Phản ứng đối với Phúc Trình McCarrick

Chủ nhật - 22/11/2020 08:30
Phúc trình của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về McCarrick là một phúc trình đồ sộ dài tới 450 trang, bao trùm một khoảng thời gian kéo dài từ năm 1930 tới năm 2017, 77 năm!
Phản ứng đối với Phúc Trình McCarrick
Năm 2017 là năm có lời tố cáo được coi là khả tín McCarrick phạm tội ấu dâm, lời tố cáo đã được triều giáo hoàng Phanxicô phản ứng nhanh chóng và quyết liệt, đưa đến việc ông mất mũ Hồng Y và bị hồi tục năm 2019. Còn năm 1930? Năm ấy, ông ra đời. Không rõ phúc trình nói gì về năm ấy, nhưng căn cứ vào “Executive Summary” ở phần Dẫn Nhập của Phúc Trình, tập chú bắt đầu từ năm 1977, khi Đức Phaolô VI bổ nhiệm ông làm Giám Mục Metuchen. Cũng vẫn là một thời gian dài: 1977 tới 2017, 40 năm! Biết bao chuyện xẩy ra mà hồ sơ ghi lại được lưu giữ tản mạn ở rất nhiều nơi, nhất là ở các bộ sở Tòa Thánh, Tòa Sứ Thần ở Wasgington D.C., các giáo phận được ông cai quản. Chưa hết, còn tới 90 cuộc phỏng vấn dài từ 1 tiếng tới 30 tiếng, trong đó, Đức đương kim Giáo Hoàng và vị tiền nhiệm của ngài cũng đã tham gia.

Phản ứng tiêu cực

Mặc dù được công bố vào lúc công luận thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ, đang chú mục vào cuộc tranh cãi liên quan đến kết quả bầu cử ở Mỹ, Phúc trình vẫn là một đề tài nóng bỏng, thu hút nhiều phản ứng trái ngược nhau.

Phil Lawler chẳng hạn lưu ý đến việc: tác phong sai trái về tình dục của McCarrick đã được lưu hành nhiều năm vậy mà Phúc Trình vẫn nằng nặc cho rằng Đức Phanxicô không biết đến các tố cáo ấy, trong khi tỏ ý hoài nghi đối với các hành động của 2 vị tiền nhiệm của ngài: Đức Gioan Phaolô II (bổ nhiệm McCarrick làm Tổng Giám Mục Washington D.C., bất chấp các tin đồn tai hại), và Đức Bênêđíctô XVI (quyết định không đưa ra kỷ luật chính thức nào bất chấp các báo cáo trầm trọng hơn).

Lawler cũng nhắc đến việc Phúc trình “đổ lỗi” cho các Giám Mục Hoa Kỳ đã “cung cấp thông tin không chính xác và đầy đủ” trong khi không coi những báo cáo của các ngài về việc McCarrick ngủ chung giường với các chủng sinh như một dấu nguy hiểm.

Lawler cũng cho rằng Phúc trình đã gạt qua một bên nhiều vấn đề chủ chốt, như hai quan tâm về ảnh hưởng của McCarrick chỉ được bàn rất qua loa. Việc McCarrick đại diện Tòa Thánh trong các cuộc đàm phán quốc tế tế nhị, nhất là với Trung Hoa, được Phúc Trình giảm nhẹ bằng cách cho hay “McCarrick chưa bao giờ là một tác nhân (đại lý?) ngoại giao của Tòa Thánh” tuy nhìn nhận rằng ông thực thi nền “ngoại giao mềm”.

Quan tâm thứ hai cho rằng McCarrick thăng tiến như diều là do khả năng “huyền thoại” gây quĩ của ông, được phúc trình trả lời: “Xét chung, hồ sơ dường như cho thấy dù các kỹ năng gây quĩ của McCarrick có cân lượng cao nặng, chúng không có tính quyết định liên quan tới các quyết định chính đưa ra liên quan tới McCarrick, kể cả việc bổ nhiệm ông tới Washington năm 2000”.

Nhiều người cũng nghĩ như Lawler khi cho rằng Phúc trình nghiêng về việc qui lỗi cho Đức Gioan Phaolô II. Điều này đã khuyến khích một số bình luận gia thế tục lên tiếng chỉ trích vị Thánh. James T. Keane, trên tạp chí America, dù cho rằng Giáo Hội Công Giáo không hề dạy: các vị thánh là những người hoàn hảo ở trên đời, vẫn phàn nàn điều này: “Phúc trình McCarrick... đã trở thành một vết nhơ ghê gớm trên di sản của một người mới chỉ 6 năm trước đây đã được phong hiển thánh”, tức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Dĩ nhiên, những người mộ mến Đức Gioan Phaolô II không thể ngồi yên. Người viết tiểu sử của ngài, Tiến sĩ George Weigel, cho rằng tập chú của Phúc trình này là McCarrick, không phải Thánh Gioan Phaolô II: Ông ta là tên lừa dối chuyên nghiệp, một tên lừa dối bệnh hoạn, lừa dối hết mọi người, lừa dối luôn cả các phương tiện truyền thông, những người chuyên nghiệp “bới móc”, đến nỗi mãi đến lúc ông ta gần hưu trí, người ta mới bắt đầu biết con người thực của ông ta.

Nhân cơ hội này, Tiến sĩ Weigel đánh đổ thứ huyền thoại “mọi người đều biết” về McCarrick. Và họ đi tìm xem người nào biết mà vẫn thăng thưởng ông ta, điều mà người ta quen gọi là đi tìm “khẩu súng đang bốc khói” (smoking gun). Cứ đọc Phúc trình dày cộm về ông ta, đủ thấy không ai biết chắc chi cả về ông ta và không hề có “khẩu súng đang bốc khói” nào.

Thay vào đó, Phúc trình cung cấp “chi tiết khiến ta tê tái về khuôn khổ của một thất bại có hệ thống về định chế trong việc lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, ở Hoa Kỳ và ở Rôma. Sự thất bại này, tóm lại, là sự thất bại của hệ thống đẳng cấp giáo sĩ mà McCarrick biết rất rõ, chơi một cách không thương tiếc, và chơi một cách thành công trong suốt sự nghiệp tồi bại của ông ta”.

McCarrick đã dựa vào hệ thống ấy để đánh lừa hết mọi người, trong dó, có Đức Gioan Phaolô II. Tiến sĩ Weigel cho rằng “thánh vẫn là người, và thánh, trong tính người, vẫn có thể bị lừa. Nhưng tập chú của cái ác trong vụ bê bối này phải được nhận diện chính xác nơi McCarrick, chứ không phải Đức Gioan Phaolô II”.

Đó cũng là kết luận của Đức Hồng Y Timothy Dolan, người đã khởi đầu diễn trình điều tra chính thức McCarrick đưa đến cuộc điều tra của Bộ Giáo Lý Đức Tin và sau cùng cuộc điều tra của Phủ Quốc Vụ Khanh. Đức Hồng Y Dolan quả quyết rằng tên vô lại duy nhất trong Phúc trình này chỉ là McCarrick.

Khỏi cần nói, Giáo Hội Balan hết lòng bênh vực Đức Gioan Phaolô II. Theo hãng tin CNA ngày 13 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Balan, quả quyết rằng: Thánh Gioan Phaolô II bị lừa dối về McCarrick. Đầu tiên là 3 Giám Mục Hoa Kỳ được hỏi ý kiến đã không cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về ông ta; sau đó là chính ông ta đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng nói rằng mình không hề có sai trái.

Theo hãng tin Zenit, Viện trưởng Đại học Công Giáo Lublin, nơi Đức Gioan Phaolô II từng giảng dậy, cũng vừa lên tiếng bênh vực vị Thánh. Ông cho rằng từ 1993, Đức Gioan Phaolô II từng chỉ thị cho các Giám Mục Hoa Kỳ rằng về các tội ác tình dục, “các trừng phạt theo giáo luật, kể cả sa thải khỏi chức linh mục, là điều cần thiết và được biện minh trọn vẹn”. Ngài không thể dung dưỡng các hành vi lạm dụng tình dục. Nếu có sai lầm chỉ là vì ngài bị McCarrick lừa dối mà thôi. Nên “các luận đề có tính chủ quan do một số giới phát biểu [chống Đức Gioan Phaolô II] không hề được chứng minh bởi sự kiện hay các phát kiến khách quan, như được trình bày trong Phúc trình của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về Theodore McCarrick”.

Có liên hệ đặc biệt với Đức Gioan Phaolô II dĩ nhiên là Đức Hồng Y Dziwisz, thư ký riêng của vị Thánh từ ngày vị Thánh còn ở Ba Lan, cho tới ngày ngài qua đời. Ngài được nhắc đến 45 lần trong Phúc trình và bị coi là người đã thay đổi tầm nhìn của Đức Gioan Phaolô II về McCarrick. Nhưng theo Paulina Guzik, của tạp chí Crux, Đức Hồng Y cho hay ngài có nhận được lá thư tự bào chữa của McCarrick, nhưng “tôi trình bức thư lên, Đức Giáo Hoàng đọc nó và gửi nó cho Phủ Quốc Vụ Khanh”. Ngài nhấn mạnh: ngài không có nhiệm vụ đưa ra quyết định cho Đức Giáo Hoàng: “Tôi chỉ là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng. Điều luôn quan trọng với tôi là tôn trọng năng quyền của các cá nhân và không can thiệp vào chức năng của họ”. Ngài nói thêm người cộng tác chính của Đức Giáo Hoàng trong việc cai trị Giáo Hội “không phải là thư ký riêng, mà là Quốc Vụ Khanh”.

Các nạn nhân bị lạm dụng tình dục phần lớn không hài lòng nhiều lắm đối với Phúc trình. Nhất là những nạn nhân người lớn. Jonah McKeown của CNA báo cáo rằng: sau khi Phúc trình được công bố, một số người trong số họ cho biết họ vẫn còn hoài nghi phúc trình nói hết sự thật về McCarrick và tỏ ra nản lòng khi thấy các tin đồn về tác phong sai trái của McCarrick với người lớn phần lớn xem ra không được điều tra. Jan Ruidl, một nạn nhân, cho rằng có “một mức độ bác bỏ hết sức cao” trong hàng giáo phẩm về McCarrick, nhất là khi nói đến việc lạm dụng người lớn. Harber, một nạn nhân khác, nói rằng sẽ là một hàn gắn cho cô và cho nhiều nạn nhân khác, nếu các Giám Mục và các giáo sĩ khác được nêu tên trong Phúc trình ra mặt và xin lỗi các nạn nhân vì lỗi lầm của họ”.

Theo O’Loughlin của Tạp Chí America, Anne Barrett Doyle, đồng giám đốc của BishopAccountability.org, cho là Đức Phanxicô “sao lãng” hay thậm chí “thối nát” khi không chịu điều tra các tố cáo và tin đồn về McCarrick, nhất là trước khi tái sử dụng ông ta. Doyle cho rằng các vị Giáo Hoàng và Giám Mục “có trách nhiệm phải đọc một cách hợp động các hồ sơ lạm dụng và sửa chữa các hành vi sao lãng hay thối nát của các vị tiền nhiệm”.

Tuy nhiên, theo Inés San Martín của tạp chí Crux, phúc trình bị nhiều nạn nhân chỉ trích, coi như bất cập. Marie Collins, chẳng hạn, vốn là nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục và từng là thành viên của Uỷ Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Các Vị Thành Niên đầu tiên, sau đó, từ chức để phản đối Giáo Triều, cho rằng nhờ Phúc trình, người ta có thể thấy một chút minh bạch hơn, nhưng điều này vô dụng nếu không đi đôi với “trách nhiệm giải trình minh bạch”. Bà cho rằng điều quan trọng không phải ai đã làm gì mà ta đã làm gì để đương đầu với nền văn hóa từng cho phép các Giám Mục giúp kẻ lạm dụng làm bậy.

Thiển nghĩ Phúc trình chỉ có nhiệm vụ báo cáo xem ai đã làm gì và không làm gì trong việc thăng tiến sự nghiệp của McCarrick. Còn về các chế tài đối với những người đã làm gì và đã không làm gì cũng như việc luận tội McCarrick đâu phải là phạm vi của phúc trình. Người ta sợ Collins có cái nhìn định mẫu về cuộc chiến của Tòa Thánh nhằm loại trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Người bị Phúc trình quy cho nhiều thiếu sót trong diễn trình thăng tiến của McCarrick là Tổng Giám Mục Viganò, người được Phúc trình nhắc đến việc đòi Đức Phanxicô từ chức vì vụ McCarrick này. Trong cuộc phỏng vấn của Raymond Arroyo, Tổng Giám Mục Viganò cho rằng Phúc trình nhắc đến ngài 306 lần này mắc lầm lỗi trầm trọng.

Trước nhất, Tổng Giám Mục Viganò không được phỏng vấn trong diễn trình điều tra. Thứ hai, James Grein, nạn nhân duy nhất bị McCarrick xách nhiễu tình dục dám công khai tố cáo ông ta, cũng không xuất hiện trong Phúc trình kể cả chứng từ của anh ta. Không như Phúc trình nói, Viganò tái khẳng định việc ngài trình cho Đức Phanxicô lệnh cấm của Đức Bênêđíctô XVI đối với McCarrick, tiết lộ thêm rằng không phải ngài khởi đầu câu truyện mà chính Đức Phanxicô hỏi ngài trước và cũng chính Đức Phanxicô nghe hững hờ và chuyển sang chuyện khác.

Thực ra, Phúc trình nói không có tài liệu về việc ấy, nghĩa là Tổng Giám Mục Viganò chỉ trình miệng thay vì văn thư. Tổng Giám Mục Viganò nhìn nhận không có tài liệu.

Còn về việc Phúc trình cho rằng ngài đã không điều tra các khiếu nại của Linh Mục 3 năm 2012 như đã được Đức Hồng Y Ouellette của Bộ Giám Mục ra chỉ thị, Tổng Giám Mục Viganò cho rằng điều ấy là điều bịa đặt. Vì ở một chỗ khác trong Phúc trình, rõ ràng có nhắc đến bức thư ngày 13 tháng 6 năm 2013 ngài gửi cho Đức Hồng Y Ouellette, trong đó có kèm lá thư của Đức Cha Bootkoski viết cho ngài và cho Linh mục 3. Ngài cho Đức Hồng Y Ouellette hay: vụ kiện dân sự của Linh mục 3 đã bị bác không quyền kháng cáo. Và Đức Cha Bootkoski, của Giáo phận Metuchen, coi các lời tố cáo của Linh mục 3 là lầm lẫn và có tính vu vạ.

Nhưng đó là thư của Đức Cha Bootkoski, liệu trước đó, ngài có gửi thư để Đức Cha Bootkoski điều tra hay không? Tổng Giám Mục Viganò gián tiếp trả lời không cho câu hỏi này, khi nói rằng “việc ấy tùy ở chỉ thị chính xác của Phủ Quốc Vụ Khanh”. Và ngài giải thích: lúc ấy có xu hướng muốn Tòa Thánh chịu trách nhiệm trực tiếp trước hành vi sai trái của các giáo sĩ Hoa Kỳ, coi họ như “nhân viên” của Tòa Thánh. Nên, khi không có chỉ thị rõ ràng của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ngài không có thư nào như vậy.

Điều rõ ràng là không có văn kiện, không có tài liệu chứng minh, mà đòi Đức Phanxicô phải hành động và khi không hành động theo ý mình thì đòi ngài từ chức, Tổng Giám Mục Viganò quả đã đi quá trớn, hoàn toàn vô lý.

Phản ứng tích cực

Các vị giáo phẩm Hoa Kỳ phần đông ca ngợi Phúc Trình. Theo VaticanNews, nói chung các vị biết ơn vì diễn trình quan trọng và còn tiếp diễn nhằm nhổ tận gốc nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục và các hứa hẹn sẽ xây dựng lại niềm tin của tín hữu. Phần lớn các vị giáo phẩm này, như Đức Hồng Y O’Malley, Đức Hồng Y Dolan, Đức Hồng Y Cupich, nhấn mạnh đến chủ nghĩa giáo sĩ trị như nguyên nhân dẫn đến tai tiếng McCarrick.

Đức Hồng Y O’Malley ca ngợi Đức Phanxicô trong việc theo đuổi đến cùng “một cuộc điều tra toàn diện, minh bạch và thấu đáo” coi trọng vai trò can đảm của các nạn nhân của McCarrick đã chịu xuất đầu lộ diện trong cuộc điều tra này.

Hồng Y tân cử Wilton Gregory cho rằng “Đây là một tài liệu quan trọng, khó khăn và cần thiết; nó đòi một suy niệm đầy tính cầu nguyện, thấu đáo và có suy nghĩ”.

Hồng Y Joseph W. Tobin ca ngợi sự lãnh đạo của Đức Phanxicô trong cố gắng tìm việc chữa lành tập thể cho các nạn nhân của nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục, cho rằng phúc trình là một biện pháp quan trọng và mạnh mẽ tiến tới việc cải thiện trách nhiệm giải trình và tính minh bạch liên quan đến việc lạm dụng tình dục.

Hồng Y Dolan ca ngợi Đức Phanxicô và Tòa Thánh về cung cách xử lý cuộc điều tra McCarrick sau khi tiếp thu cuộc điều tra của tổng giáo phận New York về cùng vấn đề, và đã đeo đuổi đến cùng lời bảo đảm sẽ hoàn tất và công bố một cuộc nghiên cứu trọn vẹn về vụ McCarrick.

Gerard O’Connell, cũng của tờ America, tiết lộ: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép việc công bố tòan bộ Phúc trình vào ngày hôm nay, bất chấp đối kháng nội bộ, vì, theo một nguồn tin Vatican, ngài tin người Công Giáo Hoa Kỳ, vốn ngỡ ngàng và bị tổn thương sâu xa bởi toàn bộ vụ này, có quyền biết sự thật không sửa đổi”.

O’Connell cũng cho rằng các nguồn tin Vatican cho ông hay Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI đã đọc phần của Phúc Trình liên quan đến triều Giáo Hoàng của ngài và đồng ý với những gì viết trong đó”.

Theo Inés San Martín của Crux, Cha Hans Zollner, trong Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Các Vị Thành Niên, cho rằng Phúc trình “là một điển hình tốt cho thấy “tòan bộ các vấn đề che đậy, bác bỏ, không tuân theo và không thành thực nên được xử lý ra sao”. Ngài tin rằng nó sẽ có hậu quả tốt trong diễn trình bổ nhiệm các Giám Mục.

Cha Zollner đề cập một khía cạnh lạ: Phúc trình cho hay chính McCarrick chuyển một số lá thư nặc danh tố cáo ông lạm dụng tình dục cho cơ quan điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) để tìm nguồn của các lá thư, “nhưng không rõ liệu nội dung các thư này có được điều tra hay không”.

Cũng có cả việc tiết lộ một lá thư dài một trang giấy của một viên trung úy gửi cho Công Tố Viên của Quận Middlesex về các lời tố cáo chống McCarrick, nhưng người ta không làm gì cả. Theo cha, đáng lẽ các thẩm quyền dân sự phải điều tra việc ấy mới phải. Cha sợ vấn đề thối nát và đồng lõa trong vụ McCarrick không chỉ giới hạn trong Giáo Hội.

Cha Boniface Ramsey, theo Elise Ann Allen của Crux, cũng hết lời ca ngợi phúc trình. Ngài là người trong suốt 30 năm qua đóng vai “thổi còi”, báo động các hành vi đồi bại của McCarrick. Nên nay “cuối cùng tin rằng đã thấy công lý trong phúc trình dài cho biết chi tiết làm thế nào ông xếp cũ của mình đã có thể leo cao đến thế trong Giáo Hội bất chấp các tin đồn về tác phong tình dục sai trái”.

Cuối thập niên 1980, khi còn phục vụ tại chủng viện Immaculate Conception ở New Jersy, thời McCarrick làm Tổng Giám Mục Newark, Cha Ramsey bắt đầu nghe các chủng sinh kể chuyện được mời qua đêm cùng giường cuối tuần tại nhà nghỉ ở bãi biển với McCarrick. Lời trình sự việc của ngài lên giám đốc chủng viện bị gạt qua một bên. Lời trình sau đó gửi cho một số viên chức Giáo Hội khác cũng cùng chung số phận. Cuối cùng, khi McCarrick sắp sửa được chuyển về Washington năm 2000, Ramsey trình sự việc cho sứ thần Tòa Thánh cả bằng văn thư, và văn thư này tới Vatican, vẫn không có hành động đáp ứng.

Mãi tới khi có vụ tố cáo ấu dâm năm 2018, McCarrick mới công khai bị đưa ra ánh sáng. Ramsey bèn gọi cho New York Times “để nói cho họ nghe không phải chỉ là con nít, mà cả người lớn nữa”. Lúc ấy, Vatican mới chịu tiến hành một cuộc điều tra ngạnh nguồn. Đây là lý do khiến các nạn nhân người lớn của các giáo sĩ ngán ngẩm vì Tòa Thánh không coi trọng các “tin đồn” có liên quan đến họ.

Sau cùng, người đánh giá Phúc trình tích cực nhất có lẽ là John Allen của tạp chí Crux. Ông nhận định rằng với Phúc trình McCarrick, cả nguyên tắc bí mật (secrecy) lẫn nguyên tắc chủ quyền (sovereignty) rất thân thiết với Tòa Thánh, ít nhất từ năm 1870, đã bị phá vỡ. Đó là nét vô tiền khoáng hậu, tạo lịch sử của Phúc trình. Và ông tự hỏi không biết ở Vatican có ai hiểu được độ lớn lao của tiền lệ này không?
Bí mật có nghĩa là không phơi bầy quần áo dơ trước công chúng để tránh tai tiếng, còn chủ quyền có nghĩa là không nợ ai bất cứ giải thích nào về hành động của mình.

Kết quả, theo Allen, người phê phán có thể cho rằng trong khi đổ lỗi cho hai Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, Phúc trình phần lớn che chở Đức Phanxicô khỏi bị chê trách. Các nạn nhân và nhiều người khác có thể cho đây chỉ là chuyện tính sổ mà không có chuyện giải trình, và cho tới lúc một ai đó bị trừng phạt không những vì tội ác mà còn vì che đậy nữa, thì việc làm vẫn chưa xong.

Tuy nhiên, Allen cho rằng Phúc trình phần lớn có tính hết sức trung thực và phát xuất từ một cố gắng chân thực muốn đạt tới sự thật. “Nó chứa một mức độ chi tiết chưa từng thấy. Chúng ta được cung cấp lời tư vấn bí mật nhất mà các vị giáo phẩm cao cấp nhất trong Giáo Hội đưa ra khi quyết định thăng thưởng McCarrick, chúng ta được cung cấp các chi tiết hết sức đau lòng của chứng từ nạn nhân, và chúng ta được cung cấp các ký ức trực tiếp của các viên chức hàng đầu của Giáo Hội trong diễn trình đưa ra các quyết định. Việc tiết lộ với mức độ như thế là điều tuyệt đối mới mẻ”.

Allen viết thêm rằng cơ cấu quyền hành hiện nay ở Tòa Thánh đáng được khen ngợi không những vì cho phép việc trên diễn ra mà còn làm dịu cơn nóng chờ đợi đầy hồi hộp. Vì trong hai năm qua, ai cũng thắc mắc tại sao lại lâu quá thế. Nhưng khi thấy phúc trình thấu đáo và hết sức chi tiết như thế, người ta không còn thắc mắc chi nữa.

Ông hy vọng đây sẽ là tiêu chuẩn cho mọi việc xử lý các tai tiếng trong Giáo Hội. Cụ thể ông nêu ra một vài thí dụ: tai tiếng của Cha Marcial Maciel Degollado, sáng lập ra Đạo Binh Chúa Kitô, Giám Mục Gustavo Zanchetta, và nhất là Hồng Y Angelo Becciu.

Tác giả: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholicnews.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập474
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm470
  • Hôm nay30,184
  • Tháng hiện tại590,513
  • Tổng lượt truy cập67,615,360
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây