Tượng Nữ Thần Tự Do New York được Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1984, tuy chỉ là một pho tượng đứng nhìn ra biển, nhưng người dân khắp thế giới ai ai cũng đều ao ước được gặp nữ thần một lần.
Tượng Nữ Thần Tự Do đứng trước cửa sông Hudson nhìn về hướng Đông phía Atlantic Ocean.
(Hình: ATNT Tours & Travel)
Cuộc chiến tranh giành độc lập của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ trước đế quốc Anh vào cuối thế kỷ 18 (1776) đã được nước Pháp, một đồng minh của quân thuộc địa, là quốc gia đầu tiên thừa nhận sự độc lập của 13 tiểu bang thuộc địa Hoa Kỳ vào năm 1777.
Một trăm năm sau, người Pháp đã có ý tưởng tặng một món quà tinh thần nào đó cho đất nước Hoa Kỳ, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày tuyên ngôn độc lập Hợp Chúng Quốc. Tượng Nữ Thần Tự Do tại New York ra đời từ ý tưởng đó.
Edouard Laboulaye một nhà sử học-luật học và cũng là một chính trị gia của nước Pháp, đã đưa ra một ý tưởng làm một tượng đài nào đó để tặng nước Mỹ. Ý tưởng này đã tạo niềm cảm hứng cho một nhà điêu khắc trẻ tuổi Frederic Auguste Bartholdi của Pháp.
Bartholdi cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời để mình có thể vươn lên cao trong lý tưởng và công việc của mình. Hình ảnh diễn tả về “sự tự do” như chuyện Nữ Thần Libertas trong chuyện thần thoại La Mã, đã tạo cho ông ấn tượng mạnh mẽ về sự điêu khắc một pho tượng Tự Do.
Nhưng ý tưởng của ông đi xa hơn nữa, làm sao pho tượng Tự Do còn nói lên ý nghĩa của sự độc lập của đất nước Hoa Kỳ. Thế kỷ 19 tuy là thế kỷ đã thay đổi tư tưởng của lục địa Âu Châu khá nhiều so với các thế kỷ trước. Tuy nhiên, sự chật hẹp của tư tưởng về tôn giáo và chính trị vẫn còn hiện diện. Đồng thời sự thay đổi nền kinh tế tư bản vào thời điểm đó đã tạo ra những điều bất công khốn cùng cho giới nghèo trong xã hội. Từ đó, tượng “Liberty Enlightening the World” (ánh sáng tự do tỏa ra toàn thế giới) đã lóe lên trong ý nghĩ của ông.
Để thực hiện giấc mơ, năm 1871 ông đã làm một chuyến vượt Atlantic Ocean từ Paris đến New York để tìm kiếm một địa điểm để có thể dựng tượng. Khi con thuyền bắt đầu đến gần hải cảng New York, không gian hai con sông Ðông và Tây Hudson giao nhau tại phía Nam khu phố Manhattan trước khi tuôn đổ ra biển Atlantic Ocean. Đây cũng chính là cửa biển mà các tàu thuyền từ Âu Châu mỗi khi đến New York đều phải sử dụng cửa ngõ này. Hơn nữa, ở giữa cửa biển có một hòn đảo Bedloe (sau này được đổi tên thành Liberty Island) nằm giữa ranh giới biển và sông. Thật là tuyệt vời nếu người ta dựng một ngọn đèn hải đăng, thắp sáng nơi đây vào những tháng sương mù giúp thuận tiện cho con đường hàng hải Âu Châu-Hoa Kỳ.
Hình ảnh không gian này đã cho Bartholdi biết ngay địa điểm nên đặt pho tượng “Liberty Enlightening the World” ở đâu.
Ông và các bạn trong nhóm bắt tay vào công việc thiết kế. Thiết kế điêu khắc pho tượng chỉ là một trong những khó khăn mà ông gặp phải. Sau khi đã hoàn thành pho tượng, Bartholdi cần đến trợ giúp của nhà kiến trúc lừng danh nước Pháp là Gustave Eiffel (người đã xây tháp Eiffel nổi tiếng của Paris), thiết kế khung sườn của pho tượng có thể chịu đựng sóng gió giông bão tại ngay cửa ngõ biển ra vào New York. Hơn thế nữa, pho tượng Nữ Thần Tự Do không đủ tài chính để hoàn thành nếu không có sự giúp tay của nhà báo Joseph Pulitzer, là người đã vận động quyên góp tiền bạc cho công trình văn hóa này.
Bartholdi đã làm ra tất cả sáu pho tượng mẫu, trước khi ông chọn ra khuôn mẫu cho bức tượng lớn hiện nay. Những pho tượng mẫu đều không khiến ông hài lòng vì một số điểm nào đó. Ông lấn cấn nhất là khi thiết kế khuôn mặt Nữ Thần Tự Do. Câu chuyện kể rằng trên con đường rong ruổi lý tưởng khi ông hoạt động tại Hoa Kỳ, ông gặp được người yêu trong mộng. Ông xin phép mẹ ông ở Pháp để làm phép cưới, nhưng mẹ ông không chấp nhận. Lý do tại sao, có lẽ không ai biết được tại sao mẹ ông không chấp nhận! Nhưng điểm này đã ảnh hưởng đến khuôn mặt của Nữ Thần Tự Do hiện tại.
Tượng Nữ Thần Tự Do trên sông Seine (tại Paris) nhìn về hướng Tây phía
lục địa Bắc Mỹ. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Một trong những khuôn mặt của pho tượng mẫu là khuôn mặt người yêu của ông (vợ ông sau này). Khuôn mặt rất đẹp rạng rỡ, nhưng Bartholdi không cảm thấy thoải mái với hình ảnh đó cho một nữ thần. Khuôn mặt đẹp nhưng không cho được sự uy nghi của một vị Nữ Thần Tự Do trong khuôn phép. Ông chợt nhớ đến khuôn mặt uy nghi và nghiêm khắc của mẹ ông. Vì thế tượng Nữ Thần Tự Do hiện tại mang nét mặt của mẹ ông, có lẽ bà mẹ không đẹp lắm nhưng rõ ràng cho người ta cảm nhận được nét nghiêm khắc của bà.
Nhưng khác hẳn những pho tượng nữ thần tự do khác (do các nhà điêu khắc khác đã làm trên toàn thế giới), tượng Nữ Thần Tự Do tại New York được thiết kế hoàn toàn dựa theo tinh thần Hoa Kỳ.
Tay tượng không bẻ gãy xiềng xích và cầm gươm như các pho tượng nơi khác, mà chân tượng tại New York được thiết kế đứng đạp đứt những gông cùm xiềng xích dưới chân, biểu tượng cho sự tự do dân chủ và bãi bỏ chế độ nô lệ. Tay phải của tượng cầm một bó đuốc như một ngọn hải đăng báo hiệu cho các tàu thuyền Âu Châu đã vượt đến New York. Tay trái của tượng cầm một cuốn sách, đó chính là ngày bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 1776 ra đời. Phải nói thêm một điều, cá nhân Bartholdi rất thích thú về Bản Tuyên Ngôn và Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Con người Hoa Kỳ có sự tự do. Tất cả những quyền tự do (*) đó đều được ghi trong bản tuyên ngôn độc lập và các tu chính án sau này. Tuy nhiên, tự do không phải là muốn làm gì thì làm. Không đếm xỉa gì đến trách nhiệm xã hội và đi ngược lại Hiến Pháp. Không những thế Liberty là sự tự do có văn hóa, tự trọng, tôn trọng và liên đới xã hội. Người ta rất dễ hiểu lầm về ý nghĩa tự do qua hình ảnh của tượng Nữ Thần Tự Do tại New York. Người công dân Hoa Kỳ hãnh diện về nét văn hóa của Statue of Liberty, không ai gọi đó là Statue of Freedom.
Tượng Nữ Thần Tự Do New York được thiết kế đầu thần đội vương miện có bảy tia ánh sáng tượng trưng cho bảy biển lớn (**) và bảy lục địa (***).
Ngày tòa tháp đôi World Trade Center chưa sụp đổ, tôi đã từng đứng từ trên tầng cao 107 nhìn về con sông West Hudson lặng lờ trôi, bên kia bờ là thành phố Newark của tiểu bang New Jersey với những bến thuyền dài ngắn không đều nhau nhô ra khỏi bờ sông. Chậm rãi bước về phía Nam, có lẽ đây là một hình ảnh đẹp nhất và xúc động nhất cho những ai thích về thiên nhiên và lịch sử.
Hai con sông Ðông và Tây Hudson giao nhau tại phía Nam Manhattan. Những chiếc thuyền bé li ti ra vào cửa biển tạo cho du khách ấn tượng sự to lớn của thiên nhiên và nhỏ bé của con người. Nhưng điểm nổi bật và xúc động nhất là hình ảnh của tượng Nữ Thần Tự Do đứng sừng sững trên đảo Liberty nhỏ bé, gợi lại cho du khách nhớ đến những ngày đầu lập quốc đầy những khó khăn của Hợp Chủng Quốc Hoa kỳ.
Đi một chuyến xa xôi hơn, vượt qua Đại Tây Dương đến kinh đô ánh sáng Paris. Làm một chuyến du ngoạn trên sông Seine đến đầu một đảo nhỏ Île aux Cygnes, bạn cũng sẽ bắt gặp một pho tượng “chị em” của Nữ Thần Tự Do New York, tượng đứng cao chừng hơn 11 mét. Bức tượng này nghe nói của người Mỹ tặng cho thành phố Paris. Mắt của tượng nhìn trông ngóng về hướng Tây nơi có “bà chị” Nữ Thần Tự Do đứng bên New York. Ngược lại, “bà chị” New York cũng dõi mắt nhìn về hướng Đông xem “bà em” bên kia Đại Tây Dương như thế nào. Hai chị em nữ thần tự do này đến nay tuổi thọ cũng đã trên 110 tuổi.
Nhưng đã đến Paris, bạn cũng nên ghé vào vườn Lục Xâm Bảo (Luxembourg) để thưởng ngoạn tượng Nữ Thần Tự Do Luxembourg. Tôi gọi thế vì nữ thần cư trú ở đây! Tượng này với kích thước nhỏ của Frederic A. Bartholdi được dựng ở đây từ năm 1906. Trước đó tượng này được giữ gìn trong viện bảo tàng Luxembourg (ngay cạnh cung điện Luxembourg) từ năm 1900. Không biết đây có phải là một trong sáu bức tượng kiểu mẫu mà ông đã làm trước khi quyết định chọn ra để làm phiên bản lớn là bức tượng Nữ Thần Tự Do New York hay không!
Tượng Frederic Auguste Bartholdi tại Liberty Square Park. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhưng phải nói thêm, Statue of Liberty bên New York trở thành bất tử là nhờ vào nhà thơ Emma Lazarus với bài thơ bất hủ “The New Colossus:”
“Give me your tired, your poor
Your huddled masses
Yearning to breathe free,
The wretched refuse of your teeming shore.
Send these, the homeless,
Tempest-tossed to me,
I lift my lamp beside the golden door!”
Dịch nghĩa:
“Trao ta
Những người nghèo khổ sức yếu
Những ai khốn khó cùng khao khát hơi thở tự do
Những sự khốn cùng trôi dạt từ các bến bờ
Những kẻ không nhà – dông bão vùi dập ném đi đời sống
Hãy gửi họ đến ta
Ta đưa cao ngọn đuốc Tự Do nơi đây, bên cánh cửa vàng!”
Tượng Nữ Thần Tự Do New York được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1984, biểu tượng cho những lý tưởng tự do, nhân quyền, dân chủ, bãi bỏ chế độ nô lệ, bình đẳng và cơ hội cho nhân loại. Tuy chỉ là một pho tượng đứng nhìn ra biển, nhưng người dân khắp thế giới ai ai cũng đều ao ước được gặp nữ thần một lần. Tuy nhiên, pho tượng này lại là một hung thần cho các chế độ độc đoán chuyên quyền. Không một chính quyền độc tài nào ưa thích ánh mắt nhìn uy nghiêm của Statue of Liberty.
Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
------------------------------
Chú thích:
(*) Các quyền tự do Hoa Kỳ: Tự do ngôn luận (Speech), Tự do tín ngưỡng (Religion (Press), Tự do hội họp (Assembly), Tự do có quyền kiến nghị (the right to petition the government).
(**) Bảy biển: Arctic Ocean, North Atlantic Ocean, South Atlantic Ocean, Indian Ocean, North PacificOcean, South Pacific Ocean, Antarctic Ocean.
(***) Bảy lục địa: Antarctic, North America, South America, Africa, Europe, Asia, Australia.