Giáo hội và Trung quốc: Tương lai sẽ như thế nào?

Thứ ba - 23/01/2018 09:54

-

-
Tại Trung quốc, chính quyền chỉ thừa nhân năm tôn giáo lớn, đạo lão, phật giáo, hồi giáo, tin lành và kitô giáo. Mỗi tôn giáo, họ áp đặt các tổ chức kiểm soát. Giáo hội công giáo là một trong các tôn giáo lớn này, nhưng trong nội bộ Giáo hội, tất cả không chấp nhận thực tế này.
Giáo hội và Trung quốc: Tương lai sẽ như thế nào?
 

Linh mục Antonio Spadaro phỏng vấn Linh mục Joseph Shih
 
Tôi gặp linh mục Joseph Shih ở nhà gác cổng của nhà thường trú các tu sĩ Dòng Tên “San Pietro Canisio” cách Vatican hai bước. Báo Văn minh Công giáo đã đăng hai bài của cha, nhưng tôi chưa bao giờ gặp cha. Cha năm nay đã 90 tuổi, cha cười và ân cần tiếp tôi. Gương mặt của cha hằn dấu vết của bao kinh nghiệm sống, nhưng đượm nét của một đời sống nội tâm thanh thản, bình an.
 
Tôi xin cha nói về cha, tôi muốn cha nói cho tôi nghe về cha. Cha nói: “Cha mẹ tôi có mười người con, năm trai, năm gái. Chúng tôi tất cả đều sinh và lớn lên ở Thượng Hải. Tôi sinh ở thành phố Ninh Ba và tuổi thơ ấu, tôi sống ở nhà quê với bà ngoại. Tôi còn nhớ, tôi học trường tiểu học Thánh Lu-i và trường trung học Thánh I-Nhã, ở  Zi-Ka-Wei. Tôi đi lễ mỗi ngày ở nhà thờ giáo xứ. Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 – 1941, các tu sĩ Dòng Tên Canada làm việc ở Từ Châu, họ đi về ở Zi-Ka-Wei. Một vài cha đi lễ thường xuyên ở giáo xứ tôi. Năm 1944, tôi học xong ở trường Thánh I-Nhã, trong lòng tôi chín muồi ơn gọi đi tu Dòng Tên. Tôi vào Dòng Tên ngày 30 tháng 8 năm 1944. Tôi chịu chức linh mục ở Phi Luật Tân năm 1957”.
 
Tôi hỏi cha được đào tạo như thế nào, quá trình của cha và cha có đi nhiều nơi trên thế giới không. Cha cho biết, cha có đến Rôma, rồi đi Đức và Áo. Sau đó cha được về Rôma để học, rồi dạy ở trường Đại học giáo hoàng Gregoria. Để chuẩn bị dạy học, cha đã học một năm rưỡi ở Đại học Harvard, rồi sau đó cha đi Phi châu sáu tháng để quan sát các hệ quả của việc quốc gia độc lập trên Giáo hội công giáo ở châu lục này. Rồi linh mục Bề trên Tổng quyền Pedro Arrupe khuyên cha nên đi Châu Mỹ La Tinh để cũng quan sát kết quả này. Vì thế cha biết nước Ba Tây, nước Argentina. Tại Rôma, cha dạy ở Đại học giáo hoàng Gregoria trong vòng 35 năm, cha làm việc ở ban Trung ngữ Radio Vatican 25 năm. Cha nói tiếp: “Khi đó cha Michael Chu đến dâng thánh lễ và thánh lễ được phát về Trung quốc. Cha Berchmans Chang gởi các bài về thần học và linh đạo. Cha Matteo Chu có một hộp thư để chúng tôi thảo luận với các thính giả về các vấn đề của Giáo hội ở Trung Hoa”.
 
Từ năm 2007, khi linh mục Dòng Tên Lim Hwan điều hành ban Trung ngữ Radio Vatican thì cha Shih rời Rôma. Cha kể: “Khi đó tôi bỏ nhiều thì giờ ở Thượng Hải. Tôi biết, bổn phận của tôi là làm chứng cho Giáo hội công giáo, Giáo hội duy nhất dù Giáo hội đó ở Rôma hay Thượng Hải, thì cũng là một Giáo hội thánh thiện, công giáo và tông truyền”.
 
Đức Phanxicô đặc biệt yêu thương Giáo hội Trung quốc và quan tâm đến tương lai người công giáo ở Trung hoa. Ngài cầu nguyện, ngài yêu thương họ với một tình thương phụ tử. Ở Trung quốc, giáo dân có cảm nhận sự quan tâm đặc biệt này của ngài không?
 
Ba đời giáo hoàng vừa qua, giáo hoàng tôi biết nhiều nhất là Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, ngài hiểu lịch sử Giáo hội Trung quốc: ngài yêu đất nước Trung quốc, ngài có cảm tình với các Nước Thứ Ba và ngài hiểu lịch sử Giáo hội Trung quốc. Trong triều giáo hoàng của mình, ngài làm việc rất nhiều để cổ động cho sự hòa giải giữa Giáo hội và chính quyền. Nhưng đáng tiếc, vì vai trò của ngài trong sự sụp đổ của cộng sản ở Âu châu, nên chính quyền Trung quốc không tin tưởng ngài. Đức Bênêđictô XVI cũng gởi một thư cho Giáo hội công giáo Trung quốc, ngài nói đến con đường nên theo để thoát ra khỏi các khó khăn hiện nay. Ngài có viết một kinh cầu Đức Mẹ Xà Sơn để xin người công giáo trên khắp toàn cầu cầu nguyện cho Giáo hội Trung quốc. Chúng tôi, người công giáo Trung Hoa, chúng tôi biết ơn và rất kính trọng ngài. Còn Đức Phanxicô thì rất được yêu mến: mọi người mến phong cách của ngài và nhận thấy tình phụ tử nơi ngài.
 
Trong những năm gần đây, trên bình diện xã hội và kinh tế, Trung quốc đã phát triển vượt bực và đáng ngạc nhiên. Đời sống Giáo hội có thay đổi cùng lúc với xã hội không? Đâu là kinh nghiệm riêng của cha?
 
Có, đời sống của Giáo hội cũng thay đổi theo xã hội. Trên thực tế, đa số người công giáo Trung quốc sống ở miền quê, trong khi bây giờ người trẻ rời làng để ra thành phố tìm việc. Thường thường cha mẹ đi theo con để chăm sóc con. Nhà thờ mất giáo dân. Các người công giáo xưa bị phân tán. Ngoài ra, dù người Trung Hoa bây giờ có giàu hơn những năm trước đây, nhưng họ cũng không cảm thấy mình hạnh phúc. Ngược lại, họ lo hơn. Bây giờ họ phải tìm việc làm, mua nhà, cho con học trường tốt và lo để dành để khi về hưu được thoải mái. Giữa bao nhiêu lo âu này, cảm thức tôn giáo tự nhiên trồi lên. Cũng không nên ngạc nhiên khi thấy trong những năm gần đây, số tín hữu của các tôn giáo khác nhau ở Trung quốc đã tăng lên một cách đáng kể. Giáo hội công giáo cũng ở trong số này. Hiện nay tôi ở  Zi-Ka-Wei, trước đây là một làng kitô giáo. Hồi xưa các gia đình công giáo sống chung quanh nhà thờ Thánh I-Nhã và cũng là nhà thờ giáo xứ. Bây giờ Zi-Ka-Wei là một trung tâm thương mại của Thượng Hải. Các căn nhà xưa đã bị phá sập. Người dân đã ở đây từ lâu, bây giờ họ dọn đi chỗ khác. Hiện nay chiều thứ bảy và ngày chúa nhật có bảy thánh lễ ở nhà thờ Thánh I-Nhã, thánh lễ nào cũng đông giáo dân. Cũng còn một vài giáo dân cũ của giáo xứ Zi-Ka-Wei đi lễ sớm ngày chúa nhật, còn các lễ khác thì đa số là các tín hữu mới ở các vùng khác đến. Trong số họ, có rất nhiều người trẻ và trí thức.
 
Tại Trung quốc, hiện nay bối cảnh xã hội-kinh tế phân biệt nhau qua rất nhiều hình thức. Một cái nhìn sơ qua có vẻ không đúng và không thể thấy hết các khúc mắc và phức tạp của xã hội Trung Hoa. Phải vượt lên các thành kiến và các bề ngoài. Tóm lại, chúng ta nên bi quan hay lạc quan? Làm thế nào cộng đoàn công giáo Trung quốc sống trong giai đoạn lịch sử này?
 
Tôi lạc quan. Trước hết, vì tôi tin ở Chúa. Chúa là Thiên Chúa của lịch sử con người. Dù thế nào, lịch sử cũng đi tới, lịch sử không bao giờ tách ra chương trình cứu chuộc của Chúa, được hướng về vinh quang của Chúa và cứu độ cho con người. Và như cha nói, phải vượt lên các thành kiến và các bề ngoài. Nếu chúng ta không kẹt vào thành kiến, nếu chúng ta biết nhìn vượt lên bề ngoài, thì chúng ta thấy các giá trị nền tảng của chủ thuyết xã hội mà chính quyền Trung quốc mơ ước, cũng không tương phản với Tin Mừng mà chúng ta tin. Và nếu Giáo hội của đất nước chúng tôi có được sự dung thứ hỗ tương với chính quyền, thì chúng tôi có thể sống và hành động tại nước chúng tôi. Chính vì vậy mà tôi không bi quan, tôi lạc quan.
 
Trong Giáo hội cũng như ý kiến quần chúng quốc tế, mọi người nói nhiều đến đối thoại giữa Tòa Thánh và chính quyền Trung quốc. Một người quan sát tinh ý sẽ thấy, cùng đích của các cuộc thảo luận này có bản chất thiết yếu là mục vụ, trước khi là chính trị, xã hội hay ngoại giao. Đương nhiên, trong cuộc gặp gỡ, một bên cần thanh tẩy ký ức, bên kia cần quyết tâm lất qua một trang lịch sử mới. Làm thế nào người công giáo Trung quốc, đầu tiên hết, dấn thân trên con đường hòa giải và cổ động cho sự hiệp thông trong Giáo hội?
 
Tại Trung quốc, chính quyền chỉ thừa nhân năm tôn giáo lớn, đạo lão, phật giáo, hồi giáo, tin lành và kitô giáo. Mỗi tôn giáo, họ áp đặt các tổ chức kiểm soát. Giáo hội công giáo là một trong các tôn giáo lớn này, nhưng trong nội bộ Giáo hội, tất cả không chấp nhận thực tế này. Như thế trên quan điểm chính quyền, Giáo hội công giáo có hai phe. Chính quyền chấp nhận phe công nhận luật của họ về các sinh hoạt tôn giáo. Báo chí phương Tây nói đến “Giáo hội chính thức” hay Giáo hội yêu nước và “Giáo hội chui”. Người công giáo sống ở Trung quốc biết các định nghĩa này, tuy nhiên họ biết phân biệt giữa đức tin của họ với chính trị tôn giáo của nhà nước. Đối với họ, Trung quốc chỉ có một Giáo hội, đó là Giáo hội công giáo, thánh thiện và tông truyền. Trong Giáo hội này có hai cộng đoàn khác biệt, mỗi cộng đoàn có giám mục, có linh mục của mình. Các tranh cãi giữa hai giáo hội không phải do khác nhau về mức độ đức tin, nhưng đúng hơn là về cách diễn tả các xung đột lợi ích tôn giáo. Thêm nữa, từ những lời kêu gọi kiên trì của Đức Gioan-Phaolô II, cả hai bên đã bắt đầu giải hòa. Việc phong giám mục cho Giám mục Hình Văn Chi (Xing Wenzhi) năm 2005 là bằng chứng hiển nhiên. Hiện nay Tòa Thánh đang đối thoại với nhà nước Trung quốc, những người chống chỉ làm thái quá cho sự khác biệt giữa “Giáo hội chính thức” và “Giáo hội chui”, họ khai thác mà không ngại là sẽ làm chận đứng cuộc đối thoại đang diễn ra. Điều này tuyệt đối không giúp gì cho đời sống và sứ vụ của Giáo hội ở Trung quốc.
 
Người ta thường nói trong các trường hợp này, phải “thực tế một cách lành mạnh”. Làm sao nguyên tắc này áp dụng được ở Trung quốc?
 
Nhà nước Trung Hoa là nhà nước cộng sản. Đây là một thực tế sẽ chưa thay đổi ngay. Nhưng Giáo hội Trung quốc phải duy trì một vài tương quan với nhà nước Trung quốc. Nhưng tương quan nào? Một tương quan chống đối? Thì sẽ đi vào con đường chết? Một tương quan thỏa hiệp? Cũng không, vì Giáo hội sẽ mất căn tính. Như vậy, tương quan duy nhất là hai bên dung thứ lẫn nhau. Dung thứ khác với thỏa hiệp. Thỏa hiệp là nhường một cái gì cho bên kia, đến một điểm mà bên kia bằng lòng. Dung thứ là không nhường gì hết, cũng không đòi hỏi bên kia phải nhường gì. Tuy nhiên sự dung thứ giữa Giáo hội và nhà nước cần một tiền đề, có nghĩa là Tòa Thánh không chống đối nhà nước. Trên thực tế, nếu Tòa Thánh chống đối nhà nước thì Giáo hội Trung quốc buộc phải chọn giữa hai, Giáo hội dứt khoát sẽ chọn Tòa Thánh. Từ sự kiện này, nhà nước sẽ bất bình. Người ta sẽ tự hỏi: nhưng nếu Tòa Thánh không chống đối nhà nước thì nhà nước có dung thứ Giáo hội Trung quốc không? Tôi chỉ có thể nói, Giáo hội công giáo tồn tại và hoạt động ở Trung quốc. Điều này có nghĩa, một cách nào đó, sự dung thứ đã được chứng nghiệm ở đây.
 
Theo phong cách “thực tế một cách lành mạnh”, người ta có thể giải thích sự khó khăn trong trường hợp của Giám mục Tađêô Mã Đạt Khâm, giám mục phụ tá Thượng Hải không?
 
Giám mục Tađêô Mã Đạt Khâm được phong giám mục ngày 7 tháng 7 năm  2012. Lúc đó, giám mục được cả Tòa Thánh và nhà nước chấp nhận. Nhưng sau đó ngài tuyên bố rời Giáo hội yêu nước nên ngài bị buộc phải rời Xà Sơn, ngài chưa bao giờ đảm nhiệm chức vụ giám mục. Vào tháng 6 vừa qua, trên trang mạng của mình, ngài lấy làm tiếc là đã rời Giáo hội yêu nước. Gần đây, nhân ngày lễ Phục Sinh, ngày 6 tháng 4, ngài đến bang Phúc Kiến và dâng thánh lễ với giám mục “bất hợp pháp” Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu). Truyền thông Âu châu bắt đầu nói đến sự “quay lại” và “phản bội” của ngài. Tôi biết rõ giám mục Mã Đạt Khâm. Ngài không quay lại cũng không đầu hàng: tôi nghĩ đúng hơn là ngài đã “tỉnh thức”. Cha thấy đó, rất nhiều người nói họ yêu nước Trung Hoa, nhưng họ có một khái niệm trừu tượng về đất nước. Có thể họ yêu một nước Trung Hoa Khổng Tử hay Trung Hoa Tưởng Giới Thạch. Đối với giám mục Mã Đạt Khâm, yêu nước Trung quốc là yêu một cách cụ thể, có nghĩa là yêu nước Trung quốc hiện nay, một nước Trung quốc do đảng cộng sản cầm quyền. Và, ngài không nghĩ Giáo hội nhất thiết phải chống chính quyền Trung quốc; ngược lại, ngài hiểu, để có thể tồn tại và làm việc ở Trung quốc hiện nay, Giáo hội phải ít nhất tỏ ra dung thứ dưới mắt nhà nước. Tóm lại, Đức Giám mục Mã Đạt Khâm là một giám mục Trung Hoa tiêu biểu cho một thực tế lành mạnh. Việc ngài đến Phúc Kiến và dâng thánh lễ với giám mục “bất hợp pháp” Chiêm Tư Lộc là để giải hòa với nhà nước Trung Hoa. Giám mục Khâm là một giám mục Trung Hoa sống tại đất nước Trung Hoa. Dù hiện nay ngài bị quản thúc, ngài đang cố gắng có quan hệ với nhà nước. Tôi mong Tòa Thánh nâng đỡ ngài và để cho ngài cố gắng thử. Sự giải hòa giữa Giáo hội Trung quốc và nhà nước là điều mà Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II quan tâm trong suốt triều giáo hoàng của mình. Ngày nay, Giám mục Mã Đạt Khâm đang tìm cách để thực hiện việc giải hòa này. Từ trên trời, xin Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II chúc lành cho giám mục Khâm!
 
Các giám mục, linh mục, giáo dân đã đau khổ nhiều trong hàng chục năm qua để làm chứng cho đức tin của mình và để làm chứng cho tình yêu của họ đối với Giáo hội là rất nhiều. Lòng trung tín của họ dạy gì cho Giáo hội ngày nay và cho các thế hệ sau?
 
Câu hỏi của cha nhắc tôi nhớ đến bài giảng tôi giảng vào ngày chúa nhật thứ 12 thường niên. Ngày chúa nhật đó, chúng tôi đọc đoạn Phúc Âm Thánh Mát-thêu (10, 26-33). Trong bài giảng tôi nói: “Đoạn Phúc Âm anh chị em vừa nghe là đoạn Chúa Giêsu nói với các môn đệ. Khi nghe lời này, chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu rất, rất nghiêm khắc. Thật ra, ngài nói chúng ta không được sợ những người có thể giết thể xác chúng ta, họ không thể nào giết tâm hồn chúng ta; đúng hơn, chúng ta phải sợ những người làm cho chúng ta sa địa ngục cả hồn lẫn xác. Chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu, Đấng muốn cứu chúng ta, Ngài không thể cứu những ai không đủ can đảm để tuyên xưng đức tin của mình. Ngoài ra, Chúa Giêsu trấn an chúng ta, chúng ta không có việc gì phải sợ. Chúa còn lo cho hai con chim sẻ, còn lo cho sợi tóc trên đầu chúng ta thì Ngài cũng nghĩ đến chúng ta”. Nhiều giám mục, linh mục, giáo dân đã đau khổ nhiều trong hàng chục năm qua để làm chứng cho đức tin của họ và làm chứng cho tình yêu của họ, họ hiểu và đi theo lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Và bây giờ, qua gương của họ, chúng tôi chúng tôi trao truyền lại cho chính mình và cho các thế hệ sau. Hơn nữa, “máu các vị tử đạo là hạt giống cho tín hữu kitô”. Nhờ họ, ngày nay, người công giáo Trung Hoa chúng tôi mới hưởng được một hình thức bình an, và con số những người đi dự thánh lễ trong giáo xứ chúng tôi ngày càng tăng. Chúng tôi rất biết ơn về điều này.
 
Riêng cha, cha chúc gì cho con đường của các tín hữu công giáo Trung quốc?
 
Tôi mong là họ không nên giống như một số người sống ngoài nước Trung quốc, những người này lo cho số phận người công giáo ở Trung quốc một cách không lịch sự, làm hại cho Giáo hội. Tôi mong người công giáo Trung quốc không bị buộc phải đi chỗ khác, để trở thành khách trọ hay người tị nạn. Ngược lại, tôi mong người công giáo Trung quốc có thể sống một cuộc sống tín hữu kitô đích thực ở trong nước chúng tôi. Hiện nay đang có đối thoại giữa Tòa Thánh và nhà nước: tôi mong Tòa Thánh không đặt cho nhà nước một lý tưởng quá cao và không thực tế, buộc chúng tôi phải chọn lựa giữa Giáo hội và nhà nước Trung Hoa.


Antonio Spadaro sj, Civiltà Cattolica -Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tác giả: Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập266
  • Hôm nay34,519
  • Tháng hiện tại767,928
  • Tổng lượt truy cập58,053,797
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây