Cá chết, người nhiễm bệnh: Nước Nhật từng trả giá rất đắt

Chủ nhật - 05/06/2016 10:14

-

-
Hoạt động khai khoáng đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khủng khiếp kéo dài hơn một thế kỉ ở lưu vực sông Watarase thuộc hai tỉnh Gunma và Tochigi. Khí độc và mưa a-xít đã làm cho các làng mạc xung quanh biến thành hoang mạc...
Cá chết, người nhiễm bệnh: Nước Nhật từng trả giá rất đắt
 
Có lẽ người Việt Nam nào khi đến hoặc sống ở Nhật cũng đều chia sẻ chung ý nghĩ “nước Nhật có môi trường thật tuyệt”. Nhưng hơn nửa thế kỉ trước, nước Nhật cũng đã từng đối mặt với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và phải trả giá cho chúng.
 
Từng trả giá đắt cho ô nhiễm
 
Vụ ô nhiễm công nghiệp quy mô lớn đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Nhật Bản là vụ ô nhiễm ở mỏ đồng Ashio, thành phố Nikko, tỉnh Tochigi. Mỏ đồng được phát hiện năm 1550 và bắt đầu được khai thác theo quy mô công nghiệp vào thời Minh Trị. Đến đầu thế kỉ XX, ước tính sản lượng đồng khai thác được ở đây chiếm tới 25% sản lượng đồng toàn Nhật Bản.
 
Hoạt động khai khoáng đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khủng khiếp kéo dài hơn một thế kỉ ở lưu vực sông Watarase thuộc hai tỉnh Gunma và Tochigi. Khí độc và mưa a-xít đã làm cho các làng mạc xung quanh biến thành hoang mạc, không cây cỏ nào sống nổi và các ngọn núi bị lở loét.
 
Nước mưa cuốn đất bị nhiễm độc ở mỏ đồng xuống sông làm chết cá và tràn vào đồng ruộng làm nhiễm độc đất canh tác. Ngay dưới thời Minh Trị đã có hàng trăm người nhiễm độc. Cho đến tận năm 1971, gạo ở khu vực quanh mỏ đồng qua kiểm tra vẫn nhiễm Cadimi.
 
Tiếp đó, trong những năm 60-70 của thế kỉ XX, khi nền kinh tế nước Nhật tăng trưởng cao độ làm thế giới kinh ngạc, bốn vụ ô nhiễm môi trường tàn khốc đã xảy ra. Chúng được đặt tên theo tên bốn căn bệnh gây ra cho người dân sống trong khu vực ô nhiễm “Bệnh Minamata” (lần 1), “Bệnh Minamata 2”, “Bệnh hen ở thành phố Yokkaichi” và “Bệnh Itaiitai”.
 
Vụ ô nhiễm “Bệnh Minamata” lần 1 diễn ra ở vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumamoto. Thủy ngân từ nước thải của nhà máy công nghiệp đã làm nhiễm độc cá, người dân ăn cá và bị nhiễm bệnh, chủ yếu là các căn bệnh về thần kinh. Vụ ô nhiễm “bệnh Minamata” lần 2 diễn ra ở lưu vực sông Agano, tỉnh Niigata và cũng gây ra hậu quả khủng khiếp tương tự.
 
“Bệnh hen ở thành phố Yokkaichi” là hậu quả của việc các nhà máy ở thành phố Yokkaichi tỉnh Mie thải ra khí độc gây nên các bệnh về đường hô hấp. “Căn bệnh Itaiitai” phát sinh do gạo và các thực phẩm khác bị nhiễm Cadimi ở tỉnh Toyama.
 
Nước Nhật đã phải mất nhiều tiền của, công sức và một khoảng thời gian tương đối dài để giải quyết hậu quả của của năm vụ ô nhiễm trên. Chẳng hạn tại mỏ đồng Ashio (đóng cửa năm 1973), quá trình khắc phục hậu quả ô nhiễm, phủ xanh mỏ đồng và biến nơi đây thành khu du lịch hiện vẫn đang được tiến hành.
 
Trong vụ ô nhiễm “bệnh Minamata 1”, Nhật Bản cũng mất 23 năm để đánh bắt và tiêu hủy hết số cá đã nhiễm độc trong vịnh, mất 13 năm để xử lý số bùn nhiễm độc dưới lòng vịnh.
 

Khách tham quan trước những bức ảnh các nạn nhân của “bệnh Minamata” tại triển lãm.
Ảnh: Hereandnow.wbur.org
 
Sức ép từ người dân
 
Khi ô nhiễm xảy ra, phản ứng của chính phủ lúc đầu tương đối chậm chạp, bởi đằng sau đó là mối quan hệ chằng chéo giữa giới chính trị và giới công nghiệp cũng như tư duy ưu tiên mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên trước sức ép ngày càng mạnh của dân chúng và giới trí thức, các biện pháp toàn diện đã được thực thi tích cực.
 
Sau khi “Luật môi trường cơ bản” ra đời năm 1993, hàng loạt các bộ luật và quy chế liên quan đến môi trường liên tiếp được ban hành.
 
Người dân, từ chỗ phản ứng với các vụ ô nhiễm môi trường một cách lẻ tẻ đã tập hợp lại, lập ra các tổ chức bảo vệ môi trường, các tổ chức dân sự để đấu tranh, với nhiều hình thức như biểu tình, hội họp, báo chí và khởi kiện đòi bồi thường.
 
Chẳng hạn, năm 1987, trong phiên toà lần thứ ba, những nạn nhân của căn bệnh Minamata đã thắng trong vụ kiện nhà nước và chính quyền tỉnh Kumamoto.
 
Trong các vụ ô nhiễm khác, người dân Nhật cuối cùng cũng giành được thắng lợi trong hành trình tìm công lý, buộc các công ty gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại và có các biện pháp khắc phục hậu quả.
 
Tạo ra những “công dân hành động”
 
Cơ chế dân chủ trong giáo dục Nhật Bản với sự phân tán quyền lực trong hành chính giáo dục và cơ chế kiểm định sách giáo khoa, thừa nhận “thực tiễn giáo dục” của giáo viên đã giúp cho giáo dục trường học ở Nhật Bản ứng phó nhanh và hiệu quả với ô nhiễm môi trường.
 

Mỏ đồng Ashio hiện  tại đã trở thành điểm du lịch. Đây là thác nước nhân tạo đổ vào
hồ nước trước khia là hồ nước thải. Ảnh: Nguyễn Quốc Vương
 
Thuật ngữ “giáo dục môi trường” được bắt đầu sử dụng ở Nhật Bản những năm 70 của thế kỷ XX và sau đó ngày càng phổ biến. Giáo dục môi trường được tiến hành thông qua tất cả các môn giáo khoa và các hoạt động giáo dục tại trường học. Trường học không chỉ giúp học sinh có được các tri thức, kĩ năng mà còn chú trọng giáo dục nên thái độ, mối quan tâm tới môi trường và hành động tạo ra môi trường tốt hơn.
 
Những mục tiêu trên được thực hiện thông qua suốt 3 cấp học, với từng cấp có sự phân công trọng tâm riêng phù hợp. Ví dụ học sinh lớp 1-5 tiểu học sẽ được giáo dục cảm thụ, trải nghiệm thiên nhiên. Học sinh lớp 6 (tiểu học) và học sinh THCS sẽ được giáo dục nhận thức về các vấn đề môi trường mà bản thân và cộng đồng đang đối mặt để nắm được “mối quan hệ nhân quả, năng lực nắm vững mối quan hệ tương hỗ và năng lực giải quyết vấn đề”.
 
Ở bậc học THPT, học sinh được giáo dục tư duy tổng hợp về các vấn đề môi trường, tư duy phê phán, sự lựa chọn thông minh, ý chí quyết định, thái độ và năng lực tham gia tích cực, chủ động vào việc cải thiện và bảo vệ môi trường.
 
Các giáo viên đã cùng học sinh thiết lập chủ đề học tập về môi trường và tiến hành các hoạt động học tập dựa trên các thông tin, dữ liệu thu thập được từ tài liệu và đặc biệt là từ điều tra thực tế ở địa phương. Chẳng hạn khi học về nước và ô nhiễm nguồn nước, giáo viên thường dẫn học sinh trực tiếp tham quan các nhà máy nước sạch, nhà máy xử lý nước thải, điều tra tình trạng ô nhiễm ở các ao hồ, sông ở gần trường…
 
Các giờ học được diễn ra dưới hình thức thảo luận, tranh luận và có trưng bày các sản phẩm thu được như sách tự viết, tạp chí, báo tự làm. Kết thúc chủ đề học tập, học sinh có thể tóm tắt kết quả học tập, viết thư, nguyện vọng, phương án giải quyết ô nhiễm, cải thiện môi trường gửi tới tòa thị chính, tòa báo hoặc phân phát cho người dân địa phương.
 
Có thể nói chính giáo dục trường học ở Nhật Bản đã tạo ra những “công dân hành động”- hạt nhân của phong trào môi trường.


Khi tôi đến Nhật vào ngày đầu tiên mười năm trước đây, trong buổi lễ đón tiếp du học sinh, tôi nhớ mãi có một giáo sư phát biểu đại ý rằng “chúng tôi mong các bạn đến đây học cả điều hay và điều dở của nước Nhật. Những điều hay các bạn ứng dụng còn những điều dở thì đừng bao giờ lặp lại”.
 
Có lẽ câu nói của ông rất đúng với câu chuyện về ô nhiễm môi trường. Nước Nhật trong quá trình phát triển kinh tế công nghiệp đã trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường.
 
Tháng 3/2011, sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima xảy ra sau trận động đất, sóng thần vùng Đông Bắc Nhật Bản đã lại làm người Nhật lo ngại về ô nhiễm môi trường.
 
Trong bối cảnh ấy, ngay cả nhà văn Murakami Haruki, người vốn sống lặng lẽ, tránh xa đám đông và rất ít trực tiếp đề cập tới “đấu tranh cải tạo xã hội” khi sáng tác cũng lên tiếng mạnh mẽ phản đối điện hạt nhân trong bài diễn văn nhân dịp nhận giải thưởng văn học Ở Barcelona (9/6/2011):
 
Bây giờ, 66 năm sau vụ ném bom nguyên tử, nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 đã phát tán phóng xạ suốt 3 tháng và tiếp tục làm ô nhiễm thổ nhưỡng, biển, không khí ở khu vực xung quanh. Chưa có ai biết được khi nào thì chặn được phóng xạ và chặn nó như thế nào. Đây là thảm họa hạt nhân lớn lần thứ hai trong lịch sử mà người Nhật đã trải qua nhưng lần này không phải là chuyện bị ai nó ném bom. Chính người Nhật chúng tôi đã tạo ra, tự tay mình gây ra sai lầm, tự mình làm mất lãnh thổ, tự mình làm hại cuộc sống của bản thân.
 
Sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã gây ra nỗi đau tinh thần dai dẳng khi người dân ở trong phạm vi bán kính 30km tính từ nhà máy phải sơ tán và đến giờ vẫn không thể trở về nhà. Điều đó giải thích tại sao những vần thơ của Wago Ryoichi, một thầy giáo dạy ở ngôi trường gần nhà máy điện nguyên tử Fukushima lại làm cho nhiều người Nhật cảm động đến thế.
 
Trong những ngày tháng kinh hoàng ấy, Wago Ryoichi đã dùng mạng Twitter phát đi những câu thơ ông viết về quê hương. Chỉ trong một thời gian ngắn, tài khoản của ông có đến hàng vạn người theo dõi.
 
Xin giới thiệu một vài đoạn thơ của ông. Có lẽ đó cũng là lời cảnh tỉnh chúng ta trong những ngày tháng đầy lo âu này.
 
"Nhà ga nơi khu phố anh có đổ nghiêng không? Đồng hồ có chỉ đúng thời gian hiện tại? Chúc ngủ ngon. Không đêm tối nào không gọi đến bình minh. Kẻ du hành, người đưa tiễn, người đón đưa, người trở về. Đi nhé, mừng anh trở lại. Chúc ngủ ngon. Xin hãy trả lại nhà ga cho khu phố của tôi". 
 
 
Hãy trả lại phố xưa, hãy trả lại làng, hãy trả lại biển hãy trả lại gió. Tiếng chuông, tiếng thư đến, tiếng thư đi. Hãy trả lại sóng, hãy trả lại cá, hãy trả lại tình yêu, hãy trả lại ánh mặt trời. Tiếng chuông, tiếng thư đến, tiếng thư đi. Hãy trả lại chén rượu, hãy trả lại bà, hãy trả lại lòng tự hào, hãy trả lại Fukushima. Tiếng chuông, tiếng thư đến, tiếng thư đi."

"Phóng xạ đang rơi
Đêm khuya yên tĩnh


Với bạn quê hương là gì?
Với tôi quê hương là tất cả
Tôi sẽ chẳng bao giờ từ bỏ quê hương

 
Nguyễn Quốc Vương

 

Tác giả: Nguyễn Quốc Vương

Nguồn tin: VietNamNet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập884
  • Hôm nay82,167
  • Tháng hiện tại1,379,637
  • Tổng lượt truy cập58,665,506
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây