Làm gì khi y đức cứ thiếu, bệnh nhân thêm thừa?

Thứ ba - 26/02/2013 04:22

-

-
Y đức và quá tải bệnh viện đang là hai vấn nạn lớn nhất của ngành y tế. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, nhân vật của chuyên trang Giá trị sống tuần này là một số bác sĩ, nhà quản lý bệnh viện đang làm việc ở các cơ sở y tế công và tư tại TP.HCM.
Làm gì khi y đức cứ thiếu, bệnh nhân thêm thừa?
 
Y đức và quá tải bệnh viện đang là hai vấn nạn lớn nhất của ngành y tế. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, nhân vật của chuyên trang Giá trị sống tuần này là một số bác sĩ, nhà quản lý bệnh viện đang làm việc ở các cơ sở y tế công và tư tại TP.HCM. Hy vọng những ý kiến của họ về hai vấn nạn trên sẽ có đôi chút đóng góp cho việc hiệu chỉnh chính sách vĩ mô mà bộ Y tế đang đeo đuổi.
 
Bác sĩ Trần Thành Trai:
 
Lương tâm thầy thuốc là “dịch vụ” tốt nhất
 
Để giải quyết tận gốc nạn quá tải bệnh viện, theo tôi, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình là màng lọc tốt nhất. Có rất nhiều bệnh nhẹ, điều trị dễ dàng ở tuyến dưới, nếu có hệ thống bác sĩ gia đình, sẽ giải quyết được đáng kể số lượng bệnh nhân. Bệnh viện Nhi đồng hiện nay mỗi ngày phải nhận rất nhiều cháu bé bị những bệnh thông thường, nhìn qua là biết bị bệnh gì liền. Chính điều này nếu thành thói quen cũng rất dễ làm hư bác sĩ, gây ra tình trạng khám bệnh qua loa, mỗi bệnh nhân chỉ ba đến năm phút.
 
Tôi kỳ vọng nhiều ở tuyến bác sĩ gia đình, như một người bạn của mỗi gia đình, theo dõi và chỉ bảo tận tình từng thành viên gia đình trong một quá trình dài, biết được lai lịch, gốc gác tâm tính từng người, nhờ đó có những lời khuyên, giải thích chu đáo, tận tình. Bác sĩ không phải chỉ để chữa bệnh, mà còn giúp mỗi người phòng bệnh, và đưa ra những phương pháp ngăn ngừa bệnh tật, đó mới là cách tốt nhất để chống lại bệnh tật. Hãy biết quý trọng và tập trung phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình.
 
Quan sát việc phát triển dịch vụ y tế ào ạt hiện nay ở các bệnh viện công, tôi thấy có rất nhiều vấn đề. Có những bệnh chỉ cần xét nghiệm một dịch vụ là được, nhưng gặp bác sĩ là bệnh nhân nào cũng phải xét nghiệm đủ mọi thứ, nào chụp CT, nào chụp phổi, chụp tim, xét nghiệm máu… mà mỗi dịch vụ đâu có ít tiền, rẻ cũng tốn 150.000 đồng/ dịch vụ, chưa kể đằng sau bao nhiêu rắc rối. Chỉ có lương tâm người thầy thuốc mới là “dịch vụ” tốt nhất.
 
Bàn về dịch vụ y tế, tôi nghĩ không gì bằng nỗ lực của từng cá nhân bác sĩ trong ngành. Hãy truyền đạt không chỉ bằng kiến thức, mà bằng tấm gương của mình, như thầy tôi, GS Ngô Gia Hy. Bây giờ là thời của dịch vụ, thầy mở phòng mạch, trò cũng mở phòng mạch, nhưng bệnh nhân của trò có khi đông hơn của thầy nhờ có… mánh khoé! Đau lòng lắm. Bệnh nhân quá tải phải lo tiền cho bác sĩ mới được nằm viện, bác sĩ làm toa thuốc khống để lấy tiền bảo hiểm y tế... Nhiều khi tôi thấy mình như… sinh nhầm thế kỷ.
 
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, chủ tịch hội Tĩnh mạch học, giảng viên chính đại học Y dược TP.HCM:
 
Bệnh viện quá tải có lợi cho một nhóm lợi ích
 
Có một thực tế là tình trạng quá tải chỉ xảy ra ở một số bệnh viện nhà nước, thuộc các thành phố lớn và các bệnh viện chuyên khoa sâu, các bệnh viện này đã có một thời gian hoạt động khá dài có thương hiệu... Còn phần lớn các bệnh viện khác đều trong tình trạng chưa hết công suất, nhất là các bệnh viện tư nhân mới được phép thành lập gần đây. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện kể trên đi kèm với chủ trương xã hội hoá các hoạt động của bệnh viện, tức là sử dụng bệnh viện công, tài sản và nhân lực công đi kèm một ít vốn mua trang thiết bị y tế của một số người để kiếm lợi cho một nhóm lợi ích và để thu hồi vốn nhanh, các bệnh viện này đã đẩy giá dịch vụ lên, tạo ra phong trào chạy đua giữa các cơ sở y tế với nhau. Nếu tính đúng, tính đủ và thật khách quan thì với cùng một dịch vụ y tế, cùng một chất lượng dịch vụ... có nhiều dịch vụ ở bệnh viện công, nhất là các bệnh viện có tình trạng quá tải lại cao hơn các bệnh viện tư.
 
Có nhiều biện pháp đã được đề ra nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giảm chi phí cho bệnh nhân. Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay, hầu như chưa có biện pháp nào thật sự hiệu quả.
 
Theo chúng tôi, ngoài lỗi của ngành y tế còn có lỗi của cả xã hội, trong đó có phần không nhỏ của người bệnh và thân nhân. Tâm lý không tin tưởng hệ thống y tế cơ sở, tâm lý chạy theo đám đông và sự thiếu hụt nền văn hoá khi đi khám bệnh... cùng với sự thiếu vắng hệ thống bác sĩ gia đình đã là một nguyên nhân lớn gây nên tình trạng trên.
 
Như vậy trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường giáo dục y đức cho nhân viên y tế thì việc gấp rút tuyên truyền về văn hoá khi đi khám bệnh và phát triển hệ thống bác sĩ gia đình là rất cần thiết. Cần thiết hơn việc mở rộng, cơi nới các bệnh viện quá tải vì nó tạo nên sự chật chội, nhếch nhác và không có hiệu quả thực sự như chúng ta mong muốn.
 
PGS.TS.BS Phạm Lê An, trưởng trung tâm Đào tạo bác sĩ gia đình – đại học Y dược TP.HCM:
 
“Bác sĩ gia đình là một trong những giải pháp tốt nhất”
 
Về dịch vụ y tế, có hai chuyện cần bàn, đó là giá cả và khả năng cung cấp. Về giá cả, hiện nay trong xã hội vẫn còn tranh cãi khi người dân cho rằng giá dịch vụ y tế cao, nhưng phía cơ sở y tế lại cho rằng giá như thế vẫn thấp. Sự tranh cãi này chưa ngã ngũ vì hai bên chỉ dựa vào cảm tính, chưa dựa trên những dữ liệu nghiên cứu.
 
Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn thấy là người dân than phiền giá dịch vụ y tế cao bởi họ đổ xô về các trung tâm y tế lớn, nơi giá dịch vụ y tế thường cao hơn tuyến dưới. Chưa kể họ phải trang trải chi phí cho việc đi lại. Để giải quyết, theo tôi cần trả lại những gì thuộc về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, sao cho một dịch vụ y tế bình thường sẽ được cung cấp đầy đủ với chất lượng cao bởi những lực lượng tại cơ sở y tế ban đầu, không cần nhờ đến y tế tuyến trên.
 
Khía cạnh thứ hai của dịch vụ y tế là khả năng cung cấp dịch vụ. Nhiều bệnh nhân hiện nay than phiền là không được cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế, hoặc nếu có thì chất lượng không thoả đáng, khiến họ phải đi khắp nơi, thậm chí ra nước ngoài để tìm kiếm. Điều này cần xem xét phần nào dưới góc độ quảng bá, khi bệnh nhân không được cung cấp đầy đủ thông tin.
 
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đi xa chữa bệnh thì họ cũng chỉ có thể đi vài lần chứ không thể đi hoài. Sau đó, nếu bệnh lại, họ có thể sử dụng các toa thuốc cũ, điều này hoàn toàn không tốt, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng. Điều này cũng đúng với việc đi nước ngoài chữa trị. Đi Singapore chữa ung thư, người bệnh cũng phải về nước để được chăm sóc và điều trị tiếp, chứ không thể ở bên đó mãi vì như thế rất tốn kém. Trong điều kiện hệ thống y tế nước nhà những năm qua, giá dịch vụ và chất lượng dịch vụ y tế – sự chăm sóc và điều trị toàn diện, liên tục – đã bị phá vỡ, hoàn toàn không tốt cho bệnh nhân.
 
Như vậy, ai sẽ giải quyết những chuyện trên? Theo tôi, chỉ có bác sĩ gia đình, vì họ được đào tạo bài bản, đúng chuẩn và có cùng tiếng nói chung với bác sĩ gia đình nước ngoài. Nếu phát triển tốt hệ thống bác sĩ gia đình, trong tương lai chúng ta sẽ giảm chi phí không cần thiết cho bệnh nhân khi lên tuyến trên hoặc ra nước ngoài chữa trị. Chưa kể còn giải quyết được nạn quá tải bệnh viện, tạo sự công bằng trong chăm sóc y tế, vì bác sĩ gia đình liên kết với bảo hiểm y tế. Một điều quan trọng không kém là bác sĩ gia đình sẽ mang lại sự chăm sóc và điều trị toàn diện, liên tục, nâng chất lượng dịch vụ y tế lên mức độ cao hơn. Như thế, bác sĩ gia đình là một trong những giải pháp cải thiện các dịch vụ y tế hiện nay, từ giá cả cũng như chất lượng.
 
BS Nguyễn Hải Tùng, tổng giám đốc bệnh viện đa khoa Triều An, TP.HCM:
 
Tương tự những gì đang diễn ra trong ngành giáo dục
 
Nguyên nhân khách quan của các thực trạng quá tải bệnh viện, chi phí dịch vụ vẫn cao là do đồng lương của nhân viên y tế còn quá thấp so với đòi hỏi của công việc như chịu áp lực cao mỗi ngày, trực đêm, đối mặt thường xuyên với những tình huống sinh tử... Mức lương hiện nay chưa tương xứng với sức lao động và những rủi ro về thể chất và tinh thần mà người làm trong ngành y tế gặp phải. Điều này cũng tương tự những gì đang diễn ra trong ngành giáo dục. Hậu quả là nhiều nơi phải thu thêm những khoản phí không nằm trong quy định để bù đắp.
 
Ở các bệnh viện tư nhân, đối tượng đến khám chữa bệnh là những người có khả năng chi trả cho dịch vụ tốt nên nhân viên y tế có trách nhiệm phục vụ bệnh nhân sao cho xứng đáng với chi phí. Các khoản phí thu vào ở bệnh viện tư luôn rất minh bạch với sự kiểm soát chặt chẽ của thuế vụ và các cơ quan chức năng. Điều này giúp hạn chế phiền hà cho bệnh nhân.
 
Một vấn đề nhức nhối nữa là sự suy đồi về y đức. Lời thề Hippocrates và 12 điều y đức đang trở thành những khẩu hiệu sáo rỗng và không còn ý nghĩa đối với một bộ phận các bác sĩ mới ra trường lẫn có thâm niên khi họ không còn đặt việc cứu người lên hàng đầu. Cũng cần nói đến cách chúng ta giáo dục y đức cho cán bộ y tế – nếu cứ học thuộc lòng kiểu giáo điều và trả bài nhau từng câu chữ trong lời thề, từng dòng trong những điều y đức thì liệu có tác dụng hình thành ý thức phục vụ bệnh nhân và lòng cảm thương người bệnh không? Ngành y cần những lời kêu gọi quay lại với y đức, với truyền thống lương y như từ mẫu của dân tộc. Một khi đã chọn nghề y, nhân viên y tế trước hết phải thấy được niềm vui và sự thiêng liêng khi cứu người. Nếu không thay đổi, khám chữa bệnh dần dần sẽ trở thành một sản phẩm trong nền kinh tế thị trường, bị chi phối bởi đồng tiền, mất đi ý nghĩa cao đẹp và giá trị nhân văn.
 
Bác sĩ Mason Cobb, chủ tịch HĐQT phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ:
 
“Tất cả vì bệnh nhân” – nói dễ làm khó
 
“Tất cả vì bệnh nhân” – nói thì rất dễ và dường như ai cũng nghĩ như vậy, thế nhưng hành trình đưa phương châm trở thành hiện thực hàng ngày là một khó khăn với nhiều trăn trở.
 
Một cơ sở y tế tư nhân chắc chắn phải làm sao ra lợi nhuận mới tiếp tục phát triển và duy trì hoạt động. Lợi nhuận và lợi ích của bệnh nhân là hai vấn đề mâu thuẫn với nhau. Làm thế nào để cân bằng và thoả mãn cả hai yếu tố? Đây luôn là một thử thách cho bất cứ nhà đầu tư cũng như người quản lý nào trong ngành y tế.
 
May mắn chúng tôi có một quyết tâm xây dựng cơ sở vật chất tốt ngay từ ban đầu với chủ trương đặt yếu tố đáp ứng nhu cầu người bệnh lên hàng đầu, cùng với một phần mềm quản lý tốt đã giảm rất nhiều chi phí cho việc điều hành và phát triển sau này. Trên cơ sở một nền tảng vật chất tốt, vấn đề còn lại là yếu tố con người. Xây dựng một đội ngũ các nhân viên y tế theo cách thực hành y khoa trên cơ sở y học chứng cứ (Evidence Base Medicine), thực hiện triệt để phương châm “Không lạm dụng thuốc và xét nghiệm tại Victoria Healthcare”, việc làm này không chỉ phục vụ cho lợi ích về y tế mà còn cả về tài chính của bệnh nhân và gia đình người bệnh. Nhờ hệ thống phần mềm quản lý bệnh án, các bác sĩ có thể kiểm tra được hồ sơ bệnh án của nhau và góp ý thẳng thắn các trường hợp lạm dụng thuốc, xét nghiệm, không phải một lời nói suông.
 
Chính sách giá cũng là một vấn đề quan trọng trong lợi ích của bệnh nhân. Làm sao để có thể cung cấp một dịch vụ y tế tiêu chuẩn quốc tế với một mức giá phù hợp cho người Việt Nam. Để làm được điều đó, hệ thống phòng khám phải vận hành với chi phí ít tốn kém nhất.
 
Thực hiện: Kim Yến – Phan Sơn – Nguyên Cao

Tác giả: Kim Yến – Phan Sơn – Nguyên Cao

Nguồn tin: Sàigòn Tiếp Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập524
  • Hôm nay88,077
  • Tháng hiện tại1,023,117
  • Tổng lượt truy cập58,308,986
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây