Hàng chục năm tắm cho người nhiễm HIV.

Thứ ba - 24/04/2012 04:28

-

-
Người ta ghê sợ căn bệnh thế kỷ này. Nhưng bà thì không, bà đã tìm đến với họ, để đun một nồi nước lá tắm rửa cho họ những ngày cuối đời. Và khi những con người bệnh tật ấy về với đất, cũng chính bà là người thay gia đình rửa ráy, khâm liệm cho họ.
Hàng chục năm tắm cho người nhiễm HIV
 
Người ta ghê sợ căn bệnh thế kỷ này. Nhưng bà thì không, bà đã tìm đến với họ, để đun một nồi nước lá tắm rửa cho họ những ngày cuối đời. Và khi những con người bệnh tật ấy về với đất, cũng chính bà là người thay gia đình rửa ráy, khâm liệm cho họ.
 
Tìm đến khu chợ Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi không khó để tìm được bà Bùi Thị Đông vì bà làm lao công, từ sáng sớm đến tối mịt đều gắn với cái góc chợ này. Buổi chợ chiều đã tan, vẫn thấy một người đàn bà cần mẫn cọ rửa, dọn dẹp quanh khu chợ, tôi đoán ngay đó là bà và vào bắt chuyện. Đã qua rồi cái giai đoạn sợ sệt, lảng tránh vì bị kỳ thị, giờ đây có vẻ người đàn bà ấy đã biết chấp nhận, biết vượt lên và bình thản hơn với cuộc đời.
 

Công việc hàng ngày của bà Đông là dọn dẹp ở chợ Nhật Tân
 
Từ nỗi đau của mình
 
Đã ngót nghét chục năm kể từ ngày chính tay bà tắm rửa, khâm liệm cho người con trai và con dâu xấu số cũng bị nhiễm HIV của mình, nỗi đau có phần đã nguôi ngoai nhưng nỗi buồn thì vẫn chưa vơi trên khuôn mặt người đàn bà bất hạnh này. “Tôi sinh nó năm 1975, nghèo khổ lắm. Chửa được 2 tháng tôi đã phải đi khắp các bệnh viện để bán máu nuôi con. Ấy thế mà lớn lên nó nghiện. Tôi có 3 thằng con trai, nuôi 3 đứa bình thường đã vất vả, nay phải nuôi nó nghiện, tiền không có, đi vay không ai cho vì người ta bảo nhà tôi có thằng nghiện, lấy gì mà trả. Thế là chỉ còn cách lại bán máu, có tháng tôi phải đi bán máu tới mấy lần. Cho nó đi cai mấy lần nhưng đâu lại vào đấy, cứ về một thời gian nó lại nghiện. Thế rồi chuyện gì đến cũng đến, trong một lần nó đánh nhau phải đưa đi cấp cứu, bác sĩ thông báo nó bị nhiễm HIV”.
 
Đó là năm 2000. Một bà mẹ có người con nghiện đó đã là sự đau khổ, nhưng bà không ngờ đến ngày con bà phải lĩnh cái án tử sớm thế này, bà suy sụp, khủng hoảng. Nỗi đau không dám nói với ai. Khổ vì thiếu thốn túng thiếu đã đành, nhưng điều làm bà khổ tâm nhất là những lời xì xầm, bàn tán sau lưng. Không chịu được lời dị nghị, bà phải xin nghỉ việc ở một công ty Nhà nước. Đã mấy lần bà uống thuốc sâu tự tử, cũng may được mọi người phát hiện kịp thời. Rồi cũng phải sống, bà gượng dậy đi làm thuê làm mướn để tiếp tục nuôi đứa con nghiện ngập, nhiễm HIV. Nhiều lúc ngay chính bà cũng không thể hiểu được làm sao ông trời lại lấy đi nhiều thứ của bà đến thế, làm sao mà mọi khổ đau cứ đè nặng lên đôi vai bà như vậy. Thằng con nghiện của bà cũng kết hôn với một bạn nghiện. Một đám cưới vội vàng, một đám cưới với những lời dẻ bỉu diễn ra được hơn 1 năm thì cô con dâu của bà đã chết vì AIDS. Những ngày cuối cùng, chính bà là người thay rửa, chăm sóc cô gái ấy, và cũng là người đun nồi nước lá tắm rửa, khâm liệm con dâu. Lúc ấy, cả nhà không có một đồng nào, không ai cho vay mượn, chẳng có tiền mà hỏa thiêu, đám tang vắng tanh không người thăm hỏi. Thứ mà bà nhận được duy nhất sau đám tang của con là  ủy ban phường cho một ít vôi bột để rắc khắp nhà, khắp mộ để sát khuẩn… Còn nỗi đau nào hơn thế nữa không?
 
Sau ngày con dâu chết, người đời càng dị nghị, xa lánh, khinh miệt bà. Lúc đó bà cảm thấy mình như một con người khác. Như con nhím xù lông, nhìn đâu cũng thấy thù hận, bà hung dữ, hễ ai nói bóng gió, hỏi han xỉa xói là bà đáp lại bằng những lời cay độc, thậm chí sẵn sàng xông vào đánh nhau với kẻ nào dám xúc phạm bà. Cuộc đời của người đàn bà ấy cứ thế trôi đi trong tủi hổ. Rồi 3 năm sau, anh con trai cũng theo vợ ra đi. Mất con là nỗi đau tột cùng của người mẹ nhưng bà cũng chấp nhận vùi theo dưới 3 tấc đất, vùi cả những khổ đau của mình để được quên đi, được thanh thản, coi như nó trả nợ đời.
 
Con trai, con dâu chết vì AIDS, gia cảnh túng quẫn, cuộc sống rơi vào cảnh cùng cực. Người chồng bao năm chung lưng đấu cật nhưng đến lúc sa sút, tan nát lại bán hết của cải, bỏ nhà đi với người đàn bà khác, biệt tăm từ đó đến nay không tin tức. Nhưng bà cố gắng quên đi tất cả, bà tập vượt qua những nỗi đau và bình thản với nó. Nhưng số phận trớ trêu vẫn không buông tha người đàn bà bất hạnh ấy. “Cuộc đời sao bất công với tôi đến vậy. Thằng con thứ hai của tôi đã có vợ con tử tế đàng hoàng rồi vậy mà chán cảnh nhà nó cũng lao vào nghiện ngập tiêm chích và dính H”. Bà phát hiện ra điều này khi năm 2005, bà tham gia một câu lạc bộ đồng đẳng dành cho người có HIV, được tuyên truyền về HIV/AIDS, bà  bắt anh ta đi xét nghiệm máu.… Giờ đây niềm an ủi lớn nhất của bà là cô con dâu và các cháu đã  đi xét nghiệm nhưng không bị sao, hai đứa con nó rất ngoan, học giỏi. Vì sợ người đời kỳ thị nên bà phải gửi các cháu về nhà ngoại học…
 
Sống thiện
 
Là một người mẹ, phải tự mình tắm rửa và tiễn hai người con lầm lỗi về với đất, hơn ai hết, bà hiểu nỗi đau đớn, cô đơn, khổ sở của người nhiễm HIV giai đoạn cuối. “Chúng nó cũng là con người, cũng cần yêu thương chăm sóc. Có gì khổ hơn là lúc sắp chết mà không ai dám đến gần, hỏi han, chăm sóc”. Thế nên cả con dâu và con trai, những ngày cuối cùng, cơ thể lở loét, nội tạng bị phá hủy, một ngày đi ngoài không biết bao nhiêu lần, ăn đâu cho ra ở đấy, một tay bà phải lau rửa cho con.

Sau khi con bà chết, cũng có một vài người nhờ bà đến chăm sóc cho người thân của họ. Rồi nghe nói ở đâu có người nhiễm HIV giai đoạn cuối, bà tìm đến để tắm rửa cho họ, giống như những đứa con của mình vậy. Trước đấy, bà đã làm cái công việc tắm rửa, khâm liệm cho người già cả, người bị bệnh nan y hơn 20 năm trời. Thế nên sau khi các con chết vì HIV, những nhà có người bị nhiễm HIV cứ tìm đến bà, bà chẳng nhận một đồng thù lao nào.
 
Người đầu tiên chết vì AIDS mà bà khâm liệm là một trường hợp bệnh nhân lở loét đầy mình, đến người nhà cũng sợ, không dám động vào. “Nhìn nó chỉ còn da bọc xương, nằm co quắp, tôi cứ nghĩ nó cũng như con trai, con dâu mình, nước mắt trào ra, tôi xắn tay vào tắm rửa cho nó, ai cũng ngạc nhiên”.
 
Đến nay, bà cũng không thể nhớ được đã làm cái công việc tắm rửa cho bao nhiêu người AIDS để họ về bên kia thế giới. Việc làm này, với người chết bình thường vốn đã nhiều người sợ hãi, với người chết vì AIDS càng kinh khủng hơn. Lúc này, hệ miễn dịch cơ thể bị suy giảm hoàn toàn, hàng trăm thứ bệnh tật cơ hội khác, rồi cơ thể từ trong ra ngoài đều bị tàn phá, lở loét hôi tanh. Có trường hợp người chết từ sáng mà tận đến chiều vẫn không ai dám động vào khâm liệm, ruồi nhặng kéo đến, người nhà cứ đứng từ xa mà khóc vọng vào. Có bà đến thì người chết mới được tắm rửa sạch sẽ để về nơi chín suối. Sau này, người ta biết nhiều đến bà thì không chỉ việc tắm rửa khâm liệm cho người chết mà ngay cả những bệnh nhân có H giai đoạn cuối bà cũng đến tắm giúp. Bà chỉ người phụ nữ gầy gò bán rau ở phía xa: “Đấy, nó cũng bị nhiễm HIV đấy, trong người đầy mụn nhọt rồi, tôi phải tắm cho nó suốt. Nhưng cô nhớ đừng hỏi nó nhé, người ta kỳ thị lắm”.
 
Năm 2005, bà được mời tham gia câu lạc bộ đồng đẳng HIV của quận, ở đây bà được tập huấn, nâng cao nhận thức về HIV. Đồng cảm với hoàn cảnh của những người có H, bà càng ngày càng có thêm nhiều “khách hàng” là bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Tham gia câu lạc bộ, bà đã vơi bớt nỗi buồn, nỗi đau. Giờ đây, dường như không cần giấu giếm, bà sẵn sàng chia sẻ với người đối diện về hoàn cảnh gia đình mình. Chỉ có điều bà bảo đừng hỏi chuyện về con dâu bà vì “nó còn phải bán nước nuôi các con nó ở quê, không người ta nói này nói nọ thì khổ thân nó”.
 
Công việc tắm rửa, chăm nom người HIV không ra tiền, nhưng bà bảo làm để tích đức cho con cháu. Hiện tại bà đang làm lao công ở chợ Nhật Tân, được trả công hơn 2 triệu mỗi tháng, rồi ai có việc gì thuê bà cũng làm, mỗi tháng tất cả được hơn 3 triệu bạc cũng đủ để bà chi tiêu lúc tuổi già. Thôi cuộc đời bà như thế cũng là an phận. Giờ đây bà vẫn còn 2 đứa cháu nội ngoan ngoãn, học giỏi. Dù sao đó cũng là niềm an ủi còn lại của bà. Vì chúng mà bà sống thiện.
 
(Theo: ANTĐ)

Nguồn tin: tuan.xahoi.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập751
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm748
  • Hôm nay174,773
  • Tháng hiện tại1,087,037
  • Tổng lượt truy cập57,188,674
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây