Mắc nợ một lời đáp trả đức tin

Thứ bảy - 27/10/2012 19:56

-

-
Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy các Soeurs, các Dì, các Chị ngày ngày hăng say với việc dạy trẻ, tất bật nơi những phòng khám từ thiện, nhiệt thành nơi những trung tâm xã hội… Thế nhưng, xem chừng những việc ấy không đủ để nói lên căn tính thật sự của người môn đệ Chúa, người phải rao giảng về Lời.
MẮC NỢ MỘT LỜI ĐÁP TRẢ ĐỨC TIN
 
Một đoạn hội thoại ngắn đã xảy ra với tôi cách đây đúng 5 tháng. Buổi chuyện trò này không ngừng miên man thôi thúc tôi tự vấn lại cách thế mà nhiều thành phần trong Giáo Hội đã hiện diện và sống đức tin giữa lòng đời mà trước hết là chính tôi với cách sống đức tin của mình …
 

Số là vào thời điểm tháng 5, tiết trời oi nồng của miền đất Cố Đô khiến cho vài anh em nảy sinh ra sáng kiến thêm vào giờ thể thao một bộ môn mới, tạm gọi là môn “lội sông Hương”. Thật vui là sáng kiến này được quý Cha trong Ban Giám Đốc thông qua. Chuyện “lội sông” của anh em chúng tôi được nhiều người dân qua lại chung quanh biết đến như một hiện tượng lạ. Trước tiên là quang cảnh vui nhộn rộn rã của anh em cùng với sắc màu sặc sỡ của những chiếc áo phao điểm xuyết cho cả một khúc sông. Kế đến, hình ảnh anh em chủng sinh vẫy vùng trong dòng nước mát rượi dường như gợi lại một ký ức tuổi thơ nào đó, mà có nhiều người đã cố tình dừng xe lại để được thỏa thích ngắm nhìn. Và cũng không thể bỏ qua một lượng “fan” hâm mộ nhỏ tuổi của các trường mầm non chung quanh, nhất là trường Anh Đào của các chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm sát bên chủng viện. Chiều nào về ngang, các bé cũng xin bố mẹ dừng xe lại để thỏa thích đưa mắt ngắm nhìn mấy “chú”  và cả mấy “bác” đang bơi lội một cách tự do dưới sông. Và đây là cơ may cho một cuộc đối thoại ngắn …
 
Hôm ấy là chiều thứ sáu 11.5.2012, tôi vừa băng qua bên đường ở bờ sông, trước mặt tôi là một bà mẹ trẻ với hai đứa bé vừa tan trường Anh Đào. Nhìn thoáng qua cũng biết hai chú bé đang chạy lăng quăng kia đã buộc người mẹ dừng lại để hai bé được thỏa thích phóng tầm mắt xuống khúc sông nơi các thầy đang bơi lội.
 
Thấy tôi bước sang, chị nở một nụ cười làm quen và nói: “Anh, cho em hỏi”. Tôi hơi chột dạ nhưng cũng nở nụ cười cầu tài và nói: “Dạ, chị cứ hỏi”. Được khích lệ, chị có vẻ tự tin hơn: “Dạ, em muốn hỏi mấy anh ở đâu ra đông thế ?” Tôi cười đáp lại và tự tin đưa tay về phía cổng ĐCV mà trả lời: “Đây, ở trường bên này đây”. Chị hỏi tiếp ra chiều thích thú tìm hiểu: “Vậy mấy anh học gì ở đó?”.
 
Tôi nhận ra người mẹ trẻ này là người lương, tôi mỉm cười trả lời: “À, học làm Linh Mục.” Nhận ra vẻ ngạc nhiên của chị như muốn hỏi “Linh Mục là gì?”, tôi trả lời một kiểu khác: “À, đó là làm các Cha ở trong các nhà thờ.” Tới đây thì chắc có lẽ chị cũng chưa biết gì cho lắm nhưng cũng gật gù ra chiều ít là cũng hiểu chút đỉnh. Chị lại hỏi tiếp, và câu hỏi này thì chị hỏi với giọng nhỏ hơn, đầy thắc mắc: “Vậy là các anh không có vợ phải không?”. Tôi cười vì thấy chị cũng thật tình tìm hiểu, tôi trả lời theo một hướng khác: “À, chúng em chọn không lập gia đình. Như chị đã có gia đình thì chị phải chăm lo cho gia đình của mình, nhìn hai bé con của chị thì hẳn là chị chăm các bé rất khéo, và cũng vất vả phải không ? Những anh em học ở trường này chọn không lập gia đình để có thể dễ dàng phục vụ, giúp mọi người trong các xứ đạo nhiều hơn.”
 
Người mẹ trẻ này như vừa phát hiện ra một điều thú vị nào đó, chị nói: “Vậy là mấy anh giống như mấy chị ở trường Anh Đào, hình như mấy chị đó cũng không lập gia đình”. Tôi phụ họa theo: “Đúng rồi, cũng vì thế mà mấy chị đó nuôi dạy các em tận tâm hơn, các em học ở đó cũng ngoan hơn”. Chị cười với đôi mắt ánh lên vẻ tự hào. Hai chú bé con ngắm nhìn dòng sông với hết sự thích thú, chúng chạy lại bên chị. Chị âu yếm gọi: “Con chào chú đi con !”. Trong khi hai bé còn tròn mắt ngạc nhiên khi  không hiểu tại sao mẹ lại gọi chào chú, tôi nhanh chóng “đi bước trước”: “Chú chào con !”.
 
Lúc đó, hai bé mới khe khẽ vừa chào vừa nấp sau lưng người mẹ. Tôi mỉm cười làm quen chỉ tay vào chú bé có vẻ lanh lợi hơn và hỏi: “Có phải sáng mô con cũng hát bài ‘trường mầm non của em, trường mầm non …. Anh…h…h …. Đào .o.o.o…’ không ? Chú nghe tiếng của con đấy, hát to lắm”. Chú bé cười tít mắt, đỏ mặt, níu chặt lấy cánh tay của mẹ. Chú bé kia níu tay mẹ đòi về. Chị mỉm cười và chào: “Dạ, xin cảm ơn anh. Em xin phép chào anh, em về. Con chào chú rồi về con nè !”.
 
Hai chú bé chắc cũng mong về nhà lắm nên cũng nhanh nhảu chào rồi trèo lên xe. Một lần nữa, chị gật đầu chào, tôi cũng gật đầu chào lại và nhìn theo ba mẹ con cho tới khi chỉ còn là một chấm nhỏ trên con đường Kim Long thơ mộng. Nhìn lại đồng hồ thì cũng mất tiêu 15 phút, nên tôi băng qua đường trở lại và bước vào cổng ĐCV, bỏ lại sau lưng những hối hả ồn ào của thành phố vào giờ tan tầm.
 
Ấy vậy mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ ! Tôi nhớ đến cuộc đối thoại và nhất là những thắc mắc của một người lương về giới tu sĩ. “Vậy là các anh không có vợ phải không? Hình như mấy chị ấy cũng không lập gia đình”, những gì người ta biết về mình ít ỏi thế sao ? Tôi vẫn biết rằng đời sống độc thân là một cái gì đó rất đặc biệt làm cho người ta vừa khâm phục kính trọng nhưng cũng lại vừa hồ nghi thắc mắc. Bởi lẽ hơn ai hết, họ là những người với đời sống xã hội bình thường, chắc hẳn họ cũng đã từng đối diện những thách đố của đời sống gia đình, họ hiểu rằng giữ đời sống độc thân hoặc sâu xa hơn, giữ đức khiết tịnh, rõ ràng là khó như hái sao trên trời. Ai có thể giữ được ? Cốt lõi của sự khác biệt giữa “người tu” và “người phàm” là đây. Thiết tưởng có lẽ đó là những gì mà người mẹ trẻ nói trên đã cảm nhận, và tất cả dường như chỉ có thế.
 
Tôi không trách vì những hiểu biết hạn hẹp của họ nhưng điều làm tôi băn khoăn là : phải chăng tôi đã chẳng giới thiệu niềm tin của mình ? Phải chăng tôi nhát đảm không dám loan báo những gì tôi nhận được nơi Đức Ki-tô và Hội Thánh ? Phải chăng tôi đã xây dựng cho mình một pháo đài để rồi cố thủ trong đó với những thứ tự mãn lạc điệu và bất cần ai phải hiểu mình, mình biết mình đủ rồi ? Hoặc phải chăng tôi chỉ cần ra công ra sức làm việc này việc kia cho xã hội như những công chức tích cực yêu nghề và tự hài lòng với chính mình: ‘Chúa thấy đó, con đã cố gắng lắm rồi’ ? Tôi ngạc nhiên vì người mẹ trẻ gửi con ở trường mầm non Anh Đào ít nhất cũng 9 tháng trời nhưng những hiểu biết về những người nuôi dạy con của mình chỉ dừng lại ở mức độ “hình như …”. Tôi không trách chị nhưng tôi trách mình …
 
Giáo Hội cùng những thành phần trong Giáo Hội đã và đang đóng góp nhiều công trình ý nghĩa cho xã hội, cho cuộc sống. Đó cũng là một trong những sứ mạng mà Giáo Hội đã được ủy thác từ Đức Giê-su và được ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp. Sứ mạng này đã từng bước khẳng định vai trò không thể thiếu của người môn đệ Đức Ki-tô trong cuộc sống hôm nay. Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy các Soeurs, các Dì, các Chị ngày ngày hăng say với việc dạy trẻ, tất bật nơi những phòng khám từ thiện, nhiệt thành nơi những trung tâm xã hội… Thế nhưng, xem chừng những việc ấy không đủ để nói lên căn tính thật sự của người môn đệ Chúa, người phải rao giảng về Lời. Bằng chứng là người mẹ trẻ vẫn chưa hiểu được các Chị dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm là ai ? Có chăng đó là những người dạy trẻ thật tốt thật tâm huyết. Và chỉ cần như thế là đủ. Với tôi, với những người luôn trăn trở với sứ mạng loan báo Tin Mừng, có thể cũng đủ lấy làm hài lòng ? Thật là một nguy cơ khi tôi đang trở thành một “môn đệ công chức”, một người làm thuê trên cánh đồng truyền giáo, để rồi người ta chỉ biết đến tôi mà không biết gì về Chúa, hay để rồi Chúa chỉ là một bóng mờ trong đời tôi hoặc Chúa mãi mãi vẫn là một câu hỏi không lời đáp cho mọi người.
 
Có một câu chuyện như sau :
 
Một vị thiền sư có được một người học trò trung tín đạo hạnh. Sau một thời gian được huấn luyện kỹ càng, ông cho người đệ tử này xuống núi, thiền hành giữa đời. Gia tài của người đệ tử này chỉ là một chiếc áo rơm. Thời gian đầu, người học trò vẫn luôn giữ nếp tu thiền của mình, anh tự mình ngày ngày khất thực và tu luyện rất sốt sắng. Chiếc áo rơm của anh bị lũ chuột cắn phá. Anh xin một con mèo về nuôi để đuổi những con chuột đi khỏi nơi anh sống. Từ khi có con mèo, anh phải tự mình lao động để có miếng ăn vì không thể khất thực cho mình và cho cả con mèo. Sức người có hạn, anh chạy vạy để mua một con bò để giúp anh kéo cày. Từ đó, anh phải cải tạo nhà cửa, nông trang. Mỗi vụ mùa, anh làm ra được nhiều hơn, phần để bán, phần để ăn … Dần dần, anh nghĩ đến việc phải có người cùng chia sẻ, giúp đỡ anh trong công việc cũng như trong cuộc sống. Thế rồi anh lấy vợ. Người trong làng cũng chẳng còn ai nhớ ra anh từng là một tu sĩ nhà Phật. Một lần xuống núi, vị thiền sư ghé qua thăm anh. Ông ngạc nhiên vì những gì người đệ tử đã làm, ông hỏi : “Thế này là thế nào ?” Người học trò thân tín buồn tủi đáp : “Thưa thầy, tất cả chỉ vì con muốn bảo vệ chiếc áo rơm”.
 
Câu chuyện đáng cho tôi suy nghĩ về đời sống đức tin và sứ mệnh thông truyền đức tin của tôi giữa lòng đời hôm nay.
 
Trước khi về trời, chính Chúa Giê-su đã ra lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ (Mc 16,15-16a). Dấu ấn mà các thành phần Giáo Hội để lại trong lòng mỗi người là gì nếu không phải là lòng tin, một lòng tin có sức cứu độ con người. Lòng tin ấy giúp người ta nhận ra nơi Giáo Hội, không phải là những hoạt động bề nổi đình đám hấp dẫn nhưng chính là sự hiện diện sống động của Chúa Ki-tô trong từng giây phút hiện tại của cuộc sống từng người để cứu độ mọi người. Như thế, đức tin mà tôi muốn thông truyền cho người khác mới thật sự có giá trị đời đời đối với họ. Ngày hôm nay, chưa bao giờ niềm tin con người bị xói mòn đến như vậy. Người ta không còn tin gì ở nhau nữa, kể cả những người thân cận.
 
Một diễn viên hài tự trào chính mình: “Ta còn không tin ta, lấy gì tin người khác?” Quả thế, nếu niềm tin của tôi chỉ dừng lại nơi chính mình hay nơi những con người khác thì sớm muộn rồi sẽ phải phá sản. Niềm tin mà Giáo Hội Công Giáo mang đến, không chỉ là thấy trước, nếm thử những điều chưa thấy mà còn nhận ra nơi chính Đức Ki-tô là Đấng cứu độ duy nhất của loài người. Có một tỉ lệ thuận ở đây khi càng đặt niềm tin nơi Chúa, người ta càng nhận ra Thiên Chúa đầy yêu thương và sống động đang hiện diện từng giây phút trong cuộc đời của mình. Nhận ra Thiên Chúa nơi Đức Giê-su nhập thể, Đấng cứu độ con người, đây mới là đích điểm mà đức tin dẫn đưa con người tìm đến. Đang khi mọi thành phần Giáo Hội hăng say làm chứng về một Thiên Chúa yêu thương bằng những hành vi hết sức cụ thể, họ cũng được mời gọi phải loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa bằng lời nói và chính đời sống của mình.
 
Tôi ước mình có dịp gặp lại chị – người mẹ trẻ của hai chú bé dễ thương – để nói với chị nhiều hơn về Chúa, về niềm tin, về động lực đã thúc đẩy các chị em Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm làm được những công việc tốt lành thánh thiện như vậy. Tôi không dám nghĩ những gì mình nói sẽ lôi kéo người khác cho bằng xác tín như Thánh Phao-lô đã từng xác tín: Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên (1Cr 3,6). Thiên Chúa sẽ chuẩn bị hạt giống cũng như thửa đất tâm hồn con người. Việc của tôi chỉ là quãng đại gieo vãi cho Lời Chúa vang xa.
 
Tuy nhiên, năm nay tôi bước vào chương trình thực tập mục vụ một năm. Giáo xứ nhà quê nơi tôi ở nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng. Mỗi sáng bước ra nhà thờ để cầu nguyện, tôi đều khoan khoái vươn vai hít sâu bầu khí trong lành thơm mùi lúa mới. Cánh đồng lúa xanh ngát một màu trước mặt giúp tôi dễ dàng liên tưởng đến cánh đồng Giáo Hội, nơi đang mong đợi những người thợ gặt lành nghề và yêu nghề. Tôi cũng liên tưởng đến “cánh đồng” mà hiện tại Chúa đang đặt để tôi nơi đây.

Lạy Chúa, lắm khi con lo ngại, nhiều phen con hoảng sợ vì không biết nói gì, không biết làm gì trước cánh đồng mà Chúa mời gọi con. Trên cánh đồng này, có bao hạt giống đã đơm bông kết trái, có bao hạt giống đã chết yểu chết nghẹt ? Nơi “cánh đồng” giáo xứ La Nang bé nhỏ này, có bao người con cái Chúa chưa một lần biết gọi Chúa là Cha, cũng còn đó không ít những người con hoang đàng lạc xa Chúa và cũng còn thật nhiều người con dù đang ở trong nhà Cha nhưng thật sự đang rất xa Cha. Chúa không chỉ mời gọi con cầu nguyện nhưng còn nhắc nhở con phải nói, phải lên tiếng bằng cả con người của con với những suy tư, lời nói, việc làm. Lạy Chúa, con tin, con tin Chúa sẽ đồng hành với con, nhưng con cũng xin Chúa trợ giúp niềm tin còn non yếu của con. Amen.

Tác giả: Thương Huyền

Nguồn tin: xuanbichvietnam.wordpress.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập291
  • Hôm nay16,154
  • Tháng hiện tại233,208
  • Tổng lượt truy cập68,198,747
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây