Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể:"Bình đẳng trong trách nhiệm xã hội".
Tác giả: Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, TGP Huế. - Ngày đăng: 09/04/2009
Bài phát biểu của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể trong ngày khai mạc hội thảo “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường''
Kính thưa Quý Vị…
Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn Viện Tríết học và Tổ chức Misereor đã cùng HĐGM VN tổ chức Hội thảo quốc tế về “Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và liên đới xã hội” năm 2007 và năm nay lại cùng nhau tiếp tục đối thọai, với mong muốn tìm kiếm sự đồng thuận về “trách nhiệm xã hội”, thăng tiến tinh thần “trách nhiệm xã hội” và nhất là thúc đẩy sự thực hiện “trách nhiệm xã hội” của mọi tổ chức xã hội và mọi thành phần công dân.
Công bằng, trách nhiệm và liên đới là những khái niệm nền tảng của mọi xã hội nhân văn và cũng là những quan tâm hàng đầu của Giáo hội Công giáo, như được thể hiện qua giáo huấn xã hội của Công đồng Vatican II, của nhiều vị Giáo hòang liên tiếp và cũng là chủ trương của HĐGM Việt Nam, được thể hiện qua Thư chung 1980: “đồng hành cùng với dân tộc, phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Trong bối cảnh của đất nước hiện nay, vấn đề công bằng, liên đới, trách nhiệm trở thành những ưu tư lớn của nhiều người.
Các nội dung phong phú của khái niệm “trách nhiệm xã hội” đã và sẽ còn được Quý vị đây, là những chuyên gia về nhiều ngành khác nhau, phân tích, trình bày. Về phần mình, và theo chủ đề của Hội thảo, tôi chỉ xin đề cập đến một nhân tố, mà giới tôn giáo đang rất quan tâm, đó là sự bình đẳng trong trách nhiệm xã hội.
Khi nói đến “trách nhiệm xã hội” là đã đương nhiên hàm chứa trách nhiệm chung, trách nhiệm của mọi người, trách nhiệm của mỗi người, nghĩa là một nghĩa vụ đối với thiện ích chung, mang tính bó buộc đối với mọi tổ chức xã hội, kể cả cơ quan công quyền, và đối với mọi công dân, không lọai trừ một thành phần hay cá nhân nào.
Để hỗ trợ và triển khai một cách hiệu quả “trách nhiệm xã hội”, Nhà nước Việt Nam đã chủ trương “Đại đòan kết tòan dân”, nhấn mạnh cách riêng trong giai đọan chiến tranh. Vào thời kỳ kinh tế thị trường, khi không thể bao cấp hết trong mọi lãnh vực, Nhà nước chia sẻ “trách nhiệm xã hội” cho người dân qua chủ trương “xã hội hóa” trên các lãnh vực giáo dục, y tế, xã hội và văn hóa, vốn là những họat động mà trước đây do Nhà nước bao cấp, độc quyền.
Chúng tôi đồng tình với những chủ trương này. Chúng tôi vui mừng về những thành quả tốt đẹp phát sinh từ những chủ trương này, vì thế chúng tôi mong muốn những chủ trương này được thực hiện một cách toàn diện và triệt để hơn nữa.
Sở dĩ có mong muốn này là vì chúng ta đang chứng kiến hai tình cảnh trái ngược: một đàng, còn một số thành phần dân chúng, nhất là người nghèo thành thị và nông dân vùng sâu vùng xa, chưa được thụ hưởng những thành quả xã hội; một đàng khác, còn nhiều năng lực phục vụ chẳng những chưa được tạo điều kiện mà còn chưa đựợc phép thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Tôi muốn nói đến ở đây những rào cản chưa cho phép các tôn giáo tham gia, một cách bình đẳng và một cách bình thường, vào các hoạt động giáo dục, y tế, xã hội và truyền thông, trong khi các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng vốn có tâm huyết và sở trường về những lãnh vực này.
Chúng tôi nghĩ rằng đây là một nghịch thường mà nhiều người đã nhận thấy, nhất là khi chúng ta đã mở rộng những lãnh vực này cho người nước ngoài. Chúng tôi cũng tin rằng ở một cấp lãnh đạo nào đó, đang có những định hướng xóa bỏ điều nghịch thường này, nhằm thể hiện một cách thực chất chủ trương đại đoàn kết toàn dân và chủ trương xã hội hóa. Được như vậy, mọi năng lực mới được vận dụng hết, không bỏ phí; các đối tượng được phục vụ được mở rộng, góp phần cải thiện môi trường dân sinh và xã hội cũng như làm đẹp thêm hình ảnh một quốc gia Việt Nam an hòa.
Nhưng vấn đề không thể dừng lại ở chủ trương. Điều quan trọng hơn là đem chủ trương ra thực hiện một cách thực chất và chân thành. Trong chủ trương xã hội hóa, cũng cần như vậy. Để không một người thiện chí nào bị loại trừ. Để không một người tâm huyết nào bị thất vọng. Để không một năng lực nào bị lãng phí.
Chúng tôi sẵn sàng gánh vác trách nhiệm xã hội của mình. Tuy nhiên, trong việc thực thi trách nhiệm với đất nước, với đồng bào, chúng tôi không cầu mong ưu đãi, chúng tôi mong muốn bình đẳng. Chúng tôi mong muôn cộng tác với mọi người thiện chí, từ việc xóa đói giảm nghèo đến chăm sóc sức khỏe người dân; từ việc nâng cao dân trí đến việc thăng tiến các giá trị đạo đức, tinh thần nhằm xây dựng thành công một quê hương Việt Nam tân tiến, công bằng, tự do, độc lập, dân chủ và hạnh phúc.
Xin chúc Hội nghị đạt được những kết quả tốt đẹp nhất. Chân thành cám ơn Quý vị.
+
TGM. Nguyễn Như Thể