Cựu Chủng Sinh Huếhttp://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ sáu - 18/08/2023 10:17
Vườn Quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) có loài chuối từ khi nảy mầm đến trổ buồng không chịu đẻ cây con, chỉ đứng lẻ loi một mình cho đến khi kết thúc cuộc đời.
Chuối cô đơn, thần dược kỳ diệu của người Raglai. Video: Báo Thanh niên
Sự tích loài chuối không chịu "đẻ con"
Buổi tối ở Vườn Quốc gia (VQG) Phước Bình yên tĩnh và mát rượi, tiếng côn trùng kêu rả rích xen lẫn tiếng gió va vào lá cây xào xạc. Giữa không gian này, còn gì thú vị bằng được nghe một câu chuyện tình lãng mạn.
Bằng giọng đều đều, trầm ấm mang nét trưởng thành của một người đàn ông đã trải qua nhiều mưa-nắng cuộc đời, anh Nguyễn Anh Tuấn (51 tuổi) cán bộ VQG kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình đẫm nước mắt của một đôi trai gái, mà kết thúc câu chuyện là sự hình thành một loài cây - Chuối cô đơn.
Phước Bình là xã vùng cao của huyện Bác Ái, cách thành phố tỉnh lỵ Phan Rang 70 km. Nơi đây được bao quanh bởi những dãy núi trùng điệp xanh ngắt cây rừng. Mùa nắng, rảnh rỗi việc đồng áng, người Raglai ở xã Phước Bình thường ngược sông, băng qua dòng suối mát lạnh, những ngọn đồi với đầy hoa rừng lên rừng tìm giống chuối kỳ lạ được người dân gọi là Chuối cô đơn.
Và sự tích về sự hình thành loài chuối này cũng là một trong những nốt nhạc trong "bản tình ca Phước Bình" gọi mời du khách đến với vùng đất nhiều điều kỳ lạ.
Chuối cô đơn từ khi nảy mầm đến trổ buồng nhất định không chịu đẻ cây con
Anh Tuấn kể, xa xưa, có một đôi bạn thanh mai trúc mã. Khi trưởng thành, họ yêu nhau và nguyện sánh đôi đến đầu bạc, răng long.
Trước ngày cưới của đôi trẻ, cha mẹ cô gái bất ngờ bắt con phải phá vỡ lời hẹn ước vì phát hiện chàng rể tương lai mắc nhiều căn bệnh lạ. Biết chuyện, gia đình nhà trai vì tự ái cũng nhất quyết ngăn cản con mình lấy cô gái đó. Yêu nhau mà không đến được với nhau, đôi nam nữ quyết định trốn lên rừng để sống cuộc đời tự do, không ràng buộc.
Không ngờ, sau mấy ngày chạy trốn, chàng trai phát bệnh nặng, chân tay sưng vù, mọng nước. Thấy mình bị như vậy, chàng trai đã khóc lóc và tự trách mình làm khổ người yêu.
Sau khi tìm được nơi an toàn trên vách núi cho cô gái, chàng trai liền ra đi. Sáng tỉnh dậy không thấy người yêu, cô gái nghĩ chàng lên rừng kiếm thức ăn như mọi khi mà không biết sẽ chẳng bao giờ được gặp lại người mình yêu.
Thời gian trôi đi, cô gái vẫn ngóng trông người yêu quay trở lại với cái thai trong bụng đang lớn từng ngày. Cuối cùng, cô quyết định đi tìm chàng trai nhưng kết quả chỉ là sự vô vọng.
Một ngày nọ, cô quyết định tìm xuống đáy vực thì bất ngờ phát hiện thi thể của một ai đó. Sau phút hoảng sợ, cô nhận ra chiếc vòng cổ của người yêu. Thì ra, anh đã tự tử để giải thoát mình khỏi nỗi đau thể xác.
Quá đau buồn khi người yêu không còn trên cõi đời, sau khi sinh con, người con gái cũng kiệt sức mà chết rồi hóa thành một cây chuối kỳ lạ, hoa chuối màu xanh cốm mọc giữa rừng thiêng.
Sau này, có một người dân đem cây chuối về trồng thì thấy không đẻ cây con mà chỉ ra quả chín rồi tự chết đi. Cả đời cây chuối chỉ sống một mình nên họ mới gọi đó là chuối cô đơn.
Hoa chuối màu xanh cốm, rất to, đậu ít quả nhưng nhiều hạt
Biệt dược của người Raglai
Theo anh Tuấn, chuối cô đơn hay còn gọi là chuối mồ côi, chuối hoa sen, chuối hột Phước Bình… thường mọc ở vùng núi cao, cây chỉ tái sinh bằng hạt, từ khi nảy mầm đến trổ buồng chỉ duy nhất một thân cây mẹ, không đẻ cây con như chuối thường. Và phải chờ đến lúc quả chín căng mọng, thân mẹ rũ mình chết héo, kết thúc một đời cô quạnh thì những hạt chuối rụng xuống đất mới nảy mầm thành cây con, hình thành sự sống mới.
Chuối cô đơn có thể cao tới hơn 2 m, đường kính thân phần to nhất khoảng 0,3 m, thon dần lên ngọn, bản lá vừa to vừa dày. Cây thân kép, màu xanh nhạt có phủ lớp sáp trắng. Hoa màu xanh cốm, rất to như một đóa hoa sen đang nở.
Mỗi cây cho một buồng duy nhất, trái tròn trịa nằm khít chặt với nhau
Mỗi cây cho một buồng duy nhất, buồng lớn có 6 - 8 nải, buồng nhỏ 6 - 7 nải, trái tròn trịa nằm khít chặt với nhau.
Khi những trái chuối bắt đầu già, chín vàng cũng là lúc lá và thân chuối dần khô rụi, chết đi, tất cả dưỡng chất tập trung vào buồng chuối chín thơm lừng. Trái chuối cô đơn có nhiều hạt màu đen, to bằng đầu ngón tay trỏ.
Bi kịch khiến đôi uyên ương trong câu chuyện phải chia lìa chỉ là do bệnh tật. Và vì thế, khi người con gái hóa thân thành cây chuối "cô đơn” đã để lại cho loài cây này khả năng chữa bệnh diệu kỳ.
Anh Tuấn cho biết, với người Raglai ở xã vùng cao Phước Bình cây chuối cô đơn là một loại thuốc được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Các bộ phận trên cây chuối đều có tác dụng chữa bệnh. Thân lá, củ dùng điều trị tiểu đường, hạt, quả dùng để điều trị bệnh sỏi thận.
Tùy vào bệnh cụ thể, người ta sắc lấy từng vị khác nhau trên cây chuối để chữa trị.
Với người Raglai ở xã vùng cao Phước Bình chuối cô đơn là một loại thần dược
Người dân Phước Bình cũng truyền tai nhau rằng, khi nuôi buồng, cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình - chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá - để dồn cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt, cũng vì thế mà trái chuối có tác dụng hữu ích nhất. Khi chuối chín sẽ bốc hương thơm ngát, có vị ngọt, nhiều hạt, khi cắn hạt sẽ có vị chát, thứ hạt đó dùng để chữa bệnh.
Đến mùa chuối chín, người đi rừng tìm kiếm, chặt buồng chuối bỏ vào gùi đưa về nhà, tách vỏ phơi khô, hoặc mang ra suối dùng con dao nhọn tách hết lớp cơm màu trắng, sàng lấy hạt.
Mỗi buồng chín tách được 2 - 2,5 kg hạt, buồng lớn có khi được 3 kg hạt. Bên trong hạt có bột màu trắng, người Raglai xem đó là chất thuốc dùng để chữa sỏi thận, tăng cường sức khỏe.
Người Raglai cũng thường dùng hạt chuối cô đơn sắc nước uống hoặc ngâm với rượu gạo uống thường xuyên có tác dụng chữa bệnh thận, sưng phù nề, trị đau lưng, nhức mỏi xương khớp, thận yếu, sỏi thận, kích thích tiêu hóa...
Hạt chuối có khả năng chữa được rất nhiều bệnh
Trẻ em bị táo bón có thể lấy 1 quả chuối chín đem vùi vào bếp lửa, khi vỏ quả ngả màu đen, ruột chín nhũn lấy ra để nguội, cho trẻ ăn, khoảng mươi phút sau là đi đại tiện được.
Người dân Phước Bình còn lưu truyền phương pháp dùng hạt chuối cô đơn khô bỏ lên chảo rang vàng rồi hạ thổ, sau đó ngâm với rượu gạo 3 tháng 10 ngày để cho ra loại rượu có màu vàng giống Chivas. Người Ninh Thuận gọi loại rượu chuối này với tên gọi sang chảnh "Chivas Phước Bình".
Ngoài làm dược liệu, ngâm rượu, người vùng cao Phước Bình còn dùng búp chuối và thân cây chuối nấu canh, lẩu hoặc chế biến các món ăn dân dã, kết hợp các loại rau rừng và cá suối có sẵn trong tự nhiên.
Đối với người dân địa phương, chuối cô đơn như một món quà quý mà thiên nhiên ban cho họ vậy. Việc trồng loài chuối mang tên cô đơn cũng tăng thu nhập cho bà con người đồng bào trên địa bàn xã Phước Bình, tạo thu nhập, giúp bà con có một hướng mới phát triển kinh tế nông nghiệp, hạn chế việc phá rừng và khai thác các sản vật từ rừng.
Trên thị trường, hiện chuối cô đơn Phước Bình chưa tách cơm phơi khô có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg; còn hạt khô có giá dao động 80.000 - 120.000 đồng/kg, tùy chất lượng.
Để tránh bị thu hái cạn kiệt, gần đây, VQG Phước Bình đã lấy hạt chuối cô đơn tự nhiên trên rừng mang về nghiên cứu nhân giống tại vườn ươm để bảo tồn.
Một số nông dân xã Phước Bình đã được chuyển giao kỹ thuật nhân giống để trồng loài chuối trên đất rẫy, đến nay nhiều hộ dân đã trồng thành công, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Năm 2015, nhằm xác định thành phần các chất có trong hạt chuối cô đơn và tác dụng dược liệu, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM tiến hành lấy mẫu hạt chuối cô đơn phân tích thành phần hóa học.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, hạt chuối cô đơn Phước Bình, chứa nhiều hợp chất như Saponin, coumarin, flavonoid…., có công dụng kháng viêm, kháng ôxy hóa, giảm đau, giúp ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ các bệnh lý về rối loạn lo âu, cung cấp nhiều dưỡng chất cho hệ thần kinh của người sử dụng.
Hiện cây chuối cô đơn là 1 trong 25 loại cây dược liệu đang được tỉnh Ninh Thuận ưu tiên phát triển quy mô lớn.