Theo Đức Hồng y Hollerich, “số người đến nhà thờ sẽ giảm”
Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên hiệp châu Âu nhận thấy sự suy giảm trong việc giữ đạo ở Âu châu cũng như giảm tầm quan trọng của phương Tây trên trường quốc tế. Ngài không xem đây là điều như đinh đóng cột, nhưng các hiện tượng này có thể trở thành cơ hội.
“Số người đến nhà thờ sẽ giảm”. Một ghi nhận đơn giản nói lên rất nhiều yếu tố. Theo Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, việc giữ đạo của người công giáo sẽ mất mát lớn trong đại dịch coronavirus. Ngày thứ tư 2 tháng 9, trong một cuộc phỏng vấn của báo L’Osservatore Romano, ngài dự đoán các khó khăn này của Giáo hội công giáo phương Tây, nhưng ngài xem đây là cơ hội để đổi mới đức tin.
“Một cơ hội cho Giáo hội”
Cấm thờ phượng nơi công cộng, thánh lễ trực tuyến, nhà thờ đóng cửa, ngưng dạy giáo lý, giới hạn trong việc nhận các phép bí tích… Bao nhiêu là tác động của đại dịch đã làm cho Giáo hội không còn được nguyên vẹn. Theo Đức Hồng y Hollerich, ít nhất tình trạng này cũng là hồi chuông báo tử cho việc giữ đạo của “những người Công giáo văn hóa”, những người xem tôn giáo như một loại văn hóa, họ đi lễ theo truyền thống, đúng hơn là theo thói quen. Ngài nhấn mạnh: “Họ thấy cuộc sống rất thoải mái, và họ có thể sống tốt mà không cần đến nhà thờ.”
Tuy nhiên, ngài không phàn nàn. Dưới mắt hồng y, coronavirus chỉ thúc đẩy một tiến trình thế tục hóa tiềm ẩn mà Giáo hội phải khiêm tốn ghi nhận. Ngài nói: “Đây là cơ hội lớn lao cho Giáo hội. Chúng ta phải hiểu các thách thức của hiện tại. Chúng ta phải hành động và đưa ra các cấu trúc truyền giáo mới.” Thực sự có phải đây là bước đột phá có thể xảy ra không? Ngài nghĩ như vậy, ngài là người mơ một Giáo hội “Kitô hơn, đơn giản hơn, kinh tế nghèo hơn”.
Một biến động quốc tế
Vượt ra ngoài Giáo hội, hồng y Hollerich dự đoán vị thế của Châu Âu và Hoa Kỳ trên trường quốc tế sẽ bị suy yếu. Ngài nhận xét, với việc coronavirus hoạt động như một máy gia tốc toàn cầu, chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng của “các quốc gia khác, các nền kinh tế khác.” Ngài không xem đây là một thất bại, nhưng ngài xem đây là một cơ hội để “loại bỏ chủ nghĩa quy về Âu châu trong suy nghĩ của chúng ta” và “học cách làm việc khiêm tốn với các quốc gia khác vì tương lai của nhân loại, và để công bằng hơn”.
Ngài xin, sự đoàn kết quốc tế phải có cái nhìn đặc biệt về châu Phi, nơi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Ngài nhắc lại: “Nếu Âu châu chúng ta giàu thì cũng vì chúng ta đã tận dụng sự giàu có của châu Phi.”
Ngày nay hơn bao giờ hết, người Châu Âu có thể hành động với người châu Phi như anh chị em mình, vì bệnh tật đã trở thành cuộc sống hàng ngày của họ, và nghèo đói cũng đang gia tăng ở phương Tây, còn về những người sắp chết thì người Châu Âu đang “nói về chính họ”. Đức Hồng y tuyên bố: “Chúa yêu thương các dân tộc Châu Phi và Châu Âu. Chúa không ưu đãi cho châu Âu, tình đoàn kết phải không được có biên giới”.
Tinh thần Châu Âu
Là động cơ của sự đoàn kết này, Đức Hồng y Hollerich mong muốn đánh thức “lương tâm châu Âu”, châu lục thừa kế một tinh thần kitô giáo vị tha, không nhất thiết chỉ dành cho tín hữu kitô. Theo ngài, tiếng vang của Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ vượt xa các bức tường của Giáo hội là bằng chứng cho di sản này.
Tuy nhiên, mối liên hệ mật thiết giữa kitô giáo và châu Âu không được sinh ra một loại “lễ hội hóa trang”, mặc cho mình bộ áo kitô giáo mà không thấm đậm tinh thần Tin Mừng. Đức Hồng y nhấn mạnh: “Muốn chia sẻ sự giàu có của mình với người nghèo nhất thì phải tôn trọng nhân quyền: đây là các yếu tố đặc biệt của kitô giáo”. Nếu người tín hữu kitô muốn tìm cho mình một cuộc sống mới sau hậu quả của đại dịch thì việc đầu tiên họ phải bắt qua hành động, chính họ phải được được truyền cảm hứng qua “tiếng nói của Chúa Kitô”. Vì thế, từ giã loại “tín hữu công giáo văn hóa không có sinh lực” là bước đầu tiên cần thiết để đặt “sự cứu rỗi của mình trong Chúa Giêsu Kitô”.
Jean-Baptiste Ghins, 2020-09-04 (la-croix.com) -Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch