RFI phỏng vấn Giáo sư Lê Đình Thông, đại học Paris, về việc ĐTC từ nhiệm

Thứ năm - 14/02/2013 21:28

-

-
Trong diễn văn từ nhiệm, Đức Bênêđictô XVI nói đến “việc lèo lái con thuyền của thánh Phêrô để loan báo Tin Mừng”. Con thuyền đó vẫn giong buồng ra khơi: duc in altum (Lc 5, 4), bất kể nghịch cảnh.
RFI phỏng vấn Giáo sư Lê Đình Thông, đại học Paris, về việc ĐTC từ nhiệm
 

Nghe toàn văn bài phỏng vấn. Bấm Play để nghe:
 

 
 

RFI: Xin giáo sư cho thính giả RFI biết qua về nhân cách của Đức Bênêđictô XVI.
 
GS Lê Đình Thông: Nhân cách của Đức Bênêđictô XVI được thể hiện không những qua lời nói, việc làm mà qua cả âm nhạc Mozart nữa.
 
Vị giáo hoàng người Đức từng trải qua những ngày kinh hoàng dưới chế độ Đức Quốc Xã. Ngài thường xua tan bóng tối bằng tiếng đàn dương cầm. Nếu tâm trí ngài đong đầy lời Chúa, trái tim của vị giáo chủ chắp lại bằng nốt nhạc, nhất là nhạc Mozart. Trong số hơn 600 tác phẩm đủ loại của Mozart, nổi tiếng hơn cả là dạ khúc Petite musique de nuit. Sự chọn lựa âm thanh thể hiện nhân cách dịu hiền: mến Chúa, yêu người.
 
Giáo triều Rôma truyền tụng câu chuyện sau đây: Sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI trở về nhà cũ, đàn dương cầm khúc nhạc Mozart. Ngài muốn mang theo đàn dương cầm trong phòng riêng giáo hoàng. Nhưng cầu thang thì quá hẹp, căn phòng lại quá cao, không thể đưa đàn qua cửa sổ. Sau cùng, đàn piano được gỡ ra từng mảnh rồi ráp lại. Tự cổ chí kim, ngài là vị giáo hoàng duy nhất sử dụng dương cầm trong phòng riêng ở điện Vaticanô.

 
 
Ngoài đàn dương cầm, nhạc tính trong cấu trúc tiếng Đức góp phần uốn nắn nhân cách Đức Bênêđictô XVI. Khác với tiếng Pháp, Đức ngữ bắt đầu bằng tiểu tiết rồi mới đến điều thiết yếu. Đặc tính này phần nào được thể hiện qua nhân cách của Đức Bênêđictô XVI.
 
Nhân cách của Đức Bênêđictô XVI còn được thể hiện qua vài sự việc xẩy ra vào lúc khởi đầu và kết thúc triều đại giáo hoàng.
 
- 8 năm trước đây, vào 17 giờ 56 ngày 19/04/2005, mái nguyện đường Sixtine tỏa khói trắng báo tin đã có vị giáo hoàng (habemus papam). Vị giáo hoàng thứ 265 ban phép lành cho kinh thành muôn thuở và toàn thế giới (Urbi et orbi), ngỏ lời như sau: “Anh chị em thân mến, sau đức giáo hoàng Gioan-Phaolô thật là vĩ đại, tôi chỉ là người thợ đơn sơ và khiêm hạ trong vườn nho của Chúa.”
 
Trong buổi triều yết ngày 27/04/2005, ngài giải thích ý nghĩa niên hiệu Bênêđictô XVI: “Tôi chọn niên hiệu Bênêđictô để nhớ đến Đức Bênêđictô XV đã lèo lái con thuyền Giáo hội trải qua thời buổi nhiễu nhương của Thế chiến thứ I. Theo chân ngài, tôi muốn làm hòa và tạo sự hòa hợp giữa con người với nhau và giữa các dân tộc. Danh hiệu Bênêđictô còn là tên thánh lập dòng Biển Đức chiêm niệm nữa.”
 
- 8 năm sau, trong hội nghị hồng y ngày 11/02/2013, Đức Bênêđictô đã xin tất cả thứ tha cho ngài mọi lỗi lầm.
 
Các lời nói và việc làm kể trên thể hiện tấm lòng cao cả của Đức Bênêđictô XVI.
 
RFI: Giáo sư có thể cho các thính giả RFI biết những thành quả của triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI, từ 04/2005 đến 02/2013?
 
GS Lê Đình Thông: Đức Bênêđictô XVI có công cải cách giáo triều Roma. Ngài giảm bớt số Thánh bộ và Hội đồng. Tôi xin đơn cử một trường hợp: chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa đồng thời là chủ tịch ủy ban đặc trách các di sản văn hóa và khảo cổ của Giáo hội. Năm 2010, ngài thiết lập Hội đồng Tòa thánh về Tân Phúc âm hóa. ĐHY Tarcisio Bertone, nguyên tổng thư ký Thánh bộ Đức tin, được bổ nhiệm Quốc vụ khanh Tòa thánh. Ngài còn bổ nhiệm nữ tu Nicoletta Vittoria Spezzati làm thứ trưởng ủy ban đặc trách các dòng tu. Đây là vị nữ tu đầu tiên trong Giáo triều Rôma.
 
Ngày 29/05/2006, Đức Bênêđictô XVI viếng thăm lò thiêu người Do thái của Đức Quốc Xã ở Auschwitz (Ba Lan). Tháng 02/2008, ngài quyết định tái lập kinh cầu cho người Do thái trong bộ lễ Missa bằng tiếng la tinh vào thứ sáu Tuần thánh.
 
Ngày 12/09/2006, trong diễn văn đọc tại Đại học Ratisbonne, ngài lấy làm tiếc về những bạo động vì lý do tôn giáo. Ngài nói: “Xin cho tôi biết Mahomet đã mang lại điều gì mới mẻ hay chỉ là những điều xấu xa phi nhân?”
 
Ngày 01/01/2006, nhân ngày Thế giới Hòa bình, ngài kêu gọi Liên Hiệp Quốc đổi mới tư duy, làm thăng tiến công lý, cổ võ liên đới và hòa bình trên thế giới.
 
Năm 2006, ngài công bố thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu) nhằm giải nghĩa ý nghĩa tình yêu theo Phúc âm. Thông điệp này được phổ biến khá sâu rộng.
 
Năm 2007 là thông điệp Spe Salvi (ơn cứu độ nhờ lòng cậy trông), triển khai thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Roma (Rm 8,24).
 
Năm 2009, trong thông điệp Caritas in Veritate (Tình yêu trong Chân lý), ngài đê cập đến các vấn đề xã hội, việc phát triển con người toàn diện, tình huynh đệ, phát triển kinh tế trong khuôn khổ xã hội dân sự và vấn đề môi sinh.
 
RFI: Theo ý giáo sư, đâu là các sứ mạng chính yếu của Đức Bênêđictô XVI?
 
GS Lê Đình Thông: Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng chuyển tiếp. Sau triều đại của Đức Gioan-Phaolô II kéo dài 26 năm, Đức Bênêđictô đã làm công việc của thánh Gioan Tiền hô: “Có tiếng kêu trong sa mạc. Hãy dọn đường, sửa lối cho thẳng”. (Ga, 1,19-28)
 
Ngài thẳng thắn trực diện với các vấn đề nhức nhối. Ngài tuyên bố rất đau lòng vì một số các linh mục phạm tội thiếu nhi tình dục. Ngài đến Mỹ và đảo Malte để xin lỗi các nạn nhân.
 
Theo ý ngài, tha thứ là dự phần vào việc tình yêu Thiên Chúa. Ngài cũng sẵn lòng tha thứ cho người khác. Đầu năm 2009, Đức Bênêđictô XVI quyết định tha vạ tuyệt thông (excommunication) cho bốn giám mục ly khai. Ngài có nhiều cử chỉ tỏ lòng tôn trọng người Hồi giáo và người Do thái. Trước lễ Giáng sinh vừa qua, ngài vào trại giam ở Roma tha thứ Paolo Gabriele vì những lỗi lầm đã phạm.
 
Là vị giáo hoàng chuyển tiếp, ngài coi mình là bản lề chuyển từ triều đại Đức Gioan-Phaolô II sang triều đại kế tiếp chỉ. Thời gian chuyển tiếp chỉ vỏn vẹn 8 năm.
 
32 năm trước đây, ngày 25/11/1981, Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm ngài làm bộ trưởng Thánh bộ Đức tin. Tông hiến Pastor Bonus nói rõ nhiệm vụ của Thánh bộ Đức tin nhằm làm thăng tiến và bảo vệ đức tin để học thuyết và tập tục phù hợp với đức tin trên khắp thế giới. Theo ý tôi, đây chính là di chúc của Đức Gioan-Phaolô II để lại cho người kê nhiệm. Đức Bênêđictô XVI đã làm tròn sứ mạng này.
 
RFI: Giáo sư vui lòng cho thính giả RFI biết những nguyên nhân nào đã khiến Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm?
 
GS Lê Đình Thông: 11 giờ 57 ngày 11/02/2013, Đức Bênêđictô XVI ngỏ lời bằng tiếng la tinh với các vị hồng y tham dự hội nghị hồng y (consistoire). Ngài nói:
 
“Tôi triệu tập các hồng y đến dự hội nghị này không những để tuyên nhận ba vị thánh mới, đồng thời để thông báo một quyết định tối quan trọng cho sinh hoạt của Giáo hội: sau khi xét mình nhiều lần trước Thiên Chúa, tôi đoan chắc vì tuổi già sức yếu không thể hành sử thích đáng chức vụ của thánh Phêrô (ministère pétrinien) được. Tôi ý thức chức vụ này, vì bản chất thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng lời nói và việc làm, mà bằng cả sự lao tâm khổ trí và bằng lời cầu nguyện nữa.”
 
Đức Bênêđictô đã đưa ra lý do sức khỏe. Trong mấy ngày qua, ta thường nghe nói đến việc từ chức (démission), thoái vị (abdication). Cả hai thuật từ này đều không đúng, vì đức giáo hoàng là tối thượng, không có ai có thể nhận sự từ chức của ngài. Cũng không có vấn đề thoái vị, vì ngôi vị giáo hoàng không phải là cha truyền con nối. Điều 332-2 giáo luật do Đức Gioan-Phaolô ÌI ban hành năm 1980 nói đến sự từ nhiệm (renonciation): “Nếu đức giáo hoàng từ chối chức vụ, sự từ nhiệm phải được quyết định hoàn toàn tự do và cũng không có vấn đề một ai khác chấp nhận.” Trong bài này, chúng tôi tạm dùng chữ “từ nhiệm”.
 
Trong diễn văn đọc trước hội nghị hồng y, Đức Bênêđictô XVI nói đến việc hành sử trọng trách giáo hoàng với sự khổ đau hàng ngày. Ngài cảm thấy sức lực mòn mỏi không cho phép tiếp tục công việc được nữa.
 
Ta cũng cần lưu ý một lý do khác nữa là nhiệm vụ chuyển tiếp (transition). Thời kỳ chuyển tiếp thường chỉ là ngắn hạn, đủ để thực hiện một số công việc tối cần trước khi nhường ngôi cho một vị khác. Thiết tưởng đó là hai lý do cần và đủ cho sự từ nhiệm của ngài.
 
Với việc từ nhiệm này, ngài viết thêm một aggiornamento, cập nhật hóa theo kịp thời đại, tạo tiền lệ cho các vị kế nhiệm noi theo: chỉ phục vụ Giáo hội khi còn sức, cũng đừng nuối tiếc chức quyền.

Xưa nay xuất xử thường hai lối” (thơ Nguyễn Công Trứ). Trong trường hợp Đức Bênêđictô XVI, xuất là từ nhiệm, lui về ẩn dật. Ở nước ta, sau khi từ chức, Đức TGM Ngô Quang Kiệt sống ẩn dật tại đan viện Châu Sơn ở Nho Quan:
 
Chẳng lợi danh lại hóa hay,
Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy
.
 
Khi nghe tin Đức Bênêđictô XVI từ chức, Đức TGM Ngô Quang Kiệt lên tiếng như sau: “Thật bất ngờ! Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Xin Chúa gìn giữ cho Ngài.”
 
Thứ tư 13/02, Đức Bênêđictô XVI đã cử hành lễ Tro tại Vương cung Thánh đường Sainte-Sabine trên đồi Aventin: vanitas vanitatum omnia vanitas (tất cả chỉ là phù du mà thôi; công danh trần thế có ngần ấy thôi). Ngài sẽ cấm phòng đến 23/02. Sau ngày 28/02, Đức Bênêđictô XVI lui về sống ẩn dật trong một đan viện ở Vatican, mở đầu thời kỳ trống ngôi (sede vacante).
 
RFI: Sau cùng, xin giáo sư cho biết trước việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, tương lai của Giáo hội sẽ đi về đâu?
 
GS Lê Đình Thông: Trong diễn văn từ nhiệm, Đức Bênêđictô XVI nói đến “việc lèo lái con thuyền của thánh Phêrô để loan báo Tin Mừng”. Con thuyền đó vẫn giong buồng ra khơi: duc in altum (Lc 5, 4), bất kể nghịch cảnh.
 
Đức Bênêđictô là vị giáo chủ cởi mở và đối thoại. Theo gương ngài, vị kế nhiệm cũng sẽ là một nhân vật cởi mở và đối thoại.
 
Nhà thần học Ratzinger (tên thật của Đức Bênêđictô XVI) coi chủ nghĩa mát xít là sự lệch lạc của đức tin công giáo, vay mượn đức cậy nhưng lại loại bỏ Thiên Chúa, thay bằng độc tài đảng trị. Các cấp đảng ủy mọc rễ vào quyền hành.
 
“Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (et quae sunt Dei Deo) (Mt 22,21). Thiết tưởng cũng cần nói rõ Đức Bênêđictô XVI không phải là nhân vật bảo thủ. Tôi xin đơn cử vài trường hợp chứng minh nhận xét này:
 
- Năm 1968, ngài ký tên vào thỉnh nguyện thư yêu cầu cải cách Thánh bộ Đức tin (Saint- Office).

- Năm 1970, ngài có trong số 9 nhà thần học người Đức ký tên vào giác thư (mémorandum) nói lên tình trạng đáng quan ngại (situation alarmante) của Giáo hội.

- Năm 1972, ngài cùng với các nhà thần học Urs von Balthasar, Henri de Lubac, Jean Daniélou ra báo Communio (Hiệp thông) có khuynh hướng tự do.
 
Vì vậy, ngài được coi là nhà cải cách. Việc cho ngài là bảo thủ có phần thiếu sót. Chẳng qua là “Gặp thời thế thế thời phải thế” mà thôi!
 
Từ 15 đến 20/03 sắp tới, mật nghị gồm 117 vị hồng y, trong số có ĐHY Phạm Minh Mẫn, sẽ họp tại nguyện đường Sixtine. Theo tông hiến Universi Dominici gregis, mật nghị nhóm họp 15 ngày sau khi trống ngôi giáo hoàng. Sau vòng bầu thứ I gồm 13 lần bỏ phiếu mà vẫn chưa có kết quả, các hồng y tạm ngưng họp một ngày để suy nghĩ. Sau 34 cuộc bỏ phiếu, các vị hồng y sẽ chọn giữa hai vị có nhiều phiếu nhất. Theo dự kiến, trước ngày 31/03 (lễ Phục sinh), ĐHY Jean-Louis Tauran (Pháp) sẽ lên bao lơn đền thánh Phêrô loan báo tên vị giáo hoàng mới, mở đầu mùa xuân mới của Giáo hội.

Tác giả: Tú Anh (thực hiện)

Nguồn tin: www.viet.rfi.fr

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập749
  • Hôm nay197,872
  • Tháng hiện tại1,679,964
  • Tổng lượt truy cập58,965,833
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây