Khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục và công bố Tiến sĩ Hội thánh.

Thứ sáu - 05/10/2012 10:10

-

-
Ngày Chúa nhật 07 tháng 10 năm 2012, Đức Thánh Cha sẽ khai mạc Thượng hội đồng Giám mục khóa thường kỳ lần thứ XIII về “Tân phúc-âm-hóa để loan truyền đức tin Kitô-giáo” và công bố tước vị “Tiến sĩ Hội Thánh” hai vị: Thánh Gioan Avila linh mục và Thánh nữ Hildegard thành Bingen.
KHAI MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VÀ CÔNG BỐ TIẾN SĨ HỘI THÁNH
 
Theo lịch cử hành của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cập nhật 19/9/2012 thì chúa nhật 07 tháng 10 năm 2012, Đức Thánh Cha khai mạc Thượng hội đồng Giám mục khóa thường kỳ lần thứ XIII về “Tân phúc-âm-hóa để loan truyền đức tin Kitô-giáo” và công bố tước vị “Tiến sĩ Hội Thánh” hai vị: Thánh Gioan Avila linh mục và Thánh nữ Hildegard thành Bingen.
 
Trước đó, ngày 27.5.2012 lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong bài huấn từ trước kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã ngỏ lời với các khách hành hương: “Chúa Thánh Thần, Đấng "đã nói qua các tiên tri", với các ơn khôn ngoan và hiểu biết tiếp tục linh hứng cho những người nam và nữ là những người cam kết theo đuổi chân lý, cung cấp các phương pháp mới về kiến ​​thức và làm sâu sắc hơn mầu nhiệm của Thiên Chúa, con người và thế giới. Trong bối cảnh này, tôi rất vui mừng thông báo rằng vào ngày 07 tháng 10, tại lễ khai mạc của phiên họp thường kỳ của Thượng hội đồng Giám Mục, tôi sẽ công bố Thánh Gioan Avila và Thánh Hildegard thành Bingen là tiến sĩ Hội Thánh. Hai nhân chứng của đức tin sống trong các thời kỳ lịch sử và nền văn hóa đa dạng. Hildegard là một đan sĩ Biển Đức tại trung tâm của Đức thời trung cổ, giáo viên của nhà học giả thần học và chuyên gia trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và âm nhạc. Thánh Gioan, một linh mục giáo phận trong những năm của thời Phục hưng Tây Ban Nha, tham gia trong công tác đổi mới tôn giáo và văn hóa của Giáo Hội và của cấu trúc xã hội, vào buổi bình minh của thời hiện đại. Nhưng đời sống thánh thiện và chiều sâu của giáo huấn nơi các ngài tạo cho các ngài món quà bất diệt : ân sủng của Chúa Thánh Thần, trên thực tế, hướng họ bước vào sự trải nghiệm việc hiểu biết thấu suốt sự mặc khải thiêng liêng và đối thoại tài trí hơn người với thế giới cấu thành tầm nhận thức của cuộc sống vĩnh cửu và hoạt động của Giáo Hội. Nhất là trong ánh sáng chương trình Tân Phúc âm hóa, đối với điều mà Thượng Hội đồng Giám mục sẽ được cống hiến, và với sự canh thức của Năm Đức Tin, hình ảnh của hai vị thánh và tiến sĩ này thuộc về tầm quan trọng và xứng đáng trứ danh”.
 
Vài nét về hai vị tân Tiến sĩ Hội Thánh:
 
1. THÁNH GIOAN D'AVILA
 
Radiovaticana 20/08/2011 14.13.16 – MADRID. ĐTC Biển Đức 16 tuyên bố sẽ tôn phong thánh Gioan d'Avila làm Tiến Sĩ Hội Thánh.
 
Thánh Gioan d'Avila (1500-1569) sinh năm 1500 tại Almodóvar del Campo gần thành phố Toledo Tây Ban Nha, trong một gia đình Do thái trở lại Công Giáo. Ngài học luật tại Đại học Salamanca trước khi thụ phong LM. Thánh Gioan là một nhà đại giảng thuyết chống lại cuộc cải cách của Tin Lành tại Tây Ban Nha và đã góp phần làm cho nhiều người trở lại, trong đó có thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550), và thánh Phanxicô Borgia (1510-1572). Ngài có liên hệ với thánh Ignatio Loyola vị sáng lập dòng Tên (1491-1556), Thánh nữ Têrêxa d'Avila (1515-1582) và thánh Toma Villanova.
 
Thánh nhân thành lập nhiều chủng viện và đại học, đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm về Kinh Thánh, thần học, tu đức và nhân văn. Đạo lý của ngài chứa đựng kinh nghiệm sâu xa về Chúa Kitô Cứu Thế, Chúa tỏ cho thánh nhân thấy thực tại tội lỗi của con người cần được cứu chuộc nhờ ơn thánh và lời giảng thuyết. Đạo lý của thánh Gioan d'Avila về Thánh Mẫu học hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Công đồng chung Vatican II và của các vị Giáo Hoàng gần đây. Trong các tác phẩm của thánh nhân, Mẹ Maria được chiêm ngắm dưới khía cạnh Kitô học, Thánh Linh học và Giáo Hội học, như mẫu gương và là Mẹ Giáo Hội.
 
Thánh Gioan d'Avila qua đời năm 1569 thọ 69 tuổi, được Đức Clêmentê XIII công bố là Đấng đáng kính ngày 07.02.1759, rồi Đức Lêô XIII phong chân phước ngày 04.4.1894 và được Đức Phaolô VI tuyên phong hiển thánh ngày 31.5.1970. Lễ kính vào ngày 10-5 hàng năm. Ngài cũng được tôn làm bổn mạng hàng giáo sĩ triều Tây Ban Nha, và của các vị tuyên úy quân đội.
 
Loan báo
 
Lên tiếng vào cuối thánh lễ sáng ngày 20-8-2011 với 6 ngàn chủng sinh quốc tế tại Nhà thờ chính tòa Almudena ở Madrid, trước sự hiện diện của hài cốt thánh Gioan d'Avila đã được đưa tới nhà thờ chính tòa nhân dịp này, ĐTC Biển Đức 16 nói:
 
“Anh em thân mến,
 
“Trong nhà thờ chính tòa Thánh Maria Hoàng Gia Almudena này, tôi rất vui mừng loan báo cho Dân Chúa rằng, chấp nhận lời thỉnh cầu của ĐHY Antonio Maria Rouco Varela, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, và các vị khác trong hàng Giám Mục Tây Ban Nha, cũng như một số đông các vị Tổng giám mục và Giám mục trên thế giới, và nhiều tín hữu, tôi sẽ tôn phong thánh Gioan d'Avila linh mục là Tiến Sĩ Hội Thánh.
 
“Khi công bố tin này tại đây, tôi mong ước rằng lời nói và mẫu gương của vị Mục tử trổi vượt này sẽ soi sáng các linh mục và những người đang vui mừng và hy vọng chuẩn bị lãnh nhận bí tích truyền chức thánh một ngày kia”.
 
“Tôi mời gọi tất cả anh chị em hãy hướng nhìn về thánh nhân và tôi phó thác cho lời chuyển cầu của Ngài : các Giám mục Tây Ban Nha và toàn thế giới, cũng như các linh mục và chủng sinh, để nhờ kiên trì trong cùng một niềm tin mà thánh nhân là bậc thầy, họ uốn nắm con tim của mình theo những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành: chúc tụng vinh quang Chúa đến muôn thưở muôn đời. Amen”.
 
Toàn thể mọi người trong và ngoài thánh đường đã vỗ tay rất lâu chào mừng quyết định của ĐTC. ĐHY Rouco Varela cảm động nhân danh toàn thể hàng Giám mục Tây Ban Nha cám ơn ĐTC.

Hồi đầu tháng 5 năm nay, hãng tin Công Giáo quốc tế I. Media cho biết 30 HY, GM thành viên Bộ Phong thánh, đã nhóm họp hôm 3-5-2011 để bàn về dự án tôn phong thánh Gioan d'Avila làm tiến sĩ Hội Thánh.
 
Thánh Gioan Thành Avila
 
Radiovaticana 2012-09-27 09:46:01 – Chúa Nhật 7 tháng 10 tới đây, trong khuôn khổ khai mạc Thượng HĐGM thế giới khóa thường kỳ thứ 13, ĐTC sẽ tôn phong hai vị thánh tiến sĩ mới của Giáo Hội: đó là thánh Gioan Avila người Tây ban nha, và thánh nữ Ildegarda di Bingen, người Đức.
 
Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị vài nét nổi bật trong cuộc sống và linh đạo của thánh Gioan Avila. Ngài sẽ là vị Tiến sĩ thứ 34 của Giáo hội. ĐTC Biển Đức XVI bày tỏ hy vọng rằng “lời nói và gương sáng của vị mục tử xuất sắc này sẽ soi sáng cho tất cả các linh mục, và cho những người mong đến ngày truyền chức linh mục của họ”.
 
Thánh Gioan thành Avila sinh ra ở Campo, Ciudad Real, năm 1500, trong một gia đình khá giả, và Ngài được giáo dục trong đức tin Kitô giáo. Sau khi hoàn tất chương trình luật tại đại học Salamanca trong vòng 4 năm, ngài dự tính sẽ sống một cuộc đời ẩn dật. Tuy nhiên, nghe theo khuyên của một Tu sĩ Dòng Phanxicô, chàng thanh niên này tiếp tục đăng ký vào trường đại học Alcala để học triết học và thần học. Một trong những giáo sư của ngài là thần học gia nổi tiếng Dòng Đa Minh, Domingo de Soto. Trong thời gian học, thân phụ và thân mẫu của ngài đã được Chúa gọi về, và cả hai được mai táng trong một giáo xứ trong địa phương, nơi sau này ngài đã dâng thánh lễ mở tay vào năm 1526. Trong thánh lễ này, thánh nhân đã bán tất cả tài sản của gia đình và phân phát cho người nghèo.
 
Sau khi chịu chức linh mục, ngài đi đến Seville để chuẩn bị đi truyền giáo ở Châu Mỹ. Trong lúc chờ khởi hành, vị tân linh mục này dấn thân vào việc dạy giáo lý và rao giảng. Quá ấn tượng về ngài, Cha Fernando Contreras đã thúc giục vị tổng giám mục Sevil-le giữ Gioan lại Tây Ban Nha. Vâng phục đấng bản quyền, Gioan Avila đã bắt đầu dấn thân vào sứ mạng ở miền Nam Tây Ban Nha.
 
Thành công đến dường như ngay lập tức, nhiều người đã đến và nghe ngài giảng. Nhưng không may, chính sự thành công này dẫn đến những mối ghen tương và hiểu lầm, và Gioan Avila đã bị kết án lạc giáo vào năm 1531. Ngài đã bị tuyên án bởi toà án Truy tà và phải ở tù một năm. Có thể đối với nhiều người đó là một tai hoạ, còn đối với thánh nhân thì đó là một ân phúc của Thiên Chúa. Ngài nói rằng chính thời gian ở trong tù, ngài đã học được nhiều hơn tất cả những gì mà ngài đã học được trước đây. Trong tù, ngài đã viết tác phẩm Audi, filia, một tác phẩm giúp hướng dẫn về đời sống thiêng liêng, Tác phẩm này được viết cho một người phụ nữ trẻ tuổi đang sống đời thánh hiến dưới sự hướng dẫn của ngài. Cũng chính trong tù, Gioan đã nghiên cứu về thư Phaolo và sau này, một linh mục thánh thiện đã nghe ngài giảng đã thốt lên: “Tôi đã nghe Phaolô giải thích về Phaolô.” Sau khi được thả và được minh oan, ngài dấn thân vào sứ mạng rao giảng ở Cordoba vào năm 1535. Ngài là người đã ảnh hưởng nhiều đến các vị thánh như Gioan Thiên Chúa, Phanxico Borgia… Ngài thường được gọi là “thầy dạy”, một tước hiệu mang ý nghĩa học thuật, nhưng với Gioan Avila, khi sử dụng tước hiệu này, người ta thường nhấn mạnh đến chiều kích ơn gọi linh mục, nghĩa là thầy dạy, người dẫn dắt và hướng dẫn các linh hồn.
 
Gioan Avila mất vào ngày 10 tháng 5 năm 1569, hợp với mong ước của ngài, thánh nhân đã được chôn cất trong nhà thờ Dòng tên tại Montilla. Ngài được phong chân phước vào ngày 15-9-1894 và được tôn phong làm bổn mạng các linh mục giáo phận tại Tây Ban Nha vào ngày 2-7-1946 và được ĐTC Phaolo VI phong thánh vào 31-5-1970.
 
Là một linh mục giáo phận, nhưng Gioan Avila lại có một đời sống thánh thiện trổi vượt, mang âm hưởng của một vị ẩn sĩ. Đối với thánh nhân, cầu nguyện là chiều kích quan trọng nhất trong đời sống của mình. Cầu nguyện là một sự đáp trả chính yếu của niềm tin. Chúng ta nhận ra điều này qua nhiều lá thư ngài viết. Khi nhận được những lá thư liên quan đến những vấn đề về thiêng liêng, ngài không vội trả lời ngay không phải vì quá bận rộn hay vì một sự bất cẩn nào đó, đúng hơn ngài cần thời gian để cầu nguyện. Chỉ sau khi đã cầu nguyện và suy xét cẩn thận, ngài mới viết thư trả lời và thường kèm theo đó là một lời xin lỗi vì sự chậm trễ của mình. Đời sống cầu nguyện của ngài không tách khỏi đời sống thường ngày, cầu nguyện luôn dẫn đến hành động và biến đổi.
 
Là một linh mục giáo phận nhưng thánh nhân lại hết sức yêu mến và sống triệt để tinh thần của 3 lời khuyên phúc âm. Chính sự ôm ấp và yêu mến đời sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục cho phép thánh nhân giúp đỡ và có mối tương giao với nhiều tu sĩ. Chính vì việc trở nên giống Đức ki-tô đã giúp trổ sinh hoa trái nơi những người mà ngài phục vụ. Đời sống của ngài không gì khác là một sự phản ánh tình yêu thương và khao khát dành cho Đức ki-tô bị đóng đinh. Ngài ôm ấp các lời khuyên phúc âm trong một thời đại mà hầu hết các linh mục giáo phận đang làm điều ngược lại.

Thật vậy, theo truyền thống ở TBN, trong thời đại của ngài, một vị tân linh mục sẽ mở một bữa tiệc, mời bạn bè và những người thân của mình đến tham dự. Thay vì làm theo truyền thống, Gioan đã đi ra các đường phố, chọn lấy 12 người nghèo, rửa chân cho họ và xem họ như những vị khách quý. Tình yêu của ngài đối với đời sống nghèo cũng được thể hiện trong đời sống thường ngày. Ngài thường từ chối ở lại các khách sạn hay những nơi ở sang trọng. Thánh nhân nhận thấy nghèo khó là một điều rất cần thiết đối với đời sống linh mục. Đức khiết tịnh được ngài gìn giữ một cách chắc chắn ngang qua tình yêu mạnh mẽ dành cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, thánh nhân cũng không bao giờ thiếu đi sự thận trọng cần thiết. Ngài chưa bao giờ gặp gỡ một phụ nữ ở một nơi riêng tư. Đời sống của ngài cũng được ghi dấu mạnh mẽ về sự vâng phục. Ngài đã vâng phục vị linh mục dòng Phanxico để trở nên một người phục vụ Chúa thay vì trở nên một ẩn sĩ như ước muốn ban đầu. Sau khi chịu chức, dù khao khát truyền giáo, nhưng ngài dã vâng phục giám mục để ở lại TBN, nơi có nhiều điều để làm. Thái độ đáp trả không một chút đắn đo thể hiện một sự quy phục mạnh mẽ mà Ngài dành cho Thiên Chúa, một sự tin tưởng tuyệt đối với Chúa Quan Phòng. Như vậy, chính việc giữ đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục mà đời sống của Gioan Avila được gắn chặt với thập giá của Chúa Kitô. Chính sự thánh hiến liên lỉ này đã gìn giữ đức tin của ngài và làm cho nó trổ sinh hoa trái.
 
Thánh Gioan Avila cũng được nhắc đến như là một người có những đóng góp quan trọng trong việc đổi mới đời sống của các linh mục. Thánh nhân đã liên kết chức vụ tư tế với bí tích Thánh Thể và xem sự thánh thiện như là một phẩm chất trỗi vượt của một vị linh muc, người đóng vai trò là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Ngang qua chức vụ tư tế, “bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, Chúa chúng ta.” Ngài khẳng định rằng không có một sức mạnh nào trên thế gian có thể mạnh hơn sức mạnh của các linh mục, vì “họ có sức mạnh của chính Thiên Chúa”. Vì các linh mục phải là người có phẩm giá trổi vượt như là vị trung gian giữa Thiên Chúa và con người nên ngài phải trở nên thánh thiện. Đức Ki-tô là trung gian duy nhất và là Vị Thượng Tế Tối Cao, nhưng các linh mục cũng được chia sẻ chức vụ này trong Đức Ki-tô và trên bàn thờ, Linh mục là đại diện của Đức Ki-tô khi ngài dâng chính mình lên Chúa Cha. Vì thế, linh mục phải là người kết hợp thân mật với Thiên Chúa và phải trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Ngoài ra, chức vụ tư tế cũng là món quà Thiên Chúa trao ban cho Giáo Hội, và không ai có thể lãnh chức vụ này ngoại trừ những người được Thiên Chúa kêu gọi, được Giáo hội phê chuẩn ngang qua vị Giám mục bản quyền.
 
Thánh Gioan Avila cũng là một người có lòng nhiệt thành và có những đóng góp lớn lao trong việc cải cách Giáo hội. Ngài cho rằng để có thể cải cách Giáo hội, mỗi người phải hoán cải đời sống của mình. Mỗi người trong chức vụ của mình phải hoán cải đời sống không ngừng. Các Giám mục nên đưa những đề tài thảo luận vào đời sống thực tiễn. Thánh nhân mời gọi các Giám mục xem xét đời sống của chính mình và những thái độ nền tảng của họ khi thực thi nhiệm vụ và thái độ mà họ có đối với các linh mục. Họ phải đảm bảo rằng thái độ của họ phải xứng hợp với thái độ của Đức Ki-tô, Đấng mà họ là đại diện. Để có thể thực thi điều đó, các Giám mục phải đồng hành với các linh mục và lấy tình yêu phụ tử mà đối xử với các ngài. Ngài mời gọi các giám mục hãy trở thành những người tôi tớ trong khi đối xử với các linh mục, chứ không như những ông chủ với những người tôi tớ. Nếu các GM khởi đi từ thái độ này, con đường phía trước sẽ trở nên sáng lạng và đó chính là con đường của Đức Ki-tô, Đấng là lớn nhất nhưng đã tự ý trở nên rốt hết.
 
Để thực hiện một sự đổi mới nới hàng giáo phẩm, thánh Gioan Avila cho rằng các giám mục cần thực thi hai điều: thứ nhất, không chấp nhận những người không phù hợp vào ơn gọi linh mục và thứ hai, phải đổi mới chương trình huấn luyện quá nghèo nàn dành cho các ứng viên linh mục.

Thật vậy, nguyên nhân chính làm hủy hoại hàng giáo phẩm chính là việc một số người ước muốn chọn lựa ơn gọi này vì những tham vọng hết sức trần thế. Do đó, trước hết, thánh nhân đề nghị các linh mục phải cẩn trọng trong việc tuyển lựa các ứng viên. Thánh nhân nhấn mạnh rằng các ứng viên không phù hợp không thể được nhận dưới bất kỳ điều kiện nào.
 
Phẩm chất qua trọng nhất của ứng sinh phải là khả năng trí thức và thiêng liêng. Thánh nhân nói rằng các ứng sinh phải có khả năng để đạt được những kết quả tốt nhất trong việc học, nhưng điều đó cũng không bỏ qua khía cạnh đồng hành cá nhân, nghĩa là tùy theo khả năng của từng người mà giúp họ dấn thân trọn vẹn vào việc đào luyện tri thức. Khả năng tri thức rất quan trọng nhưng khả năng về thiêng liêng còn quan trọng hơn. Kế đến, thánh nhân đề nghị các giám mục cần phải thiết lập các chương trình huấn luyện và giáo dục chặt chẽ. Chương tình huấn luyện dành cho các linh mục theo khuôn mẫu của ngài đã ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định của Công đồng Trento về đào tạo các linh mục. Chương trình này có ba thành tố chính: Đời sống cộng đoàn, huấn luyện sâu xa thần học và các giáo thuyết, và việc học chuyên môn. Nhiều điểm mà Gioan Avila đã đề nghị trong công đồng Trentô và những bài viết khác của ngài về chức vụ tư tế đã trở nên một phần quan trọng trong đời sống của Giáo hội. Chúng ta mang ơn ngài vì những những đóng góp của ngài cho Công Đồng Trentô, nhưng rõ ràng những tiếng nói của ngài vẫn còn âm vang trong Giáo Hội khi Giáo Hội đang thực hiện một tiến trình đổi mới trong chức vụ tư tế hậu công đồng Vaticano II.
 
Nhiều người nghĩ rằng việc đọc về hạnh các thánh giống như đọc những câu chuyện cổ tích hay thần thoại vì nó không thể áp dụng vào đời sống thực tiễn. Với họ, những điều mà các vị thánh làm quá phi thường và vượt sức con người. Chỉ có những người được đặc ân mới có thể sống như vậy. Nếu nghĩ như vậy thì sẽ không đúng với trường hợp của thánh Gioan Avila. Thánh Gioan Avila không được phong Tiến Sĩ Hội Thánh vì những việc thực hành đạo đức của ngài như việc đánh tội, ăn chay lâu ngày… Ngài chỉ là một linh mục, sống và thi hành sứ mạng của mình với một tình yêu lớn lao dành cho Đức Ki-tô và cho con người. Đời sống của ngài được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện và tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Chính tình yêu này đã làm sống động toàn bộ đời sống của Ngài: cầu nguyện, giảng dạy, hướng dẫn thiêng liêng, và sống những gì mình giảng dạy. Chính tình yêu dành cho Đức Ki-tô và con người đã thúc đẩy ngài dấn thân vào sứ mạng cải cách hàng giáo sĩ. Chân phước Gioan Phaolo II đã nói về thánh nhân rằng: “Thánh Gioan Avila đã làm việc một cách can đảm để các linh mục có thể đáp lại với những dự án đổi mới đầy tham vọng của thời đại với một đời sống nội tâm sâu xa, một nền tảng huấn luyện trí thức vững chắc và một sự trung tín không bao giờ cạn đối với Giáo hội và một khao khát liên lỉ mang Đức Ki-tô đến cho người khác. Trong thời đại mà giáo hội đang bị suy sụp bởi Phong trào cải cách thì Gioan Avila đã dấn thân phục vụ Giáo hội không biết mệt mỏi”.
 
Augustine Nguyễn Minh Triệu S.J
 

Tài liệu:
 
1. La Figura Del Maestro San Giovanni D'avila
2. The Eminent Doctrine of St. John of Avila: A Most Dynamic Priesthood
3. Saint John of Avila and the Reform of the Priesthood

2. Thánh nữ Hildegard thành Bingen
 
Trong bài huấn dụ thứ tư ngày 01/9/2010, Đức Thánh Cha đã giới thiệu một gương mặt nữ giới có ảnh hưởng lớn trên lịch sử Giáo Hội: đó là thánh nữ Hildegard thành Bingen, người Đức, sống vào thời Trung Cổ.
 
Ngài mở đầu bài huấn dụ như sau:
 
Anh chị em thân mến, năm 1988 nhân dịp Năm Thánh Mẫu, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II đã viết một Tông thư tựa đề “Mulieris dignitatem” Phẩm giá nữ giới nói về vai trò qúy báu mà phụ nữ đã và tiếp tục nắm giữ trong đời sống Giáo Hội. Chúng ta đọc thấy rằng “Giáo Hội cám ơn tất cả mọi biểu lộ của thiên tài nữ giới xuất hiện dọc dài lịch sử, giữa mọi dân tộc và mọi quốc gia; Giáo Hội cám ơn vì tất cả mọi đặc sủng mà Chúa Thánh Thần rộng ban cho các phụ nữ trong lịch sử dân Chúa, vì tất cả các chiến thắng mà Giáo Hội có nhờ đức tin, đức cậy đức mến của họ; Giáo Hội cám ơn về tất cả mọi hoa trái sự thánh thiện của nữ giới” (31).
 
Cả trong các thế kỷ mà chúng ta thường gọi là thời Trung Cổ, cũng có các gương mặt nữ giới khác nhau, nổi bật vì cuộc sống thánh thiện và giáo huấn phong phú của họ. Hôm nay tôi muốn bắt đầu giới thiệu với anh chị em một trong các gương mặt ấy: đó là thánh nữ Hildegard thành Bingen, sống bên Đức vào thế kỷ XII.
 
Rồi Đức Thánh Cha tóm tắt tiểu sử thánh Hildegard như sau: Thánh nữ sinh năm 1098 tại Bermersheim gần Alzey vùng sông Rhein, và qua đời ngày 17.9 năm 1179 lúc 81 tuổi, mặc dù có sức khỏe thường xuyên mong manh. Hildegard thuộc một gia đình thượng lưu đông con, và ngay từ khi mới chào đời đã được cha mẹ dâng cho Thiên Chúa. Vì muốn cho con có được nền giáo dục nhân bản và kitô thích đáng, năm Hildegard lên 8 tuổi cha mẹ giao chị cho cô giáo Giuditta thành Spanheim chăm nom dậy dỗ. Cô giáo này đã rút lui vào dòng kín Biển Đức thánh Disibodo; và một tu viện nhỏ được thành lập, trong đó các nữ tu sống theo quy luật dòng thánh Biển Đức. Hildegard đã nhận lúp từ tay Đức Cha Othon thành Bamberg; và khi viện mẫu Giuditta qua đời năm 1136, chị được các chị em bầu làm Bề trên cộng đoàn. Hildegard đã chu toàn nhiệm vụ và khai triển các ơn của một phụ nữ thông thái, có cuộc sống thiêng liêng cao độ và có khả năng chuyên môn đương đầu với các khía cạnh tổ chức cuộc sống dòng kín. Vài năm sau vì số nữ tu gia tăng chị Hildegard thành lập một cộng đoàn khác tại Bingen, dâng kính thánh Ruperto và đã sống các năm cuối đời tại đây. Cách thế chị thi hành sứ vụ quyền bính nêu gương cho mọi cộng đoàn tu sĩ: Nó khơi dậy một sự ganh đua thánh thiện trong việc thực thi sự thiện, đến độ theo chứng tá của nhiều người đương thời, mẹ và các con gái thi đua nhau trong việc qúy trọng và phục vụ nhau.
 
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Ngay từ khi còn làm Bề trên tu viện thánh Disibod, thánh nữ Hildegard đã bắt đầu đọc cho cha linh hướng, là dan sĩ Volmar, và nữ tu thư ký là chị Richardis thành Strade, ghi chép các thị kiến mà chị đã có từ lâu trước đó. Như vẫn thường xảy ra trong cuộc đời của các nhà thần bí đích thực, cả chị Hildegard cũng muốn tuân phục quyền bính của các người khôn ngoan để phân định nguồn gốc các thị kiến ấy, vì sợ rằng chúng là hậu quả của các ảo tưởng và không bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì thế, chị thổ lộ với người có uy tín nhất trong Giáo Hội thời bấy giờ là thánh Bênađô thành Clairveaux. Thánh nhân trấn an và khích lệ chị. Nhưng năm 1147 chị đã nhận được một sự phê chuẩn rất quan trọng khác nữa. Đức Giáo Hoàng Eugenio III, khi đó đang chủ tọa một Công nghị tại Trève, đã đọc được một văn bản của thánh nữ Hildegard, do Đức Cha Enrico Tổng Giám Mục Mainz, đệ trình lên. Đức Giáo Hoàng cho phép chị viết các thị kiến và công khai nói trước công chúng. Kể từ đó uy tín tinh thần của chị Hildegard ngày càng gia tăng, đến độ người đương thời gọi chị với tước hiệu là “nữ ngôn sứ Đức – prophétesse teutonique”. Đó là dấu ấn của một kinh nghiệm đích thực của Chúa Thánh Thần, suối nguồn mọi đặc sủng: người nhận được các ơn siêu nhiên không bao giờ khoe khoang, không phơi bầy chúng ra ngoài, và nhất là tỏ ra hoàn toàn vâng phục quyền bính giáo hội. Thật thế, mọi ơn Chúa Thánh Thần ban đều được chỉ định xây dựng Giáo Hội; và qua các Mục Tử của mình Giáo Hội thừa nhận tính cách đích thực của các đặc sủng đó.
 
Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thứ tư tới tôi sẽ còn đề cập tới gương mặt của người phụ nữ “ngôn sứ” lớn lao này, là người rất thời sự và nói với cả chúng ta ngày nay nữa. Thánh nữ can đảm lên tiếng phân định các dấu chỉ thời đại với tình yêu thương chị dành cho thụ tạo, với y khoa, thơ văn và nhạc của chị, ngày nay được dựng lại, cũng như với tình yêu thương đối với Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài. Thời đó, Giáo Hội cũng đau khổ bị thương tích vì tội lỗi của các linh mục và tín hữu giáo dân, và Giáo Hội lại càng được yêu thương như thân mình của Chúa Kitô hơn.
 
Trong bài huấn dụ (08/9/2010) Đức Thánh Cha đã giới thiệu thêm về gương mặt thánh nữ Hildegard thành Bingen, một phụ nữ nổi tiếng khôn ngoan và thánh thiện thời Trung Cổ. Một cách đặc biệt thánh nữ Hildegard đã là một người được Thiên Chúa cho có các thị kiến thần bí, giống các thị kiến của các ngôn sứ trong Kinh Thánh Cựu ước. Qua các phạm trù văn hóa và tôn giáo thời đó thánh nữ giải thích Kinh Thánh dưới ánh sáng của Thiên Chúa, và áp dụng vào các trạng huống khác nhau của cuộc sống. Nhờ vậy, những người nghe thánh nhân cảm thấy được khích lệ sống cuộc đời kitô trung thực và dấn thân. Trong một bức thư viết cho thánh Benađô thánh nữ thú nhận rằng: “Thị kiến cuốn chặt lấy toàn con người tôi: tôi không trông thấy với con mắt của thân xác, nhưng các mầu nhiệm xuất hiện trong trí khôn... Tôi hiểu biết ý nghĩa sâu xa của những điều được trình bầy trong các Thánh Vịnh, các Phúc Âm và các sách khác, được chỉ cho tôi thấy trong thị kiến. Nó đốt cháy như một ngọn lửa trong lồng ngực và trong linh hồn tôi, và dậy tôi hiểu văn bản một cách sâu xa” (Epistolarium pars prima I-XC: CCCM 91).
 
Các thị kiến của thánh nữ Hildegard rất giầu nội dung thần học, liên quan tới các biến cố chính của lịch sử cứu độ, có thứ ngôn ngữ thơ phú và biểu tượng. Chẳng hạn như trong tác phẩm nổi tiếng nhất của chị là “Scivias – Hãy hiểu biết các con đường”, chị tóm tắt trong 35 thị kiến toàn lịch sử cứu độ từ việc tạo dựng cho tới ngày tận thế. Với các nét đặc thù nơi sự nhạy cảm của nữ giới, trong phần chính của tác phẩm, thánh nữ Hildegard khai triển đề tài hôn nhân nhiệm mầu giữa Thiên Chúa và nhân loại, được hiện thực trong việc Nhập Thể. Trên cây Thánh Giá thành toàn hôn lễ giữa Con Thiên Chúa với Giáo Hội, hiền thê của Người, được tràn đầy ơn thánh và có khả năng trao an cho Thiên Chúa các người con mới trong tình yêu cảu Chúa Thánh Thần (Visio tertia PL 197,453c).

Chỉ vài yếu tố đó cho chúng ta thấy nền thần học có thể nhận được một đóng góp đặc thù của nữ giới, bởi vì họ có khả năng nói về Thiên Chúa và các mầu nhiệm của đức tin với sự thông minh và nhậy cảm của nữ giới. Vì thế, tôi khích lệ tất cả những người phục vụ trong lãnh vực này chu toàn điều ấy với tinh thần giáo hội sâu xa, dưỡng nuôi suy tư bằng lời cấu nguyện, và nhìn vào sự phong phú một phần vẫn chua được khám phá của truyền thống thần bí thời Trung Cổ, nhất là nơi các mẫu gương sáng ngời như thánh nữ Hildegard thành Bingen.
 
Thánh Hildegard (1098 – 17/9/1179) còn là tác giả của nhiều sáng tác khác nữa: đặc biệt quan trọng còn có “Sách các công nghiệp của cuộc sống (Liber vitae meritorum), và “Sách các công trình của Thiên Chúa” (Liber divinorum operum, De operatione Dei). Cuốn đầu miêu tả thị kiến Thiên Chúa làm cho vũ trụ được sống động với sức mạnh và ánh sáng của Ngài. Thánh nữ nhấn mạnh tương quan sâu xa giữa con người và Thiên Chúa, và nhắc cho chúng ta biết rằng toàn thụ tạo trong đó con người là tuyệt đỉnh, nhận được sự sống từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Cuốn sách nói về tương quan giữa các nhân đức và các thói xấu, vì vậy, con người phải hằng ngày đương đầu với thách đố của các thói xấu lôi kéo nó xa rời con đường dẫn đến Thiên Chúa và các nhân đức giúp nó tới gần Thiên Chúa. Và thánh nhân mời gọi con người tránh xa sự dữ để làm vinh danh Thiên Chúa và để sau một cuộc sống đạo hạnh, được bước vào trong cuộc sống “tất cả là niềm vui”. Cuốn sách thứ hai miêu tả thụ tạo trong tương quan với Thiên Chúa và tập trung nơi con người, biểu lộ khuynh hướng lấy chúa Kitô làm trung tâm điểm và có mùi vị kinh thánh giáo phụ. Nó trình bày 5 thị kiến lấy hứng từ phần dẫn nhập Phúc Âm thánh Gioan, và ghi lại lời Chúa Con nói với Chúa Cha: “Toàn công trình Cha đã muốn và đã giao cho Con, Con đã hoàn tất và này đây, Con ở trong Cha và Cha ở trong Con, và chúng ta là một” (Pars III, Visio X; PL 197, 1025a).
 
Trong các bút tích khác thánh Hildegard cho thấy sức sinh động của các đan viện nữ thời Trung Cổ, trái với thành kiến của nhiều người. Thánh Hildegard nghiên cứu y khoa và khoa học thiên nhiên cũng như âm nhạc và phát triển tài năng nghệ thuật. Người sáng tác các thánh thi, các đoản ca, và thánh ca được thu thập lại với tựa đề Symphonia Harmoniae Caelestium Revelationum (Symphonie de l'harmonie des révélations célestes) và còn lưu truyền cho tới ngày nay. Theo ngài, toàn thể công trình tạo dựng là bản giao hưởng (symphonie) của Chúa Thánh Thần, Đấng ban niềm vui và hân hoan.

Đức Thánh Cha nói về sự kiện thánh nữ nổi tiếng và có ảnh hưởng tốt với người thời đó như sau:
 
Các cộng đoàn đan tu nam nữ, các Giám mục và Viện phụ hướng tới thánh nữ để tham khảo ý kiến. Nhiều câu trả cũng lời vẫn còn có giá trị đối với cả chúng ta ngày nay nữa. Chẳng hạn thánh Hildegard viết trả lời một cộng đoàn dòng nữ như sau: “Đời sống thiêng liêng phải được trau đồi với nhiều tân tụy. Ban đầu sự mệt nhọc đắng cay lắm. Bởi vì nó đòi hỏi từ bỏ tính hay thay đổi, thú vui xác thịt, và các điều khác giống như vậy. Nhưng nếu để cho sự thánh thiện hấp dẫn, thì một linh hồn thánh thiện sẽ tìm thấy việc khinh rẻ thế gian là êm dịu và dễ mến. Chỉ cần chú ý một cách thông minh để linh hồn đừng tàn phai” (E. Gronau, Hildegard. Vita di una donna profetica alle origini dell'età moderna, Milano 1996, tr.402). Khi hoàng đế Federico Barbarossa gây ra một cuộc ly giáo, bằng cách dùng ba ngụy giáo hoàng để đối đầu với Đức Giáo Hoàng hợp pháp là Alessandro III, thánh nữ Hildegard được các thị kiến linh hứng đã không ngần ngại nhắc cho hoàng đế biết ông sẽ bị Thiên Chúa phán xử. Với sự táo bạo của mọi ngôn sứ thánh nữ viết thư cho hoàng đế với các lời lẽ đến từ Thiên Chúa: “Khốn thay, Khốn thay cho cung cách hành xử của những kẻ gian ác khinh rẻ Ta! Hỡi nhà vua, hẵy lắng nghe, nếu muốn sống. Nếu không, thì gươm của Ta sẽ đâm thâu ngươi” (Ibid, tr. 412).
 
Mặc dù sức khỏe yếu kém và đều kiện đi lại khó khăn thời đó, trong những năm cuối đời thánh nữ Hildegard vẫn đi đây đó để nói với dân chúng về Thiên Chúa. Mọi người sẵn sàng vui lòng lắng nghe lời thánh nữ, cả khi thánh nữ có giọng điệu cứng rắn, họ vẫn coi người như là nữ sứ giả của Thiên Chúa. Người kêu gọi các cộng đoàn đan tu và giáo sĩ sống phù hợp với ơn gọi của mình. Đặc biệt thánh nữ đã chống lại phong trào catari tại Đức, là phong trào của những người tự coi mình là “trong sạch”, nên chủ trương một cuộc canh tân Giáo Hội một cách triệt để, nhất là để đánh đổ các lạm dụng của hàng giáo sĩ. Thánh nữ quở trách họ nặng nề là đã muốn lật đổ chính bản chất của Giáo Hội. Và người nhắc cho họ biết rằng việc canh tân Giáo Hội đích thật không có được bằng cách thay đổi các cơ cấu cho bằng có tinh thần sám hối chân thành và hoán cải cụ thể. Đó là sứ điệp mà chúng ta không bao giờ được quên. Chúng ta hãy khẩn nài Chúa Thánh Thần để Ngài khơi dậy trong Giáo hội các phụ nữ thánh thiện và can đảm như thánh nữ Hildegard thành Bingen, biết đánh giá cao các ơn Thiên Chúa ban và góp phần đặc thù quý báu cho sự lớn mạnh thiêng liêng của các cộng đoàn và của Giáo hội thời đại chúng ta.
 
Hiện nay (9/2012) có 33 thánh Tiến Sĩ Hội Thánh, trong số này có 3 thánh nữ là Thánh nữ Catarina thành Siena, Thánh Têrêsa d'Avila (1970), và Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được tôn phong ngày 19-10-1997. Ngày 07/10/2012 có thêm hai Thánh Tiến sĩ mới là linh mục Gioan Avila và nữ tu Hildegard thành Bingen.
 
Trong Giáo hội Công giáo Rôma và Chính Thống giáo Đông phương, một Tiến sĩ Hội thánh (tiếng Latinh từ chữ docere, giảng dạy) là một vị thánh mà các bài viết được toàn thể Giáo hội công nhận là có ảnh hưởng và lợi ích lớn, cũng như "sự hiểu biết nổi bật" và "sự thánh thiện rộng lớn" đã được tuyên bố bởi Đức Giáo hoàng hoặc bởi một công đồng đại kết. Vinh dự này ít được trao ban, chỉ người ấy đã chết và đã được phong thánh. Chưa có một Công Đồng đại kết nào sử dụng đặc quyền để tuyên bố tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô, thánh Giêrônimô và thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả là những vị được phong Tiến sĩ Hội thánh tiên khởi vào năm 1298. Các ngài được biết đến như các Đại Tiến sĩ Hội thánh của Giáo hội Tây phương. Bốn Đại Tiến sĩ Hội thánh của Giáo hội Đông phương – thánh Gioan Kim khẩu, thánh Basiliô Cả, thánh Grêgôriô thành Nazien và thánh Athanasiô – được tuyên bố tước hiệu vào năm 1568 bởi Thánh Giáo hoàng Piô V.

Nguồn tin: www.simonhoadalat.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập486
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm479
  • Hôm nay128,211
  • Tháng hiện tại933,466
  • Tổng lượt truy cập58,219,335
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây