ 14 cho đến tận năm 1471. Trải qua các triều Trần-Hồ-Lê, Hóa Châu luôn được xem là tiền đồn quan trọng của vùng đất phên dậu phía Nam của Đại Việt. Nhiều vị danh tướng của các triều như Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình, Lê Quý Ly, Đặng Tất, Lê Liệt, Lê Khôi, Lê Chuyết…đã từng được cử đến trấn giữ, tuần thú nơi đây. Một số cuộc khảo cứu, khai quật thám sát được tiến hành từ đầu thập niên 1980-1990 đã cho thấy dấu tích 2 tầng văn hóa Chăm-Việt vẫn còn dày đặc dưới tầng đất Quảng Thành. Nhiều địa danh, cổ vật, công trình kiến trúc hiện vẫn còn được lưu giữ; trong đó, di tích chùa Thành Trung với chuông xưa, tượng cổ…đã được công nhận là Di tích văn hóa cấp Tỉnh. Giới nghiên cứu khẳng định, thành cổ Hóa Châu đã đánh dấu bước đô thị hóa đầu tiên của Huế. Cái tên Hóa Châu vì thế như một niềm tự hào, khẳng định sự có mặt khá đậm nét của vùng đất Quảng Thành trong tiến trình hơn 700 năm lịch sử hình thành Thuận Hóa - Phú Xuân –Thừa Thiên Huế.
 
Bên con đường tỉnh lộ 4 bây giờ có ngôi trường mang tên Hóa Châu. Trước năm 1995, khi chúng tôi về công tác, đây còn là một dãy nhà đổ nát nằm lạnh lẽo giữa đồng không mông quạnh. Nay đã là một ngôi trường hai tầng  rộng đẹp, khang trang và ấm áp tiếng đọc bài, tiếng vui đùa của những lứa trò nhỏ đầy sức sống, đầy tương lai. Cũng trong những năm ấy, bên cạnh khát khao một ngôi trường như Hóa Châu bây giờ, Quảng Thành còn mơ đến điện, đến nước sạch, đặc biệt là nước sạch. Rất nhiều trăn trở, rất nhiều trợ giúp, nhưng hiệu quả không như mong muốn. Đào giếng. Song đất trũng, cạnh đầm phá nên phèn kinh khủng. Có dự án giúp xây dựng bể lắng lọc. Cũng chẳng ăn thua. Người dân nơi đây không cách nào khác là phải chứa nước mưa để ăn uống một cách dè xẻn. Còn tắm giặt, rửa rau…tất tất đều trông vào con hói nhỏ đục ngầu cùng trâu đằm, vịt lội…
 
Bận ấy chúng tôi về, làm việc xong các anh trong xã mời cơm. Nhìn ra sân thấy đám cải xanh. Thèm quá, anh em xin phép ra “thu hoạch” một ít để …mần tươi tại chỗ. Khổ cái, rau thì có, nhưng nhổ xong, không có nước. Không cách nào khác, chạy ra con hói vừa kể mà rửa. Đến khi ăn, nể mặt chủ nhà ai cũng “hùng hùng hổ hổ”, đường lên mới thú thật nỗi lo cùng nhau. May mà không ai phải gặp “tào tháo”. Bây giờ thì nước máy đã về tận hộ gia đình. Điện cũng không thiếu. Cùng là làm nông nghiệp, nhưng Quảng Thành bây giờ được biết tiếng như một vùng chuyên canh rau thuộc loại lớn nhất tỉnh, với diện tích quy hoạch trồng rau đến 71 ha. Từ trồng rau tạp, Quảng Thành chuyển sang chọn trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao, trồng an toàn, trồng rau trái vụ. Giá trị thu nhập bình quân của mỗi ha rau đạt từ 120-150 triệu đồng/năm. Khoảng 10 ha đạt đến 200 triệu đồng/năm. Rau an toàn tuy đang khó đầu ra, song rau của Quảng Thành đã và đang có mặt ở nhiều siêu thị trên địa bàn, kể cả Big C. Không chỉ trồng lúa, làm rau, nuôi cá, nuôi tôm…người dân Quảng Thành còn làm nhiều ngành nghề khác. Rất nhiều người làm nông giỏi, nhưng làm mộc, làm nề…cũng giỏi. Những lúc nông nhàn, họ quay sang làm nghề và thu nhập từ đó cũng rất khá. Khoảng gần 2.000 trong tổng số 5.000 lao động của Quảng Thành làm thêm các ngành nghề dịch vụ ngoài địa bàn và mang về tổng nguồn thu nhập hàng năm khoảng 32 tỷ đồng….Tất cả góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Quảng Thành đang ngày càng thay da đổi thịt nhanh chóng. Quảng Thành đang hướng đến trở thành một thị trấn trong tương lai không xa…
 
Kế tiếp Quảng Thành là Quảng An-một xã thuần nông nhưng những năm gần đây bắt đầu được biết đến như một vùng đất sinh vật cảnh. Trồng hoa và cây cảnh đã cho thu nhập có hộ đến 100 triệu đồng mỗi năm trên diện tích chỉ 2 sào đất vườn. Đó là một mức thu nhập mà ngay cả dân đô thị nhiều người mong cũng chưa chắc đã được…
 
Đang miên man “thuyết minh” với chú em thì thị trấn Sịa đã vỡ òa trước mắt. Đường một chiều, dải phân cách, điện chiếu sáng, nhà cao tầng bề thế như ai. Tôi chở chú em dạo một vòng cho biết Sịa. Giới thiệu cho chú biết nơi trước kia chợ Sịa tọa lạc, và Trung tâm thương mại, cũng là nơi chợ Sịa mới chuyển đến…
 
- Không rộng lắm, nhưng nói chung, hình hài vậy là được-Chú em tôi nhận xét.
 
- “Chưa rộng lắm” thì có lẽ đúng hơn-Tôi… nói lại cho rõ với chú em. Chỉ tiếc mình không phải là nhà quy hoạch để “thuyết trình” thêm cho chú em biết về vóc dáng tương lai của Sịa mình.
 
Hai anh em chạy thẳng ra bến đò Vĩnh Tu uống bia chơi. Đầm phá mênh mông, mát rượi và nồng nàn hương vị Tam Giang. Bia, cá, tôm, cua, ghẹ, trìa, ốc…Ưa chi có nấy. Phá Tam Giang-Cầu Hai dài gần 70 cây số chạy dọc từ Bắc đến Nam Thừa Thiên Huế, tổng diện tích rộng đến 248,7 Km2, là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á và được ví như một bảo tàng nước hoàn chỉnh với nhiều sản vật quý hiếm. Kinh nghiệm dân gian cho thấy điều rất thú vị là những con gì mà biển có, sông có, đầm phá cũng có thì bao giờ con sống ở vùng nước lợ đầm phá đều ngon đặc biệt. Cá kình ở biển có nhưng không ngon bằng cá kình ở phá; cua, tôm…tất tật đều vậy. Tiếc là do nhiều người cứ tưởng đây là cái kho vô tận nên tranh nhau khai thác vô tội vạ khiến cho các sản vật ngày càng cạn kiệt. Vừa rồi, Quảng Điền đã đi đầu trong việc sắp xếp nò sáo và tín hiệu đáng mừng là sản lượng đánh bắt trên đầm phá đã có chiều hướng nhỉnh lên, cho thấy sự cố gắng của con người cũng bắt đầu có những tác động tích cực.
 
Vừa thưởng thức đặc sản đầm phá, vừa ngắm sóng nước miên man. Chú em cứ ưa ngồi mãi, không muốn về. Nghe nói có một số tour du lịch trải nghiệm Tam Giang đang được thí điểm, chú rất thú vị và hy vọng có một ngày nào đó sẽ được tham gia…
 
Vòng lên, tôi chở chú em chạy theo đường Nguyễn Chí Thanh để qua Quảng Thọ cho chú biết những Phù Lai-quê nhà thơ Tố Hữu, Niêm Phò-quê Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…Chiều đã bắt đầu tắt nắng, những vạt rau má xanh ngút tầm mắt khiến chú em tôi kêu lên ngạc nhiên. Không ngờ giống rau dại, nay lại được trồng tỉa, chăm bón như ai. Chú lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng cứ mỗi sào rau má như vậy, người nông dân có thêm cả chục triệu đồng mỗi năm mà phân tro, công chăm sóc cũng không đến nỗi phức tạp lắm. Chỉ tính riêng làng Phước Yên của xã Quảng Thọ, trên 300 hộ tham gia trồng rau má. Cây rau má trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình, vậy nhưng không hẳn ai cũng biết, nó lại xuất phát từ ý tưởng của một người nông dân có tên là Thiện đưa cây rau má mọc hoang về trồng trên đồng đất của gia đình ...
 
Tôi chỉ cho chú em một ngôi cổ miếu lẩn khuất trong lùm cây cổ thụ um tùm giữa những cánh đồng rau má phía xa xa và nói cho nó biết đó là dấu tích của phủ Phước Yên lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Phủ Phước Yên tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khoảng 10 năm (1626-1636), nhưng nó lại đánh dấu là thủ phủ đầu tiên của triều Nguyễn trên đất Thừa Thiên Huế…
 
Chỉ một vòng đi ngắn nhưng với chú em tôi đó là cả một cuộc trải nghiệm bổ ích và lý thú khó quên. “Thì đúng là nhất Huế, nhì Sịa rồi chứ người xưa đâu có nói trạng, anh nhỉ”-Chú em tôi hét từ phía sau xe. Tôi mỉm cười, và hẹn sẽ còn giới thiệu với chú nhiều chuyện nữa của “Sịa mình” khi chú lại có dịp về thăm Huế. Chắc hẳn sẽ có thêm nhiều điều không làm chú thất vọng…

Tác giả: Diên Thống

Nguồn tin: khamphahue.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập795
  • Hôm nay93,836
  • Tháng hiện tại1,006,100
  • Tổng lượt truy cập57,107,737
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây