Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (12)

Thứ năm - 11/10/2012 22:40

-

-
[Phần 12] Trích đăng Bài giảng và Huấn đức của Đức Cố HY FX Nguyễn Văn Thuận tại Đại Chủng viện Hà Nội, tập 2, từ ngày 17-9 đến ngày 21-11-1991. Các bài giảng do một chủng sinh ghi lại, Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền thực hiện tại Roma năm 2005. Tài liệu này do Đức Ông Phan Văn Hiền gửi riêng cho website CCS Huế.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (12)

 
Bài 91: Tìm dấu lạ
Thứ sáu 11-10-1991 - Tuần 27 Thường Niên
 
Lc 11, 15-26 ; Ge 1, 13-15 ; 2, 1-2
 
Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy những kẻ chống đối Chúa đã quyết tâm làm hại Chúa đến cùng. Trước đây, họ chỉ tố cáo Chúa lỗi luật, làm bạn với kẻ thu thuế và đĩ điếm... nhưng bây giờ, họ kết án Chúa là kẻ bị quỷ ám, dùng phép quỷ để trừ quỷ. Và như vậy, họ tìm cách phủ nhận hoàn toàn sứ mệnh thiên sai của Chúa Giêsu. Bởi vì, nếu chứng minh được Ngài thuộc về ma quỷ, dân chúng sẽ không còn tin tưởng ở Ngài nữa. Thật thâm độc! Tuy nhiên, chúng ta thấy Chúa trả lời rõ ràng, rành mạch trong ba điểm sau đây:
 
1. Nếu Chúa lấy phép quỷ mà trừ quỷ thế thì các tiên tri trước đây lấy quyền gì mà trừ quỷ. Nếu những người bắt bẽ Chúa trả lời cũng nhờ quỷ, chắc chắn dân chúng sẽ nổi dậy phản đối ngay.
 
2. Nếu không phải lấy quyền quỷ, vậy quyền đó phát xuất từ ngón tay Thiên Chúa, nghĩa là từ sức mạnh của Thiên Chúa, bởi vì ai cũng hiểu ngón tay được Kinh Thánh dùng để chỉ sức mạnh của Thiên Chúa.
 
3. Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi đó.
 
Chúng ta thấy câu trả lời của Chúa Giêsu tăng mức độ dần dần để rồi cuối cùng dẫn đến điểm cốt yếu là ơn cứu độ của Nước Thiên Chúa.
 
Tuy nhiên, những người chất vấn Chúa vẫn chưa chịu thua. Họ đòi Ngài một dấu lạ để chứng minh Ngài thuộc về Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta gặp lại cám dỗ về quyền năng mà Chúa Giêsu đã trải qua trong thời gian trong sa mạc trước khi bắt đầu cuộc sống công khai rao giảng. Họ muốn Chúa làm một chuyện lạ động trời như Kinh Thánh thường nói đến vào ngày tận thế như trời dất rung chuyển, mặt trời mặt trăng mất sáng... Và một lần nữa, Chúa không rơi vào cái bẫy cám dỗ đó. Đức tin gắn liền với tự do. Và Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Ngài không bao giờ ép buộc bất kỳ ai phải tin vào Ngài. Vì thế, Chúa công khai bày tỏ cho những người này biết Chúa không cho họ một dấu lạ nào ngoại trừ dấu lạ ông Giona ở trong bụng cá ba ngày đêm. Nghĩa là chính ơn cứu độ mà Ngài sẽ hoàn thành để cứu nhân loại. Điều này đã được Ngài nói đến trong câu trả lời ở phần đầu đoạn Phúc Âm. “Ơn cứu độ ở giữa các ngươi rồi đó.”
 
Nhiều khi chúng ta cũng có thái độ như những người Biệt Phái trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúng ta cũng muốn Chúa làm một vài phép lạ để thêm đức tin cho mình và làm cho những người khác cũng phải tin theo. Thật sai lạc! Chúng ta quên rằng chính mỗi người chúng ta phải là dấu hiệu của Chúa cho người khác. Nghĩa là phải sống làm sao để chúng ta có thể trở thành một dấu lạ mang tính thuyết phục cho những người chung quanh. Họ chỉ cần nhìn vào cách chúng ta sống để tin vào Chúa. Dấu hiệu này rất quan trọng vì đó là dấu hiệu nhân chứng. Và dấu hiệu này có thể mang hai mặt đối nghịch nhau. Mặt tích cực khi chúng ta sống tốt, làm chứng cho Chúa. Nhưng cũng có thể tiêu cực, khi chúng ta sống phản lại tinh thần Phúc Âm, tinh thần của Chúa. Và lúc đó, chúng ta cản trở công việc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.
 
Chúng ta xin Đức Mẹ soi sáng, giúp chúng ta biết sống như những dấu hiệu tích cực hữu ích cho mọi người. Amen.
 
 
Bài 92 : Mẹ và anh em Chúa Giêsu
Thứ bảy 12-10-1991 - Tuần 27 Thường Niên
 
Lc 11, 27-28, Ge 4, 12-21
 
Cách đây mấy tuần, chúng ta đã suy niệm về một đọan Phúc Âm của Thánh Mat-thêu nói đến lời đồn đại Chúa Giêsu bị quỷ ám. Vì thế, đoạn Phúc Âm hôm nay được xem như là phần nối tiếp của bài tuờng thuật trên vì đề cập đến việc gia đình đi tìm Chúa sau khi nghe được tin không hay đó.
Thánh Luca là người ở gần Đức Mẹ nên Ngài muốn làm nỗi bật vai trò của Mẹ trong mối liên hệ với Chúa Giêsu. Bài tường thuật của Thánh Luca trước hết đề cao vai trò của người Mẹ tự nhiên: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú.” Nhưng thật tâm, Ngài muốn dẫn đến một sự thật quan trọng hơn, có tầm cỡ cứu độ. Đó là: “Ai nghe và giữ lời Chúa thì có phúc hơn.”
 
Thật vậy, Đức Mẹ không chỉ có phúc vì đã cưu mang, nuôi dưỡng Chúa Giêsu. Nhưng trên hết, Mẹ có phúc vì Mẹ đã luôn nghe và giữ lời của Chúa một cách vâng phục hoàn toàn. Ngay từ khi được thiên thần truyền tin, cho đến khi Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá, sống lại và lên trời, Mẹ đã luôn đồng hành với Chúa, giữ lời Chúa và sống lời Chúa.
 
Trong cuộc sống đồng hành với Chúa Giêsu, nhiều lần Mẹ gặp phải những hoàn cảnh trớ trêu, nguy hiểm và thật khó hiểu như việc phải sinh hạ con Thiên Chúa trong hang lừa máng cỏ, phải hối hả trốn chạy qua Ai Cập làm người tỵ nạn vì Vua Herode tìm giết Chúa Giêsu, phải lo lắng tìm con khi Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ, phải chứng kiến cảnh con mình bị chống đối và cuối cùng nhìn con mình chết dần trên thánh giá một cách nhục nhã. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, Mẹ luôn tin tưởng vào Chúa, vào chương trình cứu độ mà Ngài đã hé mở qua lời truyền tin của thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa. Tôi xin vâng như lời sứ thần nói”.
 
Nói cách khác, Mẹ đã “xin vâng” trong cả cuộc đời của Mẹ, từ lúc truyền tin cho đến lúc đứng dưới chân thập giá. “Xin vâng” nơi Mẹ có nghĩa là hoàn toàn tuân giữ ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả khi Mẹ chưa hiểu được ý muốn đó như thế nào. Vì vậy, trước các biến cố xảy ra, Mẹ luôn “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” để dần dần khám phá ra ý Chúa và tích cực cộng tác.
 
Chính việc lắng nghe và giữ lời của Chúa đã làm cho Mẹ xứng đáng là người có phúc. Và làm cho vai trò làm Mẹ thể lý của Chúa Giêsu càng có ý nghĩa.
 
Xin Mẹ giúp mỗi người chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa như Mẹ đã sống và làm gương trong cuộc đời của Mẹ. Amen.
 
 
Bài 93: Sự sống đời đời
Chúa nhật 13-10-1991. CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN B
 
Mc 10, 17-30; Kn 7, 7-11; Dt 4, 12-13
 
Thánh Marcô kể lại chuyện một chàng thanh niên đến hỏi Chúa phải làm gì để được sống đời đời. Chắc chắn anh ta là người có thiện chí và muốn cầu tiến. Vì thế, Chúa nhìn anh ta một cách trìu mến và trả lời một cách rõ ràng để anh ta hiểu và áp dụng vào cuộc sống: “Bán hết của cải để làm phúc cho người nghèo rồi theo Ta”.
 
Ngài không bảo anh ta lấy của cải để công đức hay xây cơ sở từ thiện, nhưng để giúp những người nghèo đang sống lây lất trong xã hội. Cho người nghèo tức là cho mà không mong được đáp trả hay được tiếng tăm gì cả. Tuy nhiên, lời khuyên bảo này của Chúa còn có một ý nghĩa sâu sa hơn. Chúa muốn nói đến tinh thần sẵn sàng từ bỏ. Chắc chắn, Chúa không muốn tất cả những ai theo Chúa đều phải sống trong cảnh nghèo đói. Bằng chứng là Ngài không biểu bà Matta và Maria phải bán nhà cửa. Vì nếu bán đi, các bà đâu còn điều kiện để đón tiếp Chúa Giêsu và các Tông Đồ một cách thân tình trong nhà của mình. Phúc Âm cũng kể lại việc Phêrô đón Chúa và các bạn về nhà ông.
 
Trong bài giảng trên núi, Chúa đề cập tới tinh thần nghèo khó. Đó mới là điểm quan trọng trong giáo huấn của Ngài. Chúa không muốn thấy mọi người sống trong cảnh nghèo đói. Trái lại, Ngài muốn tất cả mọi người đều được ấm no hạnh phúc. Lời kêu gọi sống nghèo khó hôm nay của Chúa trước hết mời gọi mọi người hãy sống công bình, bác ái. Thế giới ngày nay còn đầy dẫy người nghèo đói, bần cùng vì nhiều hình thức bóc lột vẫn đang thống trị. Những người giàu có này, vì quá ham mê của cải, vật chất, nên sống thiếu công bằng và tình yêu thương với những người nghèo chung quanh. Tóm lại, Chúa muốn mọi người hãy cởi mở lòng mình, mở rộng con tim để mọi người cùng được yêu thương, hạnh phúc và sống xứng với phẩm giá con người.
 
Chúa cũng đang hỏi mỗi người chúng ta có sẵn sàng theo Chúa không. Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống mình, xem thử mình đã thật sự sẵn sàng cho đi những gì mình có, hay chỉ thích thú nhận sự giúp đỡ của người khác. Và khi cho đi, mình cho phần quý giá hay chỉ cho những gì dư thừa, ít giá trị. Xét mình như thế, chúng ta sẽ biết được mức độ sẵn sàng của mình.
 
Người thanh niên trong Phúc Âm được Chúa thương kêu gọi sống trọn lành. Nhưng anh ta đã mất ơn ấy chỉ vì không thể từ bỏ của cải, từ bỏ cuộc sống sung túc. Và từ đó, Chúa đã đưa ra một nhận xét đáng buồn về người giàu có khó vào Nước Trời. Nghe lời này, các môn đệ băn khoăn và hỏi nhau: “Vậy thì ai có thể được cứu rỗi?” Họ nghĩ người giàu có dễ vào Thiên Đàng vì những người giàu mới có dư tiền của để bố thí, xây dựng đền thờ, Hội Đường, và chu toàn luật Mô-sê. Nay lời Chúa làm đảo lộn tất cả. Và Chúa trả lời cho họ biết: “Điều gì con người không làm được thì Thiên Chúa làm được vì không có gì khó đối với Thiên Chúa.” Nghĩa là tất cả tùy thuộc vào ơn Chúa.
 
Các nhà chú giải Kinh Thánh xem đoạn Phúc Âm này mang ý nghĩa thần học về tình yêu nhưng không. Nghĩa là ơn Chúa ban cho loài người là một sự cho đi không mong đền đáp lại. Khi còn ở trần gian, chọn các Tông Đồ và gặp gỡ dân chúng, Chúa Giêsu đã không chọn những người tài giỏi, phú quý, học thức, nhưng chọn những người tầm thường, nghèo khó. Điều này biểu lộ quyền năng vô song của Ngài: “Những gì con người không thể làm được thì Chúa làm được” và đồng thời nói lên cái “logic” nghịch lý của Thiên Chúa: “Kẻ trước hết sẽ nên sau hết và sau hết sẽ nên trước hết”.
  
Kẻ nên trước hết là những người sống thanh liêm, công chính và tin tưởng vào Chúa. Họ biết dùng của cải và sống khôn ngoan. Thời Cựu Ước, khôn ngoan được dùng để chỉ cho các thần minh và các vua chúa, là hình ảnh của các thần minh. Sự khôn ngoan rất cần thiết cho cuộc sống con người. Vua Salomon đã rất đúng khi ông không xin Chúa cho mình sang giàu, cao đẹp mà lại xin cho được khôn ngoan. Bởi vì với sự khôn ngoan, ông có thể cai trị dân một cách công minh, hiểu rõ Chân-Thiện-Mỹ và sống hạnh phúc. Thật vậy, trong cuộc sống, một người dù giàu sang, tài giỏi, nhưng nếu thiếu khôn ngoan, người đó cũng chỉ là cái thùng rỗng. Trong vấn đề vật chất, người khôn ngoan không bao giờ để của cải hướng dẫn cuộc đời mình. Họ không nô lệ vật chất. Trái lại, họ xử dụng vật chất, của cải để làm vinh danh Chúa và phục vụ anh em đồng loại. Và đây phải là cách lựa chọn của chúng con trong cuộc sống: chọn Chúa và anh em, một chọn lựa Phúc Âm.
 
Trong thực tế, người giáo dân thường không thể đánh giá sự đạo đức, thánh thiện của một linh mục, vì những điều này thuộc lãnh vựa tâm linh. Nhưng họ dễ dàng nhận ra cha xứ của mình có ham mê của cải vật chất hay không. Đàng khác, không phải những người ăn mặc giàu sang là thiếu tinh thần nghèo khó, nhưng cũng chưa chắc những ai ăn mặc rách rưới lại có tinh thần này. Chỉ những ai đặt tình Chúa và tình người lên trên sự ham muốn vật chất, người đó mới thật sự sống tinh thần nghèo khó của Phúc Âm.
 
Nói tóm lại, Thiên Chúa là người Cha đầy lòng thương xót. Ngài Ngài không bao giờ muốn thấy con người phải sống nghèo khổ, vất vã lầm than. Trái lại, Ngài ước ao con người được sống no đủ, hạnh phúc. Vì vậy, những ai tin theo Ngài cũng phải biết sống chia sẻ, yêu thương, để mọi người cùng được sống ấm no và hạnh phúc.
 
Hôm nay, chúng ta cũng hướng về Fatima, nơi Đức Giám Quản Môs-cô-va và giáo hữu của Ngài đang tập trung để tạ ơn Đức Mẹ. Sau những lần hiện ra, Mẹ đã ban cho nhân loại nhiều ơn lành. Các Đức Giáo Hoàng đã dâng loài người và nước Nga cho Mẹ. Nhưng khi Chị Lucia bày tỏ ý muốn của Mẹ muốn thấy Đức Giáo Hoàng hiệp nhất với tất cả các Giám Mục trên thế giới cùng dâng loài người và nước Nga cho Mẹ trong cùng một ngày, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã làm điều thỉnh cầu này ngày 24-03-1984. Thế giới sẽ biến đổi tốt hơn, vì những gì loài người không thể làm được, đối với Chúa chẳng khó khăn gì cả.
 
Xin Chúa cho chúng ta sống từ bỏ, hy sinh, bác ái và công bình để cùng tiếp tay biến đổi thế giới. Amen.
 
 
Bài 94: Khôn ngoan đích thực
Thứ hai 14-10-1991 - Tuần 28 Thường Niên
 
Lc 11, 29-32 ; Rm 1, 1-7
 
Chúng ta đã suy ngắm bài Phúc Âm này. Hôm nay, chúng ta chỉ chú trọng vào bài học rút ra từ đoạn Phúc Âm này và áp dụng vào cuộc sống của chúng ta.
 
Bà Hoàng Hậu ở xứ Êtiopia xa xôi đã lặn lội đến Israel để được nghe sự khôn ngoan của Vua Salomôn, rồi dân thành Ninivê đã thống hối ăn năn, từ vua đến dân và ngay cả súc vật, để xin Chúa thương không tiêu diệt, nói lên tầm quan trọng của việc tìm kiếm, lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới là sự khôn ngoan đích thực. Còn câu chuyện tiên tri Giona gặp nạn ngoài biển khơi và đã can đảm nhận mình là nguyên nhân gây nên thảm họa, vì chạy trốn không muốn thi hành ý Chúa, nói lên tình thương của Chúa đối với con người. Ngài muốn mọi người ăn năn thống hối để được cứu. Vì thế, bằng mọi cách Thiên Chúa đã đưa dẫn tiên tri Giona đến Ninivê để rao giảng lời mời gọi hối cải và cuối cùng thành Ninivê đã được cứu.
 
Chúa Giêsu đã dùng câu chuyện Salomon khôn ngoan và hình ảnh của tiên tri Giona với dân thành Ninivê, để nhắc nhở cho dân chúng biết rằng bây giờ đây, ngay giữa các ngươi, còn có một Đấng cao trọng hơn Salomon và tiên tri Giona nữa. Đấng đó là Đức Kitô. Vì thế, mọi người cần phải lắng nghe Ngài, như lời khôn ngoan đích thực, và quyết tâm hoán cải theo lời Ngài chỉ dạy để được cứu rỗi.
 
Đây chính là bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta phải biết nhận ra những dấu chỉ của thời đại qua những tai ương thiên nhiên như bão lụt, hạn hán, động đất, dịch tả hoặc qua những thảm họa do con nguời gây nên như chiến tranh, bất công, nghèo đói, và qua những biến cố bất ưng xảy đến trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Với con mắt đức tin, tất cả những điều này được xem như lời cảnh cáo của Thiên Chúa kêu gọi thống hối. Nói cách khác, Chúa vẫn tiếp tục nói với chúng ta qua các dấu chỉ của xã hội, thế giới và mỗi cá nhân. Người khôn ngoan thật là người biết nhận ra ý nghĩa của những biến cố xảy ra trong cuộc sống. Và một khi đã nhận ra được ý nghĩa của biến cố, con người cần phải thay đổi cho phù hợp với điều Chúa muốn nói qua các dấu chỉ, biến cố đó.
 
Như vậy, nếu chúng ta không thực tâm thống hối và thay đổi cuộc sống của mình như dân thành Ninivê, một cách nào đó chúng ta tự đào mồ chôn chính chúng ta. Thiên Chúa là Cha tình thương luôn muốn mỗi người chúng ta và tất cả nhân loại được cứu rỗi. Ngài muốn chúng ta nhận ra sứ điệp yêu thương của Ngài và trở nên nhân chứng sống động cho sứ điệp đó để mọi người được cùng chung hưởng hạnh phúc bất diệt với Ngài.
 
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự khôn ngoan và can đảm để chúng con luôn trung thành với sứ mệnh đem tin mừng cứu độ của Chúa đến mọi người. Amen.
 
 
Bài 95 : Tinh thần luật
Thứ ba 15-10-1991 - Tuần 28 Thường Niên
 
Lc 11, 37-41 ; Rm 1, 16-25
 
Đọc bài Phúc Âm hôm nay tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu được mời đến nhà một người Biệt Phái để dự tiệc. Ngài không rửa tay trước khi ăn theo luật Mô-sê và bị những người chung quanh lẩm bẩm trách móc. Bộ luật của người Do Thái ghi rõ chi tiết những nghi thức phải giữ một cách cứng nhắc khiến cho mọi người tưởng rằng nhờ những việc tuân giữ này mà được nên công chính. Trong Phúc Âm, chúng ta thấy một số những luật lệ này. Chẳng hạn, sau khi sinh Chúa sau 40 ngày, Đức Mẹ cần phải được thanh tẩy, và bao lâu chưa thanh tẩy thì chưa được vào đền thờ vì bị xem là chưa trong sạch; các Tông Đồ đi qua cánh đồng, bứt mấy bông lúa ăn cho đỡ đói, cũng bị xem là lỗi luật ngày Sabát không được phép làm việc; ngay cả việc Chúa chữa bệnh trong ngày Sabát cũng bị xem là có tội vì lỗi luật ngày Sabbat… Và hôm nay, Chúa không rửa tay trước khi ăn. Ngài bị xem là lỗi luật nữa.
 
Có thể nói, với việc giữ luật cách quá tỉ mỉ, dân Do Thái sống như là những người duy luật, duy hình thức. Họ chỉ lo lắng chu toàn việc giữ những nghi thức bên ngoài của luật lệ mà quên mất cái tinh thần luật ở bên trong. Chính vì vậy, họ đã cảm thấy khó chịu và ngỡ ngàng khi nghe Chúa Giêsu nói: “Không có gì bên ngoài làm nhơ bẩn. Chỉ có lòng hận thù, ghen ghét, âm mưu, gian dối, lừa gạt... ở bên trong mới làm cho con người trở nên nhơ bẩn.”
 
Thật vậy, nếu con người chỉ sống với những lễ nghi, hình thức bên ngoài, cuộc sống sẽ trở nên tồi tệ vì tất cả chỉ là cách lừa dối nhau. Cũng vậy, trong chủng viện này, nếu chúng con cười nói vui vẻ với nhau mà trong lòng còn đầy hận thù, ghen tị, cuộc sống sẽ dần dần mất hết tình yêu thương, hiệp nhất. Điều này càng nguy hiểm hơn nếu linh mục bề ngoài có vẻ đạo đức, mắt luôn nhìn xuống đất, tay cầm tràng hạt, đầu nghiêng nghiêng như Thánh Anphongsô nhưng trong lòng lại không cởi mở, chân thật, thiếu bác ái đối với người chung quanh. Nếu trong cùng một giáo xứ, giáo dân thấy Cha chính và Cha phó yêu thương nhau thực sự, thì phải kể đó là một kỳ quan. Chỉ sợ rằng bên ngoài miệng thưa “Nam-mô”, nhưng bên trong lại chứa một bồ dao găm.
 
Trên bình diện Giáo Hội, nếu những người tin Chúa chỉ sống theo hình thức bên ngoài, sớm muộn gì người ta cũng nhận ra cái bộ mặt thật bên trong. Và như vậy, Giáo Hội khó có thể loan báo sự thật về Nước Trời cho mọi người như Chúa đã truyền dạy. Vì thế, ngay từ bây giờ mỗi người chúng con phải chú tâm vào việc tập luyên sống tinh thần Phúc Âm bên trong để có thể hãnh diện ngẩng đầu rao giảng Tin Mừng cho người khác.
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta bắt gặp một đoạn hơi khó hiểu: “Hãy bố thì tâm hồn được thanh sạch.” Làm sao bố thí lại làm cho tâm hồn thanh sạch được? Thanh sạch ở đây phải hiểu là không còn dính bén vật chất, của cải. Ví dụ, một người có một đĩa thức ăn ngon.  Anh ta thấy một người đang bị cơn đói hành hạvà lập tức cho ngay dĩa thức ăn của mình. Như vậy, việc bố thí này của anh ta không chỉ là cho đi dĩa thức ăn, nhưng quan trọng hơn là chính tấm lòng từ bỏ, hy sinh và thương yêu mà anh dành cho người khác. Chính cái bên trong này làm cho anh trở nên thanh sạch.
 
Ngày hôm nay, chúng ta mừng kính Thánh Nữ Têrêsa Avila, tiến sĩ của Hội Thánh. Trong thời gian 40 năm đầu, Thánh Nữ cũng chỉ là nữ tu bình thường, sống tuân thủ luật dòng. Nhưng sau đó, Ngài lãnh nhận ơn Chúa, và cuộc sống biến đổi hoàn toàn. Mặc dù chỉ là người phụ nữ và gặp nhiều chống đối từ phía các cha dòng, Thánh Têrêsa vẫn can đảm cương quyết sửa đổi luật dòng. Và cũng vì những cải cách này mà Ngài đã bị giam giữ trong tù, nhưng nhờ có Thánh Gioan Thánh Giá can thiệp nên cuối cùng Ngài được tự do và can đảm tiếp tục sửa đổi được toàn bộ luật dòng Cát-men.

Là một nữ tu hăng say, mạnh mẽ, vui vẻ nhưng cũng rất nội tâm, âm thầm, Ngài đã viết nhiều sách đạo đức giá trị giúp ích cho nhiều người trong đó có cuốn “Sống trọn lành” và “Lâu đài nội tâm” rất được mến chuộng.
 
Đức Giáo Hoàng Paolo VI đã phong cho Ngài chức Nữ Tiến Sĩ Giáo Hội vào tháng 9 năm 1970. Thánh nữ Têrêsa Avila đã nêu gương sáng về cuộc sống hoàn toàn cho Chúa và làm tất cả mọi sự vì Chúa. Ngài viết: “Một hôm, tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Chúa Ba Ngôi và tôi không muốn sống nữa... Tôi thấy Chúa Ba Ngôi quá tuyệt mỹ và tôi băn khoăn tự hỏi làm sao có thể sống xứng đáng với ơn Chúa Ba Ngôi. Chúa đã trả lời một câu đơn sơ: “Con hãy nhớ lời Thánh Phaolo dạy là dù con ăn, dù con ngủ, dù con làm sự gì, con hãy làm vì danh Ta, để khi con làm mà không phải con làm, con sống mà không phải con sống mà là Ta làm, Ta sống trong con”.
 
Như thế, chúng ta cần phải sống hoàn toàn với Chúa và cho Chúa. Bất cứ việc gì, chúng ta cũng để cho Chúa hoạt động trong chúng ta. Điều này có nghĩa là điều gì không đẹp lòng Chúa, chúng ta nhất quyết không làm. Chắc chắn khi hành động với Chúa và cho Chúa, chúng ta sẽ không bị gò bó bởi lề luật. Thật vậy, lề luật bên ngoài chỉ giúp con người sống tốt, sống lịch sự hơn, nhưng chính tinh thần bên trong, sống với Chúa và cho Chúa, giúp tâm hồn chúng ta nên trong sạch.
 
Thánh Têrêsa Avila đã nên trong sạch vì Ngài đã sống theo ơn Chúa và Chúa đã dùng Thánh Nữ để tỏ bày vinh quang của Chúa. Có Chúa và với Chúa, Thánh Nữ đã can đảm mạnh dạn hoàn thành được việc cải tổ luật Dòng Cát-men, mặc dù bị chống đối, phê phán gay gắt từ mọi phía ngay từ bước khởi đầu.
 
Chúng ta hãy tin tưởng vào ơn Chúa và mở rộng lòng mình đón nhận Phúc Âm, cũng như sống bác ái đơn sơ với mọi người. Hãy tìm thấy nơi người khác khuôn mặt dịu hiền của Chúa Kitô và phục vụ hết mình vì Chúa. Như vậy, chúng ta cũng sẽ được chiêm ngưỡng vinh quang Chúa Ba Ngôi như Thánh Nữ Têrêsa vậy. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập571
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm569
  • Hôm nay84,264
  • Tháng hiện tại1,019,304
  • Tổng lượt truy cập58,305,173
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây