Mùa bầu cử Mỹ: Bầu cho sự sống

Thứ tư - 26/09/2012 19:50

-

-
Chỉ còn đúng 2 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống (TT) Mỹ. Trái với mọi năm, dư luận hầu như nhất loạt cho rằng đây sẽ là một cuộc bầu cử khít khao, sát nút. Có rất nhiều lý do giải thích cho kết quả được tiên đoán này.
Mùa bầu cử Mỹ: Bầu cho sự sống
 

"Đừng ủng hộ phá thai bằng lá phiếu của bạn, hãy bỏ phiếu bảo vệ sự sống
Chỉ còn đúng 2 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống (TT) Mỹ. Trái với mọi năm, dư luận hầu như nhất loạt cho rằng đây sẽ là một cuộc bầu cử khít khao, sát nút. Có rất nhiều lý do giải thích cho kết quả được tiên đoán này. Ở đây, ta thử tìm hiểu và đúc kết một số ý kiến nổi bật trong giới cử tri Công giáo, tổng hợp từ nhiều nguồn đáng tin cậy.

Theo Mary Ann Glendon, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Toà Thánh Vatican, cuộc bầu cử TT 2012 sẽ mang tích lịch sử đối với nước Mỹ (xem EWTN ngày 08/30/12). Bà cho biết thêm rằng, theo thiển ý, đây có thể là một cuộc tuyển cử quan trọng nhất trong vòng nhiều năm, và lý do chính là vì vấn đề kinh tế và văn hoá.

Bà khai triển thêm rằng cử tri sẽ phải chọn một bên là Đảng Dân chủ (ĐDC), vốn “rất nhiệt tình và sẵn sàng dành phần ưu tiên cho điều bà gọi là “lối sống phóng khoáng”, còn bên kia là một Đảng Cộng hoà (ĐCH) vốn cổ động và ủng hộ cho “gia đình và các cơ chế nhỏ của xã hội dân sự và của tôn giáo”.

Về kinh tế, ngoài nạn thất nghiệp, cứ với đà này thì món nợ của chính quyền đương nhiệm đúng là một cái ách ngàn cân đang đè trên đầu trên cổ nhân dân Mỹ, thế hệ hôm nay cũng như thế hệ tương lai, thật trái ngược với giấc mơ Mỹ quốc là: con cháu chúng ta sẽ được ấm no hạnh phúc hơn nhiều lần so với thế hệ chúng ta đang sống.

Còn về văn hoá, chính quyền đương thời sẽ coi các quyền lợi liên quan đến đời sống con người, đến tự do tôn giáo chỉ thuộc loại thứ yếu so với lịch trình làm việc của họ là các quyền đồng tính và các quyền phá thai. Như thế, thay vì theo đuổi việc phát triển tự do tín ngưỡng trên bình diện quốc tế, chính quyền đương đại sẽ chỉ tìm cách phát huy quyền đồng tính mà thôi. Nếu đắc cử nhiệm kỳ II, chính quyền Obama sẽ không còn trở ngại gì mà không nhấn lút ga trên con đường xa lộ thênh thang này.

Một cựu Đại sứ khác - cũng tại Toà Thánh Vatican, ông Jim Nocholson - lại cho rằng cử tri Công giáo sẽ tiếp tục là một lực lượng quan trọng trong chính trường hiện đại. Ông tiên đoán sẽ có nhiều người Công giáo - vốn xưa nay vẫn ủng hộ ĐDC - sẽ chuyển hướng để bỏ phiếu cho Romney và cho ĐCH trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông nói: “Đây chưa hẳn là vì vấn đề ngừa thai hay phá thai, mà là về tự do tín ngưỡng, tự do lương tâm vốn là Tu Chính Án Thứ Nhất trong Hiến pháp Hoa Kỳ, có nghĩa là về nguyên tắc”. Ông cho rằng với tổng số 55.6 triệu cử tri Công giáo, tương đương với 19% cử tri Hoa Kỳ - theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Georgetown - thì đây sẽ là một lực lượng hùng hậu có thể làm nghiêng lệch cán cân (xem CNA ngày 08/31/2012).

Trong suốt kỳ Đại hội ĐCH vừa qua tại Tampa, Florida, vai trò niềm tin tôn giáo và gia đình đã được nhấn mạnh nhiều lần. Dường như chưa bao giờ có nhiều chính trị gia Công giáo lên tiếng về phía ĐCH như lần này, bởi vì ngoài PTT đề cử Paul Ryan, một khuôn mặt sáng giá khác - Marco Rubio - đã mượn diễn đàn để “giảng đạo” thật nhuyễn. Ông nói: “Nước Mỹ là một quốc gia độc đáo bởi vì nó được xây dựng trên nền tảng là mỗi người đều có các quyền lợi mà Thiên Chúa ban tặng. Nước Mỹ là một quốc gia nổi bật bởi vì nó không được hợp nhất bởi có cùng một sắc tộc hay chủng tộc, mà là bởi có cùng những giá trị chung, trong đó có việc xác tín rằng: gia đình chính là cơ chế quan trọng nhất trong xã hội, và Thiên Chúa Toàn Năng là nguồn ban phát mọi sự cho ta. Câu châm ngôn của quốc gia chúng ta là ‘In God We Trust - Ta tín thác vào Chúa.” Điều này cho thấy niềm tin đặt nơi Đấng Tạo Hoá chính là giá trị quan trọng nhất của đất nước này. Ông đưa Hoa Kỳ ra để làm hình ảnh tương phản với nước Cuba, nơi cha mẹ ông đã rời bỏ để đi tìm đời sống mới tại Hoa Kỳ. Ông mô tả cuộc bầu cử 2012 như là một chọn lựa về điều Hoa Kỳ phải như thế nào, và liệu đất nước này có áp dụng các nguyên tắc của các vị lập quốc để giải quyết các thách đố của thời đại chăng.

Rick Santorum, cựu ứng cử viên TT, đã giải thích về quan điểm “gia đình lành mạnh” đóng vai trò quan trọng như thế nào trong sự thành công của quốc gia. Ông giảng rất hùng hồn: “Nếu muốn Hoa Kỳ được thành công, phải ngưng ngay việc công kích vào hôn nhân và gia đình, và các người bố và mẹ có cưới xin đàng hoàng thì phải đóng vai cột trụ vững chắc cho xã hội” (xem CNA ngày 09/01/2012).

Ông tỏ vẻ rất bi quan và thất vọng khi thấy chính quyền đương nhiệm và ĐDC lần đầu tiên trong lịch sử đã chấp nhận đưa hôn nhân đồng tính lên diễn đàn, đồng thời cương quyết bảo vệ sắc lệnh bảo hiểm sức khoẻ khi ép buộc mọi chủ nhân phải cung cấp các dịch vụ bảo hiểm ngừa thai, triệt sản, phá thai, cho dù đi ngược lại với lương tâm con người.

Trong khi đó, cựu Thống đốc Mike Huckabee, tuy không phải Công giáo, nhưng cũng tỏ ra bất mãn với sắc lệnh vi phạm tự do tín ngưỡng và lương tâm của nhà cầm quyền đương thời. Ông tuyên bố: “Tôi xin minh định rằng bất kỳ sự công kích nào nhắm vào các anh chị em Công giáo của tôi thì cũng là nhắm vào chính tôi vậy.”

Về phía ĐDC, hẳn nhiên sẽ “không thể ngồi yên” bởi thấy chủ trương của mình đang bị “ngả nghiêng”. Những lập luận phản bác ĐCH được đăng lên trong bản tin nóng sốt như “chẳng có gì mới mẻ; đúng là những chủ trương tụt hậu, lỗi thời, chỉ áp dụng cho thế kỷ trước, thời TV còn trắng đen...” (xem “Mandel Ngan, Obama: Romney has no single new idea - AFP 09/03/2012) Riêng có một nhóm kia mệnh danh là “Catholics for Choice - Công giáo lựa chọn” hùng hổ rao giảng một quan niệm đã được sáng tác do “tổ sư” JFK, tức vị TT Công giáo đầu tiên của ĐDC, và đã từ đó trở thành kim chỉ nam cho giới Công giáo theo ĐDC, đó là chủ trương “cá nhân hoá tôn giáo”. Nói tóm gọn, theo nhóm này, việc bảo vệ tự do tín ngưỡng đề ra trong Tu Chính Án Thứ Nhất chỉ áp dụng cho các quyết định cá nhân, chứ không hề cho phép nhân dân áp dụng niềm tin của mình vào mọi lĩnh vực của đời sống, tỉ như công ăn việc làm, chính sách của công ty, các kế hoạch bảo hiểm sức khoẻ... (xem ‘Catholics for Choice’ argues religious freedom only applies to private actions - CNA, 09/06/2012; Dr. Jeff Mirus, JFK in Retrospect: A Damnable Privatization of Religion, catholicculture, 08/22/2012). Nói khác đi, Công giáo là đi lễ nhà thờ (một năm ít là… vài lần) rồi về nhà muốn làm gì thì làm! Đặc biệt nhất là có một nữ Giám mục - Bishop Yvette Flunder of the ‘Fellowship of Affirming Ministries, một thành viên đồng tính nữ - tuyên bố một câu xanh rờn rằng: “We need a new re-definition of rightenousness - Chúng ta phải có một tái định nghĩa hoàn toàn mới về lẽ phải.” Lời tuyên bố này mới thật sự là ‘tối tân’, và như vậy cũng là hết… ý! (xem cùng bài thượng dẫn). Tuyên bố như vậy mới đúng là “bật gốc” (xem bài cùng tên của GM Vũ văn Thiên trong VietCatholic).

Thực ra, luân lý và đạo làm người đã có từ khi con người được Thiên Chúa tạo dựng. Không hề có gì mới mẻ, trái lại, còn xưa như trái đất là khác. Cũng chẳng có gì xưa cũ như tôi lỗi và tật xấu. Nó có cùng với con người, kể từ khi nguyên tổ chúng ta giơ tay hái trái cấm trong địa đàng. Con người là như thế: quay qua quay lại, hở ra một tí là đã sa ngã. Con người phạm tội dễ dàng và nhanh chóng, chỉ trong nháy mắt, nhanh hơn chớp, lẹ hơn điện! Ngay cả cái tội tày trời là giết người cũng đã xưa lắm, chỉ đến sau tội nguyên tổ, khi trưởng nam của ông bà bành tổ của chúng ta ra tay sát hại em ruột mình. Rồi những thứ tội như dâm dục, đồng tính luyến ái, loạn luân, ly dị (rẫy vợ), ngoại tình… thì còn thấy nhan nhản hơn trong sách Sấm Truyền Cũ (chứ không phải Sấm Truyền Mới đâu!) Như vậy, nếu bảo rằng chủ trương bảo vệ sự sống, bảo tồn luân lý, gìn giữ cương thường đạo lý, phát huy các giá trị truyền thống, tôn trọng quyền làm người, không ngừa thai, phá thai, an tử… chẳng có gì mới mẻ cả, thì không còn gì đúng hơn! Có mới chăng là chủ trương, hô hào, thúc giục, thậm chí bắt ép người ta làm… bậy. Cái đó mới thực là mới, mới tinh khôi, y như cái chủ trương “phải tái định nghĩa lại lẽ phải” vừa nói ở trên.

Xem thế, chủ đề tranh cử lần này không chỉ về kinh tế, công ăn việc làm, an sinh xã hội, những vấn đề đối nội hay đối ngoại, mà còn mang đậm chủ đề văn hoá, như bà cựu Đại sứ Glendon đã lưu ý. Dường như người ta đang giản lược cho tiện việc sổ sách: một bên là một nền văn hoá của sự sống, và bên kia là nền văn hoá của sự chết. Nếu vậy thì chiến tuyến đã được vạch rõ, như trắng với đen, như nước với lửa, sự thật và dối trá, đúng và sai, phải và quấy. Như thế thì vấn đề còn lại không còn là chọn lựa nữa, mà chỉ là đi bầu cho đông mà thôi! Rủ nhau đi bầu thật đông và bầu cho sự sống, bởi vì sự sống cần được bảo vệ, và chân lý cần được nói lên. Không bảo vệ sự sống thì chỉ có nghĩa là tự sát. Không bênh vực chân lý thì chẳng khác gì đồng loã với sai lạc và dối trá.

Thấy rõ được tầm vóc lịch sử của cuộc bầu cử này, liên tiếp trong mấy tuần lễ vừa qua, các giáo xứ Mỹ đều cho phân phối các tờ thông báo nói lên lời giải thích của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về ơn gọi vợ chồng, kêu gọi họ sống đời sống hôn nhân đích thực, bằng cách trao hiến hoàn toàn cho nhau - tâm trí, thân xác và linh hồn - trọn vẹn con người. Điểm nhấn mạnh lặp đi lặp lại là vợ chồng phải ý thức và thận trọng về não trạng ngừa thai, đã khiến cho nhân loại rơi xuống vực sâu của luân lý suy đồi, làm cho đàn ông thiếu đi sự tôn trọng đối với phụ nữ, làm tổn hại sâu đậm đến lòng thuỷ chung đôi lứa, khiến gia đình đổ vỡ, vợ chồng ly thân, mở đường cho chính quyền ‘thò bàn tay lông lá’ ra can thiệp và áp đặt các chính sách xã hội bất công, bất chấp lương tâm và quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

Cũng trong chiều hướng này mà Giáo phận Charlotte đã lập ra buổi canh thức cầu cho tự do tôn giáo, bằng 80 giờ chầu Thánh Thể tại Vương cung Thánh đường St. Patrick, chỉ cách nơi ĐDC tổ chức đại hội chừng 1 dặm đường. ĐGM Jugis đã tuyên bố: “Tất cả mọi công việc của chúng tôi là dành cho sự sống, cho hôn nhân, gia đình và tự do tôn giáo; tất cả mọi công cuộc của chúng tôi là dành cho người nghèo, người di dân, và công bằng xã hội. Tất cả đều đâm rễ từ trong Chúa Giêsu.” (CNA, 09/06/2012) Tưởng cũng nên biết rằng Giáo phận Charlotte đã cho giăng hai tấm biểu ngữ lớn, một mang hàng chữ: “TỰ DO TÔN GIÁO, LINH HỒN CỦA TINH THẦN DÂN CHỦ.” Còn hàng chữ trên tấm kia: “BẢO VỆ THAI NHI, GÌN GIỮ HÔN NHÂN, BÊNH VỰC TỰ DO TÔN GIÁO.” Ông David Hanis, Giám đốc Truyền thông Giáo phận, quả quyết rằng các quý vị tham dự Đại hội ĐDC mà đi qua đây thì không thể không nhìn thấy hai tấm biểu ngữ khổng lồ này. Tuy nhiên, ĐGM Jugis chỉ khiêm tốn bảo rằng: “Sứ mệnh đem các giá trị Tin Mừng đến cho văn hoá sẽ luôn luôn đi kèm với Thánh Giá. Không có Tin Mừng nào không mang theo đau khổ. Sẽ có đấu tranh, sẽ còn nhiều chống đối và chối bỏ. Thế nhưng bài học của Thánh Giá chính là: Tình yêu rồi sẽ lên ngôi!

Trong tờ thông báo tuần qua, thấy có một bài kinh rất thời sự, rất đậm chính trị, nhưng thống thiết và thực tiễn, một lời kinh cho sự sống, đọc nhân mùa bầu cử, cùng với lời kêu gọi mọi con dân Chúa hợp tiếng nguyện cầu, trong khoảng từ mồng 4 tháng 9 cho đến hết ngày bỏ phiếu trong tháng 11 sắp tới.

“Lạy Chúa, chúng con chân nhận Ngài là Chúa,
không chỉ là Chúa của từng cá nhân chúng con,
mà còn là Chúa của các quốc gia và các chính quyền.

Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con đặc ân
được tổ chức đời sống theo các thể chế chính trị,
và được thấu hiểu rằng lòng trung thành chính trị
không hề có nghĩa là bất trung với Chúa.

Chúng con cảm tạ Chúa đã ban bố lề luật,
mà các bậc cha ông lập quốc chúng con đã nhìn nhận,
và coi trọng hơn hết mọi lề luật loài người chúng con làm ra.

Chúng con cảm tạ Chúa nhân mùa bầu cử năm nay,
đã cho chúng con cơ hội thực hành bổn phận đầu phiếu,
cũng như khuyến khích thật nhiều người khác đi bầu,
và bầu đúng, cử xứng.

Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho dân Chúa được biết thức tỉnh,
để nhận ra rằng tuy chính trị không phải là nguồn cứu độ,
nhưng khi đáp trả lời Chúa, họ thấy buộc phải tích cực dấn thân vào chính trị.

Xin thức tỉnh dân Chúa biết ý thức rằng họ không được gọi để tháo chạy khỏi thế gian,
mà để trở thành một cộng đoàn đức tin có nhiệm vụ canh tân trái đất.


Xin thức tỉnh dân Chúa biết ý thức rằng những bàn tay mở ra dâng cao lời nguyện
cũng chính là những đôi tay nâng cao lá phiếu;
và những đôi mắt dõi đọc Lời Ngài
cũng chính là những đôi mắt nhìn rõ những tên tuổi in trên phiếu bầu;
và họ sẽ không thôi là những Kitô hữu khi bước vào phòng phiếu.

Xin thức tỉnh dân Chúa biết ý thức dấn thân cho công bình,
Cho sự thánh thiện của hôn nhân và gia đình,
Cho phẩm giá của từng mỗi mạng sống con người,
và cho sự thật là: các quyền làm người bắt đầu
ngay từ khi sự sống con người khởi sự,
chứ không phải là một khoảnh khắc sau đó.

Lạy Chúa, chúng con hân hoan được làm công dân nước Chúa.
Xin cho chúng con biết dấn thân nhiều hơn
trong nghĩa vụ làm công dân trung thành trên dương thế.

Chúng con nguyện xin, nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.”
 
Sinh Nhật Đức Mẹ
08.9.2012

Tác giả: Nguyễn Kim Ngân

Nguồn tin: EVERYTHING MEANING TO YOU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập617
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại933,895
  • Tổng lượt truy cập57,035,532
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây