Tích cóp cả đời, chết trên khối tài sản.

Thứ ba - 05/06/2012 04:07

-

-
Chuyện người phụ nữ độc thân đột tử để lại khối tài sản nghìn tỷ được các chuyên gia tâm lý nhìn nhận ở góc độ xã hội học rằng "làm chăm chỉ, sống tằn tiện, tích cóp tài sản là thói quen của người Việt".
Tích cóp cả đời, chết trên khối tài sản
 
Chuyện người phụ nữ độc thân đột tử để lại khối tài sản nghìn tỷ được các chuyên gia tâm lý nhìn nhận ở góc độ xã hội học rằng "làm chăm chỉ, sống tằn tiện, tích cóp tài sản là thói quen của người Việt". 

Nhà tâm lý - luật sư Võ Thị Minh Huệ ở TP HCM, cho rằng từ xưa đến nay ở Việt Nam, nhiều người, nhất là phụ nữ thường có thói quen làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm, tằn tiện để tích góp của cải cho con cháu. Trên thực tế một số trường hợp, sau khi các cụ qua đời, con cháu mới phát hiện những hũ vàng, bạc chôn dưới chân giường, ngoài vườn...
 
Cũng theo bà Huệ, vấn đề tồn tại hiện nay người Việt Nam vẫn chưa có thói quen làm di chúc, một phần do chủ quan, một phần do lo sợ sẽ bị con cháu hắt hủi nếu làm thủ tục cho tặng khi còn sống hoặc sợ mất lòng mọi người...
 
"Đối với phụ nữ không có gia đình, các nhu cầu tiêu xài cũng ít nên họ dễ dàng tích góp hơn. Tuy nhiên khi họ qua đời đột ngột không để lại di chúc thì dễ xảy ra tranh chấp giữa những người liên quan", bà Huệ nhìn nhận.
 
Chuyên gia tâm lý này dẫn câu chuyện về người đàn bà độc thân 66 tuổi đột ngột qua đời để lại khối tài sản ước trị giá cả nghìn tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận cả tuần nay. Bà cụ Phấn, thường gọi là Năm, không có chồng, sống với một người phụ nữ và cô giúp việc trong căn nhà ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP HCM. Bà nhận nuôi một người con gái, năm nay đã 25 tuổi.
 
Qua đời hồi đầu tháng 2/2011, bà không để lại di chúc nên khối tài sản khổng lồ của bà đang vướng vào khả năng tranh chấp quyền thừa kế giữa con gái nuôi và họ hàng, bởi gia tộc cho rằng trong đó có sự đóng góp của anh em bà con từ nước ngoài.
 
Em trai út bà Phấn kể, sự ra đi đột ngột của chị ông để lại nỗi đau lớn cho gia đình. Trước đây khi chưa phát hiện ra khối tài sản khổng lồ trong két sắt, mọi người trong gia tộc họ Thạch này sống với nhau rất hòa thuận. Song hơn một năm nay do tranh luận nhau về nguồn gốc khối tài sản này mà tình cảm gia đình họ hàng bị sứt mẻ. Còn cô con gái nuôi vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ việc.
 
Một trong những mặt bằng cho thuê tại quận Tân Phú thuộc sở hữu của bà Phấn. Ảnh: T.T.
Khối tài sản của bà Phấn khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện tương tự về bà Phạm Thị Hiền, 82 tuổi ở Đà Lạt, đột tử tại bệnh viện khi trong người có rất nhiều vàng mà không di chúc. Bệnh viện phải nhờ chính quyền lập biên bản và quản lý số tài sản gồm nhiều lắc, nhẫn, dây chuyền, kim cương, bông tai cẩm thạch, 2 sổ tiết kiệm trị giá 350 triệu đồng; 2 giấy chứng nhận giữ hộ 233,8 chỉ vàng tại ngân hàng cùng trên 19 triệu đồng tiền mặt, 50 lượng vàng...
 
Hàng xóm nói rằng từ khi bà cụ về đây sống không thấy làm bất cứ nghề gì. Bà Hiền góa chồng, có một cô con nuôi đang sống ở Mỹ và người em ở Hà Nội. Cách sinh hoạt thường ngày của cụ không thể hiện là một người giàu có, cuộc sống rất khép kín, ít tiếp xúc với bà con lối xóm. Chỉ đến khi bà qua đời, dân khu phố mới biết người phụ nữ sống một mình trong ngôi nhà nhỏ cuối con hẻm sâu ở Đà Lạt sở hữu khối tài sản lớn.
 
Em của bà Hiền sau này cho biết, đây là những tài sản bà gom góp được lúc còn trẻ và cất giữ cẩn thận để phòng thân cho tuổi già cô đơn. Trường hợp này không phát sinh tranh chấp thừa kế tài sản, vì em gái người chủ tài sản cho biết sẽ chuyển lại toàn bộ tiền, vàng cho con nuôi chị mình.
 
Vị chuyên viên tâm lý khuyên, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra sau này về việc tranh chấp tài sản, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến vấn đề lập di chúc ngay khi còn minh mẫn. Việc chia gia tài cũng cần thể hiện sự khách quan, sòng phẳng không vì ghét hay thương mà thiên vị người nào hơn.
 
"Các cụ không nên lo lắng làm mất lòng hay bị con cháu hắt hủi vì trong bản di chúc đều thể hiện tiêu chí văn bản chỉ có hiệu lực khi người lập đã qua đời. Hãy tìm đến văn phòng luật sư để nhờ họ tư vấn những vấn đề pháp lý và điều khoản ràng buộc trong bản di chúc hoặc hợp đồng trao tặng", bà Huệ nhìn nhận.
 
Xét góc độ khác, ông Nguyễn Trung Nguyên, chuyên viên tâm lý trị liệu người lớn và trẻ em, Viện Nghiên cứu tâm lý học thực hành nhìn nhận, chọn cách sống tằn tiện, tích cóp là tùy thuộc vào tính cách và là quyền của mỗi người. Quan trọng làtrong quá trình tư vấn, ông từng chứng kiến nhiều trường hợp người thân quay lưng lại với nhau chỉ vì không thống nhất được vấn đề chia gia tài.
 
Thi Trân (VNExpress)

Chân dung bà chủ khối tài sản nghìn tỷ
 
Học đến lớp 4 rồi nối nghiệp gia truyền 3 đời làm bún khô bỏ mối cho các chợ ở TP HCM và miền Trung, về sau kinh doanh bất động sản, nhờ chí thú làm ăn nên cuối đời bà Phấn có được khối tài sản khổng lồ.
 

Bà Phấn (giữa) trong một buổi tiệc thân mật với dòng tộc. Ảnh người nhà cung cấp.
Người nhà cho biết, bà Phấn 66 tuổi (tên thường gọi là bà Năm) qua đời vào một đêm đầu tháng 2 năm ngoái sau một cơn đột quỵ, song đến lúc ấy vẫn chưa có ai biết thực hư khối tài sản bà để lại.
 
Mãi sau khi lo hậu sự cho bà xong, kiểm tra két sắt người nhà mới phát hiện số tài sản rất lớn trong nhà mà không có di chúc bà để lại. Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh phải lập một vi bằng, kiểm kê số tài sản trong két sắt của bà gồm: gần 20 sổ tiết kiệm hàng trăm nghìn USD và nhiều tỷ đồng, nhiều thẻ ngân hàng hạng VIP; gần 100 cây vàng, kim cương, nữ trang, nhiều giấy chứng nhận sở hữu đất đai... ước trị giá cả nghìn tỷ đồng.
 
"Bao nhiêu năm ở đây, hàng ngày tiếp xúc với bà Năm, chính tôi cũng ngỡ ngàng vì không ngờ bà lại có số tiền lớn như thế. Tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn những tài sản được lấy ra từ két sắt", ông Cảnh làm bảo vệ ở nhà bà Phấn kể lại.
 
Ông Cảnh vẫn nhớ như in nữ chủ nhân của mình thuở sinh thời lúc nào cũng giản bị bộ đồ bà ba ở nhà, khi đi ra đường bà thường mặc quần tây áo sơ mi chạy chiếc xe Dream II cũ. Bà Năm không lấy chồng, sống với một người phụ nữ và một cô giúp việc trong căn nhà dát đá màu xám do chính tay bà thiết kế ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP HCM. Bà nhận một con nuôi.
 
Hiện nay trong ngôi dinh thự kiên cố ấy chỉ có cô con gái nuôi của bà tên là Huệ và 2 người giúp việc của bà Năm sinh sống. Sau khi người phụ nữ mất đi không để lại di chúc, xảy ra tranh chấp giữa cô con nuôi và dòng họ của mẹ về quyền thừa kế khối tài sản khổng lồ kia. Để đảm bảo an ninh, gần đây ngôi dinh thự được canh chừng cẩn mật hơn, có đến 4 vệ sĩ và 6 con chó bécgiê làm nhiệm vụ bảo vệ và không cho người lạ tiếp cận cô chủ.
 

Một số bất động sản ở con đường này đều là của bà Phấn đang cho người khác thuê làm kho xưởng, trường mẫu giáo... Ảnh: T.T.
Ở sát vách nhà bà Phấn, ông Điền là cậu họ và cũng là công nhân làm bún thuê lâu năm cho bà Phấn kể, từ trước giải phóng bố mẹ của bà di cư từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Trà Vinh sinh sống. Sau đó gia đình gồm 12 người này lại dắt díu nhau đến Sài Gòn, định cư ở quận Tân Phú và lập nên những xưởng bún thủ công mang tên "Phúc Kiến".
 
Sau khi cha mẹ qua đời, bà Phấn tiếp tục mở rộng sản xuất, mỗi ngày tiêu thụ từ 4 đến 5 tấn gạo, bà không chỉ làm bún mà còn tự nghiên cứu chế biến nui, mì vàng khô... mang nhãn hiệu "Ông Thọ". Toàn bộ sản phẩm bỏ mối cho các điểm kinh doanh ở Chợ Lớn, chợ Bà Chiểu tại TP HCM và một số chợ miền Trung. Đến năm 1978 xưởng bún của bà Năm đã có hơn 100 công nhân.
 
"Bà không bao giờ la mắng, ai nào làm sai bà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Hồi đó làm bún vất vả lắm, nhất là lúc trời chuyển mưa, bà ấy phải chạy khắp nơi hò hét công nhân thu gom bún để khỏi ướt. Được cái bà hiền lành tốt bụng nên ai cũng yêu mến và nghe lời. Sau này bà Năm tuổi già sức yếu không theo nghề bún nữa thì kêu công nhân lại cho tiền họ mua đất, cất nhà hoặc cấp vốn làm ăn", ông Điền kể.
 

Một trong những mảnh đất thuộc sở hữu của bà Phấn đang được cho thuê. Ảnh: T.T.
Ông Điền học hết lớp 10 nên được bà Năm giao nhiệm vụ làm kế toán xưởng bún. Năm 1987 cũng chính ông đã cùng bà chủ đến bệnh viện Hùng Vương để xin con nuôi. "Chúng tôi đến nói chuyện với bệnh viện thì biết có một đứa trẻ vừa bị cha mẹ bỏ rơi cách đây 2 ngày. Lúc bà Năm nhìn đứa trẻ nhỏ thó và ghẻ lở không có ấn tượng gì, nhưng nó thấy bà thì toét miệng cười. Bà ấy đến bên cô bé bảo 'cười với bà thì bà mang về nuôi nhé!'. Thế là bà mang nó về chăm sóc, trị bệnh...".
 
Người con nuôi ấy được bà Năm đặt tên là Huệ, mang họ Thạch của bà. Sống trong vòng tay yêu thương chăm sóc của mẹ nuôi và hai người vú nuôi, bé Huệ gọi cả 3 người là "má". Riêng bà Năm rất cưng Huệ, đến nỗi mãi khi bà mất cô vẫn tưởng mình là con ruột của bà. Khi cô tròn 18 tuổi, người mẹ cho con đi du học ở Đức. Dự định học 6 năm nhưng Huệ mới hết năm thứ 3 thì mẹ qua đời, cô trở về nước lo hậu sự rồi ở lại Việt Nam luôn.
 
"Nhiều khi con bé hỏi sao con có nhiều má quá mà không có ba, bà Năm chỉ cười trừ giải thích một cách vu vơ. Mãi đến sau này khi bà mất đi con bé mới biết mình là con nuôi", ông Điền nhớ lại.

Bà Phấn có cả thảy 9 anh chị em, hầu hết gia cảnh sung túc, làm ăn khấm khá, riêng chỉ một người anh bị bệnh tâm thần đã qua đời.
 
Những người sống quanh bà chủ này đều khẳng định "cả cuộc đời bà Năm rất hay làm từ thiện, bỏ tiền xây viện dưỡng lão ở Tây Ninh, ủng hộ trẻ em nghèo, người khuyết tật và ủng hộ đồng bào miền lũ".
 
"Con cháu hay có ai đến kể khổ xin tiền bà cũng cho ngay. Hào phóng với mọi người nhưng bà lại sống khắc khổ, chi tiêu tằn tiện, không bao giờ đeo trang sức. Bà theo đạo Cao Đài nên ăn chay trường quanh năm với nước tương, đậu hũ. Bà ra đi quá đột ngột nên ai cũng thương, người đến viếng đông nghẹt kẹt cứng đường đi", ông Điền cho biết.
 
Một người thân trong gia tộc họ Thạch kể, sự ra đi đột ngột của bà Năm để lại nỗi đau lớn cho gia đình. Trước đây khi chưa phát hiện ra khối tài sản khổng lồ trong két sắt của bà thì anh em con cháu sống với nhau rất hòa thuận. "Sau khi lo chôn cất cho bà Năm xong thì xảy ra chuyện. Do tranh chấp tài sản mà một năm qua anh em con cháu trong nhà không còn nhìn mặt nhau nữa. Gia đình ai cũng buồn vì chuyện này", người này trầm tư nói.
 
Cô con gái nuôi năm nay 25 tuổi, hiện vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ việc. Còn bà Năm dù đã đi xa nhưng khối tài sản khổng lồ bà để lại đang vướng vào khả năng tranh chấp quyền thừa kế giữa con gái nuôi và họ hàng, bởi gia tộc cho rằng trong đó có sự đóng góp của anh em bà con từ nước ngoài.
 
Thi Trân
* Tên các nhân vật đã được thay đổi

http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2012/06/chan-dung-ba-chu-khoi-tai-san-nghin-ty/

Tác giả: Thi Trân

Nguồn tin: VnExpress.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập711
  • Hôm nay110,503
  • Tháng hiện tại1,407,973
  • Tổng lượt truy cập58,693,842
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây