Đại sứ quán Hoa Kỳ cạnh Tòa thánh ở Roma cũng đã tổ chức sự kiện trực tuyến nhân dịp trao giải “Phụ nữ can đảm” vào cùng Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Trước buổi lễ, ông Patrick Connell, xử lý thường vụ của đại sứ quán Hoa Kỳ, nói rằng cá nhân ông được truyền cảm hứng từ "cuộc đời cống hiến cho hòa bình và công lý của sơ Alicia, đặc biệt là vì những người dễ bị tổn thương nhất." Ông cho biết, hơn 20 năm, sơ Alicia đã phục vụ tại những cộng đồng bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông, ủng hộ những người không thể lên tiếng nói ở những nơi bị chiến tranh và bất an bao vây. Ông nói: “Sơ Alicia đã làm việc với tư cách là một y tá chuyên nghiệp và một nhà vận động nhân quyền đấu tranh để trao quyền cho phụ nữ, giáo dục trẻ em và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế trong các cộng đồng chủ yếu là người Hồi giáo.”
Người nữ tu vì người nghèo
Là một nữ tu dòng truyền giáo thánh Comboni, sơ Alicia đã phục vụ người nghèo ở Ai Cập 8 năm; sơ điều hành một phòng khám y tế phục vụ 150 bệnh nhân có thu nhập thấp mỗi ngày. Sau đó sơ được gửi đến Betania, ở Bờ Tây; tại đây sơ đã thành lập các trường mẫu giáo và các chương trình đào tạo cho phụ nữ trong các trại Bedouin nghèo khó. Hiện tại sơ là điều phối viên khu vực của các nữ tu dòng Comboni ở Trung Đông, với 40 nữ tu trợ giúp các nạn nhân của bạn buôn người, người tị nạn và người xin tị nạn trong khu vực.
Năm 2020, sơ Alicia đã đến Ý để giúp đỡ các nữ tu cùng dòng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại tu viện của họ ở miền bắc nước Ý. Tại một hội nghị chuyên đề được các đại sứ quán Hoa Kỳ và Anh cạnh Tòa thánh tổ chức trực tuyến vào tháng 6 năm 2020, sơ đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong thời kỳ đại dịch: “Thật không may, một trong những cộng đoàn của chúng tôi ở Bergamo đã bị nhiễm virus corona ngay từ khi đại dịch bùng phát, và chúng tôi bắt đầu nhận được tin tức rất xấu từ cộng đoàn. Một số nữ tu trẻ, một số y tá chúng tôi tình nguyện và giúp đỡ họ.”
Chia sẻ cuộc sống và đau khổ với người dân là một đặc ân
Khi sơ Alicia đến Bergamo, ở miền Lombardia, tâm điểm của đợt bùng phát virus corona ở Ý, sơ thấy rằng nhà mẹ của dòng Comboni “thực sự hỗn loạn” bởi vì “mọi người đều bị bịnh.” Sơ ước tính có 45 nữ tu trong số 55 người sống ở Bergamo bị bệnh. 10 nữ tu trong cộng đoàn đã qua đời trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Sơ Alicia nói: “Sống bên trong nỗi đau của người dân ở Bergamo thật là một trải nghiệm rất mạnh mẽ”, một trải nghiệm về cuộc Thương khó của Chúa Kitô. Theo sơ, “là một nữ tu dòng Comboni, chia sẻ cuộc sống, đau khổ với người dân là một đặc ân, một quà tặng Thiên Chúa trao ban cho hội dòng.”
Giải thưởng quốc tế “Người Phụ nữ dũng cảm”
Giải thưởng quốc tế “Người Phụ nữ dũng cảm” được tổ chức từ 15 năm nay. Nó nhìn nhận “những phụ nữ trên toàn cầu đã thể hiện lòng dũng cảm và khả năng lãnh đạo phi thường trong việc ủng hộ hòa bình, công lý, nhân quyền, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, thường phải chịu rủi ro và hy sinh cá nhân lớn”.
Những nữ tu đã được trao giải
Sơ Alicia không phải là nữ tu đầu tiên được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải “Người Phụ nữ can đảm”. Năm 2019, sơ Orla Treacy, một nữ tu người Ai-len, dòng Đức Mẹ Loreto đã được nhận được giải thưởng vì công việc giáo dục các thiếu nữ ở Nam Sudan. Năm 2018, một nữ tu người Ý, sơ Maria Elena Berini, đã được vinh danh trong danh sách “Người Phụ nữ can đảm” vì công việc phục vụ những người phải di tản trong nước từ các khu vực xung đột ở Cộng hòa Trung Phi. Trước đó, năm 2017, sơ Carolin Tahhan Fachakh, dòng Salêdiêng người Syria, người đã chăm sóc cho các phụ nữ và trẻ em ở Damascus trong cuộc nội chiến Syria, đã nhận được giải thưởng.
Các nữ tu là những tia sáng hy vọng cuối cùng cho người khốn khổ
Đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh nói rằng sơ Alicia là một trong nhiều “nữ tu truyền cảm hứng cho người khác, những người làm việc không mệt mỏi để nâng cao phẩm giá và tự do của con người.” Ông lưu ý rằng các nữ tu thường phục vụ ở các khu vực mà chính phủ đã thất bại và nơi mà các tổ chức nhân đạo cố gắng để hoạt động và gặp rủi ro rất cao. Theo ông, “các nữ tu là một trong những đối tác quan trọng và hiệu quả nhất mà chúng tôi có ở tiền tuyến trong các cộng đồng mong manh trên khắp thế giới. Họ thường là những tia sáng hy vọng cuối cùng cho hàng triệu người, những người mà nếu không có các nữ tu thì tiếng nói của họ không được lắng nghe.” (CNA 09/03/2021)
Hồng Thủy - Vatican News
https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-04/alicia-vacas-moro-nguoi-phu-nu-can-dam-2021.html