Tiểu sử 4 LM tử đạo tại Dương Lộc, Triệu Phong, Quảng Trị ngày 8/9/1885

Thứ hai - 23/09/2013 21:12

-

-
Nguyên nhân đưa đến cái chết tập thể của 2.500 giáo dân Công giáo tại làng Dương Lộc, Triệu Phong, Quảng Trị ngày 8/9/1885 trong đó có 4 Linh Mục người Việt Nam và 65 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá bắt đầu từ những xáo trộn trong nội bộ của triều đình Huế ...
Tiểu sử 4 LM tử đạo tại Dương Lộc, Triệu Phong, Quảng Trị ngày 8/9/1885
 
(GS Nguyễn Lý-Tưởng sưu tầm)
 
Nguyên nhân đưa đến cái chết tập thể của 2.500 giáo dân Công giáo tại làng Dương Lộc, Triệu Phong, Quảng Trị ngày 8/9/1885 trong đó có 4 Linh Mục người Việt Nam và 65 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá bắt đầu từ những xáo trộn trong nội bộ của triều đình Huế do bàn tay của hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết gây nên. Khởi đầu là vụ “Tứ Nguyệt Tam Vương” (Bốn tháng mà có đến ba ông vua được lập).
 
Vua Tự Đức không có con nối dòng nên trước khi chết đã chọn ba người cháu làm con nuôi là:Ưng Chân (Dục Đức), Ưng Kỵ hay Ưng Đường (Chánh Mông) và Ưng Đăng (Dưỡng Thiện). Năm 1883, vua Tự Đức mất, cháu là Ưng Chân (Dục Đức) nối ngôi. Hai quan Phụ Chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết âm mưu lật đổ vua Dục Đức, giam chết đói trong ngục. Chỉ có quan Đệ Nhất Phụ Chính là Trần Tiễn Thành và quan Ngự Sử Phan Đình Phùng phản đối. Trần Tiễn Thành bị cô lập, phải từ chức, Phan Đình Phùng bị đánh đòn, bị xóa tên trong bia Tiến sĩ và bị đuổi về quê. Hai ông Tường và Thuyết đưa người em vua Tự Đức là Hường Dật (Hồng Dật) nối ngôi lấy niên hiệu Hiệp Hòa.
 
Vua Hiệp Hòa thấy hai ông Tường và Thuyết lộng quyền, sợ chiến tranh xảy ra với người Pháp nên muốn bắt tay với người Pháp, loại bỏ hai vị Phụ Chính để thi hành hòa ước 1862… Việc bị bại lộ, vua bị bức tử, những người dự mưu với vua đều bị giết chết hoặc bị lưu đày. Phụ Chính Trần Tiễn Thành đã xin về hưu cũng bị Tôn Thất Thuyết cho người đến nhà buộc phải chọn một trong ba hình thức để tự xử (gọi là tam ban triều điển: vuông lụa, thuốc độc và con dao).
 
Con nuôi thứ ba của vua Tự Đức là Ưng Đăng, mới 16 tuổi được hai ông Tường và Thuyết đưa lên ngôi, lấy niên hiệu Kiến Phước. Ít lâu sau, vua Kiến Phước cũng bị Nguyễn Văn Tường âm mưu đầu độc. Ưng Lịch, em của Kiến Phước mới 13 tuổi, được hai ông Tường và Thuyết đưa lên làm vua, lấy niên hiệu Hàm Nghi.
 
Thuyết và Tường chủ trương đánh Pháp, bí mật lập chiến khu Tân Sở (vùng núi Cùa, Quảng Trị) và tổ chức một đạo quân gọi là “Đoạn Kiết” (người đương thời gọi là đảng của Tôn Thất Thuyết) trong đó có những phần tử trộm cướp bị tù được tha ra cho đi đánh Pháp để lập công. Năm 1883, thời vua Hiệp Hòa, Tôn Thất Thuyết đã cho lực lượng nầy đi đốt nhà thờ, giết hại Linh Mục và giáo dân ở trong tỉnh Thừa Thiên. Vua Hiệp Hòa đã chống lại việc đó. Vì thế, vua Hiệp Hòa đã bị truất phế và bị bắt buộc uống thuốc độc chết như đã nói ở đoạn trên. Nguyễn Văn Tường đã từng đưa ra nhận xét: Đảng của Tôn Thất Thuyết hành động quá vội vàng, càng gây khó khăn cho vua và triều đình trong khi tình thế chưa đủ chín muồi.
 
Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 âm lịch năm Ất Dậu (Dương lịch: đêm 4 rạng ngày 5/7/1885) Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm Sứ Huế, thất bại, bèn đem vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, lên chiến khu Tân Sở (Cùa). Tại đây, Thuyết nhân danh vua ban hành hịch Cần Vương “bình Tây, sát Tả” (đánh Pháp, giết người theo đạo Công Giáo), thành phần Nho sĩ cũng như dân các làng không Công Giáo (bên Lương), với tinh thần yêu nước cực đoan, thiếu sáng suốt, bị kích động bởi quan, quân… nên đã xem đồng bào Công giáo vô tội là kẻ thù… Vì thế, họ đã thành lập những lực lượng võ trang trong đó không thiếu hạng bất lương, bọn trộm cướp lợi dụng cơ hội nổi lên đi cướp phá, giết hại giáo dân vô tội cách dã man, tàn bạo. Các tỉnh miền Trung trong tình trạng rối loạn. Việc bình Tây thì chưa thu đạt được kết quả gì, mà việt sát Tả, tức là giết người Công Giáo vô tội thì quá dã man, tàn ác. Người Công Giáo sống ở những làng quê, xa xuôi hẻo lánh, đa số là nông dân hay ngư dân nghèo, nhờ được các Linh Mục giáo dục nên đã có nếp sống đạo đức, mến Chúa yêu người, giữ phong tục tốt, không trộm cắp, không ăn nói tục tĩu, luôn biết lễ phép với bậc phụ huynh, với người trên… Đồng bào lương giáo xưa nay vẫn sống hòa thuận với nhau đời nầy qua đời khác. Chỉ vì vua quan xúi dục, khích động, vu vạ, cáo buộc cho người có đạo theo Tây mới sinh nên cái họa lương giáo đi đến chỗ hiềm khích, hiểu lầm, giết hại lẫn nhau. Đó là điều nhục nhã nhất, bẩn thỉu nhất của lịch sử dân tộc.
 
Vấn đề cấm đạo đã có từ thời các chúa rồi đến các vua… nhưng dân chúng vẫn không bỏ đạo. Mạng sống là điều cao qúy nhất thế mà họ không tiếc mạng sống, thà chết chứ không từ bỏ đức tin. Sự hy sinh mạng sống của họ chứng minh cho chân lý mà họ tin là đúng. Nếu Đạo Công Giáo là xấu thì không cần phải cấm đoán, người ta vẫn tự động xa lánh, tự động từ bỏ.
 
Tôn Thất Thuyết chỉ huy đoàn quân hộ tống vua Hàm Nghi đi trước, Nguyễn Văn Tường theo các bà Thái hậu và hoàng gia chạy theo sau. Ra đến thành Quảng Trị, Nguyễn Văn Tường thấy rõ nguy cơ bèn trở về Huế đến Kim Long tìm Đức Giám Mục Caspar (Đức Cha Lộc) nhờ liên lạc với Pháp xin ra đầu thú. Pháp bắt hoàng gia và các quan họp lại để cử vua mới sau khi vua Hàm Nghi ra khỏi kinh thành Huế. Ông Nguyễn Hữu Độ, Khâm Sai Kinh Lược Bắc Kỳ là người trước đây đã chống lại hai ông Thuyết và Tường, từ Hà Nội trở về Huế, ủng hộ con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Ưng Kỵ (hay Ưng Đường) anh vua Kiến Phúc lên ngôi lấy niên hiệu Đồng Khánh, để ôn định tình hình. Nguyễn Hữu Độ làm Phụ Chính thay thế Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Nhưng ở các tỉnh khác phe của Tôn Thất Thuyết và đảng Văn Thân còn mạnh, vẫn tiếp tục gây rối loạn. Quân Văn Thân kéo nhau vào chiếm thành Quảng Trị, quan Tuần Vũ là Trương Quang Đản không chống cự, để cho bọn chúng cướp kho súng đạn và lương thực.
 
Ngày 6 tháng 9/1885, có lệnh giới nghiêm trong toàn tỉnh, ai ở đâu thì cứ ở đó, không được đi lại. Quân Văn Thân tập họp dân các làng, cấp gươm giáo súng đạn cho họ và kéo nhau đi bao vây, giết hại dân các làng theo đạo Công Giáo. Trước tình hình như vậy, giáo dân các nơi bị khủng bố chạy về Dương Lộc vì nơi đây có LM Nguyễn Ngọc Tuyên là người có ảnh hướng lớn nên mọi người đặt tin tưởng nơi ngài. Lúc đó, tại Dương Lộc có khoảng 400 giáo dân, cộng với giáo dân các làng chung quanh kéo về lên đến 2000 người. Ngày 7 tháng 9/1885 số giáo dân chạy về Dương Lộc tăng lên đến 2500 . Cha Trần Ngọc Vịnh ở Đại Lộc muốn đem giáo dân vào Huế lánh nạn nhưng LM Nguyễn Ngọc Tuyên ở Dương Lộc thì cho rằng bọn người nhân danh Cần Vương (giúp vua) hay Văn Thân (thành phần Nho sĩ, trí thức yêu nước cực đoan) là những người không tôn trọng pháp luật, không nghe theo lệnh vua Đồng Khánh ở Huế và đã có những hành động cướp bóc, giết hại dân chúng… Vì thế, chúng ta phải tổ chức một lực lượng để bảo vệ sinh mạng và tài sản của giáo dân trong vùng, chờ đợi quân của triều đình tái lập trật tự. Từ Dương Lộc vào đến Huế cũng mất hai ngày đường, khá nguy hiểm… thà ở lại đây còn hơn. Tất cả giáo dân hăng hái ủng hộ ý kiến của Cha Tuyên và tham gia tích cực vào việc đào hào, đắp lũy, dùng cây tre vót nhọn làm khí giới… tất cả đàn bà, con nít đều vào trong nhà thờ, đàn ông, trai tráng chiến đấu ở ngoài.

Ngày 7 tháng 9/1885, có khoảng 2000 quân Văn Thân kéo đến tấn công Dương Lộc; nhưng lực lượng tự vệ của giáo dân đã giữ vững phòng tuyến, quân Văn Thân phải rút lui… Đêm 7 tháng 9/1885 đến sáng 8/9/1885, tiếng trống, tiếng phèng, tiếng người la ó bao vây bốn phía… Ngày 8/9/1885, quân Văn Thân đem toàn lực lượng khoảng 4.000 người với đầy đủ súng ống lấy từ kho súng trong thành Quảng Trị gồm có súng trường, súng thần công, hỏa hổ, rơm rạ, vải tẩm dầu… đồng loạt tấn công… Lửa cháy ngút trời, nhà thờ bị đốt cháy, phòng tuyến bị vỡ, giáo dân bên trong không chịu nổi sức nóng, đã trở nên hỗn loạn, đạp nhau chạy ra ngoài. Quân Văn Thân gặp ai giết đấy, bất kể đàn bà con nít, người già hoặc trai tráng. Tổng số giáo dân bị thiêu sát khoảng 2.500 người trong đó có 4 Linh Mục và 65 nữ tu… Chỉ có một số rất ít sống sót, đã tìm đường chạy trốn đi nơi khác. Mấy ngày sau, quân Pháp hành quân qua vùng nầy, quân Văn Thân tự động giải tán, lẫn trốn… Chính quyền ra lệnh cho các làng lân cận đi thu dọn xác chết, đi tìm những người còn sống trở về, cho họ ăn và băng bó vết thương cho ho. Quân Pháp đã đưa những người còn sống lên tỉnh hoặc vào Huế, nhờ những nơi không bị quân Văn Thân tàn sát, giúp đỡ… Có người lưu lạc cả năm sau mới trở về làng. Xác của các nạn nhân được đem chôn tại một nơi trước mặt làng gọi là Cồn Soi hay Soi Kiện.
 
Cảnh điêu tàn, tang thương của làng Dương Lộc kéo dài đến 15 năm sau. Vào năm 1901, nhà thờ Dương Lộc nơi thấm máu của 2.500 người chết vì đạo ngày 8/9/1885 trở thành một nấm mồ tập thể.
 
Hơn 30 năm sau biến cố 8/9/1885, giáo dân Dương Lộc đã xây dựng một ngôi Thánh đường mới tại một địa điểm khác. Công trình xây dựng Nhà Nguyện và Khu Lăng Mộ các vị tử đạo khởi đi từ 1901 mãi cho đến năm 1942, mới hoàn thành. Năm 1972, giáo dân Dương Lộc bỏ làng ra đi lánh nạn Cộng Sản, di tích tử đạo nầy bị hoang phế. Năm 2002 con cháu khắp nơi góp sức xây dựng Nhà Nguyện và Khu Lăng Mộ tổ tiên tử đạo Dương Lộc tốt đẹp hơn ngày xưa. Hiện nay chỉ còn khoảng 100 người Công Giáo từ khắp nơi về lập nghiệp ở đây, họ là dân mới, thay thế cho những người Dương Lộc cũ, bảo vệ di tích lịch sử tử đạo nầy.

 

Nhà nguyện Lăng Tử đạo Dương Lộc (1972-2002)


Khu lăng mộ phía sau nhà nguyện chôn hài cốt 2.500 vị tử đạo tại Dương Lộc


Mặt tiền nhà nguyện lăng Tử đạo Dương Lộc (sau 1972-2002)


Mặt tiền nhà nguyện khu lăng mộ các vị tử đạo tại Dương Lộc hiện nay (2013)


Khu lăng mộ 2.500 vị tử đạo tại Dương Lộc (trùng tu 2002)



Cổng vào nhà nguyện và khu lăng mộ các vị tử đạo Dương Lộc hiện nay (2013)


Bia đá khu lăng mộ 2.500 vị tử đạo tại Dương Lộc
 
(mời xem phần Phụ Lục ở cuối bài: Tờ trình của Jabouille, công sứ Pháp tại Quảng Trị về biến cố quân Văn Thân tàn sát 8.585 người Công Giáo trong tỉnh Quảng Trị vào tháng 9/1885)
 
TIỂU SỬ BỐN LINH MỤC BỊ QUÂN VĂN THÂN GIẾT TẠI NHÀ THỜ DƯƠNG LỘC (Triệu Phong, Quảng Trị  ngày 8/9/1885)
 
1.- LM Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên (Cha Sở Dương Lộc): sinh năm 1829 tại xã Phụ Việt, tỉnh Quảng Bình, con ông Nguyễn Ngọc Nhung (thầy thuốc Bắc). LM Nguyễn Ngọc Đằng là em ruột ông nội Cha Tuyên. Vốn bản chất thông minh, thuở nhỏ ngài học tại Tiểu chủng viên Kẻ Sen (Bắc Quảng Bình), học trò của Cố Lý (LM Galy). Từ 15/3/1847 đến 14/8/1853, trong 6 năm, ngài du học tại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê ở Penang (Mã Lai). Từ tháng 4/1858, ngài đi theo Đức Cha Pellerin (Phan) trong ba năm, khi thì ở Singapor khi thì ở Hongkong để học thần học. Ngày 9/5/1862, Đức Cha Pellerin sai ngài về nước để tiếp tế, liên lạc với các cha và giáo dân đang trốn tránh. Ngài mang theo một số vàng, khởi hành ngày 7/7/1862 về Saigon. Cùng đi theo ngài có ba Linh Mục ngoại quốc là Devaux, Roy và Cros (Cố Lầu).
 
Sau khi ký hòa ước với Pháp, vua Tự Đức bãi bỏ lệnh cấm đạo nên ngài trở về Huế và chịu chức Năm ngày 19/2/1863, chức Sáu ngày 23/1/1864 tại Kim Long. Tháng 3/1864, ngài tháp tùng Đức Cha Sohier (Bình) qua Vatican, yết kiến Đức Giáo Hoàng Pio IX và ở lại đó một tháng rồi qua Pháp. Thầy Nguyễn Hữu Thơ (sau nầy là cũng là một Linh Mục thông thái thời Tự Đức) cũng có mặt trong chuyến đi nầy. Ngài học bổ túc tại Đại chủng viện Mans (Pháp), được Đức Cha Sohier phong chức Linh Mục ngày 17/12/1864, ngài tiếp tục học tại Mans cho đến 1865 mới trở về Huế. Cha Tuyên là một nhà thông thái, biết nhiều thứ tiếng như Pháp, Anh, Trung Hoa, chữ Latinh… lại có tài vẽ đẹp, đến đâu thấy phong cảnh lạ hoặc hình ảnh nào đáng ghi nhớ, ngài đều vẽ lại trong một tập Album de croquis (Album de dessins) những nét sống động dưới ngòi bút tài tình của ngài. Nhân dịp thọ phong Linh Mục của ngài, các bạn chủng sinh và ân nhân ở Pháp đã góp tiền mua tặng ngài một chén thánh quý giá. Chén thánh bằng vàng, pha bạc và đồng gồm có ba tầng, chạm trỗ rất công phu, kiểu thức nghệ thuật của tiền bán thế kỷ 19. Dưới chân chén thánh có khắc chữ: “IGNATIO MARIOE TUYÊN-UT IN DOMINO MEMORSIT-MAJ-ATMIN-CENOMANENSIS”.
 
Tháng 8/1865, Cha Tuyên rời đất Pháp, sau mấy tháng lênh đênh trên mặt biển, ngài đã đến Huế vào tháng 2 năm sau (1866) cùng với Đức Cha Sohier (Bình). Sau đó, ngài tháp tùng Đức Cha đi kinh lý các giáo xứ trong địa phận. Ngài được cử làm chánh xứ Thanh Hương, Châu Mới, Phủ Cam (kiêm Dòng Mến Thánh Giá). Ngài được vua Tự Đức mời dạy Pháp văn cho các hoàng tử và con các quan và dạy trường thông ngôn Thương Bạc, gần cửa Thượng Tứ (Huế) và làm việc cho phái đoàn Việt Nam họp hòa hội với Pháp, rồi được vua Tự Đức cử làm quan Tham Biện ở Hải Phòng. Không mang danh lợi, năm 1880, ngài xin từ chức để trở về đời sống Linh Mục, phục vụ Giáo Hội.
 
Từ 1880 đến 1885, Đức Cha Caspar (Lộc) đã cử ngài lần lượt phụ trách các giáo xứ Thợ Đúc, An Truyền (Thừa Thiên) và Dương Lộc (Quảng Trị). Cha Tuyên bị quân Văn Thân giết tại nhà thờ Công Giáo Dương Lộc ngày 8/9/1885.
 
2.- LM Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh (Cha Sở Đại Lộc): sinh năm 1838 tại làng Mậu Tài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, con quan Tham Tri Trần Ngọc Giao (một chức quan đứng hàng thứ nhì sau Thượng Thư), người ngoại giáo; mẹ là người Công Giáo gốc Thanh Hương tức giáo xứ Nhứt Đông (huyện Hương Điền, Thừa Thiên). Người mẹ bỏ đạo, làm vợ bé quan Tham Tri sinh ra Cha Vịnh và bà Trần Thị Phước (Bà Madalêna Trần Thị Phước lấy chồng là Phaolô Nguyễn Văn Cẩn sinh được 4 trai: LM Nguyễn Văn Chính, LM Nguyễn Văn Chuyên, LM Nguyễn Văn Mầu và ông Nguyễn Văn Trí. Ông Trí là thân sinh của LM Nguyễn Văn Huệ).
 
Lúc nhỏ cậu Vịnh theo cha ra miền Bắc vì quan Tham tri làm việc ở ngoài đó. Khi quan Tham tri mất, bà Tham đem con về Huế. Vì hoàn cảnh khó khăn nên vào ở chùa Báo Quốc.
 
Đức Cha Sohier (Bình) biết bà là người Công Giáo nên nhờ người giúp đỡ và khuyên bà trở lại đạo. Bà đem các con về ở Gia Hội. Trong thời cấm đạo, Linh Mục Mactinô Nguyễn Văn Thanh (1820-1869) cải trang làm người gánh nước thuê ở phố Gia Hội, có quen biết gia đình bà Tham Giao. Ngài thường liên lạc hướng dẫn mẹ con bà về mặt đạo đức. Linh Mục Đặng Đức Tuấn (quê ở Bình Định) trong thời gian ở Huế giúp vua Tự Đức cũng có ghé thăm bà.
 
Vì là con quan nên cậu Vịnh được vào học trường Quốc Tử Giám, rất giỏi chữ Nho. Năm 18 tuổi, cậu Vịnh được Linh Mục Nguyễn Văn Mỹ (1823-1858) lúc đó ở Dương Sơn dạy giáo lý và rửa tội. Sau một thời gian, quan Phủ Doãn (Tỉnh Trưởng) Thừa Thiên biết được liền ra lệnh tìm bắt cậu. Ngày 29/4/1859, lính vào nhà lục xét, nhưng cậu Vịnh đã trốn đi xa, chúng bắt bà mẹ cậu, đánh đập dã man và giam giữ mấy tháng rồi tha về.
 
Sau khi chịu phép Rửa tội, cậu Vịnh xin đi tu và được Đức Cha Sohier (Bình) gởi qua học tại Chủng viện Penang (Mã Lai) từ 24/4/1864 đến 17/3/1870. Tại đây, Thầy Vịnh vừa học vừa làm Giáo sư dạy Hán văn cho các Thầy khác. Sau đó, trở về nước và chịu chức cắt tóc tại Ba Trục (1872), năm 1873 chịu 4 chức tại Kim Long rồi chịu chức Năm, chức Sáu vào năm 1873, 1874. Ngày 18/12/1875, Thầy Vịnh chịu chức Linh Mục tại Huế và được về làm cha xứ Ngọc Hồ (Hương Trà, Thừa Thiên). Chị của ngài lấy chồng người làng Ngọc Hồ nên mẹ của ngài cũng ở đây với với gia đình chị. Sau khi mẹ qua đời, Cha Vịnh được thuyên chuyển về làm cha xứ Dương Lộc (Ông Dương Văn Doan là thân phụ của hai Linh Mục Dương Văn Nguyên và Malachias Dương Văn Minh lúc đó ở giúp việc cho ngài). Trước 1885, Cha Vịnh về Đại Lộc và Cha Tuyên ở Huế ra thay Cha Vịnh ở Dương Lộc.
 
Cũng như Cha Tuyên, Cha Vịnh giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ba Nha, tiếng Tàu, tiếng Nhật, chữ Hán, tiếng Latinh,v.v… và cũng nổi danh là Linh Mục thông thái thời bấy giờ, rất được nhiều người kính nể. Cha Vịnh bị quân Văn Thân giết tại nhà thờ Công giáo Dương Lộc ngày 8/9/1885.
 
3.- LM Gioan Đoạn Trinh Khoan  (họ Đoàn nhưng giọng địa phương đọc là Đoạn) sinh năm 1829 tại Kim Long, nhưng cha mẹ ngài gốc Vân Dương, Thừa Thiên. Cụ thân sinh là Đoạn Trinh Cung bị chết trong nhà giam vì tội theo đạo, chú ruột là Thánh tử đạo Linh Mục Gioan Đoạn Trinh Hoan. Ngài được chú cho đi tu, nhập chủng viện Penang ngày 18/6/1845, đến năm 1854, sau 9 năm mới trở về nước và chịu các chức nhỏ năm 1858. Ngày 3/1/1861, ngài đang ở với Linh Mục Hoan (Cha thánh tử đạo) tại nhà thờ Sáo Bùn (Quảng Bình) thì bị bắt, bị tra tấn đến thọ bệnh. Cha Gioan Đoạn Trinh Hoan (chú ruột) tử đạo ngày 26/5/1861.
 
Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp (1862), bãi bỏ lệnh cấm đạo thì Cha Khoan được chịu chức Năm vào ngày 10/5/1863 và bốn ngày sau, 14/5/1863, chịu chức Sáu. Ngày 30/5/1863, ngài chịu chức Linh Mục tại Kim Long (Huế). Trong một tháng chịu luôn ba chức.
 
Ngài lần lươt làm Cha Phó Bố Liêu (Quảng Trị), 1874, Cha Sở Cổ Vưu (Trí Bưu, Quảng Trị), năm 1880, Cha Sở Thanh Hương (Thừa Thiên) và trước 1885 về làm Cha Sở Nhu Lý (Quảng Trị) quê hương của Đức Giám Mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (Giám Mục Saigon, Dalat). Tháng 9/1885, Nhu Lý bị tấn công, Cha Khoan, Cha Phó Gioan Baotixita Lê Văn Huấn và 65 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá cùng giáo dân chạy về Dương Lộc. Cha Khoan bị quân Văn Thân giết tại nhà thờ Dương Lộc ngày 8/9/1885.
 
4.- Linh Mục Gioan Baotixita Lê Văn Huấn (Cha Phó Nhu Lý): sinh năm 1840 tại làng An Vân, Hương Trà, Thừa Thiên. Thân phụ là cụ Lê văn Khuê, lý trưởng, bị lưu đày ở Lạng Sơn và chết trong tù vì đạo (1861). Cha Huấn là học trò của Cha Mactinô Nguyễn Văn Thanh (1820-1869). Từ 24/4/1864 đến 17/3/1870, sau 6 năm du học tại chủng viện Penang(Mã Lai), ngài trở về nước. Năm 1873, chịu phép cắt tóc do Đức Cha Sohier (bình), sau đó chịu các chức nhỏ. Ngày 8/3/1879 chịu chức Sáu do Đức Cha Pontiviane (Phong), chịu chức Linh Mục ngày 25/3/1882 tại nhà thờ Thợ Đúc (Huế) do Đức Cha Caspar (Lộc). Ngài làm Phó xứ Di Loan (Vĩnh Linh, Quảng Trị, quê hương của Đức Giám Mục Lê Hữu Từ) được một năm. Năm 1883, về làm Phó Cha Đoạn Trinh Khoan ở Nhu Lý (Triệu Phong, Quảng Trị, quê hương Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền). Tháng 9/1885, Cha Huấn cùng Cha Khoan đem các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và giáo dân Nhu Lý chạy về Dương Lộc. Cha Huấn bị quân Văn Thân giết tại nhà thờ Dương Lộc ngày 8/9/1885. Ngài có 3 người cháu làm Linh Mục là LM Lê Văn Ngọc, LM Lê Văn Cao, LM Lê Văn Nghiêm thuộc Giáo phận Huế hiện còn sống tại Huế. Sau 1975, LM Lê Văn Cao về làm Cha Sở Đại Lộc kiêm Dương Lộc.
 
(Trích sách “Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu” của tác giả Nguyễn Lý-Tưởng, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2001 từ trang 101 đến 128)
 
BÀI VĂN KHẮC TRÊN BIA ĐÁ GHI SỰ TÍCH LM INHAXIÔ NGUYỄN NGỌC TUYÊN tử đạo tại Dương Lộc, Quảng Trị ngày 8/9/1882 do ba người học trò của ngài là Gioan Baotixita Ngô Văn Học, Batôlômêô Nguyễn Phùng Nhơn và Giuse Nguyễn Ngọc Quyền phụng lập năm 1901.  (GS Nguyễn Lý-Tưởng dịch từ Hán văn ra tiếng Việt.)
 
Phiên âm Hán văn:
 
“Giáng Sinh nhất thiên cửu bách linh nhất. Cung chí, Thánh hiệu Inhaxiô Linh Mục kiêm Tham Biện các, quán Phụ Việt xã, ế tự ấu thời siêu hồ phàm thế, thác tục đồng thân, diệu kim trùy ngọc, trác chi nhã hóa, nõa thân tu viện học tiên sư Kinh Thánh chi cách ngôn. Ư Tự Đức niên gian, phụng tùy Giám quan chu ư Tây thổ, cai quốc âm tự, lão thông La tinh, thánh sử nhàn tập, hậu tùng Giám quan trực đáo La Mã thành điện, phục yết Giáo Hoàng diện kiến, nhiếp quy Ba Năng tỉnh thành. Giáng Sinh nhất thiên bát bách lục thập ngũ niên chức phong thánh tước, chính quyền. Cư tại Pháp quốc linh niên, hồi bản quốc, chính ý tôn giảng Thánh giáo, tiếp Hoàng đế chi chiếu khâm lãnh Tham biện các thấn, chính hành, quốc quân ái mộ. Sổ niên chi hậu, tấu thỉnh từ chức, cáo thối, nguyên thuật giảng lỵ giáo dân thích. Hàm Nghi nguyên niên, thất nguyệt, phỉ đồ phiến loạn, nhiễu hại giáo dân, ngộ phỉ trí mạng chí vu Dương Lộc giáo đường.
 
“Ô hô! Tao bỉ vận truân, ta hồ cập hỉ, cẩn dĩ bi chí.
Thành Thái thập tam niên, lục nguyệt, sơ bát nhật, tuế thứu Tân Sửu, tạo chi.

Hữu Phụ Việt xã, Tham Biện các thần Nguyễn.

Linh Mục Gioan Baotixita Học
Linh Mục Batôlômêô Nhơn

Linh Mục Giuse Quyền
 
Dịch nghĩa:
 
“Năm Thiên Chúa giáng sinh 1901, nay cung kính ghi chép vào bia đá như sau:
 
Linh Mục Inhaxiô kiêm chức tham Biện, quê quán ở xã Phụ Việt (hữu), tỉnh Quảng Bình, từ nhỏ đã là người siêu phàm, sớm bỏ đời đi tu, mài vàng dũa ngọc được nên tốt đẹp, uốn nắn thân mình ở chốn tu viện để học Kinh Thánh với các bậc tiên sư.
 
“Dưới thời Tự Đức, theo Giám Mục đi qua Tây, am hiểu quốc âm (Hán tự), làu thông La tinh, thường lúc nhàn rỗi thì học Kinh Thánh. Ngài theo Giám Mục đến thành La Mã, yết kiến Đức Giáo Hoàng, sau đó trở về Pe năng (Mã Lai). Năm 1865 (1) chính thức thọ phong Linh Mục, ở tại Pháp mấy năm rồi trở về nước lo giảng dạy đạo Thánh. Nhận được chiếu chỉ của Hoàng đế, lãnh chức Tham Biện, thi hành chính trị được vua ái mộ. Mấy năm sau, xin từ chức, trở về lo việc đạo, được giáo dân quý mến. Tháng Bảy, Hàm Nghi Nguyên niên (1885) bọn giặc cướp nổi loạn, nhiễu hại giáo dân, ngài bị giặc giết tại nhà thờ Dương Lộc.
 
“Than ôi! Bởi gặp vận xấu nên phải gian truân! Vậy kính cẩn ghi chép lại sự tích.
Năm Thành Thái thứ 13 tháng 6 ngày 8 tức năm Tân Sửu (1901) làm bia nầy.
 
Các học trò của quan Tham Biện họ Nguyễn, người xã Phụ Việt (hữu) là:
 
Linh Mục Gioan Baotixita Học
Linh Mục Babôlômêô Nhơn
Linh Mục Giuse Quyền

Đồng lập bia nầy.
 
(Chú thích: Theo theo tài liệu chính thức của Giáo phận Huế: Cha Nguyễn Ngọc Tuyên chịu chức Linh Mục vào ngày 17/2/1864 tại Đại chủng viện Mans (Pháp), về Huế năm 1865. Văn bia ghi ngài chịu chức Linh Mục năm 1865 là không đúng. Theo văn bia ghi Cha Tuyên bị quân Văn Thân giết vào tháng 7 âm lịch, chính xác là ngày 8 tháng 9 năm 1885)
 
CHÉN THÁNH CỦA LINH MỤC INHAXIÔ NGUYỄN NGỌC TUYÊN
 
Trong phần nói về LM Nguyễn Ngọc Tuyên, chúng tôi có nhắc đến chén thánh quý giá của ngài do bạn bè tại Đại chủng viện Mans (Pháp) tặng khi ngài chịu chức Linh Mục ở Pháp năm 1864. Ngài cũng có để lại tập vẽ Album de dessins tặng các bạn ở Pháp. Trong biến cố quân Văn Thân thiêu sát giáo dân Dương Lộc ngày 8/9/1885, ông Dương Văn Doan (Duyên) thấy một người chết ở dưới ao, tay ôm chén thánh của Cha Tuyên. Ông là người đã từng ở giúp việc cho Cha Tuyên nên biết lịch sử chén thánh nầy. Ông đã đem chén thánh đó trao cho một Linh Mục Tuyên Úy trong quân đội Pháp. Rồi từ đó, không biết chén thánh nầy lưu lạc nơi đâu?
 
Ngày 26/4/1966, trong bữa tiệc mừng có nhiều Linh Mục giáo phận Huế tham dự, LM Stanislas Nguyễn Văn Ngọc (một sử gia Công Giáo) đã kể cho các Cha chuyện “Chén thánh quý giá của Cha Tuyên” và nói rằng “đã 80 năm rồi, không biết chén thánh này lưu lạc ở đâu”. Bất ngờ, LM Phêrô Trần Bá Hạnh cho biết “hiện chén thánh đó đang ở trong tay tôi đây”. Linh Mục Phêrô Trần Bá Hạnh là cháu của LM Antôn Trần Bá Lữ (1845-1913). Cha Lữ là người nhận chén thánh của Cha Tuyên tử đạo từ tay của một Linh Mục Tuyên Úy người Pháp trao lại. Trước khi qua đời, Cha Lữ đã để lại chén thánh nầy cho người cháu là LM Phêrô Trần Bá Hạnh. Năm 1966, LM Phêrô Trần Bá Hạnh đã trao chén thánh nầy cho LM Stanislas Nguyễn Văn Ngọc (một sử gia Công Giáo) là con cháu các vị tử đạo tại Dương Lộc 8/9/1885. Năm 1988, LM Stanislas trao cho con cháu của ông Dương Văn Doan (Duyên) và năm 1996, Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể nhận chén thánh nầy do con cháu ông Dương Văn Doan (Duyên) gởi đến cho Tòa Tổng Giám Mục Huế cất giữ để được bảo đảm an toàn hơn. (Xem hình chén thánh nầy trong sách “Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu” của tác giả Nguyễn Lý-Tưởng trang 124).

 

Tác giả: Gs. Nguyễn Lý Tưởng

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập589
  • Hôm nay69,848
  • Tháng hiện tại890,507
  • Tổng lượt truy cập56,992,144
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây